Độc đáo nghệ thuật ghép vải trang trí trên lễ phục của phụ nữ Lô Lô ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang (Nông Quang Đạo)

Bộ trang phục đi làm

Trong cuộc đời người phụ nữ Lô Lô nói chung,việc học, tự làm trang phục cho mình, cho người thân có một ý nghĩa quan trọng. Với họ, trang phục là nơi để sáng tạo màu sắc, nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng nhưng cũng là tiêu chuẩn, thước đo về phẩm hạnh, sự giàu sang của mỗi người. Mỗi nhóm Lô Lô đều có trang phục riêng với phương thức trang trí đặc trưng của nhóm.
Trang phục của nhóm Lô Lô ở Sủng Là nổi bật bởi nghệ thuật ghép vải tạo hoa trang trí. Đây là điểm nhận diện khu biệt trong các nhóm đồng tộc.Ở nước ta người Lô Lô hiện nay có khoảng 4600 người, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, với ba nhóm chính là: Lô Lô Hoa (Mùn Chi Ka Pu), Lô Lô Đen (Màn Dì Qua và Mùn Chi Mân Tê), Lô Lô Trắng (Màn Dì No). Nhóm Mùn Chi Mân Tê ở Cao Bằng còn ở Hà Giang căn cứ theo trang phục các nhà nghiên cứu cũng chia làm ba nhóm. Tuy nhiên tên gọi của các nhóm hiện nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Nhóm Lô Lô cư trú ở Sủng Là, huyện Đồng Văn có tên tự gọi là Màn Dì Qua.Mỗi nhóm Lô Lô ở Hà Giang đều có trang phục và nghệ thuật trang trí mang phong cách riêng đại diện cho nhóm ngành. Nhóm ở Sủng Là cũng vậy.

Bộ trang phục nhà chồng tặng

Trang trí trang phục của người Lô Lô nơi đây luôn có những yếu tố bất ngờ, có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện hoa văn. Ngoài kỹ thuật dùng kim chỉ tạo nét, đạc hoạ trên vải, dùng các nút thắt buộc trên vải nhúng sáp ong để cho những cánh hoa nở trên chiếc khăn chàm thẫm, họ còn dùng kéo tạo hoa văn trên vải đã ghép… Các miếng cắt ghép được phối hợp cùng nhau từ hình nét đến màu sắc trong một bố cục đã định làm nên giá trị nghệ thuật trên sản phẩm ứng dụng - trang phục của tộc người. Bộ lễ phục đầy đủ của phụ nữ nhóm này gồm: Khăn, áo, quần, yếm quần, dây lưng và đồ trang sức.- Khăn (khuyển) làm từ một khổ vải rộng khoảng 40cm, dài từ 1,6m đến 2m. Hai đầu có các sợi tua dài khoảng 25cm để buộc giữ nếp cho chắc chắn. Dựa theo trang trí trên khăn có thể chia làm hai loại: Khăn dùng trong lễ hội được tạo hoa văn do nhúng sáp ong và nhuộm chàm. Trên khăn, phần sáp ong sau khi đã làm tan chảy tạo thành những hàng xì pô vê (hoa đào) và hình Mỉ xỉ là hai sọc gồm một chuỗi các hình vuông xếp sít nhau như những bờ đá xếp bao quanh nhà của đồng bào. Khăn được ghép vải trang trí ở hai đầu. Mỗi một đầu khăn được đính nhiều quả bông len ngũ sắc xen kẽ với hai hàng hoa văn ghép vải, mỗi hàng gồm nhiều miếng vải nhỏ cắt hình tam giác ghép thành ba khối vuông liền nhau theo chiều rộng của khăn. Xen kẽ giữa hàng hoa văn ghép vải là hoa văn dạng thêu tạo thành một cách bài trí đối xứng nhau.Khăn để dùng khi qua đời được người già tự tay chuẩn bị từ trước cho mình. Chiếc khăn này có tạo dáng giống khăn lễ hội trên nhưng khổ vải rộng hơn; Hai đầu có trang trí hoa văn ghép vải và được gắn các dây vải màu đỏ, xanh, vàng, chàm đen. Cũng dùng các tổ hợp hình tam giác kết hợp thành nhưng do đảo bố cục của bốn hình tam giác để chúng chụm các góc nhọn vào nhau tạo nên hình vuông, chữ nhật hay hình hoa.Áo lễ (súa) được thêu hoa văn và chỉ có duy nhất một khuy cài. Do khổ vải dệt hẹp, chất vải dày nên khi may, người Lô Lô Đen đã nghĩ cách can đáp thêm vải mềm hơn từ phần dưới cánh tay gần giáp với nách kéo dài đến gấu áo tạo độ cử động. Vải ghép thường có cùng màu chàm hoặc màu xanh.
Do cách sử dụng chất vải can mà tạo dáng chiếc áo cho ta cảm giác phần vải dày như một cái khung xương, một cái mai chắc chắn bảo vệ con người, phần vải can dưới cánh tay, sườn cho cảm giác về sự mềm, yếu. Hình dáng áo khi đã can vải tạo độ nở phần ngực để người mặc thuận tiện khi sử dụng. Phần gấu áo được may hơi bó, ôm lấy phần lưng eo cho cảm giác thon gọn và làm điểm nhấn cho độ mở của chiếc yếm quần thắt phía dưới. Chiếc áo cho ta sự cảm nhận gần gũi với kiểu áo chắp ghép từ da thú, vỏ cây thời xa xưa.Xét từ góc độ thị giác, khi cắt phần thân trước và thân sau áo thành hình chữ nhật, sau đó bài trí hoa văn gợi cho ta cảm giác như hai tấm giáp bảo vệ mặt trước và sau của con người. Bố cục những vị trí được trang trí quy định thành ba mảng lớn. Mảng thân áo trước, mảng phần thân áo sau. Mảng thứ ba là trang trí hai bên cánh tay. Căn cứ theo hoa văn, màu sắc trang trí trên tay áo được chia ra ba loại như sau: Một, nếu là áo cô dâu được nhà chồng làm tặng thì trên tay áo bao giờ cũng trang trí bốn lần các dải hoa văn. Hai, với các cô gái tự tay làm trang phục thì chỉ được trang trí ba lớp hoa văn trên tay áo. Kể cả những người phụ nữ dù đã có gia đình nhưng tự làm y phục cho mình, tay áo cũng phải làm ba hàng hoa văn. Ba, nếu là phụ nữ luống tuổi, phần trang trí tay áo sẽ ít hoa văn hơn thay vào đó họ can vải có sắc trầm hơn nhưng vẫn chia thành ba hàng. Mô típ trang trí trên tay áo phụ nữ trẻ thường chắp ghép các hình tam giác lại với nhau như: Các cặp hai hình tam giác vuông lớn ép cạnh (cạnh huyền) vào nhau tạo thành hình vuông có một nửa là màu tối tông lạnh và một nửa có màu sáng tông nóng.

Bộ lễ phục nhóm Lô Lô ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang

Trong mỗi hình tam giác vuông lớn ấy ở chính giữa được đặt một tam giác vuông nhỏ có đỉnh đối ngược lại, chia hình lớn ấy thành ba hình tam giác nhỏ đều nhau đi từ tâm đến góc. Sự phối hợp màu sắc trong tổng thể hình vuông ấy tạo thành hoa văn hình cá. Hoạ tiết ấy được nhân lên xếp dồn sít nhau chạy tròn theo vòng tay áo tạo thành một mô típ trang trí biểu tượng hình đàn cá đang bơi ngoi lên và ngụp xuống uyển chuyển. Sự kết hợp các đường viền vải nhỏ xen kẽ các lớp hoa văn, sự lân chuyển màu và hoạ tiết trang trí tay áo đã cho thị giác một cảm nhận khác, không còn sự cứng cộm của những miếng vải ghép chồng lớp lớp. Nhờ sự chuyển đổi linh hoạt từ một hoạ tiết tạo ra các lớp hoa văn tay áo cho chúng ta cảm giác đôi cánh tay ấy năng động, duyên dáng hơn (H.2).Phần thân áo, các lứa tuổi đều có tỉ lệ, vị trí bài trí hoa văn như nhau. Đó là cách phủ hoa văn trang trí phía trước vạt, kéo dọc từ cổ đến gấu áo và chạy sang hai bên sườn tạo thành một góc vuông. Mảng hoa văn này như một chiếc nẹp làm cho vạt áo luôn suông phẳng. Bố cục mảng đồ án trang trí thân áo vẫn được hình thành trên cơ sở cắt ghép các mô típ hình tam giác. Khi mặc, vạt áo chỉ được cài bằng một khuy duy nhất ở phần ngang eo nhưng hai vạt khép gần nhau tạo một mảng hoa văn có dáng giống chữ đinh (). Mảng đồ án trang trí sau lưng có cùng mô típ giống thân trước. Nếu như thân trước phân tách hai dải hoa văn là mở ngực thì thân sau là màu đen của vải nền chạy thẳng dọc sống lưng. Vì thế, trên cơ bản bố cục trang trí phần thân trước và sau giống nhau. - Quần (lo): Quần phụ nữ Lô Lô Đen Hà Giang có ống can rộng, độ mở của đũng quần là một góc vuông, bụng rộng (khoảng 1,2m), không có cạp, khi mặc người ta phải túm xếp cho vừa bụng và thắt dây lưng đè lên. Phần trang trí cũng theo một góc vuông từ gấu quần (thẳng bàn chân) chạy lên trên gối xuống, vòng qua kheo chân và thẳng tới gót. Khi di chuyển mảng hoa văn trang trí trên ống quần tạo thành hình chữ (T) đối trả lại với () phần bố cục trang trí thân áo. - Yếm quần (du thuá) có tạo dáng hình chữ nhật nằm ngang có độ dài trung bình khoảng 70cm, rộng 1,1m tuỳ theo từng người. Du thúa dùng quấn phía sau hông và phủ bên ngoài quần sau đó kéo bẻ gấp hai mép về phía trước.  Yếm quần cũng có quy ước trong trang trí riêng của nhóm: Loại do các cô gái tự làm cho mình chỉ được trang trí một lớp hoa văn nhưng nếu là yếm quần do nhà chồng tặng bao giờ cũng có hai lớp hoa văn chạy song song dưới gấu.  Căn cứ theo số hàng hoa văn trang trí ở áo hay yếm quần của người mặc ta sẽ nhận biết được đó món quà được tặng của những người đã có gia đình hay họ tự làm.

Vẻ đẹp thiếu nữ dân tộc Lô Lô. Ảnh: dongvan.gov.vn

Điều đó rất quan trọng vì hoa văn được ược lượng thành thước đo phẩm hạnh, thể hiện sự tài giỏi, khéo léo, chu toàn của những người phụ nữ bên nhà chồng hay là của cô gái - người làm ra nó. Cũng có thể nói trang trí hoa văn trên trang phục là thông điệp về một người phụ nữ trong cộng đồng người Lô Lô.- Dây lưng là một khổ vải cắt chéo và may cuốn kiểu tay mướp thành một thể dạng ống dài 1m, rộng 13 đến 15cm, phần giữa nhỏ và to dần về hai đầu. Dây dùng thắt giữ quần và yếm quần, có công dụng giữ ấm bảo vệ phần bụng, giữ cho phần eo luôn thon gọn. Dây lưng nữ chỉ trang trí ở hai đầu; khi thắt, phần trang trí được thả thõng xuống phía trước. Bên cạnh dây lưng, phụ nữ trẻ còn có một vài dây giắt lưng (dây phụ) để làm duyên. Loại dây này ngắn hơn dùng để giắt vào dây lưng với mục đích trang trí nên không quy định số lượng, không bắt buộc, người dùng có thể thêm nó hoặc không. Điểm khác nhau của dây chính và phụ này là hoa văn trên dây lưng bao giờ cũng giữ trong bố cục của những hình thoi; trong khi trên dây giắt phụ hoa văn bài trí trong các khuôn hình vuông. Các mô típ trang trí thường được lặp lại theo phần trang trí của y phục.  Về cơ bản, trang trí lễ phục nữ là sự kết hợp của hoa văn trong bố cục các ô vuông lớn nhưng mỗi ô vuông được bài trí hoạ tiết, màu sắc không giống nhau. Hình vuông do hai hình tam giác ghép lại thường có màu đối nghịch nhau như màu sáng, gam nóng và màu tối gam lạnh phối thành...
Màu đỏ là màu yêu thích của đồng bào, vì thế khi trang trí họ sử dụng nó như một vai trò giữ nhịp cho sắc độ của mảng đồ án. Mặc dù có sự phối hợp của các màu xanh lá, xanh cô ban hay xanh dương và màu chàm đen của vải nền nhưng chúng chỉ có tác dụng kìm chế sắc rực, làm dịu độ chói, rợ của màu đỏ để tông màu đỏ trở nên thuần khiết mang lại cảm giác ấm áp dễ chịu cho thị giác.  Mô típ chủ đạo được cắt ghép vải trang trí toàn bộ trang phục là hình tam giác nhưng khi phối hợp các hình này với nhau như: Đối đỉnh hoặc ghép chồng hình, ghép chung cạnh nó trở thành một mô típ mới biểu tượng cho hình cá dùng để trang trí trên tay áo nữ giới. Ở vị trí này, nó biểu trưng cho hôn nhân, thể hiện tính năng sinh sản, nó gắn với điềm lành và ước nguyện cầu mưa, cầu nước đối với đời sống nơi vùng cao. Dường như biểu tượng được nhân lên đồng nghĩa với nguyện ước sẽ trở thành hiện thực nên người ta trang trí nhiều hơn trên tay áo cô dâu vì họ quan niệm đây sẽ là một người mẹ sinh ra đứa trẻ - đó là cái nôi bắt đầu của mỗi con người (H3). Phải chăng, vì mô típ hình tam giác với đồng bào ẩn chứa nhiều ý nghĩa biểu trưng mà thế hệ trước đây muốn gửi gắm, nhắn nhủ tới con cháu của mình nên chúng ưu ái nhiều hơn và xuất hiện trên dàn trải trên toàn bộ các mảng đồ án trang trí của người Lô Lô nơi đây.Xét trên toàn trang phục, chúng ta thấy thường có sự thống nhất ở một mô típ trang trí. Trang trí hoa văn trên áo, quần, yếm quần đều phải tuân theo những quy luật bắt buộc mang tính văn hoá của nhóm địa phương người sử dụng nó. Điều đó đã trở thành thói quen trong tâm thức của người phụ nữ khi dệt vải hay thêu ghép. Sự quen thuộc ấy mang tính trao truyền ngấm qua nhiều thế hệ và có biến đổi để trở thành cái chung trong trang trí trang phục của đồng bào.

Thiếu nữ 17 tuổi người Lô Lô Hoa duyên dáng. Ảnh: Réhahn  Croquevielle

Bộ lễ phục nhóm Lô Lô ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang

Bố cục các mảng trang trí được người nghệ nhân xếp đặt rất tinh tế, chỉ bằng vài hoạ tiết cắt từ vải như hình bá mỏ (tam giác), là lưu trù (hình mặt trời) hoặc xì pô vê (hình hoa đào), pố khế (hình hoa thảo quả) nhưng nhờ sự cân nhắc trong cách ghép cạnh hay đỉnh của các hoạ tiết với nhau đã tạo nên những hình thể mới có chứa cái ban đầu nhưng đa dạng hơn...Ngoài phương pháp ghép vải tạo hoa văn trang trí trang phục, người Lô Lô nơi đây còn có nhiều kiểu thức trang trí như tạo hoa văn do kỹ thuật nhuộm (khâu, rúm, nhúng sáp ong rồi nhuộm chàm tạo hoa văn), hoa văn thêu, đính hạt cườm, tạo các tua và các quả cầu hoa bằng các sợi len màu. Kết hợp những phương pháp độc đáo trong dệt may, khâu ghép, thêu thùa đã làm nên chất riêng độc đáo mà khu biệt.  Trang trí trang phục của phụ nữ Lô Lô Sủng Là không có mẫu hoa văn cụ thể cho từng độ tuổi nhưng lại quy ước về vị trí phải phủ hoa văn. Đó là vùng thân trước, thân sau áo; phần quanh hông, trên đùi phía sau của yếm quần và phần từ đầu gối và từ khoeo chân xuống đến gấu đối với quần. Đó là những vị trí không thể thiếu trong trang trí trang phục lễ hội. Đối với phần trang trí tay áo có thể có hoa văn hoặc không nhưng vẫn phải được ghép bằng các khoang vải màu. Với kiểu trang trí tay áo thường được giới trẻ ưa chuộng. Phải chăng hoa văn trang trí trên đó còn có một ý nghĩa nào ẩn chứa trong đó.Trong trang trí trang phục, người Lô Lô rất coi trọng tính hợp nhất trên một bộ trang phục. Chính vì thế, khi đã định trang trí hoạ tiết, hoa văn và kiểu bố cục nào thì kiểu thức ấy sẽ lắp đi lắp lại trong suốt các mảng đồ án trang trí trang phục tạo thành từng nhịp kết nối bền chặt, hài hoà. - Đồ trang sức, phụ nữ Lô Lô ở Sủng Là khi mặc lễ phục thường đeo cả hai loại vòng cổ tạo thành một khoảng lớn trước ngực để làm duyên. Vì chất liệu bạc khi gặp ánh sáng tự nhiên thường phản sáng. Ánh sáng được hắt ngược lên làm cho gương mặt người đeo tươi sáng lạ thường, không tô điểm phấn son mà vẫn rạng rỡ.
Phải chăng đó là một trong những cách làm đẹp sáng tạo mà tự nhiên đến dung dị - bản năng của phái nữ.Hình thức trang trí hoa văn trên trang phục bằng ghép vải rất đặc biệt. Mỗi mẫu hoa văn dùng trang trí trên lễ phục nữ đều ẩn chứa tình cảm, sự sáng tạo, cảm quan thẩm mỹ mang tính chất vùng, miền, cũng như sự khéo léo, kinh nghiệm của mỗi người phụ nữ trong cộng đồng. Những bộ trang phục của đồng bào đã vượt trên giá trị sử dụng để trở thành tác phẩm chứa đựng nhiều yếu tố mỹ thuật có giá trị trong đời sống văn hoá, tinh thần của tộc người và là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, có tính sáng tạo.Những giá trị văn hóa và nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử, xã hội ẩn chứa trên trang phục là không thể phủ nhận. Trong xã hội công nghiệp, cùng với các trào lưu mới sẽ dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ, văn hoá, nghệ thuật… nếu không có sự góp sức của các nhà nghiên cứu hoặc những biện pháp xã hội hoá giúp đồng bào và các cơ quan quản lý cộng đồng tự ý thức thì việc bảo lưu, gìn giữ hay phát huy đều sẽ không có kết quả dài lâu.

Tài liệu tham khảo:
1.  Nguyễn Văn Can, Phong tục hôn nhân của người Lô Lô, Dân tộc học, số 4/2007, tr 70-73.2. Phạm Đức Dương (1973), Một vài cứ liệu ngôn ngữ về sự thân thuộc các tạng người nhóm Tạng - Miến ở miền Bắc Việt Nam, Thông báo Dân tộc học, (3), tr. 64-68.3. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.4. Đặng Thị Hoa (2005), Nghi lễ vòng đời của người Lô Lô ở Cao Bằng. Thông báo Dân tộc học, Nxb KHXH.5. Lý Hành Sơn, Đôi nét về trang phục cổ truyền của người Lô Lô, Dân tộc học số 2/2006, tr 8-16.6. Vũ Diệu Trung (2009), Người Lô Lô Đen ở Hà Giang, Nxb VHDT, Hà Nội.
Nông Quang Đạo (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét