1. Dân tộc Bố Y
Người Bố Y di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 150
năm; có quan hệ với các dân tộc Tày, Thái, Nùng. Đặc biệt trước năm 1945, họ chịu
sự quản lý của bộ máy hành chính người Nùng. Người Bố Y cư trú ở Quản Bạ (Hà
Giang) và Mường Khương (Lào Cai), sống thành từng bản, mỗi bản có ít gia đình
và rải rác không liền kề nhau. Họ ở nhà đất có hai mái lợp gianh, gỗ hoặc ngói.
Nhà có 3 gian, có sàn gác trên quá giang là chỗ để lương thực và chỗ ngủ của những
người con trai chưa vợ. Người Bố Y vốn giỏi làm ruộng nước nhưng đến Việt Nam
cư trú ở vùng cao nên chủ yếu phải dựa vào canh tác nương rẫy và lấy ngô làm
cây trồng chính. Bên cạnh đó, mỗi gia đình thường có một mảnh vườn để trồng
rau. Ngoài nuôi gia súc, gia cầm họ còn nuôi cá ruộng và biết làm nhiều nghề thủ
công như dệt, rèn, gốm, đục đá, chạm bạc, đan lát, làm đồ gỗ.
Trước đây, phụ nữ mặc váy xoè, áo năm
thân có xiêm che ngực, tóc vấn ngược đỉnh đầu, đội khăn màu chàm vấn thành hình
chữ "nhân" trước trán. Ngày nay họ mặc giống như người Nùng trong
cùng địa phương. Phụ nữ nhóm Tu Dí ăn mặc theo kiểu người Hán nhưng áo có ống
tay rời. Hôn nhân cưới xin phức tạp và tốn kém, đoàn đón dâu không quá 10 người,
trong đó 1-2 đôi son trẻ, 2 đôi đã có vợ chồng; chú rể không đi đón dâu mà cô
em chồng dắt con ngựa đẹp để chị dâu cưỡi về nhà chồng. Đoàn đưa dâu cũng có số
người tương tự, cô dâu mang theo một chiếc kéo và con gà mái nhỏ, đến quãng giữa
đường thả gà vào rừng. Phụ nữ sinh con có tục đẻ ngồi, nhau của đứa trẻ chôn xuống
gầm giường của mẹ. Khi có tang, 90 ngày tang mẹ và 120 ngày tang cha, con trai
không được uống rượu, con gái không được đeo đồ trang sức, không được lấy vợ, lấy
chồng. Ở nhóm Tu Dí, nam nữ thanh niên thường hát đối đáp tại phiên chợ xuân
hay tại nhà, lời ca bằng tiếng Hán, được phụ hoạ bằng kèn lá.
2. Dân tộc Giáy
Người Giáy từ Trung Quốc di cư sang Việt
Nam cách đây khoảng 200 năm, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai
Châu. Nhà sàn là nhà ở truyền thống, hiện nay kiểu nhà sàn vẫn phổ biến trong bộ
phận người Giáy ở Hà Giang, còn bộ phận ở Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất nhưng
phía trước nhà vẫn là sàn phơi. Người Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước
trên những triền ruộng bậc thang. Bên cạnh đó họ còn làm thêm nương rẫy trồng
ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Chăn nuôi theo lối thả rông; có một số
nghề thủ công nhưng chưa phát triển. Trước kia, phụ nữ mặc váy xoè giống như
váy của người Hmông. Ngày nay họ mặc quần màu chàm đen có dải vải đỏ đắp trên
phần cạp, áo cánh 5 thân xẻ tà, dài quá mông, cài khuy bên nách phải. Tóc vấn
quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc. Nam giới mặc quần lá toạ,
áo cánh xẻ tà, mở khuy ngực. Việc cưới xin gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối,
ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ cưới, ngoài chi phí cho ăn uống, nhà trai còn
phải mang cho nhà gái một số thực phẩm và tiền để làm quà tặng cho họ hàng gần.
Ở người Giáy cũng có tục cướp vợ như người Hmông. Khi phụ nữ có thai phải kiêng
nhiều thứ: không đun củi từ ngọn lên gốc, không đến đám tang hay nơi thờ cúng.
Khi trẻ đầy tháng phải cúng báo tổ tiên, đặt tên và lập lá số cho trẻ để sau
này đem so tuổi khi lấy vợ, lấy chồng và chọn giờ nhập quan, hạ huyệt khi chết.
Người Giáy cho rằng, khi người ta chết, nếu ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời
sống sung sướng cùng tổ tiên nếu không sẽ bị đưa xuống âm ti hoặc biến thành
con vật. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày
và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo. Con cái để
tang bố mẹ một năm. Bàn thờ đặt ở gian giữa thờ trời đất, táo quân và tổ tiên,
có khi có thêm bàn thờ thờ bà mụ và bố, mẹ vợ. Trong kho tàng văn nghệ của người
Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao. Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ
gọi là vươn hay phướn hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn.
3. Dân tộc Lào
Người Lào cư trú xen kẽ với người Thái,
người Lự, người Khơ Mú ở các huyện Điện Biên, Phong Thổ (Lai Châu) và Sông Mã
(Sơn La). Họ sống thành từng bản. Mỗi bản có một người đứng đầu gọi là chẩu bản
đại diện cho lợi ích cộng đồng. Người Lào ở nhà sàn, lòng rộng, thoáng đãng, cột
kèo được chạm khắc tinh vi; mái nhà thường kéo dài tạo nên hiên để đặt khung cửi
và các công cụ làm vải. Kinh tế chủ yếu là làm ruộng lúa nước với trình độ canh
tác cao như làm đất, thuỷ lợi và kỹ thuật chăm bón lúa. Tiểu thủ công nghiệp
như dệt, rèn, gốm, đan lát, làm đồ bạc rất phát triển và tạo ra nguồn thu nhập
đáng kể cho các gia đình.
Phụ nữ Lào mặc váy thắt ngang ngực,
buông ngang tầm bắp chân. Gấu váy thêu hoa hoặc dệt nhiều mô típ hoa văn rực rỡ;
áo nữ ngắn, để hở phần ngực trên. Chiếc trâm bạc cài tóc hay khăn piêu đội đầu
của phụ nữ cũng được chạm khắc hoặc thêu thùa khéo léo. Đàn ông Lào có nhiều
nét tương đồng với người Thái. Gia đình của người Lào mang tính phụ quyền rõ rệt.
Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên nhà chồng; gia đình của họ thường bền vững, ít
có trường hợp đa thê, ngoại tình hay ly dị. Về ma chay, tục thiêu xác chỉ thực
hiện với người đứng đầu bản, các trường hợp khác đều thổ táng. Người Lào không
khóc trong các đám tang bởi họ quan niệm sự chết chỉ là quá trình thay đổi thế
giới. Người Lào theo Phật lịch và ăn tết vào tháng 4 âm lịch hàng năm. Mỗi gia
đình đều có nơi thờ cúng tổ tiên; mỗi bản làng có một ông thầy cúng chuyên việc
cúng khi có người đau ốm. Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống văn hoá và xã hội
người Lào. Người Lào có chữ theo mẫu tự Sanskrit, hiện nay vẫn còn nhiều sách
viết trên lá cọ do các thầy cúng giữ. Người Lào có vốn văn học dân gian phong
phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca... Phụ nữ Lào không chỉ hát hay mà
còn rất giỏi các điệu dân vũ.
4. Dân tộc Lự
Người Lự cư trú ở các huyện Phong Thổ,
Sìn Hồ, Điện Biên (Lai Châu). Làng bản thường đặt ở nơi đất bằng, gần nguồn nước,
mỗi bản có từ 20-70 nóc nhà; nhà kiểu nhà sàn 2 mái, mái sau cao, mái trước kéo
dài thành hiên đặt khung dệt; mỗi nhà có 2 bếp, một bếp để nấu ăn và một bếp để
nấu rượu tiếp khách. Về hoạt động sản xuất, người Lự sáng tạo ra hệ thống
mương, phai truyền thống để dẫn nước vào ruộng. Ruộng trồng lúa nước theo kỹ
thuật cấy mạ hai lần, có nơi đã biết dùng phân xanh bón ruộng. Nghề dệt phát
triển, dệt thổ cẩm với nhiều đường nét hoa văn đẹp. Bữa ăn lấy cơm nếp làm
chính, ưa thích các món ăn chế biến từ cá, trong đó có món nộm tươi với thịt cá
tươi.
Nữ mặc váy chàm, xẻ ngực; váy bằng vải
chàm đen, có thêu dệt thành hai phần trang trí, dễ cảm giác như váy có hai tầng
ghép lại. Đầu đội khăn cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường
gấp viền thêu hoa văn bổ dọc. Nhuộm răng đen, đeo vòng tay bằng bạc, đồng. Nam
mặc quần áo bằng vải chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực, cài cúc tết dây vải, có
hai túi ở hai vạt áo và một túi ở ngực trái. Quần từ đầu gối trở xuống có thêu
hoa văn. Trong cưới xin, theo tục ở rể 3 năm, sau đó về làm dâu 2 năm thì đôi vợ
chồng được phép ra ở riêng. Khi có người chết, người trong họ nội đội khăn trắng
để tang, mổ một trâu đen để cúng tiễn hồn về cõi hư vô; chôn không đắp thành mồ.
Người Lự có Hát Lự (Khắp Lử) là cách người con gái dùng một khăn vải màu đỏ che
mặt hát theo tiếng sáo đôi do con trai thổi đệm. Theo lối hát này, xưa, vào lúc
màn đêm buông xuống, các đôi nam, nữ ngồi trên chiếu cói trải giữa sân say sưa
hát, thổi sáo cùng nhau đến tận nửa đêm.
5. Dân tộc Nùng
Người Nùng cư trú tập trung ở các tỉnh:
Bắc Cạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Kinh tế chủ yếu
là nông nghiệp trồng lúa và ngô, có nương và ruộng nước, trồng nhiều cây công
nghiệp, cây ăn quả như quýt, hồng, hồi là cây cho thu nhập cao. Họ biết làm nhiều
nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gốm, làm giấy dó... Nhiều nghề có
truyền thống lâu đời nhưng vẫn là nghề phụ gia đình, thường chỉ làm vào lúc
nông nhàn và sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Hiện nay, một
số nghề có xu hướng mai một dần (dệt), một số nghề khác được duy trì, phát triển
(rèn).
Y phục truyền thống của người Nùng khá
đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu
thùa, trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc
áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông. Phần lớn người
Nùng ở nhà sàn, một số ở nhà đất làm theo kiểu trình tường, hoặc xây bằng gạch
mộc. Ở ven biên giới trước kia còn có loại nhà làm theo kiểu pháo đài, có lô cốt
và lỗ châu mai để chống giặc cướp. Nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu và khi
yêu nhau họ thường trao tặng nhau một số kỷ vật, các chàng trai tặng các cô gái
đòn gánh, giỏ đựng con bông và giỏ đựng con sợi; còn các cô gái tặng các chàng
trai áo và túi thêu. Tuy nhiên, hôn nhân hoàn toàn do bố mẹ quyết định. Việc cưới
xin diễn ra nhiều nghi lễ, quan trọng nhất là lễ đưa dâu về nhà chồng. Sau ngày
cưới cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi sắp có con mới về ở hẳn nhà chồng. Về
tín ngưỡng, người Nùng thờ cúng tổ tiên là chính, ngoài ra còn thờ Phật và các
loại ma. Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian phong phú, nhiều làn điệu dân ca,
trong đó hát Sli - giao duyên của nam nữ và hát then là nổi tiếng nhất. Lễ hội
hàng năm to nhất là lễ hội "lùng tùng" (hội xuống đồng), tổ chức vào
tháng giêng và hội múa sư tử.
6. Dân tộc Sán Chay
Dân tộc Sán Chay sống tập trung ở các tỉnh
Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang và sống rải rác ở các tỉnh Quảng
Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, là cư dân nông nghiệp, làm ruộng nước thành
thạo nhưng nương rẫy vẫn có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế người Sán
Chay.
Họ sống trong nhà sàn giống nhà của người
Tày cùng địa phương. Hiện nay, đại đa số sống trong nhà trệt được mường tượng
như con "trâu thần", 4 cột chính là 4 chân, rui mè là xương sườn, nóc
nhà là sống lưng; nơi linh thiêng nhất đặt bàn thờ hương hoả tại một căn buồng
nhỏ ở một trong hai góc thuộc phần ngoài nhà. Phụ nữ có áo dài truyền thống giống
phụ nữ Dao, song khác ở chỗ cắt may và hoạ tiết trang trí ở nẹp cổ và sau vai
áo, loại áo này gọi là Pù dàn dính (nghĩa là áo bươm bướm, một loại bướm có vòi
thường bay cặp đôi), kèm theo áo dài khi mặc có dắt vào thắt lưng ngang bụng một
con dao nhỏ có vỏ bao bằng gỗ trạm trổ tinh vi. Ngày nay, trang phục có thay đổi,
đặc biệt là trong các lễ hội các cô gái thắt 2-3 chiếc thắt lưng bằng lụa, nhiều
màu. Khi tổ chức lễ cưới, trên đường về nhà chồng cô dâu phải đi chân đất; sau
khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến lúc sắp đẻ mới về ở nhà chồng. Ông
mối được cô dâu, chú rể quý trọng, coi như bố mẹ và khi ông mối chết phải để
tang. Sau khi sinh đẻ, trong vòng 42 ngày cấm người lạ không được vào nhà; nếu
ai lỡ vào mà sau đó trẻ sơ sinh bị ốm thì phải đem lễ vật đến làm lễ cúng vía.
Trong nhà người Sán Chay có rất nhiều bàn thờ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn
thờ Trời Đất, Thổ Công, Bà Mụ, Thần Nông, Thần Chăn nuôi... Phổ biến nhất là thờ
Ngọc Hoàng, Phật Nam Hoa, Táo Quân. Người Sán Chay yêu thích ca hát, phổ biến
hơn cả là sình ca, lối hát giao duyên nam nữ gồm hai loại: hát ở bản về đêm và
hát trên đường đi hoặc ở chợ.
7. Dân tộc Tày
Dân tộc Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm,
có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Người Tày sinh sống
ở vùng núi thấp miền núi và vùng trung du Bắc Bộ, nhưng đông nhất là ở các tỉnh
Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh. Họ thích sống
thành bản làng đông đúc, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà. Người Tày là cư
dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và
biết áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai,
làm cọn lấy nước tưới ruộng. Ngoài lúa nước, người Tày còn trồng lúa nương, hoa
màu, cây ăn quả, cây công nghiệp. Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc,
gia cầm nhưng cách thả rông cho đến nay vẫn còn khá phổ biến. Các nghề thủ công
gia đình được chú ý; nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều loại hoa văn
đẹp và độc đáo.
Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ
vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa trang trí. Phụ nữ mặc
váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài. Nhóm Ngạn mặc
áo ngắn hơn một chút, nhóm Phén mặc áo màu nâu, nhóm Thu Lao búi tóc, quấn khăn
thành chóp nhọn trên đỉnh đầu, nhóm Pa Dí đội mũ hình mái nhà còn nhóm Thổ mặc
như người Thái ở Mai Châu (Hoà Bình). Tục lệ cưới xin, ma chay thường tổ chức
linh đình, khá tốn kém. Người Tày chủ yếu thờ cúng tổ tiên, ngoài ra còn thờ Thổ
Công, Vua bếp, Bà Mụ. Chữ Nôm Tày xây dựng trên mẫu tượng hình, gần giống chữ
nôm Việt ra đời khoảng thế kỷ XV được dùng để ghi chép truyện thơ, bài hát, bài
cúng... Người Tày có nhiều làn điệu dân ca như lượn, phong slư, phuối pác, phuối
rọi, vén eng... Lượn gồm lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới... là lối
hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người ta thường lượn trong
hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản.
8. Dân tộc Thái
Dân tộc Thái là dân tộc có nguồn gốc
lâu đời ở Việt Nam, hiện nay sống tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà
Bình và Nghệ An. Người Thái sớm đi vào nghề trồng lúa nước trong hệ thống thuỷ
lợi thích hợp được đúc kết như một thành ngữ - Mương, phai, lái, lin (khơi
mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng
thung lũng. Họ làm ruộng cấy một vụ lúa nếp, nay chuyển sang hai vụ lúa tẻ. Họ
còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm và đặc biệt là
bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm để dệt vải. Nghề thủ công có đan lát, làm đệm dệt
vải, làm gốm; dệt thổ cẩm là nghề và hàng truyền thống độc đáo. Thuyền độc mộc
kiểu đuôi én hai mái cong vút và mảng là phương tiện vận chuyển độc đáo trên
sông.
Bản làng người Thái toạ lạc trên những
cánh đồng và thung lũng, mỗi bản có từ 40-50 nóc nhà, nhà cửa san sát. Cô gái
Thái đẹp nhờ mặc áo cánh ngắn, đủ màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện,
ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với chiếc váy vải
màu thâm, hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở
bên hông. Ngày lễ có thể vận thêm áo dài đen, xẻ nách hoặc kiểu chui đầu, hở ngực
có hàng khuy bướm của áo cánh. Nữ Thái Đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình
hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Nam người Thái mặc quần cắt theo kiểu chân
què có cạp để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người
Thái Trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Màu quần áo
phổ biến là màu đen, có thể màu gạch non, hoa kẻ sọc hoặc trắng. Dân tộc Thái
có nhiều dòng họ, mỗi họ có quy định, kiêng kỵ riêng, họ Lò không ăn thịt chim
Tàng Lò, họ Quàng kiêng ăn thịt Hổ. Trước kia người Thái theo chế độ hôn nhân
mua bán và ở rể nên việc lấy vợ và lấy chồng phải qua nhiều bước, trong đó có
hai bước cơ bản:
Cưới lên (đong khửn): đưa rể đến cư trú
nhà vợ, là bước thử thách phẩm giá, lao động của chàng rể. Người Thái Đen có tục
búi tóc ngược lên đỉnh đầu cho người vợ ngay sau lễ cưới này. Tục ở rể từ 8- 12
năm.
Cưới xuống (đong lông) đưa gia đình trở
về với họ cha.
Ma
chay: lễ tang có hai bước cơ bản: Pông- phúng viếng tiễn đưa hồn người chết lên cõi hư vô, đưa thi thể ra rừng chôn (Thái Trắng), thiêu (Thái Đen). Xống- đưa đồ
tang lễ ra bãi tha ma và kết thúc bằng lễ gọi ma trở về ngụ tại gian thờ cúng tổ
tiên ở trong nhà. Tín ngưỡng truyền thống là thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất,
cúng bản mường, có nhiều lễ nghi gắn liền với sản xuất nông nghiệp, lễ đón tiếng
sấm được coi là lễ mở đầu một năm mới. Kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian
phong phú, nhiều thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao... nhiều
tác phẩm nổi tiếng như "Xống chụ xôn xao", "Quắm Tố Mường";
thích ca hát, đặc biệt hát khắp là lối hát (ngâm) thơ rất phổ biến, có đệm đàn
và múa; múa có múa xoè, múa sạp. Các trò chơi Han Khuống và ném còn là đặc
trưng tiêu biểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét