Lễ hội Tết ngô (Quề la long) của dân tộc Cống (Nông Quang Khải)


Dân tộc Cống là 01 trong 05 dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ. Người Cống có khoảng trên 2000 người cư trú chủ yếu ở hai tỉnh là Lai Châu và Điện Biên.
Tại Lai Châu người Cống cư trú chủ yếu sống dọc theo Sông Đà ở 4 bản là Pô Lếch, Nậm Luồng, Nậm Khao, Nậm Pục của  huyện Mường Tè với số dân 1077 người chiếm hơn 50% tộc người Cống trên toàn quốc.

Cũng như các dân tộc anh em khác trên địa bàn, người Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy, ruộng bậc thang, mỗi năm một vụ chính; Cây trồng chính của người cống chủ yếu là Ngô, lúa nước, ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối để phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ tết, lễ, sinh hoạt.

Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống tinh thần rất phong phú và đa dạng. Các phong tập quán tốt đẹp của người Cống đang có nguy cơ mai một do việc tái định cư chuyển địa điểm và các văn hoá lai căng xâm nhập. Lễ hội Tết ngô là một trong những lễ hội đang cần được phục dựng và lưu giữ để những nét đẹp về đời sống tinh thần của dân tộc không bị mai một.

Vào những ngày cuối năm theo cách tính của người dân tộc Cống, tức khoảng cuối tháng 5 âm lịch hàng năm. Già trẻ lớn bé trong từng gia đình họp lại phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho cái tết gia đình diễn ra tươm tất và theo đúng phong tục.

Với đồng bào người Cống, ngày tết của họ bắt đầu từ đầu tháng 6, khi vụ ngô đã bắt đầu vào kỳ thu hoạch.

Để có một cái tết đầm ấm, vui vẽ và mang đậm bản sắc dân tộc, các gia đình người Cống nhà nhà ai cũng chú trọng đến các món ăn và mâm cổ cúng tổ tiên, thần linh trong ngày cuối năm và đầu năm mới.

Vào ngày đầu năm mới, khi tiếng gà gáy sáng cất lên các hộ dân trong bản Nậm Khao đã sáng đèn để chuẩn bị cho lễ hội tết ngô, lễ hội chính trong năm của dân tộc mình.

Những người phụ nữ trong gia đình lấy từng bắp ngô nạo nhỏ để làm món bánh ngô, món chính của lễ hội tết ngô.

Những bắp ngô được lấy trên nương từ ngày hôm trước vẫn còn thơm mùi ngậm sữa. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cống được nạo nhuyễn. Bánh ngô được chế biến từ ngô nếp non nạo nhỏ trộn đều với đường sau đó lấy lá chít gói lại to khoảng 2 đầu ngón tay. Bánh ngô được đồ bằng chõ xôi khoảng 1 giờ là ăn được. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và cũng được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên trong chõ xôi, cơm chín có mùi thơm rất quyến rũ của ngô nếp non với hương thơm của gạo nếp. Đây là những món ăn truyền thống được làm bằng ngô non sau khi thu hoạch nên nó mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc đến thần linh, tổ tiên.


Ngay gian thờ chính của gia đình các dụng cụ sản xuất hàng ngày được đưa vào trong nhà. Các dụng cụ sản xuất thường ngày gồm: Chài, cuốc, xẻng, nỏ… Tất cả các dụng cụ này được lấy từng chiếc bánh ngô ( bê lẹ) và những con cua ( láng tò) buộc. Sau khi quá trình buộc xong   bày biện các đồ dùng sản xuất ra khắp các gian nhà. Riêng cột nhà sẽ được buộc vào một cái giỏ trong đó đựng một quả dưa, một con cua, một đùi gà. Cách thức này mang ý nghĩa tượng trưng cầu cho một năm mới công việc sản xuất sẽ gặp nhiều thuận lợi, mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi thóc, ngô đầy nhà; săn bắt được nhiều, gia đình sẽ có một năm no đủ.

Khi trong nhà đã trang trí đúng nghi thức, Người chủ của gia đình sẽ bày lễ vật lên bàn thờ.
Việc chọn món ăn và đồ vật cúng được người cống chuẩn bị rất công phu. Mâm cổ cúng tổ tiên của người Cống nhằm mục đích trình báo với thần linh, tổ tiên về những việc mà cả gia đình đã làm được trong năm, cảm tạ sự phù hộ, độ trì của tổ tiên và thần linh cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà. Không những vậy, qua mâm cổ ấy, người ta còn hiểu hơn về cách nghĩ của người Cống trong quan niệm luân hồi, tâm linh. Tuỳ vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ có thể nhiều hay ít món. Đây là mâm cúng đầu năm mới, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tham gia. Lễ vật dâng lên tổ tiên thường có: thịt lợn (vạ sà) (gồm thủ, đuôi, gan, ruột non), thịt gà (gà sà), nấm rừng (mung xi), rau bí luộc (pa khạm chá công), cua rừng (làng tò).

Trong quan niệm của người Cống, con cua có ý nghĩa to lớn trong quan niệm tâm linh của họ. Trên mâm cỗ, 12 con, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và tượng trưng cho 12 con giáp. Với họ, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng cắn đuổi những con vật phá hoại.

Bên cạnh các món ăn đó, trên mâm cỗ của người Cống còn có hai món ăn không thể thiếu. Đó là cơm ngô (sa tu hằng) và bánh ngô (sa tu pe le). Đối với người Cống, mâm cổ giờ đây không chỉ là nơi chứa đựng các món ăn truyền thống mà còn là sự thành tâm dâng cúng thần linh, tổ tiên. Mỗi món ăn, đều góp phần làm cho hương vị ngày tết Ngô truyền thống thêm trọn vẹn.

Sau khi cúng xong các lễ vật được đem ra bày biện để cả nhà cùng quần tụ chúc cho một năm mới tốt lành, các cháu sẽ được bố mẹ, ông bà mừng tuổi và lấy cái giỏ đựng một quả dưa, một con cua, một đùi gà cho mang đi chơi.

Nông Quang Khải (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét