Đã từ
lâu, người Thái đen Mường Lò coi Tết Nguyên Đán là một trong những ngày tết lớn
trong năm. So với những ngày lễ tết khác như Tết Síp Xí, Lễ mừng cơm mới... thì
trong dịp Tết Nguyên Đán, đồng bào Thái đen ở Mường Lò có những tục lệ khác biệt
cả về nghi lễ cúng bái cũng như sinh hoạt ẩm thực. Theo quan niệm của họ, đầu
xuân năm mới là dịp để cầu thần linh, tổ tiên ban cho con cháu mọi điều tốt
lành trong cả một năm, cũng là dịp để cả gia đình quây quần đoàn tụ. Vì vậy họ
không dùng gà để chuẩn bị cho mâm cơm cúng ngày Tết mà thường mổ lợn, một con vật
vừa tượng trưng cho sự may mắn, no đủ, vừa đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho
ngày tết.
Những
ngày giáp Tết, nhà nào cũng mổ ít nhất là một con lợn. Con lợn được mổ to hay
nhỏ còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Lợn sau khi mổ ra,
riêng chiếc thủ sẽ được làm chín để đưa lên mâm cúng trước, phần thịt còn lại
nhanh chóng được phân loại để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo mời họ hàng,
anh em bạn bè cùng ăn bữa cơm cuối năm và những món để dùng dần trong ngày tết.
Trong
số rất nhiều những món ăn truyền thống của người Thái Mường Lò thì bánh Gio hay
còn gọi là bánh trưng đen (Khẩu tổm lăm) của người Thái đen là món không thể
thiếu trong mâm cỗ ngày tết và cũng là món ăn mang ý nghĩa tượng trưng, phân biệt
giữa hai tộc người Thái đen và Thái trắng ở Mường Lò. Khi lựa chọn phần thịt lợn
cho các món, người ta không bao giờ quên cất đi một phần thịt vừa nạc vừa mỡ để
làm nhân bánh. Sau bữa cơm liên hoan cuối năm, các bà, các mẹ mới đem phần thịt
đó ra gói bánh. Để có được những chiếc bánh Gio ngon, mang đúng hương vị đặc
trưng của dân tộc, của núi rừng Tây Bắc, những người phụ nữ phải chuẩn bị
nguyên liệu gói bánh khá cầu kỳ, kỹ lưỡng. Nguyên liệu đó bao gồm: Gạo nếp
ngon, đỗ Nho nhe để làm nhân bánh, hoa vừng đen tạo hương vị đặc trưng và một
thứ không thể thiếu là bột than cây Núc Nác. Núc Nác (Co- ấng- ca) là loại cây
làm thuốc, tốt cho sức khỏe, được người Thái dùng như một thứ gia vị truyền thống.
Cây Núc Nác được lấy về từ trước tết một tháng, tước vỏ phơi khô rồi cất lên
gác bếp, đến ngày gói bánh mới lấy xuống đốt thành than, giã mịn như bột rồi
đem trộn với gạo nếp (hoặc hòa với nước để ngâm gạo) khi nào bột quyện với gạo,
miết hạt gạo có màu đen tuyền mới đạt yêu cầu. Những chiếc bánh thon dài, tròn
trịa được bàn tay khéo léo của các bà, các chị gói đều tay, chắc nịch. Sau tám
đến mười tiếng luộc liên tục, bánh được vớt ra rửa sạch rồi đem treo lên cho
khô. Ngày ba mươi tết, những khoanh bánh tròn thơm ngon là món đầu tiên được bày
lên mâm cúng, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, thần linh và đất
trời.
Nếu
trong ngày Tết Xíp Sí, thịt vịt là món ăn chính thì trong mâm cỗ ngày Tết
Nguyên Đán các món ăn đều được làm từ thịt lợn. Một trong những món đặc trưng
nhất được chế biến từ thịt lợn là món nướng. Chỉ riêng món thịt nướng cũng được
chế biến theo nhiều cách nướng khác nhau như Thịt băm gói lá dong nướng (Nhứa pỉnh
phặc phằm), nướng xiên (Pỉnh mản), nướng tái (Pỉnh dưn)… Trong đó món nướng
ngon, dễ ăn và chế biến cầu kỳ nhất là món Thịt nướng lá dong. Phần thịt Ba chỉ
(hoặc thịt vai nửa nạc nửa mỡ) băm nhuyễn, ướp gia vị như gừng, xả, hành, hạt xẻn,
ớt, mắm muối vừa ăn sau đó cho trứng gà vào trộn đều, cho vào lá dong gói kín
ba đến năm lớp. Kẹp các gói thịt vào que tre rồi nướng xa lửa cho chín dần. Khi
lớp lá bên ngoài cháy, lớp trong cùng ngả vàng là thịt chín. Gói thịt mở ra,
hương thơm của thịt quyện với gia vị và hương vị tự nhiên của lá dong tạo nên
món thịt nướng đậm đà, mềm ngọt nơi đầu lưỡi.
Một
món ăn khá hấp dẫn để nhâm nhi cùng chén rượu ngày xuân được cánh đàn ông ưa
chuộng là món Gỏi thịt lợn (Lạp Pà) hay còn gọi là thịt tái chua. Ngay khi thịt
lợn được pha ra, phần thịt thăn ngon nhất sẽ được chọn để làm món Gỏi. Đem treo
phần thịt đó ra chỗ thoáng cho se mặt ngoài đến gần giờ bày cỗ mới đem ra thái
mỏng, lấy sống dao dần cho mềm rồi trộn với các gia vị như mùi, tỏi và trộn đều
với nước măng chua đun sôi để nguội. Món Gỏi được ăn kèm với các loại rau gia vị
như rau mùi, lá tỏi tươi và các loại rau húng.
Ngoài
những món chế biến để ăn ngay trong bữa liên hoan cuối năm, phần thịt còn lại
được chế biến thành nhiều món dự trữ để dùng dần trong những ngày tết như Thịt
hun khói (Nhứa giảng), Nem chua (Nhứa xổm), Lạp xường (côống xượng)… những món
ăn này có thể để được cả năm không bị hỏng. Trong đó, Lạp xường là món không chỉ
được người Thái mà du khách thập phương đến với Mường Lò cũng rất ưa chuộng. Những
năm gần đây, do nhu cầu của thị trường nên món Lạp xường đã được phổ biến ở nhiều
nơi, song Lạp xường của người Thái Mường Lò vẫn có những hương vị đặc trưng do
cách chế biến và gia vị phong phú, cầu kỳ hơn. Trong cỗ lòng của con lợn, phần
lòng non ngon nhất sẽ được chọn làm sạch, thổi hơi cho căng phồng rồi đem phơi
nắng cho se lại. Thịt vừa nạc vừa mỡ thái hạt lựu hoặc băm nhỏ ướp gia vị gồm mắm
muối, hạt xẻn, gừng, tỏi để làm nhân. Khi phần vỏ đã khô có màu trắng trong, nhồi
phần nhân vào, buộc thành từng đoạn rồi đem treo gác bếp, khói bếp và hơi lửa sẽ
sấy cho món Lạp xường trở nên săn chắc. Trước kia, điều kiện kinh tế còn khó
khăn, món Lạp xường được làm mặn để ăn với cơm. Nay đời sống của bà con đã khá
hơn nên món Lạp xường được nêm nhạt bớt gia vị để làm thức ăn chơi, đồ nhắm cho
cánh đàn ông trong ngày tết.
Mỗi
dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục và cách sinh hoạt ẩm thực riêng.
Người Thái đen Mường Lò đặc biệt coi trọng mâm cỗ cúng và các món ăn trong dịp
tết nên thường tổ chức chế biến rất cầu kỳ, cẩn thận. Bởi vậy, khi đến với đồng
bào nơi đây, những món ăn mang đậm bản sắc núi rừng Tây Bắc luôn là thứ gì đó để
nhớ, để luyến lưu cho những ai đã một lần được thưởng thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét