Lễ hội cầu an thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch hàng năm
(Cinet – DTV) - Lễ hội cầu an cho bản của người Thái (Sơn
La) là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở
Tây Bắc.
Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) của người
Thái, đặc biệt là người Thái Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, người Mường... là
một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc.
Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường,
đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất
trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).
Lễ hội cầu an thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu
tháng 2 âm lịch hàng năm, tại Thuận Châu, Mộc Châu gắn với tục giết trâu hiến
sinh cầu và tạ thần linh. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ dịp Tết Nguyên Đán, mọi
thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày. Người
chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản mường là a nha, nhưng
người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng (mo mường). Dân
chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia,
đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.
Bắt đầu ngày hội, người ta làm nhiều mâm cỗ cúng (mỗi mâm
cỗ tượng trưng cho một bản lớn, xưa, có tạo bản đứng đầu, các bản nhỏ không được
tượng trưng bằng mâm cỗ) đặt cạnh nguồn nước thiêng của mường. Khi buổi lễ bắt
đầu, mo mường quì trước các mâm cỗ, phía sau là a nha, tạo bản, dân mường qùi lễ.
Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, ông mo trang trọng, xuất thần đọc
bài cúng đã thông thuộc, mời tổ tiên (ông cha bà cố nội ngoại tiếng Thái là Pao
pu pang cải), thần đất (Chau đỉn), chủ nguồn nước (Chau nặm bo), thổ công thổ địa...
về nhận lễ vật, dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư bản mường; đồng thời cầu
mong tổ tiên thần linh ban phúc, phù trợ cho bản mường bình yên, làm ăn suôn sẻ,
con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi, gia súc gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn
xong, mo mường và các vị chức sắc cùng dân bản mường vái lạy tổ tiên và các vị
thần. Trong lúc đó, mo mường ném hai quả trứng (một đỏ, một trắng) và một nắm
cơm nhỏ xuống nguồn nước.
Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc ăn uống cộng
cảm, vui chơi thể thao, văn nghệ... Cuộc ăn uống cộng cảm diễn ra hết sức vui
nhưng đúng lễ nghi. Các ông mo mường, a nha, tạo bản... ăn làm phép ở mâm cỗ
chính, rồi đi từng mâm; ở mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu.
Kế đó, cả bản mường ăn uống vui vẻ cho bằng hết các mâm, không được bỏ thừa hay
đem về.
Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc ăn uống cộng
cảm, vui chơi thể thao, văn nghệ...
Để chuẩn bị cho việc diễn ra những trò chơi trong hội lễ,
ngay từ sáng tinh mơ của ngày đầu tiên, bên cạnh vị trí cúng lễ (mặt bằng, có
thể là bàn đá cạnh nguồn nước), người dân bản đã sửa sang, dọn dẹp một mặt bằng
rộng, cách nơi hành lễ khoảng trên dưới 100m. Mọi hoạt động hội hè, trò chơi,
văn nghệ, thể thao... đều được diễn ra nơi đây. Trời về chiều, trong tiếng trống,
tiếng chiêng dìu dặt lúc khoan lúc nhặt, dân làng tổ chức xòe vòng, xòe đôi,
xòe đơn thật hào hứng. Bên mâm rượu tập thể, những nam thanh nữ tú hát giỏi múa
hay, biết nhiều, nhanh nhẹn trong ứng đối vừa ăn uống, chọc ghẹo, vừa hát đối
đáp giao duyên. Họ hát giới thiệu, khen ngợi nhau, bày tỏ chí hướng, tỏ lòng với
nhau... trong men rượu, men tình... Bên cạnh đó, dăm bảy đôi nam nữ (thường là
những đôi đã ngầm kết nhau, tổ chức múa sạp, thi bắn nỏ, bắn súng hỏa mai. Nhiều
nơi còn có tục đi săn tập thể vào ngày kết thúc lễ hội.
Lễ hội cầu an của người Thái, Sơn La là dịp để mọi người
tụ họp, gặp gỡ với tổ tiên, thần linh, gặp gỡ với nhau trong cả sinh hoạt vật chất
lẫn hành động tâm linh; vừa bộc lộ niềm thành kính, ngưỡng vọng thánh thần, vừa
thể hiện sức mạnh của con người; vừa cầu phúc cho một cuộc sống hạnh phúc, an
bình, vừa bộc lộ khả năng vui chơi, thi tài... Có thể nói, lễ hội cầu an bản mường
là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các tộc Thái... một sinh hoạt
văn hóa dân gian tổng thể; một nguồn vui không thể thiếu của cư dân ít người
nơi rẻo cao Tây Bắc xa xôi, mỗi khi mùa hoa ban trắng nở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét