Lễ Cưới cổ của người Thái đen Tây Bắc (Văn Hóa Tây Bắc)

Theo phong tục người Thái đen, cô dâu về nhà chồng phải tiến hành làm lễ búi tóc “Tằng cẩu”.

Hôn nhân của người Thái đen Tây Bắc là hôn nhân theo kiểu phụ hệ. Nguyên tắc cơ bản của hôn nhân là ngoại hôn dòng họ và hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Xưa kia người Thái chỉ kết hôn với người Thái, nhưng ngày nay việc lấy vợ lấy chồng dân tộc khác cũng được chấp nhận với điều kiện: dâu, rể của các dân tộc khác phải tôn trọng phong tục tập quán của người Thái.

Một đám cưới cổ của người Thái Mường Lò được tổ chức qua 6 bước: “Chóm pạư” - Thăm dò, “Pay tham pạư” - Đi ăn hỏi, “Khắt mák pú nợ” - Cắm lá trầu bé, “Khắt mák pú luông” - Cắm lá trầu lớn, “Tỏn pạư” - Đón dâu, “Ngái hua păn chường khá” - Tiệc đầu nhận lễ. Trong đó, lễ đón dâu rất được coi trọng. Đây là bước quan trọng nhất, được cả nhà trai và nhà gái tiến hành rất thận trọng, bởi từ giây phút trọng đại này, cô dâu chính thức trở thành một thành viên của nhà trai, từ đây hai gia đình đều chung tay giữ gìn cho bếp lửa gia đình đôi trẻ mãi nồng ấm.
Nhà trai đem lễ vật sang nhà gái gồm: 100 kg - 120 kg lợn hơi; một con lợn từ 3 kg - 5 kg mổ sẵn để thờ bên ngoại bố mẹ vợ; 10l - 120l rượu, 40 kg - 50 kg gạo nếp ngon; 10 con gà, trong đó bốn con mổ sẵn gói thành bốn gói, từng đôi một; 4 gói xôi; 12 ống cá hoặc thịt; 10 gắp cá xấy; 1 gắp trứng; 1 túi vải nhỏ vừng; 2 đôi vòng bạc, trong đó một đôi cho cô dâu; 1 chiếc lược sừng; 2 lọn tóc của bà, của mẹ gom sau mỗi lần chải và 1 chiếc trâm bạc để tằng cẩu; 80 miếng trầu têm sẵn gói trong 4 gói; 4 gói thuốc lào; 1 buồng cau; 80 lá trầu tươi kèm vỏ để ăn trầu; 1m vải đỏ; tiền công rể (800 đến 1.000.000 đồng ngày nay).

Nhà gái chuẩn bị lễ vật cho nhà trai: Từ 10 đến 12 chiếc đệm, 10 đến 12 chiếc chăn, 1 chiếc màn đen, 1 đến 2 chiếc hòm gỗ để đựng vải tự dệt, 2 chiếc bem đan bằng song, mây để đựng quần áo và đồ trang sức, 20 đến 30 chiếc đệm ngồi, 30 đến 40 chiếc gối, 2 chiếc áo dài - “sửa co long” tặng bố và mẹ chồng (những áo này cô dâu chỉ mặc khi bố, mẹ chồng qua đời và treo trên cây cảo bên mộ).
Bước tiếp theo là: “Khửn cẩu” hay còn gọi là: “Tằng cẩu” tức là búi tóc. Lễ này tiến hành tại nhà gái trước khi diễn ra lễ đón dâu vài giờ. Trước đó cô dâu gội đầu bằng nước vo gạo nếp cùng các loại lá thơm. Khi gội cô dâu được hai cô phù dâu giúp, xõa tóc thả xuống dòng nước gội đầu, vừa như ước mong mọi điều rủi ro sẽ trôi đi, chỉ còn lại trên đầu con vía tốt lành - “khuôn hua”. Gội xong, cô dâu được các cô phù dâu dìu về ngồi ngay ngắn trên sàn nhà, quay về phía mặt trời mọc, người dì (em mẹ chồng) khỏe mạnh, đức độ tằng cẩu cho cháu dâu (người tằng cẩu gọi là “nai cẩu”) trước sự chứng kiến của hai họ. Búi xong, “nai cẩu” gài trâm vào búi tóc và hát: “Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi”. 

Trong lễ vật của nhà trai, bao giờ cũng có hai búi tóc của bà, của mẹ chồng lựa gom sau mỗi lần chải cùng một chiếc trâm bạc, lúc này được búi cùng tóc của cô dâu. Từ nay cô dâu chỉ buông tóc xuống khi gội, ai tự ý thả xuống bị cộng đồng cho là người hư hỏng. Trách nhiệm, đạo lý mang tính truyền thống được trao cho cô dâu mới được biểu đạt vô cùng tinh tế.

Lúc này nhà trai làm tiếp các thủ tục như: Trải chăn đệm cho đôi vợ chồng trẻ - “sú phả”, nộp tiền công ở rể - “nộp ngướn công khươi”, bày mâm để trao tặng đôi vòng bạc cho bố mẹ vợ - “tánh khảu khen”, vải tặng mẹ vợ có ý biết ơn công mang nặng đẻ đau, nuôi dạy người vợ thân yêu của mình - “phả tốm kháư tốm ưn”, xin của cải nhà gái - “so sính so khong”, giao rể - “nộp khươi” và mời nhà gái sang nhà trai dự mừng vía - “so lúng ta tom khảu tám khuôn”... Đại diện nhà trai hát bài: “Chốm pạư” - mừng dâu: Xin ngọn mía đi trồng kề vườn rau/ Xin ngọn mía đi trồng vườn gừng/ Xin con gái đầu, con gái út của ông bà/ Xin con dâu nhất dâu nhì về làm trụ cột trong nhà/ Nhà tôi dù gió to không cũng xiêu, không đổ/ Dù mưa lớn không thể gẫy, không dột nát/ Về nhà tôi sẽ có sức khỏe ra suối bắt cá/ Ở nhà tôi tuổi càng cao càng mạnh khỏe/ Thóc gạo luôn đầy bồ/ Nhà gái có thương hãy gả con cho nhà tôi/ Nếu số mệnh chưa cân, ông trời sẽ làm cho cân/ Nếu vía chưa bằng, ông trời sẽ làm cho bằng/ Mai sau dù có giận nhau một tý rồi cũng sẽ yên lành, hạnh phúc!

Nhà gái hát bài: “Chốm khuôn” - mừng hồn vía dâu rể: “Gửi dâu lên nhà cô/ Dặn dò từ lúc con gái khi lấy chồng sẽ quen/ Con gái chúng tôi có gì vô ý xin đừng để bụng/ Xin hãy dạy từ nương về ruộng, dạy từ ruộng về nhà/ Gian của bố chồng đừng nằm/ Gối ông bác đừng gối/ Váy áo đừng phơi sàn cao/ Sàn cao là sàn của bố chồng/ Con khóc đừng rủa con chết/ Con chết không gì bù đắp nổi/ Con khóc lựa lời dỗ, gõ cây thổi sáo cho con nghe…”.

Bên nhà trai hát xin của: “Xin được dâu rồi muốn xin nữa/ Xin từ đũa từ bát/ Xin từ chiếc mâm chiếc vại/ Xin từ chiếc màn viền vải đỏ/ Xin cả chiếc dây để căng bức rèm/ Xin từ giống dê tốt Mường Bú/ Xin cả giống trâu sừng cong/ Trâu khéo cầy ruộng, ruộng mới tốt…”.

Bên gái lịch sự hát cho của, nhà gái nhún mình kêu nghèo khó, nhưng rồi cũng sẽ lo liệu đầy đủ những gì nhà trai yêu cầu. Gọi là “xin” và “cho”, thực chất là sự biết ơn với bậc sinh thành, hai họ cùng nhau vun vén cho đôi vợ chồng trẻ có đủ điều kiện ban đầu của cuộc sống mới.

Cuối cùng nhà trai hát mời ông bà thông gia cùng đến nhà trai mừng dâu rể.

Đúng giờ tốt, lễ đưa dâu tiến hành, nhà trai cử người khiêng lễ vật nhà gái tặng. Trước khi đưa dâu, bà mối của nhà trai đưa cho bà mối của nhà gái số tiền tương đương với 50.000 đồng ngày nay, tiền này khi cô dâu đến nhà trai sẽ được đặt vào mâm cúng, gọi là tiền mừng vía dâu rể - “ngớt tám khảu”. Khi đoàn người đón, đưa dâu tới nơi, nhà trai trải chiếu bên trong cửa chính, trên có mâm với những chén rượu đã rót đầy, mỗi người đưa dâu của nhà gái đều được mời cạn một chén và ăn một miếng trầu để tỏ tình thân thiện rồi mới được vào nhà, tục này gọi là “Lảu suối tin” - rượu rửa chân, mang ý nghĩa từ nay hai nhà coi nhau như ruột thịt, mọi người khỏe mạnh, không đau gối chồn chân, những bụi bặm đời thường được rửa sạch để từ nay chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Khi cô dâu vào nhà, bà mối hai bên cùng đưa cô dâu đến quỳ trước bàn thờ tổ tiên khấn lạy ba vái để báo cáo, rồi đi lạy từng mâm cỗ, những người đến dự ở từng mâm nhẹ nhàng chúc tụng và khuyên bảo đôi vợ chồng trẻ điều hay, lẽ phải, tục này gọi là: “Paự ók nả ro quám bok quam son” - ra mắt xin lời dạy bảo. Sau khi lạy hết các mâm, hai vợ chồng lại đi lạy từng mâm rượu lần nữa, với mục đích xin con xin cái - “So nó so nin”, có nghĩa là: Xin măng xin chàm, ngụ ý xin con. Khi dâu rể lạy xong, những người ngồi mâm rượu uống mỗi người một chén rồi bỏ tiền mừng vào một chiếc đĩa kèm theo bốn chén rượu, đưa dâu rể uống mỗi người một chén để lấy lộc sinh con, hai bà mo cũng uống, mọi người vui vẻ chúc mừng dâu rể.

Gian nhà ngủ của dâu rể được sắp sẵn hai mâm cỗ, mâm trên bày thức ăn đã chế biến, mâm dưới là thủ lợn, bốn chân giò, tim, gan… một chiếc vòng cổ bằng bạc đặt vào thủ lợn - chiếc vòng cổ này của mẹ chồng cho dâu sau khi cúng xong. Có hai ngọn nến được thắp lên, hai nén hương cắm vào bát gạo, bà mo bắt đầu cúng hồn vía cho dâu rể, mâm này được gọi là: “Pán khuôn” - mâm cúng hồn vía . Ngồi mâm này gồm có anh em họ hàng thân cận nhất của hai bên thông gia. Họ bên trai ngồi trong mâm phải bỏ tiền vào đĩa để mừng vía, số tiền này theo khả năng từng người, gọi là tiền mừng vía dâu rể - “Chốm khuôn pạư”. (Người Thái quan niệm hai ngọn nến cháy hết và thẳng hoặc nghiêng vào nhau là điềm lành, ngược lại hai vợ chồng trẻ sẽ trải qua nhiều khó khăn, trở ngại).

Tiệc vui tiếp tục, bên trai hát bài “chốm pạư” - mừng dâu và các bài “chốm khuôn” - mừng hồn vía dâu rể, “đa nén” - xem số thọ… Bên gái hát bài “chốm đa nén” - cảm ơn lời cầu và nhiều bài giao duyên khác. Những lời hát nhẹ nhàng, tinh tế, đầy ẩn ý với những triết lý nhân sinh được đúc rút từ ngàn đời làm cho mỗi người thêm thấm hơn nghĩa vụ và trách nhiệm trước cuộc sống.


Từ ngàn xưa, đám cưới của người Thái Tây Bắc luôn phải tuân theo những qui định như vậy và được các thế hệ tôn trọng, nâng niu, thể hiện khát vọng sống, ước mong một cuộc sống mãi mãi hạnh phúc, ý thức của mọi người và cộng đồng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc. Ngày nay lễ cưới của người Thái Tây Bắc đã có nhiều thay đổi, những thủ tục phiền hà, lạc hậu được thay bằng những nét văn minh, tiến bộ, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa cổ truyền của một nền văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét