Khua luống đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc
Thái
(Cinet – DTV) - Vào những dịp Lễ, Tết, ở thôn Đắk Thanh,
xã Nam Xuân (Krông Nô, Đăk Nông), âm thanh rộn ràng, náo nức của tiếng chày
khua luống hòa trong tiếng trống chiêng của đồng bào Thái lại vang lên.
Khua luống trống, chiêng ở thôn Đắk Thanh không biết có từ
bao giờ, nhưng theo những người già kể lại thì nó có từ thời rất xa xưa và được
bắt nguồn từ việc giã gạo mà nên hễ là người Thái biết cầm chày giã gạo thì đều
biết khua luống, đặc biệt là con gái Thái. Dần theo thời gian, khua luống trở
thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của bản Thái...
Cái luống là hình máng dài, nơi dùng để giã tách hạt lúa
ra khỏi bông lúa. Luống được làm từ những cây gỗ to, thẳng, cắt thành khúc tùy
theo kích thước của luống, thường có chiều dài 3 m và đường kính khoảng 80cm,
được đẽo bớt ruột. Còn chày thì chọn những cây hoặc cành nhỏ, chắc thịt làm
chày để khi giã tiếng chày vang xa.
Người khua luống thường là phụ nữ và phải có ít nhất 7
người trở lên, trong đó 1 người giã nhịp còn những người còn lại thì khua. Khi
có nhiều người cùng đứng giã chung một cối gạo thì mọi người phải biết cách giữ
đều nhịp, tránh cho chày va đập vào nhau. Cứ thế qua thời gian, người phụ nữ
Thái khua chày thành điệu, thành bài, trở thành nét văn hóa nghệ thuật truyền
thống của dân tộc Thái.
Đặc biệt, khua luống thường kết hợp với trống, chiêng.
Khi các thành viên khác khua luống thì cần có 1 người đánh trống và 1 người
đánh chiêng. Khác với chiêng của đồng bào Tây Nguyên, chiêng của người Thái được
đánh bằng dùi, khi biểu diễn 4 cái chiêng được treo lên và chỉ cần 1 người
đánh. Sự kết hợp giữa khua luống và trống, chiêng tạo nên những âm thanh vui nhộn,
có nhịp điệu rõ ràng, thường là nhịp chẵn 2/4 hoặc 4/2.
Với những thanh âm vui nhộn, nên khua luống của người
Thái thường được tổ chức trong những dịp vui như lễ rước dâu, đám cưới, hay khi
tết đến xuân về, sự kiện văn hóa của địa phương. Người ta có thể đứng chung lại
và khua luống một cách ngẫu hứng, có sự điều khiển của một người cầm chày đứng ở
đầu luống. Vai trò của người đầu luống là gõ chày giữ cho nhịp điệu chung của
cuộc chơi được đều đặn thống nhất.
Khua luống được chia thành nhiều điệu như chào khách, mừng
cưới, mừng lúa mới… Tiếng khua luống thường hòa với chiêng, trống và nhảy sạp
làm cho không khí lễ hội, cưới hỏi... thêm vui tươi, náo nức như thúc giục, mời
gọi mọi người tham gia.
Khua luống đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc
Thái. Mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên là bàn chân người ta lại muốn bước,
cái bụng người ta lại muốn theo đến nơi có lễ hội, đến nơi vui chơi hay chỉ để
nhìn mặt ai đó lần cuối. Âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được
cái luyến láy, bổng trầm của những loại nhạc cụ hiện đại, bởi khua luống vốn
đơn giản như chính tâm hồn những người sáng tạo và biểu diễn nó, vậy mà bao đời
nay nó dường như đã trở thành thứ keo dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một
khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương, tình yêu; nó mang ý nghĩa
về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc…
Cho dù cuộc sống ngày càng đổi thay theo hướng hiện đại,
nhưng những người Thái ở thôn Đắk Thanh nói riêng và xã Nam Xuân nói chung vẫn
luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp của nghệ thuật khua luống trống
chiêng, không để bị mai một, quên lãng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét