Dân ca Thái ở Sơn La (Trần Văn Quang) (Văn Hóa Tây Bắc)

Ảnh: Nhảy sạp- Một hoạt động văn hóa thú vị của người Thái ( Nguồn: st)

Dân ca Thái ở Sơn La có nhiều làn điệu, mỗi làn điệu lại gắn với những hình thức sinh hoạt âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, không phải hình thức sinh hoạt nào cũng đều có một làn điệu riêng. Trong đám cưới hay vui chơi giải trí hoặc trong bữa cơm ăn uống, họ thường sử dụng làn điệu Khắp báo sao (hát trai gái) và Khắp chôm mâng (hát chào mừng).       

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc của tổ quốc Việt Nam, bao gồm 12 tộc người cùng chung sống, trong đó tộc người Thái có số lượng đông nhất khoảng  611.120 người chiếm 54,10% dân số toàn tỉnh. Tộc người Thái ở Sơn La có một nền văn hóa nghệ thuật rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là dân ca Thái.
Tiếng Thái Khắp có nghĩa là hát, có thể kể đến như Khắp xư (hát thơ, ngâm thơ), Khắp chôm mâng (hát chào mừng), Khắp báo sao (hát giao duyên), Khắp loong tôông (hát xuôi theo cánh đồng), Khắp chiêu, khắp bắc (hát ứng tác), trong đó Khắp báo sao là một làn điệu được yêu thích và khá phổ biến, làn điệu hát này thường hát kể lể tâm tình, đối đáp nam nữ, nội dung nói về cuộc sống, nói về tình yêu, tình cảm nam nữ, hát trong lễ tết, hôn nhân, nhà mới... với nội dung trong sáng, ca ngợi tình cảm của con người, động viên nhau trong cuộc sống, vui chơi giải trí...
Lời hát trong Khắp là những lời được sắp xếp có vần, có điệu như những câu thơ. Hình thức chủ yếu là loại thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ đôi khi có thêm bớt, người ta ít thấy những câu lục bát hay tương tự lục bát và cũng ít gặp những bài kiểu tứ tuyệt.
Dân ca Thái phản ánh đa dạng cuộc sống của con người, có rất nhiều làn điệu khác nhau, mỗi làn điệu lại được sử dụng trong những môi trường nhất định: Trong lao động sản xuất, trong đấu tranh xã hội, trong nghi lễ tín ngưỡng, trong vui chơi giải trí…
            Có thể nói, trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và dân ca Thái nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người đặc biệt là đối với tộc người Thái.
            Trong cuộc sống lao động sản xuất, nuôi trồng, khai thác tài nguyên thiên nhiên hay những hoạt động liên quan đến đời thường con người đều được thể hiện trong các loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Người Thái cũng như các tộc người khác, khi mới sinh ra đã được nghe những làn điệu hát ru nhẹ nhàng sâu lắng đó là các làn điệu Khắp ú luk, ở tuổi thiếu niên, nhi đồng thường được tham gia các trò chơi kết hợp với các làn điệu đồng dao vui nhộn, ở tuổi trưởng thành có các làn điệu hát giao duyên trai gái Khắp báo sao hay hát chơi hạn khuống, khi xây dựng gia đình có là điệu hát trong hôn nhân cưới hỏi, xây dựng nhà cửa có hát xin lên nhà mới Khắp chôm mâng hướn máư, trong các hoạt động lao động sản xuất có hát trên nương, dưới ruộngKhắp loong tôông, hát trong lễ cầu mưa, cầu mùa màng bội thu…
Trong các chương trình, lễ hội giao lưu văn hóa văn nghệ tại địa phương không thể thiếu vắng những làn điệu dân ca Thái. Lời hát của các làn điệu các lời lẽ mang tính giáo dục con người, tình yêu quê hương đất nước.

Trong năm 2014, tỉnh Sơn La đã tổ chức “Liên hoan nghệ thuật Hát ru và dân ca lần thứ II” trên hầu hết các huyện và thành phố, chủ yếu là các làn điệu dâ ca Thái. Những nét văn hóa truyền thống của đồng bào tộc người Thái đã được tái hiện qua các màn biểu diễn nghệ thuật độc đáo. Hàng trăm nghệ nhân tham gia biểu diễn dân ca Thái, những giai điệu mượt mà, đằm thắm đã đưa người xem đắm chìm trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Sơn La.
            Trong đời sống của tộc người Thái có các phong tục mang tính chất tâm linh như: Cúng Bản, cúng Mường cúng nhà đều tổ chức một cách nghiêm túc, họ hát trong quá trình làm lễ cóKhắp xên mương (hát cúng bản cúng Mường). Thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng hay tang ma của người Thái cũng có các làn điệu cúng riêng như Khắp một lao (hát cúng chữa bệnh) có chín làn điệu khác nhau, Lễ Kin Pang Then cũng có hàng chục làn điệu.
Làn điệu khắp xư: Đây là một làn điệu phổ thông nhất trong dân ca Thái, nó tương tự như ngâm thơ của người kinh. Khắp xư có nghĩa là hát thơ, hát theo sách, theo truyện... Với làn điệu này có thể hát từ đầu đến hết bài thơ hay một câu chuyện dài, trong khi hát được phép thêm vào những nốt luyến láy, nhịp điệu đôi lúc có thể tự do, nhanh hoặc chậm hơn so với làn điệu chính để phù hợp với nội dung bài thơ. Mỗi vùng, mỗi địa phương có làn điệu hát thơ với mô hình giai điệu riêng.
Khắp xư có nhiều thể loại khác nhau:
Khắp xư toi căn: Dùng cho các em nhỏ đồng thanh hát.
Khắp xư khun lú nàng ủa (hát kể chuyện khún lú nàng ủa).
Khắp xư inh đai (hát kể chuyện Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài).
Khắp xư hướn máư (hát trong khi lên nhà mới).
Khắp xư kén kẻo (hát thơ kể chuyện kén kẻo).
Khăp xư cốn thảu: Dùng cho người già hát thơ, đây là làn điệu khá phổ biến ở vùng Thái Đen huyện Yên Châu.
 Khắp xư lếch nọi: Làn điệu dùng cho các em nhỏ vừa hát vừa chơi trò chơi.
Khắp chương: Làn điệu này dùng để hát kể sử thi về anh hùng  Chương Han của tộc người Thái…
Đối với âm nhạc tín ngưỡng có Khắp xư xên mo, Khắp xư xên mương, Khắp xư páo khuôn... đó là nững làn điệu chính trong nghi lễ tín ngưỡng của người Thái.
Làn điệu Khắp chiêu: Có thể nói làn điệu này phổ biến cũng không kém Khắp xư bởi tính ứng tác được dùng ở nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc, tiếng Xường (lời hô tán thưởng) của mọi người sau mỗi câu khắp kết thúc. Đó là kiểu người lĩnh xướng, quần chúng hòa theo.
Nhạc điệu của Khắp chiêu, thường bắt đầu bằng âm nhạc gọi tiếng Thái là Au hua người hát cất lên câu nhạc gọi, tập thể nhắc lại, tiếp theo người hát làn điệu với lời ca. Hết làn điệu người hát bắt sang câu nhạc đóng Au hang, cũng có thể gọi câu mở và câu hoặc dạo đầu, láy đuôi.
Làn điệu khắp loong tôông (hát xuôi theo cánh đồng): Làn điệu này về cấu trúc cũng giống làn điệu Khắp chiêu, đây là một làn điệu khá phổ biến ở vùng Mường La.
Cuộc sống của người Thái gắn liền với nông nghiệp. Bởi vậy, trong dân ca Thái có rất nhiều bài nói về cuộc sống lao động sản xuất, cày cấy, đi nương, đi ruộng…được phản ánh trong làn điệu Khắp loong tôông.
Làn điệu khắp báo sao (hát trai gái): Đây là một thể loại hát giao duyên rất phổ biến ở đồng bào Thái. Đối với làn điệu này phải có nam, có nữ cuộc khắp mới thật sự sôi nổi, làn điệu này lôi cuốn được mọi người, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, khắp báo sao là chủ chốt trong sinh hoạt hạn khuống, trong các tiệc rượu… Hát giao duyên từng đôi, hát trên thuyền, trong hôn nhân. Trong các lễ hội tín ngưỡng như Xên lảu nó, Xên bản, Xên mường... Đối với làn điệu Khắp báo sao ở mỗi vùng mang sắc thái địa phương riêng.
Ở vùng Thuận Châu thường dùng câu mở đầu là Hà..ôi, vùng Mường La Ầy.. dơ, vùng Quỳnh Nhai Oi...oi, vùng Mai Sơn Ỳ a ..ơi…
Tuy nhiên, qua thực tế diền dã tại các vùng Thái trên, chúng tôi nhận thấy: trong thời gian gần đây một số vùng đã có sự giao thoa về các làn điệu đó là: vùng Mai Sơn, Thành phố, Mường La, Thuận Châu, Sông Mã sử dụng làn điệu Khắp báo sao ở Thuận Châu là chủ yếu. Chỉ một số nghi lễ như khắp sên Bản khắp sên Mường, khắp mo và một số nghệ nhân có tuổi là còn sử dụng làn điệu đặc trưng của vùng mình.
Làn điệu khắp ú lụh: Làn điệu hát ru trẻ ngủ, với giai điệu mượt mà, tiết tấu khoan thai Khắp ú lụh có mặt ở mọi ngành Thái mỗi nhóm địa phương trong cùng một ngành Thái cũng có làn điệu ru con riêng.
Ngoài ra còn có Khắp một lao: Đây là làn điệu hát cúng, là điệu hát ma thuật sử dụng trong khi cúng tế người ốm để đuổi ma chữa bệnh (phần nhạc đệm cho hát cúng thường có một chiếc pí để đệm gọi là pí một lao, (có nơi dùng khèn bè hoặc tính tảu).
Khắp xe (Hát cho múa): Ngoài những làn điệu chúng tôi vừa giới thiệu ở trên thì phải kể đến một hình thức dân ca gắn liền với các điệu múa của tộc người Thái đó là các bài hát cho múa (khắp xe). GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh có viết trong cuốn Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc:
Khắp xe là thể loại hát cho múa, có số lượng bài bản giàu có nhất và đạt trình độ nghệ thuật khá cao. Các bài bản đều được định hình tương đối rõ ràng về nhịp phách và giai điệu. Nguồn gốc của các bài bản này chủ yếu xuất phát tự nghi lễ tín ngưỡng Kin Pang Then của người Thái Trắng. Chúng ta thường được nghe thấy những giai điệu khá quen thuộc như những bài nhạc múa Inh lả ơi, hái rau, Quát bók héo, Nhùm hớ, táng txạ...đều xuất phát từ nghi lễ này, trên nền giai điệu cổ đó có nhiều bài đã được các nhạc sĩ đặt lời mới.

Có thể nói, trong kho tàng âm nhạc dân gian Thái thì dân ca Thái có vai trò và vị trí hết sức quan trọng. Dân ca Thái phản ánh một bức tranh sinh động về cuộc sống của người dân lao động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dân ca Thái đang có nguy cơ bị mai một dần. Vì vậy, để bảo tồn gìn giữ và phát huy dân ca Thái cần phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành, đặc biệt là phải có giải pháp phù hợp để đưa dân ca Thái vào các cơ sở đào tạo thì việc bảo tồn dân ca Thái mới thật sự có hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Ban dân tộc tỉnh Sơn La (2013), Thống kê dân số Tỉnh Sơn La năm 2013.
2.      Ban nghiên cứu nhạc vụ nghệ thuật (1961), Dân ca Thái, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
3.      Bộ văn hóa (1961),  Dân ca Thái, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
4.      Vi Trọng Liên (2002), Vài Nét về người Thái ở Sơn La , Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
5.      Lâm Tô Lộc (1985), Xòe Thái , Nxb Văn hóa, Hà Nội.
6.       Mạc Phi (2013), Tiễn dặn người Yêu, Hội LHVHNT Tỉnh Sơn La.
7.       Lường Văn Quý - Vi Trọng Liên- Lương Văn Yệu (2009), Tiếng Hát Văn Hoan, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
8.       Tô Ngọc Thanh (2002), Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
9.       Cầm Trọng (1998), Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét