Hình ảnh của Tượng cổng làng của người Xơ
Đăng
Tượng cổng làng không còn chỉ đơn thuần là
một tác phẩm nghệ thuật mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi, nó đánh thức sức
sống của đồng bào Xơ Đăng mà còn tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng về một cuộc sống
an lành và hạnh phúc đã gắn bó với người Xơ Đăng Trà My (Quảng Nam) từ bao đời.
Người Xơ Đăng luôn viện vào các lễ thức
tín ngưỡng dân gian để cầu mong các thần linh, ma tốt, ông bà tổ tiên phù hộ
mùa màng được tươi tốt, che chở cho cuộc sống được yên lành, no đủ, mọi người sống
hòa thuận đoàn kết...
Biểu tượng thiêng liêng
Người Xơ Đăng quan niệm, cây gạo là hình ảnh
tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xơ Đăng, nên khi lập làng mới họ
thường mang cây gạo để trồng. Người Xơ Đăng tin rằng, ở nơi họ sống luôn có thần
linh trú ngụ, một cây gạo tượng trưng cho sự trường sinh bất tử, cột lễ đâm
trâu của họ lại thường là cây gạo. Ngày nay, chúng ta có dịp đến làng của người
Xơ Đăng, nếu nhìn thấy có nhiều cây gạo to thì tin chắc rằng tổ tiên, ông cha
người Xơ Đăng đã cư trú lâu đời. Phía ngoài làng là những kho thóc của từng gia
đình và luôn được bảo vệ bằng hàng rào khép kín từ cây lồ ô, cây gỗ có lối ra
vào. Trước cổng làng của người Xơ Đăng bao giờ cũng được họ đặt một cặp tượng cổng
làng dáng hình nộm người (theo tiếng Xơ Đăng họ gọi là tiên lây).
Ông Hồ Văn Reo, 68 tuổi, dân tộc Xơ Đăng
hiện ở tại làng Lùng Lãi (thôn 2), xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
- nguyên Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Nam cho biết: Người Xơ Đăng
từ bao đời nay luôn tin vào các đấng siêu nhiên, thần linh để cầu mong có sự
phù hộ và chở che cho cuộc sống của họ luôn được yên lành, hạnh phúc, mùa màng
tươi tốt. Tượng cổng làng như để xua đuổi những ma xấu về làng gây nhũng nhiễu
cho người dân và đến nay người Xơ Đăng luôn xem tượng cổng làng là một biểu tượng
thiêng liêng và nó đã ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của bao thế hệ người
Xơ Đăng.
Nghệ thuật điêu khắc độc đáo
Năm 2005, lần đầu tiên đặt chân đến làng
Măng Tó (thôn 2), xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), khi vừa bước đến cổng
làng chúng tôi đã rất bất ngờ khi đón chúng tôi là hai pho tượng được tạc rất
đơn sơ dáng hình nộm người vẻ như đe dọa. Tượng được làm từ một thân cây rừng mọc
rất nhiều ở vùng người Xơ Đăng, thể hiện một nhân vật không có chân, đôi tay được
làm bằng tre gắn vào thân cây dớn. Gương mặt những pho tượng khá dữ tợn, mắt trợn
tròn, miệng nhe răng, những chiếc răng được lấy từ bộ răng của con chó gắn vào
miệng nhân vật lởm chởm, một tay cầm gươm, một tay cầm chiếc khiên tre gây ấn
tượng mạnh, đó là những tác phẩm nghệ thuật do chính tay người dân trong làng
thể hiện.
Tò mò về sự có mặt của loại hình nghệ thuật
điêu khắc độc đáo này ở vùng Xơ Đăng, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Hồ Văn Thập,
53 tuổi - một già làng còn rất trẻ ở làng Măng Tó, ông không chỉ là nghệ nhân
tài hoa về chế tác các nhạc cụ truyền thống mà còn giỏi về điêu khắc thể hiện
những tượng cổng làng độc đáo của người Xơ Đăng và hai tượng cổng làng mà chúng
tôi gặp lại là do chính ông Thập tạo nên.
Chỉ bằng con dao nhọn và chiếc mác, những
thân cây dớn (thuộc họ dương xỉ) đã được tự tay ông Thập vào rừng chặt đem về rồi
đẽo gọt thành hai tác phẩm nghệ thuật (hiện hai tượng cổng làng này đang được
trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam). Với những nhát gọt chính xác, dứt
khoát, không chi tiết cầu kỳ làm cho tượng cổng làng mang tính biểu tượng cao.
Theo ông Thập, tượng cổng làng được xem
như một vị thần bảo vệ làng, chống lại các thế lực tà ma quấy nhiễu dân làng mà
còn biểu tượng cho sức mạnh của làng. Người làng khác khi đến làng Xơ Đăng thấy
làng có tượng cổng làng họ rất kính nể và mến phục. Hằng năm, vào mùa xuân người
Xơ Đăng có tục sửa chữa và làm lễ cúng máng nước, cùng thời gian này mỗi làng
Xơ Đăng giết một con chó lấy máu đổ vào nguồn nước tại bến nước của làng để lấy
nước đó đem về chế biến để làm mâm lễ cúng thần làng. Người Xơ Đăng quan niệm:
con chó là con vật gắn bó và giúp người Xơ Đăng trong việc bảo vệ nhà, báo hiệu
có sự xâm nhập từ bên ngoài vào làng nên trong khi thực hiện nghi lễ cúng thần
làng, máu của con chó được già làng lấy bôi vào tượng cổng làng. Riêng bộ răng
của con chó, sau khi thực hiện xong nghi lễ cũng được họ cắm xuống đất ngay chỗ
đặt tượng cổng làng.
Với người Xơ Đăng, những vị thần linh
trong đó có tượng cổng làng được họ xem như một vị thần bảo vệ làng từ lâu nó
đã chi phối đời sống của con người và cả quan niệm sống của cộng đồng từ ngàn
xưa. Và tượng cổng làng luôn mãi là hình ảnh in đậm dấu ấn và trường tồn trong
tâm thức của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng nơi đây.
Minh
Lượng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét