Biến
đổi về trang phục của phụ nữ Thái đen vùng Tây Bắc
Thái
là một trong 54 dân tộc có mặt, sinh sống trên đất nước Việt Nam từ hơn 1000
năm trước qua các cuộc thiên di trong lịch sử. Dân tộc Thái ở Việt Nam chủ yếu
sống ở vùng núi phía Tây Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… trải qua hàng trăm
năm sinh sống và lao động sản xuất, người Thái đã tạo dựng nên những nét văn
hóa độc đáo và đặc sắc cho dân tộc và vùng miền.
1. Mở
đầu
Trang
phục là cách ăn mặc của con người, mỗi một dân tộc đều có sự thể hiện trang phục
khác nhau do nếp sống và sinh hoạt văn hóa khác nhau. Khi đặt chân lên vùng rừng
núi Tây Bắc, nét đặc trưng của những bản mường của đồng bào dân tộc Thái là dựng
nhà nằm dài theo các dòng suối, trên những gò đất cao, phía sau là núi và phía
trước là cánh đồng lúa[1]. Trong
không gian cảnh quan văn hóa đó, nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ núi rừng là sắc
màu tươi tắn và gần gũi của trang phục.
Có thể nói, tìm hiểu trang phục Thái nói
chung và trang phục nữ Thái đen nói riêng là đi giải mã những thông tin về văn
hóa Thái gắn liền với nó. Theo đó, trang phục của đồng bào Thái có vai trò quan
trọng trong đời sống tộc người. Trước hết, trang phục Thái là sản phẩm của quá
trình lao động, thể hiện sự cần cù, thông minh và sáng tạo. Để có được sản phẩm
văn hóa trang phục nhằm “bảo vệ con người” thì đồng bào Thái phải trải qua rất
nhiều quá trình lao động miệt mài, trong đó hai khâu quan trọng nhất là trồng
bông và dệt vải.
Bên cạnh vai trò vật chất thì trang phục của
người Thái còn thể hiện những giá trị bản sắc văn hóa tộc người. Thông qua
trang phục, đặc biệt là những hoa văn tinh xảo có được bằng nghề dệt thủ công
truyền thống cho thấy tri thức bản địa của người Thái về lĩnh vực này đã đạt đến
trình độ cao. Nó được coi như vật tượng trưng cho phái đẹp[2].
Như vậy, trang phục có vai trò quan trọng
trong mọi hoạt động của con người, từ sinh hoạt đời thường đến các dịp lễ hội,
tết trong gia đình và toàn cộng đồng. Có thể nói, trang phục có ý nghĩa to lớn
đối với người Thái, nó không chỉ thể hiện nhu cầu đơn giản là “mặc” mà còn gắn
bó trong các nghi lễ có ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc. Còn giữ được những nét
hoa văn trên trang phục là còn giữ được những nét văn hóa truyền thống của người
Thái.
2. Nội dung chính
2.1. Xem xét trang phục nữ Thái đen trong
bối cảnh văn hóa cộng đồng ở Tây Bắc
Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không thể
không giữ gìn trang phục. Việc làm ra những bộ trang phục không chỉ đáp ứng nhu
cầu mặc của các thành viên trong gia đình mà rộng hơn còn góp phần phát triển
kinh tế hộ. Hơn thế nữa, những bộ trang phục nữ Thái đen trong bối cảnh hiện
nay còn góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc mình tới khách du lịch, bạn bè khắp
năm châu trên thế giới đến với vùng đất ưa chuộng hòa bình và mến khách.
Tuy nhiên hiện nay, những trang phục của cư
dân người Thái nói chung và phụ nữ Thái đen nói riêng đang ngày càng bị “Kinh
hóa” bởi những bộ trang phục của người Kinh. Đó là kết quả của quá trình giao lưu
và tiếp biến văn hóa. Xét về hình dáng bên ngoài, trang phục phổ biến của người
Kinh chỉ đơn giản là chiếc quần dài đen và chiếc áo cánh (đa màu). Phải chăng với
phụ nữ Thái đen, khi mặc bộ trang phục của người Kinh ra ngoài không gian văn
hóa cộng đồng của họ sẽ giúp họ dễ hòa nhập hơn với xã hội? Vả chăng, những bộ
trang phục truyền thống đòi hỏi người ta phải chế tác từ loại vải dệt thủ công
với một loạt công việc của trồng bông, xe sợi, dệt may, thêu thùa rất tốn thời
gian và công sức[3] . Đó là chưa kể tới đi cùng với quần áo còn cần phải có các
đồ trang sức như xà tích, vòng tay, vòng cổ, trâm cài tóc… đi kèm. Trong khi
đó, các loại vải công nghiệp vừa rẻ, vừa đẹp, nếu là quần áo may sẵn lại càng rẻ
hơn và việc có được chúng lại không quá khó khăn. Theo đó, một bộ trang phục vừa
dễ hòa đồng, lại tiện dụng, tiết kiệm là sự lựa chọn rất tự nhiên để phụ nữ
Thái đen thay thế các bộ trang phục truyền thống vốn đòi hỏi sự cầu kỳ và những
lệ bộ khá phức tạp.
Song, nói như vậy không có nghĩa là các bộ
trang phục truyền thống của phụ nữ Thái đen không được xem trọng nữa. Những người
trung niên, đặc biệt là người cao tuổi vẫn còn gắn bó với nó. Nếu ở đâu đó
trang phục truyền thống chỉ còn thấy lác đác thì thông qua các quan sát dân tộc
học, xã hội học cho thấy, họ vẫn giữ nó trong hai trường hợp: khi kết hôn và
khi qua đời. Và, cũng có thể trong kết hôn người ta ăn mặc theo kiểu phương Tây
(áo đầm, complé), nhưng khi chết thì nhất định phải mặc bộ quần áo của dân tộc
mình để về với tổ tiên[4].
2.2. Biến đổi của trang phục nữ Thái đen
vùng Tây Bắc
Có thể nói, hầu hết trang phục của người
phụ nữ Thái đen ở Tây Bắc đều có sự biến đổi. Họ không cần phải tự dệt vải để may trang phục nữa.
Thay vào đó, họ có thể mua ở chợ với rất nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau.
Và do đó, họ có nhiều lựa chọn hơn trong việc chuẩn bị may quần áo. Trang phục
họ mặc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất đều được làm
bằng các vải sợi công nghiệp. Thậm chí, họ còn sử dụng những bộ quần áo may sẵn
được bán khá phổ biến ở chợ, nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên. Tuy nhiên,
trang phục mặc trong các dịp cưới xin, tang ma và lễ hội, của phụ nữ Thái đen vẫn
sử dụng loại truyền thống.
Về các hoa văn trang trí trên trang phục cũng
có sự biến đổi theo xu hướng đơn giản hóa các mô típ hoa văn trang trí. Quần áo
truyền thống được cắt may từ vải sợi bông nhuộm chàm được thay thế bằng quần âu
và áo sơ mi may sẵn hoặc thuê thợ người Việt cắt may. Những nguyên nhân dẫn đến
quá trình biến đổi trang phục nữ Thái đen là:
- Ảnh hưởng của kinh tế hộ và vùng:
Trong quá trình phát triển, trang phục của
phụ nữ Thái đen đã có nhiều biến đổi và thời gian gần đây càng thay đổi mạnh mẽ
theo xu thế ảnh hưởng của trang phục người Kinh. Đây là một xu thế tất yếu khi
các hệ thống đường giao thông được mở rộng tạo điều kiện cho trao đổi, giao lưu
và buôn bán hàng hóa giữa các vùng miền. Quá trình sống xen kẽ giữa dân tộc
Thái đen với các dân tộc khác cùng với sự phát triển của kinh tế vùng, mức sống
của các hộ gia đình cũng ngày càng được cải thiện càng làm cho quá trình biến đổi
trang phục nữ diễn ra nhanh chóng. Nếu như trước đây người phụ nữ luôn phải “nỗ
lực” bên các khung cửi dệt vải nhằm đáp ứng nhu cầu mặc của các thành viên
trong gia đình thì ngày nay họ đã được giải phóng sức lao động đó để dành thời
gian chăm lo cho con cái, gia đình và các hoạt động sản xuất khác nhiều hơn.
- Ảnh hưởng của văn hóa mới, đặc biệt là
văn hóa người Kinh:
Do quá trình giao lưu văn hóa với người
Kinh, trang phục đang phát triển theo con đường âu hóa mạnh. Trang phục nữ cũng
bắt đầu có hiện tượng âu hóa thể hiện bằng việc bỏ hẳn áo cóm thay thế bằng áo
sơ mi đang diễn ra khá mạnh mẽ và phổ biến, nhất là các trung tâm thị trấn,
thành phố[5].
Do tiếp thu âu phục người Kinh, áo cóm cũng
được cải tiến. Các kỹ thuật cắt khâu vẫn được giữ nguyên, nhưng những người thợ
đã thêm vào đó đôi vai bồng tăng độ bay của áo Thái cổ truyền. Chất liệu vải cũng
sử dụng nhiều loại vải khác nhau, nhiều sắc màu hoa văn, chủ yếu được may bằng
vải hoa, lụa công nghiệp. Váy thường được may bằng vải lụa, nhung thay bằng vải
thổ cẩm như trước kia.
- Ảnh hưởng của phát triển kinh tế thị trường:
Do quá trình phát triển của kinh tế thị trường
và toàn cầu hóa, nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái đã dần bị mai một.. Trước
đây, những bộ trang phục truyền thống đòi hỏi người ta phải chế tác từ loại vải
dệt thủ công với một loạt công việc của trồng bông, xe sợi, dệt may, thêu thùa
rất tốn thời gian và công sức[6]. Những năm gần đây, cùng với sự cạnh tranh gay
gắt của loại vải công nghiệp đa màu sắc mà giá thành lại rẻ đã khiến cho nhiều
khung dệt ngày càng “lạnh lẽo” trong các gia đình người Thái[7].
- Ảnh hưởng của truyền thống:
Thể hiện rõ nét nhất là ở tầng lớp thanh
thiếu niên, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của truyền thông. Kinh tế phát
triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Trong điều kiện
thông tin cập nhật nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng đa dạng như hiện
nay, họ bị ảnh hưởng bởi xu thế thẩm mỹ thời đại là lẽ đương nhiên.
3. Kết luận
Người Thái là một dân tộc rất coi trọng về
hình thức trang phục. Điều này không chỉ thể hiện trong các dịp hội hè mà ngay
trong cuộc sống hàng ngày cũng cần mặc đẹp. Mỗi bộ y phục được làm ra chính là
tình cảm, là niềm tự hào của dân tộc Thái đối với trang phục. Trang phục nữ
Thái đen có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội người Thái. Nó vừa giải
quyết nhu cầu “mặc” của các thành viên trong gia đình, vừa thể hiện nét văn hóa
đặc trưng của dân tộc thông qua các hoa văn trên trang phục.
Ngày nay trước sức ép của sự phát triển
kinh tế, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc đã có tác động mạnh
mẽ tới việc ăn mặc và sự biến đổi của trang phục nữ Thái đen. Những ảnh hưởng của
quá trình phát triển kinh tế hộ và vùng, quá trình sống xen kẽ giữa các dân tộc
đặc biệt là người Kinh, ảnh hưởng của truyền thông tới các thế hệ trẻ … là những
nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó. Trang phục nữ Thái đen là giá trị văn hóa
truyền thống lâu đời của dân tộc Thái. Nó không chỉ thể hiện yếu tố sử dụng mà
còn thể hiện cả yếu tố thẩm mĩ, văn hóa và tín ngưỡng trong quan hệ cộng đồng
mà hàng nghìn năm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tài liệu tham khảo.
1. Cầm Hùng (2011), Dệt sứ - dệt lam thời
xưa của dân tộc Thái đen Sơn La, Nxb Văn hóa dân tộc.
2. Hoàng Lương (2003), Hoa văn Thái, Nxb
Lao động.
3. Nguyễn Thị Thanh Nga (2003), Nghề dệt của
người Thái ở Tây Bắc trong cuộc sống hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Thanh Nga (2007), Văn hóa
truyền thống một số tộc người ở Hòa Bình, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
5. Cao Văn Thanh (Chủ biên), Đậu Tuấn Nam,
Vi Văn An, Đỗ Đình Hãng, Vũ Hải Vân (2004), Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền
thống của người Thái vùng núi Bắc Trung bộ hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội.
6. Lò Minh Thảo (2013), Bảo tồn và phát
huy giá trị văn hóa của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La hiện nay, Luận văn thạc sĩ,
Đại học Sư phạm Hà Nội.
7. Lê Ngọc Thắng (1990), Nghệ Thuật trang
phục Thái, Nxb Văn hóa dân tộc Trung tâm văn hóa Việt Nam.
8. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc
Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
[1]
Lê Ngọc Thắng (1990), “Trang Phục Thái - sản phẩm văn hóa dân tộc” trong: Nghệ
Thuật trang phục Thái, Nxb Văn hóa dân tộc Trung tâm văn hóa Việt Nam.
[2]
Cao Văn Thanh (Chủ biên) (2004), Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của
người Thái vùng núi Bắc Trung bộ hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3]
Quán Vi Miên (2011), Văn hóa Thái Nghệ An, Nxb Lao động.
[4]
Lê Ngọc Thắng (1990), Nghệ thuật trang phục Thái, NXB Văn hóa Dân tộc Trung tâm
Văn hóa Việt Nam
[5]
Lê Ngọc Thắng (1990), Nghệ Thuật trang phục Thái, Nxb Văn hóa dân tộc Trung tâm
văn hóa Việt Nam.
[6]
Quán Vi Miên (2011), Văn hóa Thái Nghệ An, Nxb Lao Động
[7]
Nguyễn Thị Thanh Nga (2003), Nghề dệt của người Thái ở Tây Bắc trong cuộc sống
hiện đại, Nxb Khoa học xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét