Trang phục của phụ nữ lô lô đen Bảo Lạc (Cao Bằng)
Dân
tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn..
Có hai nhóm: Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen. Số dân trên 3.300 người, cư trú chủ yếu tại huyện Đồng Văn, (Hà
Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến. Đây là một
trong những dân tộc ít người nhất của nước ta. Mặc dù vậy, người Lô Lô vẫn đang
chứng tỏ mình là một dân tộc bản lĩnh.
Người Lô Lô luôn tự hào rằng tổ tiên họ đã
đến khai phá miền đất biên giới của Tổ quốc. Đó là Đồng Văn (Hà Giang) và Bảo Lạc
(Cao Bằng). Theo truyền thuyết kể lại rằng: Người Lô Lô có 7 anh em, 3 người rời
Po Hạ (Trung Quốc) sang Việt Nam rồi 1 người bị lạc, 2 người đến Đồng Văn (Hà
Giang) thì một người ở lại, một người
sang Bảo Lạc (Cao Bằng), họ ra sức khai khẩn đất đai, xây dựng gia đình và là tổ
tiên của người Lô Lô ngày nay. Câu truyện đầy màu sắc hoang đường, huyền thoại
nhưng khẳng định người Lô Lô có mặt ở Bảo Lạc và Đồng Văn từ rất sớm. Họ là người
có công đầu tiên khai khẩn đất hoang ở vùng này.
Ở Cao Bằng người Lô Lô có trên 80 hộ dân, ở
khá tập trung, mỗi làng từ 20 đến 25 nóc nhà. Nhà cửa được sắp xếp theo một trật
tự chung đó là dựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng nên tương đối thoáng mát.
Nhìn từ ngoài vào có vẻ không khác mấy so với nhà của người Mông nhưng khi quan
sát cách thức bố trí, sử dụng không gian trong nhà thì mới thấy sự khác biệt. Đối
diện với với cửa chính là bàn thờ tổ tiên, đặt sát vách, được làm bằng những miếng
gỗ hoặc mo tre vẽ mặt hình nhân, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ.
Đây có lẽ cũng là nét độc đáo có riêng ở dân tộc này. Cũng giống như người Tày,
Nùng kiến trúc nhà của người Lô Lô là
nhà gỗ hoặc nhà đất có 3 gian và không có chái. Gian chính để thờ tổ tiên và tiếp
khách, nhà được làm bằng gỗ dựa trên các kèo gỗ từ 3 đến 5 hàng chân, những vỉ
kèo được liên kết với nhau bằng những đòn tay ngang dọc; gian giữa có nóc gọi
là Xà Đốc, khi dựng Xà Đốc họ thường xem ngày lành tháng tốt để gia đình đầm ấm,
làm ăn phát đạt.
Mỗi làng thường có chung một khu rừng
thiêng, cấm kỵ chặt phá. Trong quan niệm của đồng bào thì đấy là nơi trú ngụ của
thần linh nhưng trong thực tế đó cũng là nơi giữ nguồn nước cho cả xóm. Trong
xóm Lô Lô, các cây cổ thụ cho bóng mát cũng được người dân ý thức giữ gìn, góp
phần tạo nên cảnh quan riêng của cho những chòm xóm người Lô Lô.
Bản sắc văn hoá riêng của dân tộc này có
trang phục truyền thống. Phụ nữ Lô Lô Đen mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng
hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải
màu khác nhau. áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài chùm phía sau
hông, xà cạp quấn chân. Khác với phụ nữ Lô Lô Đen, phụ nữ Lô Lô Hoa chủ yếu là
mặc áo cánh, cổ tròn, xẻ ngực, quần ống què có trang trí hoa văn. Dù có điểm
khác nhau nhưng bộ trang phục nữ giới của hai nhóm này đều rất đẹp, được làm rất
công phu, trang trí các loại hoa văn như: Hoa văn hình học ( hình tam giác,
hình vuông), hình quả thảo quả, hình chim “ngó bá”... thể hiện trình độ, khiếu
thẩm mỹ tinh tế của đồng bào. Với sắc màu nóng đậm, bộ trang phục nữ Lô Lô được
kết hợp với những đồ trang sức bằng bạc, nhôm có sắc trắng, sáng lấp lánh...
cho thêm phần duyên dáng. Ngày nay, cùng với sự phát triển, đổi thay của nông
thôn miền núi, các gia đình người Lô Lô cũng đã mua sắm được các trang thiết bị
như xe máy, ti vi, máy xay sát … mua sắm được nhiều quần áo. Đối với đàn ông,
trang phục thường được mua ở chợ, mỗi bộ quần áo trên dưới 100 nghìn đồng,
nhưng với phụ nữ, vẫn giữ được nét đẹp truyền thống từ những bộ trang phục của
dân tộc, với giá trị bằng cả con bò.
Chữ viết của người Lô Lô là chữ tượng
hình, nhưng hiện nay không dùng nữa. Lịch của người Lô Lô chia một năm thành 11
tháng, mỗi tháng tương ứng với tên một con vật. Người Lô Lô có nhiều dòng họ.
Người trong dòng họ thường cộng cư với nhau thành một làng. Đứng đầu dòng họ là
Thầu chú (ông cậu) Ông ta phụ trách việc cúng bái và duy trì tục lệ của dòng họ.
Dù trước đây hay bây giờ thì người Lô Lô vẫn chung thủy và tôn trọng hôn nhân một
vợ một chồng. Thanh niên nam, nữ Lô Lô được tự do tìm hiểu để đi đến hôn
nhân. Nếu như trong cưới xin, để phù hợp
với nếp sống mới, nhiều nghi lễ đã bị loại bỏ dần thì trong tang ma của dân tộc
này, các nghi lễ vẫn được tiến hành nghiêm ngặt theo đúng phong tục. Bố mẹ qua
đời, phải ít nhất 1 năm con cái mới được dựng vợ gả chồng. Người ta cúng tổ
tiên, ông bà vào các dịp như rằm tháng 7, tết năm mới. Chu kỳ đời người từ sinh
nở, cưới xin, tang ma đều mang đậm dấu ấn văn hoá Lô Lô, có cái còn, có cái đã
cải biến cho phù hợp với cuộc sống hôm nay.
Đám cưới của Nguời Lô Lô
Một trong những điểm nhấn trong văn hoá của
người Lô Lô đó là bộ trống đồng cổ mà dân tộc này sử dụng trong các dịp cúng thổ
thần, tổ tiên và trong đám tang. Người Lô Lô xem trống đồng là một báu vật
thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc, nối cõi
thường với tâm linh. Không chỉ tự hào là một trong những dân tộc có mặt sớm ở
vùng đất này, tự hào về nền văn hoá trống đồng cổ, chữ viết tượng hình xa
xưa... mà đồng bào còn tự hào về vốn văn hoá dân gian phong phú của mình qua những
điệu múa, làn điệu dân ca, truyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích mang vẻ
hoang đường, thần thoại những đã phác lên được vũ trụ quan sinh động của dân tộc
này trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội. Những bài ca, tiếng hát chứa
chan tình yêu con người, cuộc sống, thiên nhiên... được ví như là viên ngọc quí
đóng góp vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Trống đồng của người Lô Lô
Tuy nhiên, để những giá trị văn hoá truyền
thống của dân tộc Lô Lô tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm
nay của đồng bào là cả một vấn đề cần được các cấp chính quyền, các ngành chức
năng quan tâm. Với số dân ít, sống tương đối tập trung, các làng bản người Lô
Lô cần tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật
chất và tinh thần cho người dân. Tiếp tục đầu tư thoả đáng cho công tác nghiên
cứu, sưu tầm vốn văn hoá dân gian của dân tộc này hiện còn đang gìn giữ được.
Khuyến khích con em đồng bào học tập, nâng cao trình độ, nhận thức đúng đắn giá
trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình
Quang Thọ (sưu tầm).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét