Tiếng pí thay cho lời nói của tình yêu
Nói đến âm nhạc các dân tộc Việt Nam, chúng ta không thể
không nhắc đến phong tục thổi pí (hay còn gọi là thổi sáo) của dân tộc Thái. Đối
với người Thái, thổi pí đã góp phần gìn giữ tinh hoa, bản sắc âm nhạc dân tộc
cũng như làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của người dân.Pí là loại nhạc
cụ làm bằng ống nứa, phần đầu của chiếc pí được gắn với một thanh đồng nhỏ để
khi thổi, âm thanh phát ra trong hơn. Pí có nhiều loại. Pí đơn thường được người
con trai thổi vào ban đêm thay cho lời gọi người yêu. Giai điệu khi thổi loại
pí này thường rất buồn: “Đêm đã khuya/ Sương rơi nhiều/ Vầng trăng dần khuất
sau mây/Anh ở xa đến tìm gặp em/ Em ơi hãy dậy để chúng mình trò chuyện, tâm sự…”.
Đó là giai điệu bày tỏ tâm trạng mong đợi của những chàng trai muốn được gặp
người mình yêu nhưng mãi không thấy nàng ra mở cửa. Giai điệu này được người
Thái gọi là giai điệu “Gọi người yêu”.
Theo anh Cầm Vui, huyện Mường Trai, tỉnh Sơn La, người
chuyên nghiên cứu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Thái: Những chàng trai Thái tuổi từ
16-20 đều có cây pí đơn trong người. Ai mà không biết thổi pí thì sẽ bị người
con gái chê cười vì người con gái Thái cho rằng, chàng trai thổi pí hay cũng là
chàng trai có tâm hồn lãng mạn, yêu đời.
Bên cạnh pí đơn còn có pí pặp (pí đôi) được làm từ việc
ghép hai chiếc pí đơn lại với nhau. Một chiếc dùng để gợi tả giai điệu, chiếc
còn lại mô tả nhịp điệu của bài dân ca khi được thổi. Pí pặp thường được người
dân Thái thổi vào buổi sáng sớm vì âm lượng của nó tương đối lớn, giai điệu vui
nhộn.
Trước kia, ở trên vùng cao của Sơn La có nhiều hổ dữ, nên
người con trai thường dùng chiếc pí này để “nói dối” bạn gái, mong được bạn gái
mở cửa cho vào nhà.
“Ôi! anh đi từ xa đến, gặp một con hổ to/ Con hổ đuổi anh/
Em ơi, hãy dậy…/ Mở cửa cho anh vào nhà kẻo hổ cắn anh…”. Với cách gọi người
yêu dựa vào giai điệu bài dân ca “Hổ cắn anh” thông qua chiếc pí pặp, nhiều
chàng trai đã được các cô gái Thái cảm động mở cửa cho vào nhà.
Ngoài pí đơn và pí pặp, pí tam lay được người dân Thái thổi
vào ban ngày trong khi làm nương rẫy nhằm cổ vũ, động viên nhau trong công việc,
hăng say trong lao động sản xuất. Đặc điểm của loại pí này là dài khoảng 1m với
âm điệu du dương. Người con trai Thái còn sử dụng pí tam lay vào lúc trăng sáng
hay gọi bạn gái khi họ đang cấy lúa nhằm gây sự chú ý của người bạn gái tới
mình.
Pí được các chàng trai Thái thổi để mong gặp được bạn gái,
người mình yêu nhưng đôi khi đối với người dân Thái, thổi pí cũng là để biểu lộ
sự tiếc thương một ai đó. Nhiều đôi trai gái Thái yêu nhau, khi họ tính đến
chuyện hôn nhân thì bị gia đình người con gái ngăn cản. Thuyết phục cha mẹ mãi
không được, người con gái lên rừng thắt cổ tự tử. Chàng trai đau buồn quá đã
khóc cạn nước mắt nhưng niềm tiếc thương người mình yêu vẫn không nguôi. Người
con trai đành nhờ cây pí để gửi những tâm sự, tình cảm chân thành của mình tới
người con gái mà mình yêu, những mong an ủi người con gái đã chết vì tình yêu của
đôi lứa. Đó là sự tích của việc ra đời loại pí thiu (hay còn gọi là pí khóc người
yêu). Loại pí này thường được người Thái trắng thổi khi bày tỏ sự nuối tiếc cho
mối tình đẹp của hai người yêu nhau say đắm nhưng không thành. Độ dài của loại
pí thiu khoảng 1m, gồm 6 đốt. Âm điệu của pí thiu thường mang một nỗi buồn sâu
lắng làm lay động lòng người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét