Ngày xuân cùng đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La (Văn Hóa Tây Bắc)

Phụ nữ Thái Sơn La nô nức ném còn trong ngày tết truyền thống. Ảnh QĐ

Được biết đến là cộng đồng đông nhất ở Sơn La, dân tộc Thái chiếm gần 55% dân số, bao gồm 2 nhóm Thái đen (Tay Đăm) và Thái trắng (Tay Khao). Đã thành nét văn hóa truyền thống, đối với đồng bào dân tộc Thái nói chung và dân tộc Thái ở Sơn La nói riêng, ném còn ngày xuân là một trong những trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt, một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, mang đậm tính cộng đồng.

Trong tất cả các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội trọng đại như Hội Lồng tồng (hội xuống đồng), Hội Xên bản xên mường (cúng bản cúng mường) hay vào dịp tết cổ truyền, ném còn là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Thái Sơn La. Đây vừa là môn thể thao giải trí truyền thống, vừa là hoạt động mang màu sắc tâm linh và chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Dịp tết cổ truyền của đồng bào Thái ở Sơn La được tổ chức trùng với thời điểm tết Nguyên Đán của đồng bào Kinh. Để chuẩn bị cho trò chơi ném còn trong dịp tết cổ truyền, mỗi gia đình người Thái Sơn La đều tự làm những quả còn từ khá sớm. Quả còn được khâu bởi đôi bàn tay khéo léo của các cô gái Thái từ trước đó vài tháng. Quả còn to bằng quả cam lớn, có hình tròn, được khâu theo múi với hoa văn nhiều mầu sắc ghép nối vào nhau có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả còn nhồi bằng các loại hạt như hạt thóc, hạt bông, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ... thể hiện khát vọng tồn tại, sinh sôi vượt lên trên bầu trời tự do và mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau. Thông thường mỗi quả còn sẽ được đính kèm 5 dây còn gồm 4 dây ở 4 phía và 1 dây ở phía dưới của quả còn. Dây còn được se bằng sợi bông, dài khoảng nửa sải tay người lớn và được nhuộm tua xanh đỏ tượng trưng cho đuôi của con rồng. Theo quan niệm truyền thống của đồng bào Thái ở Sơn La, khi ai đó tung quả còn lên cao thì tượng trưng cho hình ảnh con rồng bay, tiếng Thái gọi là "Cón cuống", tức là niềm tin gửi gắm vào hình ảnh con rồng với ước vọng về một cuộc sống phồn thịnh, hạnh phúc. Quả còn lóng lánh sắc màu như hình ảnh con rồng và khát vọng của người Thái, ấp ủ những hạt giống chờ gieo xuống bản làng để sinh sôi, kết trái. Dây còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa mang lại một tín hiệu tốt lành cho một năm mới đang về. Khi tung còn lên cao, các dây còn phấp phới như râu rồng, biểu tượng cho các loại cỏ cây, hoa lá đua nhau khoe hương sắc trong ngày xuân ấm áp.
Đến nay, không ai biết chính xác là trò chơi ném còn của người Thái xuất hiện từ khi nào, chỉ biết là vào mỗi dịp xuân về tết đến, các bản người Thái ở Sơn La lại cùng nhau nô nức tổ chức ném còn. Tùy thuộc vào đối tượng và cách thức tổ chức, ném còn được đồng bào Thái Sơn La chia thành 2 hình thức chơi là "Còn vòng" và "Còn xai". Phổ biến nhất là chơi ném "Còn vòng". Người ta sẽ chôn một cột bằng tre hoặc hóp còn tươi có chiều cao từ 12 - 15 m, trên ngọn được gắn một lá cờ ngũ sắc biểu hiện của hội xuân và một vòng tròn tre có đường kính khoảng 2 gang tay (đường kính từ 30 - 40 cm) được dán kín bằng giấy màu đỏ. Vòng tròn này là tâm điểm để mọi người cùng nhau ném còn vào. Ai ném thủng vòng tròn dán giấy đỏ thì được xem như là người sẽ có nhiều may mắn trong năm mới và sẽ được thưởng. Phần thưởng rất đơn giản và  có ý nghĩa động viên tinh thần, đôi khi có thể chỉ là một chén rượu xuân. 
Theo ông Lường Văn Pó, dân tộc Thái ở bản Nà Lươi xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La), người rất am hiểu về văn hóa truyền thống của người Thái cho biết thêm, theo quan niệm của đồng bào Thái Sơn La, quả còn tượng trưng cho yếu tố "dương", vòng tròn dán giấy màu đỏ trên cây tre tượng trưng cho yếu tố "âm". Trò chơi ném còn vì vậy còn thể hiện sự hòa hợp âm - dương và mang ý nghĩa phồn thực, mong ước sự sinh sôi, nay nở, phát triển. Cũng vì thế, trong ngày xuân, những gia đình người Thái không may bị hiếm muộn con cái thường rất hào hứng tham gia ném còn với hy vọng năm mới sớm có được con cho vui cửa vui nhà.
Ngoài "Còn vòng", người Thái ở Sơn La còn tổ chức hình thức ném còn thứ hai gọi là "Còn xai". Thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng ăn mặc chỉnh tề với trang phục truyền thống được chia làm 2 hàng. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên. Lúc đầu tung còn đại trà, bên tung bên đón. Về sau, cặp nào có "tình ý" với nhau thì tự khắc ném còn cho nhau. Nếu ai bắt trượt làm quả còn rơi xuống đất sẽ phải có quà tặng cho người tung. Quà tặng là khăn piêu, vòng bạc... Kết thúc hình thức ném còn "Còn xai" thường là ném theo từng cặp trai gái. Dây còn như sợi dây tình tứ sẽ từ tay người này tung lên cao rồi được trao gửi đến tay người khác, ẩn chứa bao tâm sự, tình cảm thầm kín. Vì vậy, sau cuộc chơi ném còn ngày xuân, có không ít đôi nam thanh nữ tú người Thái đã được trái còn se duyên thắm và thành vợ thành chồng.
Anh Lò Văn Pan ở bản Huổi Cưởm, xã Mường Bú (Mường La, Sơn La) vui vẻ cho biết, với thanh niên nam nữ chơi còn thì mình quý ai sẽ ném còn cho người đó. Nếu không thích người vừa ném cho mình thì có thể ném quả còn cho người khác. Dù chơi theo hình thức nào thì ném còn ngày xuân trong cộng đồng người Thái Sơn La vẫn là một trò chơi dân gian độc đáo vừa mang tính văn hóa vừa mang tính thể thao; giúp cho người chơi rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, tài tình, ước lệ và duyên dáng, nhẹ nhàng khi tung còn hay bắt còn. Chơi ném còn vừa có thể kết hợp các động tác toàn thân vừa tạo sự sảng khoái tinh thần và có cơ hội giao lưu vui vẻ, bày tỏ tình cảm cùng mọi người.
Gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, ngoài ném còn, mỗi dịp tết cổ truyền, đồng bào Thái ở Sơn La còn cùng nhau tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc khác như tók mák lẹ, kéo co, múa xòe, nhảy sạp... Ẩn chứa phía sau những trò chơi truyền thống đó chính là thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn của người Thái Sơn La về khát vọng, niềm tin yêu cuộc sống và tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày thêm phát triển, mạnh giàu. Và một ngày đầu xuân, nếu có cơ hội đến với Sơn La, rất có thể bạn sẽ được những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cóm nhỏ xinh trao gửi những quả còn rực rỡ sắc màu.../.

Tạ Quang Đạo (CTV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét