Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam (Lý Thị Ninh)

1. Tục ăn trộm lấy may của người Lô Lô
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 1
Dân tộc Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam, họ sinh sống và định cư ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Vào mỗi dịp tết đến xuân về, người Lô Lô lại có phong tục đón tết độc đáo là “ăn trộm để cầu may”.

Tập tục lâu đời này có tên gọi “khù mi” (nghĩa là"ăn cắp chơi, ăn cắp lấy may"). Người dân tộc Lô Lô quan niệm rằng vào thời khắc bước sang năm mới, nếu mang được về nhà chút gì thì cả gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Chính vì vậy, tối 30 Tết hằng năm, họ thường cầu may bằng cách... lấy trộm đồ. Tuy nhiên, người Lô Lô không lấy những vật có giá trị hay số lượng nhiều mà thường trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Điều thú vị nhất là khi đi lấy trộm, họ không rủ nhau mà đi lặng lẽ để chủ nhà không bắt được. Nếu lấy chưa đủ 12 thứ mà bị phát hiện thì phải bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số đó phải kiêng không được làm những công việc lớn để tránh rủi ro.

2. Đón giọng gà - dân tộc Pu Péo
Theo quan niệm của người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang thì tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy, nên ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều điều may mắn, thành công và hạnh phúc.
Phong tục thú vị đó diễn ra vào đúng giao thừa. Các chàng trai dân tộc Pu Péo sẽ phải canh chừng những chú gà trống, lúc chúng vừa vỗ cánh thì họ phải đốt ngay một quả pháo rồi ném vào chuồng gà. Lũ gà khi đó sẽ bị giật mình, nhảy lên và thi nhau gáy. Ngay lập tức tất cả các hộ gia đình xung quanh sẽ cùng nhau múa hát để át đi tiếng gà gáy.

3. Tục vỗ mông của người Mông
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 2
Khi xuân về trên khắp bản làng, các đôi trai gái người Mông lại cùng hòa mình vào tiếng sáo, điệu khèn của đêm hội xuân tình và thực hiện nghi thức “vỗ mông” có từ bao đời nay.
Buổi sáng ngày Tết, trai gái Mông thường kéo nhau đến các bãi đất trống hay khoảng sân rộng... để vui chơi. Khi phải lòng nhau, người con gái sẽ nhẹ nhàng, kín đáo tách khỏi đám đông, chàng trai hiểu ý sẽ dùng tay vỗ vào mông của người con gái đó, nếu cô gái ưng cái bụng cũng sẽ đáp trả bằng cách vỗ nhẹ vào mông chàng trai. Cứ như vậy, đôi trai gái sẽ vừa đi, vừa vỗ qua lại, đủ “chín cặp” nghĩa là cả hai đã chấp thuận nhau, chỉ chờ người làm mai để nên duyên vợ chồng.

4. Tục gọi hồn vào dịp Tết của người Thái
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 3
Người Thái có tục gọi hồn vào ngày Tết.
Phong tục độc đáo của người Thái trong ngày Tết là tục gọi hồn. Khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, người Thái bắt đầu gói bánh chưng giống người Kinh nhưng là loại bánh có màu đen. Sau đó, họ sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn những người đã khuất trong nhà mình.
Để thực hiện nghi lễ, người cúng hoặc thầy cúng sẽ phải lấy áo của từng thành viên trong nhà, bó chặt một đầu lại với nhau và vắt lên vai. Trên tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy sáng rực rồi mang ra đầu làng gọi hồn 2-3 lần rồi về chân cầu thang của gia đình gọi thêm một lần nữa. Kết thúc nghi lễ, thầy sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên để trừ tà ma.

5. Hát sắc bùa trong ngày tết của dân tộc Mường
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 4
Tục hát sắc bùa của người Mường.
Hát sắc bùa là một trong những phong tục không thể thiếu của người Mường vào dịp Tết. Việc diễn sắc bùa cồng chiêng trong dịp đầu năm vừa mang đến không khí vui tươi, nhộn nhịp, lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm xua đuổi ma quỷ, cầu an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và gắn kết cộng đồng.
Sắc bùa thường do những người biết đánh cồng tự thành lập thành một phường bùa. Một phường gồm 12 người tượng trưng với bộ cồng chiêng 12 chiếc là 12 tháng trong năm. Trang phục cho những người sắc bùa không cần cầu kỳ nhưng phải đẹp. Nữ mặc váy áo Mường, tay đeo vòng, kiềng, xích bạc, nam mặc áo dài chít khăn đầu rìu. Phường bùa đi đến đâu, không khí rộn rã đến đó. Những nhà biết phường bùa đang tới sẽ chuẩn bị đón tiếp. Họ vừa đi vừa hát những bài hát có lời chúc tụng. Hát xong, gia chủ sẽ mời phường bùa vào nhà và cùng chúc nhau chén rượu năm mới, nhâm nhi các món ăn cổ truyền. Trước khi ra về, chủ nhà sẽ mang những thứ quà ngon để tặng thay lời cảm ơn đối với phường bùa. Và cứ thế, phường bùa đi khắp các nhà, mang lại không khí tươi vui đầm ấm, đón chào một mùa xuân rực rỡ.

6. Lễ bắt chồng ở Tây Nguyên
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 5
Tết đến cũng chính là lúc các đồng bào Tây Nguyên đón mùa lễ hội “bắt chồng”. Lễ kéo dài từ mùng 1 Tết âm lịch đến hết tháng ba và chỉ diễn ra vào ban đêm.
Khi một cô gái bản thích chàng trai nào đó, cô gái sẽ thông báo cho gia đình và dòng họ đến nhà trai để hỏi dạm. Nếu cả hai họ đều đồng ý, cô gái sẽ đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp chàng trai không thích có thể trả lại nhưng 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời nữa để đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp lại đến khi chàng trai chấp nhận. Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm gọi là “Đêm hội bắt chồng”. Chàng chai và cô gái phải đọc một số câu luật tục độc đáo như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...". Vào ngày long trọng nhất là ngày cưới, chàng trai và cô gái sẽ rút nhẫn ra hôn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng giữ và ngược lại, nhẫn của chàng trai sẽ do mẹ vợ giữ.
Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét