Vài Nét Văm Hóa Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)


Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc
Chơi còn là sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hoá của người Thái Tây Bắc. Đó không chỉ là môn thể thao giải trí lành mạnh, mà còn mang mầu sắc tâm linh và ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Người Thái Tây Bắc chỉ tổ chức chơi còn trong những lễ hội trong đại như: Hội lồng tồng (hội xuống đồng), lễ hội Xên bản Xên mường (cúng bản cúng mường), tết nguyên đán.
Có ba cách chơi còn truyền thống được lưu truyền cho tới ngày nay:
Còn vòng: Chôn một cột bằng tre hoặc hóp còn tươi, cao từ 10m đến 15m, trên ngọn làm một vòng tròn rộng từ 30 cm đến 40 cm, bịt bằng giấy đỏ. Ai ném thủng được coi là sẽ gặp nhiều may mắn và được thưởng, phần thưởng tuỳ theo có thể là đôi chén rượu.
Còn xai: Nam thanh nữ tú chia làm hai hàng. Bên tung, bên đón. Nếu ai bắt trượt làm quả còn rơi xuống đất sẽ phải có tặng vật cho người tung: Khăn piêu, vòng bạc. Dây còn như sợi dây tình từ tay người này trao gửi đến tay người khác, với bao điều thầm kín. Sau cuộc chơi nhiều đôi đã được xe duyên thắm, nên vợ nên chồng.
Còn xổm: Người chơi đứng thành vòng tròn, xen kẽ một nam một nữ, có thể đông tới vài trăm người. Người chơi bắt buộc phải tung theo thứ tự vòng tròn, ai cũng được chơi bình đẳng. Cách chơi còn này chỉ có ở Mường Lò (Yên Bái).
Quả còn chính là sự mô phỏng rồng còn (luông còn) trong truyền thuyết.
Người Thái quan niệm rồng là con vật đẹp nhất (chăn cơ tô luông).
Rồng chính là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất: Sự biến đổi (piến thái), sự phát triển (cái chiến), thanh bình (yên hán) và hạnh phúc (bun côn).
Có nhiều loại rồng như: Rồng đất, rồng nước (luông nặm, luông đin) là biểu tượng của hồn núi sông đất nước. Rồng người (luông côn) và rồng còn (luông còn) tức là hồn của cải.
Rồng còn có thân hình vuông, đuôi dài, thân và đuôi đều có tua với nhiều mầu sắc rực rỡ. Rồng còn thường bay theo quỹ đạo vòng cung, như dáng cầu vồng. Năm nào rồng còn xuất hiện nhiều thì mưa thuận gió hoà, người khoẻ mạnh yên vui, vụ mùa xanh tốt bội thu.
Chính vì vậy quả còn bao giờ cũng làm bằng vải mầu đỏ, đen, trắng, khâu thành hình vuông, trong nhồi hạt bông, thóc giống, muối ăn và một ít trấu. Quả còn được đính năm tua mầu, bốn tua ở bốn góc và dây đáy tượng trưng cho thân rồng đính chín tua so le nhau.
Quả còn lóng lánh mầu sắc như rồng còn trong truyền thuyết và ước mơ khát vọng của người Thái Tây Bắc, ấp ủ những hạt giống chờ gieo xuống bản làng, sinh sôi kết trái. Dây còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa, mang lại một tín hiệu tốt lành cho một năm mới. Khi tung lên cao, các tua còn phấp phới như râu rồng, biểu tượng của cỏ cây hoa lá khoe sắc đua hương.
Người chơi còn tung quả còn bay lên mang đi cái úa vàng, vận hạn rủi ro. Khi chơi còn người Thái Tây Bắc thường hát "Khắm sai bản lống tọt xia lương, khắm sai mướng lống tọt xia sảy", có nghĩa là: Chúng ta cùng nhau cầm dây còn ném đi cái úa vàng, nắm dây còn quăng đi cái đau ốm.
Người đón còn, đón lấy cái may mắn, tốt đẹp về "Hặp au ăn đi, ăn ngám má chảu; hặp ăn ăn thảu, ăn ké má tô", có nghĩa là: Bắt lấy cái tốt đẹp về mình, đón lấy cái phúc, tuổi thọ về ta.
Cũng chính vì vậy người chơi còn đều cố bắt không để rơi xuống đất. Người tung, người bắt rồi tung trở lại, quả còn phơi phới trên trời cao như rồng còn bay lượn trong vũ điệu ấm no hạnh phúc.
Thậm chí khi có người chết, người ta còn làm cho hồn ma (phi) một quả còn để tiếp tục chơi trên mường trời. Nhân ái và cao đẹp biết bao.
Ngày nay người Thái Tây Bắc vẫn giữ gìn và trân trọng tục chơi còn. Trong những ngày lễ hội, ngày xuân, quả còn lóng lánh sắc mầu cùng lời ca bay giữa bầu trời Tây Bắc chuyên chở bao khát vọng và niềm tin về tình yêu cuộc sống.

Nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc
 Nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc rất phong phú và độc đáo, có tới trên ba mươi loại hoa văn, hoạ tiết, thể hiện sống động trên thổ cẩm, trang trí nhà cửa. Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Việc biết thêu thùa dệt vải được coi là tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có, “Nhinh hụ dệt phải, trái hụ san he”- Gái biết làm vải, trai biết đan chài.
Thổ cẩm của người Thái Tây Bắc thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím tạo ấn tượng mạnh. Hoạ tiết thể hiện sự đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…
Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái Tây Bắc không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột… 
Thế giới động vật được phản ánh trên thổ cẩm rất đa dạng: Con khỉ tinh nhanh, lanh lợi và hiếu động như trẻ thơ. Con rái cá tượng trưng cho tình yêu sắt son chung thuỷ, gia đình hạnh phúc. ở mặt chăn thường có hình con thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao cả của người mẹ, người vợ.
Mỗi vùng, thổ cẩm của người Thái Tây Bắc cũng khác nhau. Nếu như thổ cẩm của người Thái vùng Mường Lò (Văn Chấn-Yên Bái) có mầu thẫm hơn, sử dụng nhiều gam màu trầm như hướng tới sự suy tư trăn trở của chiều sâu tâm lý; thì thổ cẩm của người Thái Mộc Châu (Sơn La) lại tươi sáng, rực rỡ, bay bổng những ước mơ, khát vọng.Nhà cửa của người Thái cơ bản theo hình mẫu của thổ cẩm.
 Nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa - "Chík pháy". Bếp lửa phía "tang quản" dành cho người già, bếp chính ở phía "tang chan" dành cho nữ giới  và những công việc nội trợ. Giữa núi rừng trùng điệp, bếp lửa hồng trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người.
Từ bếp dành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là "quản". Đây là nơi dành riêng cho đàn ông, phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nơi đây có gian thờ tổ tiên - "hỏng hóng" và cột thiêng - "sau hẹ". Trên cột thiêng treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa - "sam huống khẩu" và ba nhánh rau thì là - "sam hóm chík"... Ngoài ý nghĩa có tính biểu tượng của tô tem giáo thì còn mang bóng dáng của thuyết thiên - địa - nhân.
Ngôi nhà sàn của người Thái vừa trang nhã, vừa chắc chắn: "hướn đi tẳng cang tèn/ hướn én tẳng cang vên/ lốm luông pặt bấu chại/ lốm hại pặt bấu pay" - nghĩa là: Nhà tốt dựng nơi cao ráo/ nhà đẹp dựng giữa mường/ gió to thổi không xiêu/ bão lớn không lay động.
Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn hoạ tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song của sổ, trên "khau cút" của nhà người Thái đen. "Khau cút" vẽ vân sen/ đầu kèo vẽ vân én/ mái nhà xén bằng dui - "khau cút tẻm lai bua/ sinh dua tẻm lai én/ nhả ca bén tin con", đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái đen Tây Bắc.
"Khau cút" là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc - "tiêu bôn", trước hết để chắn gió - "pảy lốm" cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và những hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên "khau cút". Giải thích về biểu tượng "khau cút" có nhiều ý kiến khác nhau như: Đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc đó là những búp cây guột - "cút lo ngong" có nhiều ở Tây Bắc, hay gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau… Dù có cách giải thích thế nào, thì khi bắt gặp hình "khau cút" trên nóc nhà sàn, là mỗi người Thái đen Tây Bắc lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.
Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng - "tô ngựa", linh vật làm chủ sông, suối, biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ chạm các hoa văn, hoạ tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban - "bók ban", búp cây guột - "cút lo ngong"… Nhà sàn người Thái trắng - "Táy khao" thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.



Trải bao năm tháng, nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc được gìn giữ và phát huy, góp phần làm nên một bản sắc văn hoá đặc thù. Ngày nay, nghệ thuật trang trí còn giúp cho đời sống của người Thái Tây Bắc được cải thiện đáng kể. Thổ cẩm đã trở thành hàng hoá thời mở cửa. Những sắc màu, những hoa văn, hoạ tiết được các cô gái Thái thổi hồn, “sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn, ngửa đôi bàn tay đã thành hoa lá”, giới thiệu với đồng bào cả nước và bè bạn năm châu./. 

Nồng say xòe Thái Tây Bắc
  Nói đến nền văn hóa của dân tộc Thái Tây Bắc là phải nói đến xòe. Xòe là các điệu múa dân gian bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, được những người Thái - những nghệ sỹ dân gian thổi vào hơi thở của tình yêu, khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc, làm cho các điệu xòe lung linh, sống động và trường tồn.


Người Thái Tây Bắc sống giữa thiên nhiên hùng vỹ, cần cù sáng tạo trong công cuộc chính phục thiên nhiên, anh dũng quật cường chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhẩy múa ăn mừng. Những điệu xòe hình thành, phát triển và hoàn thiện, mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu... thực tế cuộc sống và những ước mơ, khát vọng được diễn tả sinh động và tinh thế.
Nói tới xòe Thái là phải nói tới các điệu xòe cổ:
Điệu “Khắm khen”: Quanh đống lửa, mọi người nắm tay nhau nhẩy múa. Đây là điệu múa mang tính sơ khai, biểu lộ sự gắn kết cộng đồng, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẹn tròn.
Điệu “Khắm khăn mơi lẩu” - Nâng khăn mời rượu. Đây là điệu múa đầy chất trữ tình và ấm áp tình người, thể hiện lòng hiếu khách.
Điệu “Phá xí” - Bổ bốn, diễn tả tình đoàn kết của cộng đồng, hướng về tổ tiên, quê hương của mỗi thành viên.
Điệu “Đổi hôn” - múa tiến lùi, như muốn khẳng định dù đất trời có đổi thay, cuộc sống có như thế nào thì tình người vẫn luôn sắt son bền chặt.
Điệu “Nhuôm khăn” - tung khăn, là điệu xòe tưng bừng nhất, hay dùng khi mùa vụ bội thu, đám cưới, lên nhà mới...
Dần dần, từ các điệu xòe cổ, các nghệ nhân dân gian xây dựng được tới 32 điệu xòe mang bóng dáng các sinh hoạt thường ngày: “Xe cúp” - múa nón, xe tẳng chai” - múa chai, “Xe kếp phắc” - hái rau, “Xe cáp” - múa sạp...
Các điệu xòe nhịp nhàng sôi động trong tiếng trống, chiêng, khèn, pí, đàn tính, đôi khi có cả lời hát phụ họa cho thêm phần sinh động.
Các điệu xòe vòng sôi nổi bao nhiêu, thì các bài xòe điệu lại tinh tế duyên dáng bấy nhiêu. Triết lý âm dương, đất - trời, lửa - nước và ý nghĩa nhân sinh cao cả ẩn chứa trong các điệu xòe.
Người Thái có câu ca:
“Không xòe không tốt lúa
Không xòe thóc cạn bồ”
Qua mỗi bước xòe, người ta như được gột rửa tinh thần, gần gũi chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động với một niềm tin sáng trong phơi phới.
Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Xòe vòng luôn thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt người già hay trẻ, lạ hay quen. Mọi người nắm tay nhau thân ái cùng bước xoay tròn quanh đống lửa theo chiều kim đồng hồ như sự phát triển của cuộc sống. Vì vậy xòe vòng luôn thu hút được cả với khách du lịch trong và ngoài nước. Xòe vòng có thể có số lượng lớn người tham gia. Đã từng có những vòng đại xòe với số lượng đông tới hàng ngàn người ở Yên Bái, Điện Biên vô cùng sôi động.
Trong chế độ thực dân, phong kiến, các điệu xòe và kiếp gái xòe chỉ là trò mua vui cho bọn quan lại thống trị. Ngọn lửa hội xòe bao lần run rẩy tưởng trừng bị tắt lụi, nhưng ngọn lửa trong trái tim những người Thái Tây Bắc vẫn nồng nàn tỏa sáng. Trong các làng bản, các nghệ nhân vẫn âm thầm truyền dạy cho các thế hệ con cháu những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.
Dưới ánh sáng cách mạng, ngọn lửa hội xòe hồi sinh. Lửa rực hồng mỗi đêm xòe ngày hội, lửa nhảy nhót trong những bước đi bay nhẩy, lửa rạo rực trong trái tim mỗi người dân Tây Bắc, những con người chịu thương chịu khó, cần cù anh dũng và làm chủ tương lai.
Ngày nay ở khắp miền Tây Bắc, mỗi làng bản, xã, phường đều có các đội văn nghệ, các đội xòe phục vụ cho đời sống cộng đồng, cho các đợt liên hoan văn nghệ, phục vụ du lịch. Cuộc sống mới chắp cánh cho bước xòe bay bổng.
Nếu có dịp hành hương lên Tây Bắc, có ai không trầm trồ thán phục trước những điệu xòe sôi nổi và tinh tế. Những cô gái, các mẹ, các chị hàng ngày đảm đang trong việc làm nương rẫy, quay ra dệt vải... giờ đây tươi trẻ hồn nhiên trong điệu dân vũ. Rồi khi các cô gái nâng chén rượu thơm, cất tiếng hát chân tình mà say đắm:
Đừng sợ say
Đây tay ngà
Chén đã dâng đầy
Ngọn lửa hội xòe được thắp lên, tiếng trống, tiếng khèn gọi mời tha thiết.
Vào đây anh
Tay cầm tay múa xòe cùng em...
Kìa hội vui
Vào đi anh!
Đừng để em cô đơn  một mình...
Đôi tay ngà đón chờ người ơi!
Có ai cầm lòng được, để rồi trái tim thôi thúc bước vào vòng xòe huyền thoại rạng ngời ánh lửa và lòng người cứ phơi phới, rạo rực đắm say.

Trần Vân Hạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét