Vũ điệu cồng chiêng trong lễ hội của người Xơ Đăng
Từ
lâu, cồng chiêng được coi là một thứ tài sản quý giá, một báu vật thiêng và là
một biểu tượng không thể thiếu trong
đời sống và lễ hội của người Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Trong đời sống tinh thần của người dân tộc
thiểu số, âm nhạc là một phần không thể thiếu tạo nên bản sắc riêng. Đồng bào
dân tộc Xơ Đăng cũng có đời sống âm nhạc, nhạc cụ phong phú dưới những hình dạng
khác nhau. Trong đó nổi bật nhất và được ưa chuộng nhất là bộ cồng chiêng.
Dàn chiêng của người Xơ Đăng thường có số
chẵn, có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau và kèm theo một trống giữ nhịp cho chiêng.
Người Xơ Đăng ở xã Trà Cang sử dụng bộ chiêng gồm 12 chiếc, còn người Xơ Đăng ở
hai xã Trà Nam, Trà Linh thì lại sử dụng bộ chiêng gồm 9 chiếc. Những chiếc
chiêng ấy thường đi cùng với một trống tạo thành một dàn chiêng tương đối lớn.
Âm vang cồng chiêng của đồng bào có giai điệu trầm hùng, ngân nga. Trước khi lấy
cồng chiêng ra đánh, mọi người đều phải sắm lễ vật cúng xin phép ông bà để tỏ lòng
thành kính với gia sản cha ông để lại.
Theo truyền thống của người Xơ Đăng thì trống
bao giờ cũng được đánh đầu tiên, khi trống đánh nhịp thứ 3 thì chiêng vào. Trống
cũng được đánh liên tục hoà cùng tiếng chiêng tạo nên âm điệu dồn dập cùng các
điệu múa xoang của các cô gái và điệu nhảy truyền thống của các chàng trai, tất
cả tạo nên một sắc thái riêng thật tươi vui cho các lễ hội của cộng đồng Xơ
Đăng.
Người Xơ Đăng nơi đây không có chiêng núm
mà hoàn toàn là chiêng bằng hoà cùng với trống đảm nhiệm giai điệu và giữ nhịp
cho cả dàn chiêng. Mặc dù không có cồng nhưng tiếng chiêng vẫn bảo đảm được độ
vang và độ trầm bổng cần thiết. Điều đó đòi hỏi mỗi nghệ nhân khi đánh chiêng
phải có khả năng tư duy âm nhạc để có thể ứng xử một cách linh hoạt trong những
bài chiêng hòa vào lễ hội của cộng đồng.
Khi đánh chiêng, người Xơ Đăng có nhiều
cách móc dây treo vào ngón cái của tay trái (nếu người đó thuận tay) và móc dây
treo vào ngón cái của tay phải (nếu người đó không thuận tay), tùy thuộc vào từng
bài chiêng mà người đánh chiêng đưa ngang tầm ngực để đánh. Cách đánh này sẽ tạo
ra âm thanh trong trẻo, dội vang xa. Cũng với cách móc dây như vậy những người
đàn ông Xơ Đăng khi đánh chiêng thường để bắp tay của mình tựa vào mặt ngoài của
chiêng. Khi đánh chiêng, họ đánh vào mặt trong của chiêng dội nên âm thanh dội
ra ngoài gặp bắp tay kìm lại tạo nên âm thanh trầm hơn...
Đồng bào Xơ Đăng huyện Nam Trà My không
dùng cách xoa mặt chiêng, cũng không dùng nắm tay để đánh vào mặt ngoài của
chiêng và họ cũng không khoác dây đeo vào vai như cách đánh chiêng của một số
dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên.
Trải qua thời gian sinh hoạt và sản xuất,
tiếng cồng, tiếng chiêng đã ăn sâu vào tâm thức của người Xơ Đăng ở Nam Trà My.
Nó được các thế hệ nơi đây trân trọng gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời
khác. Và những cố gắng trong công tác bảo tồn, đầu tư của huyện đã góp sức giữ
gìn và phát huy âm vang hồn núi nơi đại ngàn.
Minh
Đạo (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét