Lễ hội cầu mùa của dân tộc La Hủ (Thái Thịnh)

 Người La Hủ bắt đầu vụ mùa từ cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, sau khi dọn sạch nương và phơi cho cỏ chết thì bắt đầu tra hạt. Khi đến nương, người chủ gia đình sẽ chọn một địa điểm tốt và làm lý trước. Quá trình làm lý này chỉ do một mình chủ gia đình thực hiện.

Người chủ gia đình sẽ nói câu cầu với đại ý: cầu cho tra hạt, hạt nảy mầm sinh trưởng tốt. Khi chủ gia đình nói câu này thường không để cho ai nghe thấy. Điều này với người La Hủ là để câu cầu mùa ấy sẽ đến tai các vị thần mà không ai hay biết để các vị thần phù hộ và ban cho mùa màng tươi tốt. Sau khi làm lý xong, quá trình tra hạt bắt đầu.

Người La Hủ thường không chọn điểm gieo hạt đầu tiên mà họ thường làm cuốn chiếu từ xa đến gần cho đến khi xong. Số hạt giống dư thừa ở sọt nhỏ đeo bên mình sẽ được gom lại đeo về nhà gói gọn giấu vào kho thóc gia đình. Theo quan niệm của người La Hủ, khi lúa trên nương chưa nảy mầm được hai, ba lá nếu lấy hạt giống ra ăn thì giống sẽ không mọc và cây không sinh trưởng tốt. Khi việc tra hạt đã xong, bất kể là xong vào ngày nào, nhưng phải đợi đến đúng ngày con Rồng thì gia đình mới bắt đầu Lễ cúng cầu mùa.

Các vật cúng cầu mùa được bày trên cái mâm tre đan gồm: 2 bát thóc, 2 bát gạo, 2 chén men rượu do gia đình tự chế, 2 đôi đũa và 1 con lợn cái sống đặt cạnh mâm lý. Khi người chủ gia đình cúng xong lợn sẽ được mổ ngay cạnh mâm lý và lấy gan để xem số, sau đó đem đi luộc chín và lấy mỗi thứ một ít để tiếp tục cúng. Trong quá trình luộc lợn, cho 2 bát gạo làm lý vào nồi luộc để nấu thành cháo rồi múc ra 2 bát làm lý cùng mâm cúng.


Việc cúng cầu mùa diễn ra bên bếp chính của gia đình. Vì người La Hủ xem bếp là nơi gia đình chế biến thức ăn và việc vụ mùa no đủ hay không thể hiện ở gian bếp treo lương thực, thực phẩm nhiều hay ít. Làm lý ở bếp là mong thần bếp và các vị thần khác phù hộ cho gia đình luôn đầy đủ cái ăn, mùa màng tươi tốt, lương thực, thực phẩm sẽ treo đầy, gia đình luôn no đủ.

Đối với dân tộc La Hủ, việc cúng cầu mùa cầu mong cho cây sinh trưởng và phát triển tốt và cho vụ mùa bội thu là nghi thức rất quan trọng. Các vật cúng ở mâm lý chỉ có những người trong gia đình mới được ăn. Sau khi làm lý xong, mâm lý được đưa ra giữa nhà và mọi người trong gia đình quần tụ mỗi người ăn một ít để hưởng lộc. Trong ngày cúng cầu mùa, kiêng không cho người ngoài gia đình vào và không cho bất kỳ ai mượn đồ đạc. Sau khi cúng chính xong, đợi đến ngày con Ngựa, một nghi thức khác sẽ diễn ra, đó là nghi thức cúng cột chính "Khô Bô Dệ Khư Xé Te Cha".

Trước ngày cúng cột chính, người chủ gia đình sẽ lên rừng ngắm trước một cành cây hạt dẻ không bị sâu và lá còn xanh để hôm sau lên chặt về làm lý cúng cột chính. Theo quan niệm của người La Hủ, cây hạt dẻ là cây ít bị sét đánh, lại có quả ăn được và là cây sạch nên lấy cây hạt dẻ về cúng cột chính là tốt nhất. Đến ngày con Ngựa, vào lúc chập choạng tối, chủ gia đình cầm dao sắc lên rừng chặt cành dẻ mang về. Khi về đến nhà mà chưa đến lúc cúng, chủ gia đình sẽ đặt cành cây dẻ phía ngoài dựa vào phên nhà. Đến giờ cúng, chủ gia đình ra lấy cành cây hạt dẻ mang vào và buộc vào cột chính của nhà (cột gần giường ngủ của gia chủ).


Sau khi buộc cành cây hạt dẻ vào cột chính, chủ gia đình lấy các vật cúng đặt chuẩn bị đem đến trước cột chính để cúng. Lễ vật gồm: 1 bát gạo, 1 chén men rượu, 1 con gà trống đỏ (đã biết gáy), 1 đôi đũa. Lúc đầu làm lý con gà trống đỏ còn sống. Cúng lần thứ nhất xong, chủ nhà sẽ cắt tiết gà ngay trước cột chính và đem đi làm sạch lông, luộc chín, lấy mỗi thứ một ít, sau đó tiếp tục cúng lần 2. Vừa cúng chủ gia đình vừa vo tròn các vật cúng bỏ xuống cột chính cho đến khi xong lý.

Nội dung lời cúng đại ý là: cầu mong các vị thần linh, nhất là thần sét sau khi gia đình làm lễ dâng cho thần ăn, thần hãy phù hộ cho gia đình không bị sét đánh. Thần sét xuống theo cành dẻ để gia đình cho ăn, ăn xong thần sẽ theo cành dẻ lên trời, khi nào thần sét đói sẽ theo cành dẻ xuống để gia đình cho ăn mà không đánh sập nhà.

Sau phần lễ là phần hội với các môn thể thao, văn nghệ và trò chơi truyền thống của dân tộc La Hủ. Ở phần văn nghệ, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, đàn tre, đàn đơ-đờ đơ, đàn ta-tò-ta… Mỗi nhạc cụ đều có một âm điệu khác nhau, tạo nên nét trầm bổng du dương lôi cuốn lòng người. Phần thi thể thao gồm các môn: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ của người dân 14 bản trong xã tham dự, tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, bà con sôi nổi tham gia các trò chơi dân gian: đi cà kheo, đu quay, bập bênh và ném cơm vàng...

Việc phục dựng Lễ hội cầu mùa - "Lô Khọ" được ghi lại chi tiết sẽ trở thành tài liệu tuyên truyền hữu hiệu, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí của văn hoá đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc La Hủ. Qua đó, tạo sự đồng thuận của xã hội về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc đặc biệt khó khăn như dân tộc La Hú.

Thái Thịnh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét