Điệu nhảy Mùa Lih
Người
Jrai có một tập tục quý được gìn giữ bao đời nay là mùa Lih, mùa báo hiếu, hay
còn gọi là mùa tạ ơn. Đây là dịp để
mỗi con người trả ơn Yàng đã cho mùa bội thu, trả ơn công lao cha mẹ hoặc người
có ân nghĩa với mình.
Ngày trước, vì điều kiện kinh tế khó khăn,
người Jrai làm lễ tạ ơn đơn giản nhưng lúc nào cũng phải đảm bảo đúng nghi lễ
và phong tục. Vào ngày lễ, bà con không ai lên rẫy, họ ở nhà chuẩn bị đồ lễ và
chờ thầy cúng đến nhà để làm lễ cúng tạ ơn, cúng sức khỏe. Gia đình tổ chức lễ
sẽ làm thịt một con gà để cúng Yàng, thần Lửa Pơtao, một con heo để cúng cho
người được tạ ơn, được cầu sức khỏe, một con bò. Ngoài ra còn có cháo lá mì,
cháo rau lang, cháo mít, cháo đọt chuối, thịt ống để mời họ hàng cùng đến ăn uống,
sau đó chia thịt cho mỗi người đến dự lễ mang về. Tùy theo kinh tế của gia đình
mà đập heo, bò to hoặc nhỏ, riêng gà cúng thì phải là loại gà nhỏ. Khác với các
lễ khác như bỏ mả, cầu mưa… cả làng cùng góp của để làm thì lễ tạ ơn chỉ làm
theo từng hộ gia đình.
Khi hành lễ, thầy cúng đứng cạnh hai con vật
và nói bằng tiếng Jrai: “Hôm nay làm lễ tạ ơn nên phải giết thịt chúng mang để
cúng Yàng và sau khi chết, xin đừng oán trách chủ nhà mà hãy đầu thai sang kiếp
khác có một cuộc sống khác tốt hơn”. Thầy cúng “nói chuyện” xong với hai con vật,
một người thanh niên khỏe mạnh được giao nhiệm vụ “hóa kiếp” cho chúng. Tiếp đến,
thầy cúng lấy một con dao có mũi nhọn đâm vào bên hông hai con vật, khi máu chảy
ra lấy lá cây nhét vào lỗ đã đâm, mục đích không để máu chảy ra ngoài nhiều.
Đám thợ nhanh chóng khiêng hai con vật lên bếp lửa để thui.
Sau đó thầy cúng bắt đầu cúng, đầu tiên là
cúng cho Yang và Pơtao Apui. Thầy ngồi chậm rãi rót rượu ra chén rồi khấn.
Khấn xong thầy ngồi nói chuyện, ăn thịt gà
và uống rượu với các thần. Tiếp theo là phần cúng chính của lễ tạ ơn, thầy bê một
chén heo gồm có phần thịt đầu thái nhỏ, gan, tim… đặt bên cạnh, cho gọi chủ nhà
đến ngồi bên cạnh, chân đặt lên cái lưỡi rìu có một sợi bông gòn. Theo quan niệm
của người Jrai, rìu là biểu tượng cho sức mạnh của người đàn ông. Sợi bông làm
cho tâm hồn con người được nhẹ nhàng, thanh thoát. Chủ nhà đến ngồi bên cạnh thầy
cúng và người được cúng tạ ơn. Già sẽ rót rượu cần từ chiếc ghè lớn nhất lên
chân chủ nhà và khấn: “Hỡi Yang, hỡi Pơtao Apui hãy xua đuổi tà ma và ban sức
khỏe, cho sống lâu, sống khỏe….”. Lời khấn đã xong, già làng sẽ đeo một vòng bằng
đồng vào tay chủ nhà… Nghi lễ kết thúc, mọi người cùng uống rượu, ăn thịt heo,
bò và nói chuyện vui vẻ.
Lễ
này diễn ra trong 2 ngày, ngày thứ nhất chung vui với họ hàng gần xa, ngày thứ
2 tổ chức nhỏ hơn, chỉ có những người
thân trong gia đình. Khi các chàng trai cô gái trong làng lập gia đình
thì phải làm lễ tạ ơn cha mẹ hai
bên. Thông thường các lễ khác do thầy cúng chủ trì còn lễ tạ ơn giao cho bà mối
chủ trì. Lễ này được thực hiện trong nhà, mời cha mẹ hai bên cùng vào nhà. Họ
ngồi giữa nhà, xung quanh rượu ghè, thịt gà và thịt heo được chuẩn bị sẵn. Sau
đó, bà mối cũng là chủ hôn của đôi vợ chồng tuyên bố lý do có cuộc gặp, chủ yếu
là nói về công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng vất vả như thế nào. Sau
đó, đôi vợ chồng tặng quà cho cha mẹ, mà món quà thường là bộ quần áo truyền thống.
Tiếp theo, bà mối rót rượu mời từ cha mẹ hai bên cho đến đôi vợ chồng uống. Xong
lượt, họ bắt đầu rót rượu mời lại bà mối. Kết thúc nghi lễ, mọi người cùng ăn
thịt heo, uống rượu ghè, trò chuyện vui vẻ...
Để cho bữa tiệc thêm phần vui thì chủ nhà
kiếm một phần thịt cho bà mối làm vốn và vài ghè rượu. Bà mối mời ai uống rượu
của mình thì người đó phải để lại tiền, tùy theo tấm lòng của mỗi người cho bao
nhiêu thì nhận bấy nhiêu, ngược lại các bà mối đưa thịt cho họ và cứ như thế cuộc
vui kéo dài đến ngày hôm sau.
Mai Thị Đuổng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét