Mỗi
dân tộc trên thế giới đều mang sắc thái văn hóa độc đáo của mình qua trang phục.
Cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin quan trọng thứ hai để chúng
ta dễ nhận biết tộc người này và tộc người khác mỗi khi có dịp tiếp xúc.
Hiện
nay, tuy cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái có nhiều thay đổi; song đối với
người phụ nữ dân tộc Thái nói chung và dân tộc Thái huyện Thuận Châu nói riêng,
bộ trang phục váy, áo cóm, cúc bướm, xà tích, khăn piêu luôn được trân trọng và
lưu giữ. Đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Thái từ xưa đến nay.
Khăn
vải dùng để đội trên đầu người Thái gọi là piêu. Piêu có nhiều loại khác nhau,
có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, có loại chỉ là một tấm vải bông
nhuộm chàm, tùy từng vùng, từng địa phương mà piêu có những sắc thái riêng của
nó. Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh...
Piêu còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng
ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội..
Đồng
bào Thái làm piêu từ loại vải bông tự dệt. Trước khi thêu, miếng vải được chọn
làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là mầu nền để trên đó người phụ nữ Thái
thêu lên các đồ án hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da
cam....) ở hai đầu khăn. Để có một chiếc piêu hoàn chỉnh, người phụ nữ Thái phải
mất thời gian từ hai đến bốn tuần.
Piêu
Thái không trang trí ở toàn bộ diện tích, chỉ tập trung trang trí ở hai đầu.
Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song không rập
khuôn một cách máy móc. Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ
quan. Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu piêu ở mặt phải như lối thêu thông
thường mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn với đồ án và màu sắc phức tạp lại
hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật
và mỹ thuật dân gian tài tình. Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu
vào vải, nhưng cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn
chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn piêu
không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống đồ án có bố cục nội dung phức tạp,
đòi hỏi người phụ nữ phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải thuộc đồ án hoa
văn với hai mặt phải, trái của nó.
Sau
khi hoàn thành thêu những khối hoa văn, ở mép 2 đầu piêu được chị em trang trí
bằng những chiếc cút để đính vào piêu, có thể làm nhiều cút piêu một lúc rồi
dùng dần. Cút piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc
lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi
quấn dây vải lại theo hình trôn ốc, sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu
thành các múi trong hình tròn. Đối với các cút piêu đòi hỏi phải tỷ mỷ, cầu kỳ,
chỉ có những người thành thạo mới biết làm. Khăn Piêu được tạo ra
bằng cách thêu luồn chỉ màu đan trên mặt vải. Những sợi chỉ đủ màu sắc được phối
màu với nhau một cách rất hài hoà. Điều đáng nói là tất cả các cô gái Thái
không được học qua một trường lớp nào về tạo hình, phối màu mà những chiếc khăn
Piêu họ thêu ra đều được trang trí rất hài hoà, đẹp mắt.
Bà Bạc
Thị Phán, bản Nà Ta, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu nói:
Mỗi chiếc khăn đều in dấu cá tính, khả năng của người
phụ nữ, nên chỉ cần nhìn vào chiếc khăn là có thể nhận biết được chủ nhân của
nó là người tài hoa, khéo léo, chăm chỉ hay vụng về.
Mỗi
chiếc khăn Piêu có chiều dài khoảng hơn 01m và kỹ thuật thêu khăn không hề đơn
giản, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Ðể làm nên một chiếc khăn Piêu hoàn chỉnh, đẹp
mắt với đầy đủ các họa tiết, hoa văn phải mất từ 2 đến 4 tuần. Ngoài việc lựa
chọn các sợi chỉ mềm mượt thì khó nhất là công đoạn nhuộm màu sợi như ý muốn.
Ðối
với người Thái, việc học dệt vải và thêu khăn Piêu là bài học phổ thông, tất yếu
của tất cả mọi thành viên nữ trong cộng đồng. Chiếc khăn Piêu không chỉ góp phần
làm đẹp thêm cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mà còn chứa đựng những
giá trị tinh thần, văn hóa được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ và cũng
là một tiêu chuẩn để đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ Thái đó.
Không
chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân, chiếc khăn Piêu
còn là “vật tín” chứng giám cho tình yêu đôi lứa. Các đôi trai gái sau khi yêu
nhau thì đều nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Mỗi khi xa nhau, các cô gái
thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất do chính tay mình
làm. Trong đời sống tình cảm của người Thái, chiếc khăn Piêu chính là minh chứng
đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Ấy là những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn,
chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi
chàng trai ném và cô gái không bắt được phải đem khăn piêu ra tặng. Chiếc khăn
khi ấy trở thành cái cớ để họ yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có
thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.
Ðặc
biệt, khăn Piêu còn là xính lễ, là quà biếu của người con gái trước khi về nhà
chồng. Mỗi người con gái phải làm từ 10 chiếc khăn Piêu trở lên để tặng cho những
người thân, người có công nuôi dưỡng, sinh thành chú rể, càng tặng nhiều khăn
thì chứng tỏ đó là người phụ nữ siêng năng, chăm chỉ. Với ý nghĩa đó nên có rất
nhiều phụ nữ Thái luôn mang bên mình chiếc khăn Piêu truyền thống và xem đó như
là một kỷ vật quý.
Khăn
Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời do bàn tay khéo léo của người
con gái Thái tạo nên. Piêu là một sản phẩm văn hoá và tinh thần in đậm bản sắc
dân tộc Thái. Không những thế nó còn là vật kỷ niệm đầy ý nghĩa của những du
khách có dịp đến với Tây Bắc.
Chiếc
khăn Piêu không chỉ mang biểu tượng tinh thần, là đồ trang sức của những người
phụ nữ Thái, dân tộc Thái mà nó còn rất nhiều hữu ích trong đời sống sinh hoạt
hàng ngày của người Thái.
Chia
sẻ về vấn đề này, bà lường Thị Xuân, bản Nà Ta, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu
tâm sự: Tôi hơn 10 tuổi đã biết thêu khăn Piêu, vì bố mẹ bảo rằng con gái phải
biết làm khăn piêu mới lấy được chồng. Thời chúng tôi phải có 20 cái khăn Piêu
để đi làm lễ, là kỷ vật cho nhà chồng. Tuy bây giờ thì có khác hơn trước nhưng
ít nhiều cũng phải có không thể thiếu được.
Ngày
nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng cho dù đi dâu, làm gì, người phụ nữ
Thái vẫn đội trên đầu chiếc khăn Piêu truyền thống của dân tộc.
Khăn
Piêu còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng
ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội, đặc biệt khăn piêu còn dùng
trong các điệu múa xòe. Khăn Piêu không chỉ sử dụng trong các sinh hoạt hàng
ngày mà còn được dùng trong việc lễ, việc tang.
Có
thể nói từ ngàn xưa khăn piêu như một huyền thoại có rất nhiều câu chuyện, nhiều
sự tích, nhiều tác phẩm thơ, văn, ca, múa, nhạc nói rất nhiều về khăn Piêu.
Khăn Piêu là một sản phẩm của người Thái, trong đó hội tụ tất cả sự tài hoa, sự
khéo léo, sự cần cù chịu khó của phụ nữ Thái.
Khăn
piêu có rất nhiều loại: Khăn dùng cho phụ nữ được thêu bằng các loại chỉ màu và
được trang trí bằng các hoa văn đa dạng. Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành người
con gái Thái đã được mẹ dạy cho cách thêu thùa, khâu vá, dệt vải và làm khăn
Piêu; 15, 16 tuổi là thành thạo công việc này và cũng từ lúc này trở đi các cô
gái phải chuẩn bị 40 đến 50 chiếc khăn để đi lấy chồng. Người Thái có
câu:
“Con
gái ngoan chăm dệt vải, thêu thùa
Đàn
ông giỏi chăm đan chài, bắt cá”
Có cầm
trên tay một chiếc khăn piêu mới thấy được sự tài tình của người phụ nữ Thái.
Những sắc màu và hoa văn độc đáo được kết hợp với nhau khéo léo. Đó là màu xanh
của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm.
Mỗi một hoa văn như cách ứng xử của người Thái với thiên nhiên và bản làng. Chẳng
thế mà khăn piêu không đơn giản là vật đội đầu mà còn là biểu tượng tín ngưỡng
của người Thái. Chiếc khăn Piêu như vị thần che chở cho người phụ nữ Thái trong
lúc nắng, lúc mưa. Có lẽ trong quan niệm của người Thái, việc thêu được chiếc
khăn Piêu đẹp chính là tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất thế nên phụ nữ Thái, từ trẻ
nhỏ tới người già, ai cũng có thể thêu được những chiếc khăn Piêu ấn tượng.
Cho
tới khi chuẩn bị lấy chồng, các cô gái Thái phải tự tay làm khăn piêu như món
quà không thể thiếu của cô dâu tặng cho gia đình nhà bên. Và cứ như thế, chiếc
khăn Piêu gắn bó với người phụ nữ Thái từ khi còn nhỏ, trong các dịp lễ hội cho
tới khi về nhà chồng.
Bà
Lường Thị Vui, bản Nà Ta, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu cho biết: Để làm ra một
chiếc khăn Piêu, người phụ nữ phải rất vất vả và trải qua nhiều công đoạn, từ
trồng bông, dệt vải, quay xa, kéo sợi, nhuộm chàm đến lựa kim chỉ, thêu thùa. Tất
cả công đoạn trên đều được làm bằng tay.
Khăn
piêu là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật và óc thẩm mỹ tinh tế của phụ nữ
Thái với lối thêu truyền thống, với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật
dân gian tài tình đã tạo ra một sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Trọng Đại - Quỳnh
Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét