Lễ Cưới Hỏi Truyền Thống Của Dân Tộc Cống (Hoàng Thị Lê)

Các đôi trai gái dân tộc Cống nao nức trong mùa cưới

Người Cống ở tỉnh Điện Biên là một dân tộc thiểu số có dân số tương đối ít (theo số liệu thống kê năm 2009 là 871 người), sinh sống tập trung tại 2 huyện Điện Biên và Mường Nhé. Mặc dù có dân số ít nhưng đời sống văn hóa của dân tộc Cống rất phong phú với nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Một trong những phong tục đặc trưng đó là lễ cưới hỏi truyền thống.

Đối với dân tộc Cống, trai, gái từ 14-15 tuổi trở lên đã được coi là trưởng thành và có thể bắt đầu quá trình tìm hiểu để xây dựng gia đình. Trước đây họ không có cơ hội để tìm bạn đời là người khác tộc và cũng không ai vượt qua được trở ngại về mặt tâm lý để kết hôn với những thành viên thuộc dân tộc khác đang sinh sống cạnh kề như Thái, H’Mông, Si La… Do vậy người Cống không tránh khỏi vấn đề hôn nhân cận huyết, bởi lẽ dân tộc Cống có số dân khá ít, lại sinh sống tập trung nên giữa các gia đình người Cống hầu như đều có mối quan hệ chằng chéo với nhau. Mùa cưới của người Cống cũng giống như nhiều tộc người khác thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch là thời điểm nông nhàn đồng thời cũng là thời điểm sửa sang nhà cửa để đón năm mới và dựng vợ gả chồng cho con cái.

Thiếu nữ chăm chỉ trong mùa đón chờ mùa cưới đến

Đối với các chàng trai người Cống đến tuổi trưởng thành và muốn lập tổ ấm của riêng mình, chàng trai sẽ tìm hiểu và lựa chọn người thiếu nữ khác họ mà mình thầm yêu trộm nhớ. Khi đã tìm được người ưng ý, buổi tối chàng trai sẽ đến chọc sàn và rủ cô gái đó ra ngoài để trò chuyện tâm sự. Qua trò chuyện, nếu có sự đồng cảm và yêu nhau (pông lang cái) nhưng chưa công khai thì đôi trai gái vẫn chỉ được tâm sự với nhau ở dưới nhà sàn hoặc ở ngoài sàn. Khi đã bén duyên cô gái (lêm mạ) phải thưa chuyện với bố (a pa), mẹ (a má). Sau đó người con trai (lêm phạ) đến nhà người yêu mình thì lên tiếng từ cầu thang. Không ưng, họ sẽ không ra mở cửa và chàng trai sẽ hiểu rằng gia đình không bằng lòng với tình yêu của hai người. Còn ngược lại, nếu đồng ý, bố mẹ cô gái sẽ mở cửa cho vào nhà. Sau khi nhận được tín hiệu chấp thuận, chàng trai mới được vào nhà trò chuyện cùng gia đình cô gái.

Hoa Ban nở trắng một vùng, báo hiệu mùa xuân, mùa cưới Điện Biên

Nếu thuận thì một thời gian sau sẽ làm lễ đặt rể (mì tạp xái). Đây là lễ để chàng trai đi ở rể nhà người yêu. Lễ này thường được tổ chức vào tháng 1 âm lịch. Khi tổ chức lễ đặt rể, bên nhà trai gồm: bố, mẹ, anh em họ hàng (cũng có khi cả bản) đến nhà gái. Trong lễ này nhất thiết bố, mẹ chàng trai phải cùng đi, nếu một trong hai người đã mất thì phải mượn vợ chồng bác hoặc vợ chồng chú hoặc cô ruột (những  người ngang hàng với cha mẹ chàng trai) đi thay và phải đi cả đôi, không được đi lẻ bởi đồng bào Cống quan niệm rằng đi lẻ là không hạnh phúc, không may mắn.

Trong thành phần nhà trai đi lễ đặt rể hay bất cứ lễ nào liên quan đến hôn nhân của dân tộc Cống đều có ông mối (po xứ) hoặc bà mối (me lam) đi cùng. Điều kiện chọn người làm ông mối, bà mối phải là người khỏe mạnh, hiền lành, tốt bụng, con đàn cháu đống càng tốt, đặc biệt phải là những người không chết vợ hay không chết chồng. Trong lễ đặt tên này nhà trai cũng thường chọn những người hát hay, hát giỏi đi theo để khi đến nhà gái có thể phải hát đối đáp.

Đôi trai, gái người Cống bên mâm cơm ngày sang nhà gái

 * LỄ ĐI Ở RỄ.
Nhà trai phải mang tư trang sinh hoạt và lao động cho chàng trai sang bên nhà gái. Thông thường công việc mang tư trang này dành cho các cô gái như: chị gái, em gái hay chị em họ... Riêng lễ vật để trong một cái túi do mẹ chú rể (hoặc người ngang hàng) mang sang nhà gái gồm: một cuộn dây gai (ý niệm thắt chặt đôi nam nữ và đôi bên gia đình), một gói muối (biểu hiện cho sự mặn mà), một ít thuốc lào hoặc thuốc lá.

Khi đến nhà gái, nhà trai không lên ngay mà thường lên tiếng dưới chân cầu thang bằng những câu hát chào, hỏi nhà gái. Nhà gái cũng có những người hát giỏi hát đối với nhà trai (thường là đồng ý cho lên nhà vì việc này đã có những thông tin trước với nhau để hai bên cùng chuẩn bị). Người làm mối sẽ thưa chuyện với nhà gái hỏi xin thời gian được ở rể (khơi tặp). Điều đặc biệt trong màn hỏi thời gian ở rể là người Cống không hỏi thời gian bằng năm mà hỏi bằng ngày. Bên nhà gái trả lời hai ngày, ba ngày hay bảy ngày tương ứng với thời gian thực tế là hai năm, ba năm hay bảy năm. Trước đây thời gian ở rể của dân tộc Cống rất dài, có khi 12 năm nhưng ngày nay thường là hai đến ba năm.

Khi đã có người đến ở rể nhà mình, cô gái bắt đầu búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đó là dấu hiệu của người con gái Cống đã có chồng. Thời gian ở rể, họ có quyền sinh con đẻ cái, khi hết thời gian ở rể mới được làm lễ cưới để đưa cô dâu gái về nhà chồng. Thời gian ở rể là thời gian thử thách chàng rể phải cố gắng thể hiện mình trên phương diện đối nhân xử thế, trong lao động sản xuất để đến khi cưới cha mẹ chia của cho.

Trước khi tổ chức cưới, người Cống còn làm lễ đặt hỏi (ăng mì thám ế). Đây là lễ xin chọn một ngày tốt để cưới cho đôi vợ chồng đã hết thời gian ở rể. Việc chọn ngày để làm lễ đặt hỏi cũng thường vào những ngày tốt và những ngày tháng giáp tết (do việc đi ở rể cũng vào những ngày tháng giáp tết và ở rể thường tròn năm)

Những món đồ tự tay người Cống làm cho con gái trước lễ cưới

 LỄ CƯỚI (* ĂN MÌ TỒ Ế)
Để chuẩn bị cho lễ cưới nhà trai, nhà gái đều phải chuẩn bị lợn, gà, rượu, cá, gạo và các thực phẩm khác để làm cỗ ăn uống tại nhà. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái là một con lợn, 9 đôi cá (phải là cá có vảy), một chum rượu cần (có hai cần hút), rượu trắng và một con gà, bạc trắng. Những lễ vật trên được để vào mâm cỗ đem sang nhà gái này phải là anh rể hoặc em rể mang đi. Người đeo chum rượu thường là chị hoặc em và đoàn nhà trai theo sau.



Phần nhà trai mang những lễ vật sang (theo thỏa thuận từ trước) đặt vào nơi thờ để làm lễ, cúng thờ tổ tiên. Lúc này cũng là lúc nhà gái thách thức chàng rể bằng công việc giết gà. Chàng rể phải thực hiện việc giết mổ gà từ khâu đun nước, cắt tiết đến vặt lông mà không được ai hỗ trợ. Mổ xong, chú rể phải đem gà đi luộc, sau đó chặt đầu và chân để xem, còn lại chặt nhỏ cho mỗi mâm một ít. Trong lúc chàng trai mổ gà, hai bên gia đình trai gái tổ chức hát đối đáp (nế lế hê). Đến bữa ăn họ hàng hai bên chúc tụng nhau có thể bằng lời hay bằng hát. Nhà trai thường có hai cô (chị hoặc em gái chú rể) tay bưng khay rượu, thịt và đi chúc rượu từng người.

Mọi người vui tươi trong lễ cưới hỏi

Đến giờ đón dâu, cô dâu, chú rể lạy 3 lạy hai họ và chúc bố mẹ hai bên mỗi người một chén rượu. Họ nhà trai mang tư trang của cô dâu đi trước và chọn một số thanh niên nam nữ xinh đẹp, khỏe mạnh làm lý giằng co đưa cô dâu về. Nhà gái cũng bố trí một số nam nữ thanh niên khỏe mạnh, xinh đẹp giữ cô dâu lại trong sự lôi kéo của nhà trai để tỏ sự lưu luyến, nhớ thương... Ngoài ra đoàn nhà gái còn té nước (nước ngâm tro) vào những người đang giằng kéo con gái của phía nhà trai chuẩn bị ra về. Nước té càng nhiều, càng nhiều người ướt đám cưới càng vui, vì đồng bào Cống quan niệm đó là điều may mắn, nhiều lộc cho đôi vợ chồng trẻ. Việc đón dâu phải diễn ra vào lúc còn mặt trời và vào những giờ hơn. Khi về đến nhà trai, bố mẹ chồng và chồng dẫn cô dâu vào nhà, cô dâu, chú rể quỳ xuống trước mặt là chum rượu cần có hai cần và một bên là bố mẹ. Cô dâu, chú rể sẽ lạy ba lạy về phía bàn thờ, sau đó vắt chéo cần rồi cùng nhau uống rượu trước sự chứng kiến của bố mẹ và anh em họ hàng. Lễ cưới đến đây là kết thúc.

Có thể nói, lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Cống mang đầy những nghi thức tốt đẹp thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến hạnh phúc nam nữ. Sau khi kết thúc các nghi lễ cưới hỏi, đôi vợ chồng trẻ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Từ nay trở đi đôi vợ chồng trẻ sẽ tự lo làm ăn và vun đắp cho hạnh phúc của mình.
 Hoàng Thị Lê (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét