Dân tộc Phù Lá - Hà Giang (Hoàng Thị Thắng)

Người Phù Lá xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chưa lâu, chỉ khoảng trên 100 năm. Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Lao Va Xơ (Xá Phó) và Pu La. Cộng đồng người Phù Lá đang sinh sống tại Hà Giang thuộc nhóm Pu La.Đặc điểm kinh tế: Đời sống kinh tế của dân tộc Phù Lá dựa vào việc làm nương và ruộng bậc thang.
Chăn nuôi gồm có trâu để kéo cày, ngựa để thồ, gà, lợn để lấy thịt. Nghề thủ công nổi tiếng của đồng bào là đan mây, tre làm gùi và các dụng cụ để chứa đựng... với nhiều hoa văn đẹp. Những sản phẩm này, đồng bào còn mang bán hoặc đổi hàng, được nhiều dân tộc khác ưa dùng.


Tổ chức cộng đồng: Người Phù Lá sống trên núi cao, thành các làng bản nhỏ riêng rẽ. Mỗi làng, bản có 10-15 gia đình, sinh sống trong các ngôi nhà đất, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc như Mông, Dao, Tày, Nùng. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong iệc điều hành các công việc ở làng bản.

Hôn nhân gia đình: Người Phù Lá tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng. Thanh niên nam nữ được tự do tìm hiểu để dẫn đến hôn nhân, khi yêu nhau, trai gái nói cho bố mẹ biết, hai gia 1ình sẽ tổ chức bữa cơm thân mật. Từ đó đôi trai gái coi như đã đính hôn. Đám cưới có thể tổ chức sau một, hai năm. Theo tập quán Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng. Của hồi môn của con gái về nhà chồng thường là những vật dụng cần thiết cho cuộc sống gia đình như: Bát đĩa, nồi niêu, chăn màn, thóc giống, gà, lợn giống…


Văn hoá: Hiện nay, người Phù Lá vẫn giữ được vốn văn hoá dân gian của mình. Họ có một nền văn học truyền miệng khá phong phú. Truyện cổ của người Phù Lá có nội dung phổ biến là ca ngợi tình đoàn kết, điều thiện thắng điều ác. Câu tục ngữ “Một giọt nước không thành dòng nước lũ” của người Phù Lá đã nói lên sự cần thiết của đoàn kết…

Tương tự như các dân tộc khác, hàng năm người Phù Lá có nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng từ Tết Nguyên Đán, lễ cúng thần rừng, tết tháng Bảy, tết cơm mới vào đầu tháng 10… cho đến những dịp đặc biệt theo chu trình đời người như cưới xin, đặt tên con, tang ma…

Nhà cửa: Người Phù Lá có cả nhà sàn và nhà đất.
Nhà đất: Đó là loại nhà hai mái, tường được trình kiên cố nhưng hai hồi để trống. Bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, bên cạnh có cửa sổ giả, còn gọi là cửa sổ ma, rộng 15-20 cm, chỉ mở khi cúng. Người Phù Lá thường hay làm thêm nhà một ngôi nhà nhỏ, gọi là nhà phụ, dùng là nơi để lương thực và để tránh hoả hoạn vì kèo đơn giản chỉ có một bộ kèo tam giác gồm hai kèo và một quá giang gác lên dầu tường. Hoặc có thêm một cột hiên.

Nhà sàn: nhà thường ba gian hai chái. Vì kèo ba cột giống nhà người Hà Nhì. Gian chính giữa, giáp vách tiền là chạn bát, ở giữa nhà là bếp , giáp vách hậu là bàn thờ.

Trang phục: Trang phục Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó lẫn lộn với bất cứ tộc người nào trong hệ ngôn ngữ và khu vực vừa mang nét đẹp cổ truyền và cũng khá "hiện đại".

Trang phục nam: Thường nhật, nam giới mặc áo loại xẻ ngực (Bảo thắng, Lào Cai). Aáo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, không cài cúc nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ.

Trang phục nữ: Phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu thường khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc hai áo như một số dân tộc (Tày, Dao đỏ...). Họ thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí (2 phần gần như chia đôi giữa thân, vai, và ống tay cũng như gấu áo). Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu khó làm cho áo phụ nữ Phù Lá lẫn lộn với các tộc người khác. Vay màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng vàng (giống áo) với diện tích 2/3 trên nền chàm. Đầu vấn khăn, hoặc đội mũ thêu ghép hoa văn theo lối chữ nhất (-). Chị em còn có loại áo dài 5 thân cài nách phải, hoặc loại tứ thân cổ cao, tròn cài cúc vải.
Hoàng Thị Thắng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét