Theo
kết quả điều tra dân số năm 2009, người Sán Dìu ở Quảng Ninh có gần 21.000 người, cư trú ở 4 thành phố, 1 thị xã
và 9 huyện. Trong đó, nhiều nhất là Vân Đồn (hơn 6.000), kế đến là Cẩm Phả (hơn 5.600), Hoành Bồ (khoảng 4.000), Tiên
Yên (gần 2.000)...
Trong những lần đi điền dã, lấy tư liệu viết
bài, đặc biệt là dịp Sở VH,TT&DL triển khai đề tài khoa học bảo tồn, phát
huy các giá trị văn hoá dân gian của người Sán Dìu (tháng 11-2008), tái hiện tục
hát Soọng cô trong đám cưới của người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), tiếp
xúc, tìm hiểu từ những người cao tuổi trong thôn, xã; các nhà nghiên cứu về dân
tộc học của Trung ương mà tôi có dịp hiểu hơn về hôn nhân truyền thống của người
Sán Dìu trước đây.
Xã Bình Dân là nơi người Sán Dìu cư trú từ
lâu đời và tập trung nhất của huyện Vân Đồn. Toàn xã có khoảng 1.300 nhân khẩu
thì có tới trên 90% là người Sán Dìu. Những người già trong làng kể rằng, hôn
nhân của người Sán Dìu, theo phong tục truyền thống xưa thì việc cưới hỏi chủ yếu
do nhà trai chủ động. Nhà có con trai lớn, đến tuổi dựng vợ thì nhờ anh em, bạn
bè xem có cô gái nào như ý thì giới thiệu cho. Theo nghi thức truyền thống, việc
cưới xin của người Sán Dìu phải tiến hành đủ các bước: Lễ dạm hỏi, lễ so tuổi,
lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt.
Trong lễ dạm hỏi (người Kinh gọi là lễ dạm
ngõ), chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối mang lễ
vật sang nhà gái để ngỏ lời. Lễ vật gồm chục quả cau, vài lá trầu, một chai rượu
và ít bánh kẹo. Sau lời ngỏ của ông mối, nhà gái sẽ trao lá số của con gái mình
gồm ngày sinh, tháng đẻ, tên cho người mối mang về.
Tái hiện tục hát đố trong đám cưới (ảnh lớn)
và lễ khai hoa tửu (ảnh nhỏ) trong hôn nhân xưa của người Sán Dìu ở xã Bình
Dân, Vân Đồn, tháng 12-2008.
Lựa ngày tốt, ông mối mang lá số của cô
gái nhờ thầy cúng xem với tuổi chàng trai có hợp nhau không. Thông thường, hai
gia đình tôn trọng ý kiến của thầy cúng. Nếu hợp, ông mối sẽ báo lại cho nhà
gái việc xem lá số đã thành công. Ông mối cũng thông báo cho nhà trai biết để
chuẩn bị lễ ăn hỏi.
Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ so tuổi
khoảng 1-3 tháng. Thông thường, lễ vật thách cưới gồm: Tiền mặt, thịt lợn, rượu,
quần áo cô dâu, chăn, màn, vòng tay, gà. Số tiền và lễ vật sẽ do ông mối bàn bạc
với đại diện nhà gái.
Trước lễ cưới khoảng 1 tháng là lễ dứt lời.
Ông mối đưa sang nhà gái một nửa số tiền dẫn cưới, nửa còn lại sẽ đưa vào lễ cưới
chính thức. Nhà trai nhờ thầy cúng chọn ngày tốt để đón dâu, xin cưới. Người
Sán Dìu kiêng các ngày mồng 4, 8, 12, 20, 25 vì đây là những ngày trực xung với
ông bà nội, ngoại. Trường hợp bắt buộc phải tổ chức vào ngày đó thì ông bà
không đến dự để tránh hạn. Sau khi thông báo ngày cưới cho nhà gái xong, nhà
trai mới được đi mời và chuẩn bị mọi công việc cho đám cưới.
Người Sán Dìu thường tổ chức lễ cưới vào
tháng 10 âm lịch hàng năm. Khi hai nhà dựng rạp cũng là lúc nhà trai đem nốt số
lễ vật đã ghi trong hôn thư sang nhà gái. Trong đoàn đi đón dâu, ông trưởng
đoàn đại diện họ nhà trai (gọi là quan lang trưởng) phải là người giỏi ăn nói,
đối đáp. Các lễ vật đều được dán giấy đỏ, tượng trưng cho màu của hạnh phúc.
Khi đoàn nhà trai tới cổng nhà gái, nhà
gái cử người khiêng bàn ra, đặt trên đó đèn, ấm chén, trầu cau cùng cành tre
dán giấy đỏ chắn ở cổng hát đố nhà trai. Đại diện nhà gái hát soọng cô, nhà
trai phải đối lại mới được vào nhà, nếu không đối được sẽ phải nộp phạt một ít
tiền và trầu cau. Sau cuộc hát đối đáp gay cấn mà vui vẻ, nhà gái sẽ dọn bàn ghế
để nhà trai vào nhà. Vào nhà, ông trưởng đoàn sẽ làm lễ trình báo với tổ tiên
nhà gái và xin phép nhà gái cử người ra nhận lễ vật. Nhà gái nhận rồi mời mọi
người dự cơm tối.
Sau bữa cơm tối là lễ Khai hoa tửu là một
trong những lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Sán Dìu. Lễ vật do nhà
trai chuẩn bị trước, gồm 2 quả trứng luộc, hai sợi chỉ đỏ xuyên qua quả trứng
và mỗi bên buộc 2 đồng xu. Trứng đặt vào đĩa, có lót giấy đỏ, bên cạnh hũ rượu
mở sẵn. Sau khi cúng tổ tiên, đại diện nhà gái ra câu đối để đại diện nhà trai
đối lại. Sau cùng, hai quả trứng được bóc vỏ, lấy lòng đỏ hoà vào rượu để mọi
người cùng uống, người cao tuổi uống trước, người trẻ uống sau. Mọi người cùng
hát soọng cô chúc mừng cô dâu chú rể hạnh phúc. Mọi người ở lại bên nhà gái để
hôm sau đưa cô dâu về nhà chồng.
Ngày hôm sau, đến giờ xuất phát, cô dâu bước
ra khỏi ngưỡng cửa được anh trai ruột cõng ra khỏi giọt tranh 3 bước thì đặt xuống.
Cô dâu được phủ miếng vải đỏ lên đầu, đi từng bước nặng nề, tỏ vẻ quyến luyến
cha mẹ. Trên đường về, nếu có suối thì chú rể phải cõng cô dâu. Qua mỗi con suối
hay rãnh nước, cô dâu phải thả xuống mấy đồng tiền lẻ để cầu may mắn. Đến gần
nhà chồng, trời mà chưa tối, đoàn phải dừng lại cổng làng, chờ xẩm tối, nhà
trai đem trầu nước ra mời vào nhà. Nhà trai tổ chức cỗ ăn mừng cô dâu mới. Cô
dâu làm thủ tục nhận mặt họ hàng. Suốt đêm, trai gái đua nhau hát mừng cô dâu,
chú rể hạnh phúc cho tới sáng…
Ngày nay, lễ cưới xin của người Sán Dìu đã
giản tiện hơn. Một số yếu tố như hát đố, lễ khai hoa tửu, tục cõng cô dâu… đã
không còn. Cái sự đổi thay “được”, “mất” đó diễn ra không chỉ với riêng người
Sán Dìu mà còn với cả nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước
nói chung.
Hồng Hải (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét