Người Thái đen cư trú tập trung trong 8/11 huyện, thị của tỉnh
Sơn La, gồm: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Thị xã, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp
và Yên Châu. Từ lâu, họ đã sống định canh, định cư; lương thực chính là gạo,
ngô, sắn được canh tác từ ruộng nước và nương rẫy; thức ăn có thịt, cá, các loại
côn trùng, rau, quả, củ, măng do tự nuôi, trồng hoặc săn bắn, hái lượm từ sông
suối và từ rừng mà có. Văn hóa ẩm thực của Người Thái đen Sơn La rất phong phú,
đa dạng.
Lương thực và cách chế biến lương thực
Người Thái nói chung, người Thái đen nói riêng, chủ yếu
canh tác trên ruộng nước với kỹ thuật cày, bừa, chăm bón khá thành thạo. Để có
nước làm ruộng, họ sáng tạo ra cách làm thủy lợi phong phú, đa dạng và được tổng
kết thành câu thành ngữ: "Mương phai, lái, lín, lốc, cọn" (Mương là
con mương dẫn nước; phai là đập chắn nước suối dâng lên dẫn vào ruộng: lái cũng
là hình thức đập nước để lái nước chảy theo ý muốn; lín là hệ thống máng tưới
tiêu; lốc và cọn là guồng đưa nước lên tưới ở ruộng cao). Ở những nơi không có
nước làm ruộng hoặc ít ruộng, họ mới làm nương rẫy hoặc làm thêm nương rẫy. Người
Thái đen Sơn La có câu Hay
lưa ta, báuto ná haư nưng (nương
ngút tầm mắt không bằng ruộng một thửa), hoặc: Xả kin toi pháy, táy kin toi nặm (người Xá ăn theo lửa-chỉ nhóm tộc người
sản xuất trên nương rẫy, người Thái ăn theo nước là làm ruộng nước). Họ có truyền
thống trồng lúa nếp và ăn nếp. Lúa tẻ được trồng rất ít, chủ yếu dùng để hồ sợi
làm cho sợi săn chắc khi dệt vải. Ngày nay do năng suất lúa nếp thấp nên việc
trồng lúa tẻ và ăn cơm tẻ đã trở nên thông dụng. Họ làm chín cơm bằng phương
pháp đun cách thủy, cơm chín bằng hơi. Dụng cụ xôi cơm gồm có cái ninh bằng đồng
và trõ xôi bằng gỗ. Lúa nếp được xay, giã, sàng sảy cho sạch trấu và cám; gạo
đem ngâm nước khoảng 3-4 tiếng đồng hồ mới xôi. Xôi chín đổ ra chiếc khay to, gọi
là "phá", làm bằng gỗ "mạy chuông", loại cây to cao và thẳng
ở gốc, có các dải rễ loe rộng. Người ta chặt lấy phần rễ loe này để vát cho mỏng
khoảng 5-6cm và tạo lòng phẳng ở giữa giống chiếc khay có đường kính khoảng
50-60cm để đổ xôi và làm nguội xôi. Có nơi người ta dùng tre đan lóng đôi cho
thật khít giống cái nong để đồ xôi. Xôi chín đổ ra khay, quạt bớt nóng, bỏ vào
ép hoặc giỏ cơm đậy kín, sau đó đem vào ủ trong chăn đến bữa mới bỏ ra. Làm như
vậy cơm dẻo và không bị khô. Giỏ và ép đựng cơm được đan bằng lạt giang (ngày
xưa còn được đan bằng mây hoặc dùng vỏ quả bầu).
Người Thái đen rất thích ăn xôi nướng. Khi xôi chín, quạt bớt
nóng nắm lấy một nắm to, nhỏ tùy theo khả năng ăn của mỗi người, dùng tay nhào
nặn cho nhuyễn chặt vào nhau, khều than củi hồng ra đặt vào, xoay dần cho xém
vàng đều là ăn được. Cách nướng thứ hai là bằng xiên. Khi nắm xôi được nhào nặn
thật nhuyễn, dùng một đầu que xuyên thẳng vào giữa, sau đó ép xôi bẹt đều ra rồi
đem nướng. Xôi nướng vàng đều, bôi mỡ đều khắp, hơ lên trên than hồng xoay đều
để mỡ khỏi chảy đi mà ngấm hết vào xôi, thấy xèo xèo là dùng được. Cách nướng
thứ ba là nướng hình ống. Khi xôi được nhào nặn thật nhuyễn, dùng một chiếc que
dài chọc thủng nắm xôi, kéo vào giữa que, dùng tay xoa dần nắm xôi dài ra theo
chiếc que, nướng trên than hồng, ở hai đầu que có hòn kê, cứ thế xoay dần cho
xém vàng đều, bôi mỡ lên rồi hơ lại trên than hồng làm mỡ ngấm đều là ăn được.
Ăn xôi nướng không cần thức ăn mà vẫn ngon.
"Khẩu cắm" là loại xôi nhuộm màu bằng lá một loại
cây thảo mộc thấp như cây lá lốt, cây có nhiều loại với màu sắc khác nhau, có
loại màu vàng nghệ, màu hơi tím, màu gần giống với gạo cẩm. Người ta ngắt lấy
cây "khẩu cắm" để cho héo bỏ vào nồi, lọc lấy nước, bỏ gạo vào ngâm
và xôi như bình thường. Xôi chín, đổ ra khay, rắc thêm ít muối và mỡ, quạt cho
nguội bớt, bỏ vào ép hoặc giỏ đậy kín cất đi ăn như cơm xôi thường.
Người Thái đen rất thích dùng cơm lam. Tre làm cơm lam gọi
là cây "pá ngá", loại cây nhỏ vừa, thẳng đều, bên trong ống có lớp giấy
trắng mỏng (có đường kính ống khoảng từ 3cm-5cm). Chặt lấy tre non khi chuẩn bị
mọc lá hoặc mới bắt đầu mọc lá non, cắt ra từng ống, bỏ gạo nếp vào ống tre, đổ
nước cho ngập hết gạo, được khoảng 3-4 tiếng đồng hồ dùng lá dong, lá chuối nút
chặt miệng ống rồi đưa vào bếp nướng (có thể đốt trên lửa nhưng phải xoay đều để
khỏi bị cháy xém vào cơm lam). Khi nướng trong ống cạn, xem cơm lam chín thì bỏ
ra để nguội, lấy dao tước bỏ vỏ ngoài, chỉ để một lớp mỏng, cắt ra từng đoạn ngắn
khi ăn mới bóc bỏ nốt vỏ tre sẽ có một lớp giấy trắng mỏng bao bọc lấy cơm lam.
Làm như vậy cơm mới dẻo và ngon. Cơm lam cũng có thể làm bằng loại nứa non và
tre non khác, nhưng trước khi bỏ gạo vào phải lót một lớp lá dong. Riêng cơm
lam làm bằng nứa không được đốt trên lửa mà phải xoay đều trên than vì ống nứa
mỏng nếu đốt trên lửa sẽ bị cháy, cơm không kịp chín. Cơm lam chín bỏ ra để nguội
rồi tước hết vỏ tre hoặc vỏ nứa chỉ để lớp áo bằng lá dong, cắt ra từng đoạn ngắn,
khi ăn mới bóc bỏ lá dong, như vậy cơm mới dẻo và không bị khô cứng.
Với người Thái đen, ngô là loại lương thực đứng thứ hai sau
gạo. Ngô nếp mầu trắng gọi là "khẩu lí dúak" và ngô nếp mầu vàng gọi
là "khấu lí lương". Khi ngô còn non có thể đồ xôi hoặc luộc cả bắp để
ăn, không thích xôi hoặc luộc thì nướng ăn. Ngô già tẽ hạt ra bỏ vào nồi, đổ nước
vôi lọc vào luộc lên cho tróc vảy cứng của hạt ngô, dùng tay bóp thử vài hạt thấy
mềm đổ ra giỏ đem ra suối hoặc mó nước đãi cho sạch vảy ngô và nước vôi là có
thể ăn được. Để ăn thay cơm người ta cho ngô đồ xôi lên như xôi cơm, ngô chín mềm
đổ ra quạt cho bớt nóng thấy hạt ngô dính kết vào nhau là ăn được; hoặc trộn
ngô vào gạo nếp đã ngâm sẵn cho xôi lên thành loại xôi rất ngon. Hiện nay do
chăn nuôi phát triển và kinh tế thị trường mở rộng, việc trồng ngô tẻ cũng trở
nên phổ biến.
Sắn là loại lương thực đứng thứ ba sau ngô. Sắn đào về bóc
hết vỏ, rửa sạch nhựa, dùng nạo nạo ra thành từng sợi nhỏ rồi trộn vào gạo nếp
đã ngâm sẵn cho xôi lên thành loại xôi sắn. Hiện nay sắn ít được trồng, trừ ở
những vùng còn đói kém.
Cách chế biến món ăn từ thịt
Thịt làm thức ăn được cung cấp từ ba nguồn chính: tự chăn
nuôi, săn bắn chim muông, thú rừng, và chợ. Thịt nuôi và thịt rừng được chế biến
thành nhiều loại món ăn khác nhau: luộc, kho, xào, sấy khô, ướp chua, nướng, mọ,
dồi.
Các loại thịt đều đem luộc ăn được. Thịt được cắt ra thành
từng khúc nhỏ vừa phải bỏ vào nồi luộc, chín, vớt ra để ráo nước, thái thành từng
miếng nhỏ chấm "chéo" hoặc chấm mắm. Riêng thịt chim và thịt sóc thường
xào hoặc nướng. Thịt làm sạch lông và lòng, băm viên nhỏ bỏ vào chảo mỡ đảo cho
săn đều, đổ thêm ít nước vừa ngập thịt, đun sôi kỹ, bỏ thêm gia vị gồm gừng củ
rửa sạch đập dập băm nhỏ và hành lá thái nhỏ.
Canh thịt là món ăn thông dụng của người Thái đen, chủ yếu
nấu bằng thịt xương sườn và các khúc xương to. Xương sườn băm nhỏ, các khúc
xương to bỏ vào nồi luộc cho chín, vớt ra lọc lấy thịt thái nhỏ bỏ vào nồi làm
canh, gia vị chính là củ gừng đập dập băm nhỏ, hành lá thái nhỏ. Canh thịt nấu
măng tươi hoặc măng khô cho một ít đỗ nho nhe, đỗ tương, đậu ván hoặc đậu trắng
ăn rất ngon. Canh thịt nấu lá vón vén (có vị chua) thường là thịt chó, thịt thỏ,
chân và đuôi trâu, bò. Chó, thỏ làm sạch lông, thui cháy hết phần lông còn sót,
thấy da vàng óng lên là được, cho vào ngâm nước, lấy dao cạo sạch, cắt miếng nhỏ
cho vào nồi nấu canh. Chân, đuôi trâu, bò cho vào lửa thui thật xém, rồi ngâm
vào nước, lấy dao cạo sạch, lọc lấy phần thịt và da, chặt khúc nhỏ, bỏ vào nồi
nấu canh. Lấy một hoặc vài nắm lá vón vén, rửa sạch để ráo nước, xoa nát nhỏ bỏ
vào, khoắng đều là ăn được.
Thịt sấy khô cũng là một món ăn được ưa thích. Bất kỳ loại
thịt gì cũng sấy khô được. Thịt rửa sạch, thái thành từng khúc nhỏ dài 10 -
15cm, độ dày vừa phải; đập dập tỏi bỏ vào ướp khoảng 15 phút, dùng que nhọn
xiên qua một đầu miếng thịt, còn đầu kia bỏ thõng xuống, thành từng xiên rồi
gác lên trên bếp lửa hong cho khô. Thịt khô, rút ra khỏi xiên bỏ vào trõ đun
cách thủy rồi đổ ra cho nguội, dùng xiên xiên lại từng miếng và bỏ lên gác bếp
hong khô rồi cất đi ăn dần. Khi ăn, lấy thịt sấy khô kẹp vào kẹp tre, nướng
trên than hồng hoặc vùi kín trong tro nóng, thấy mùi thịt thơm, bỏ ra thớt,
dùng phần lưng dao đập nhẹ cho bay sạch tro là ăn được. Lòng của các loại động
vật cũng có thể sấy khô, khi ăn kẹp vào kẹp tre nướng hoặc cắt thành từng miếng
nhỏ, đảo qua chảo mỡ, ăn ròn và có vị thơm ngon.
Món mọ chủ yếu làm bằng thịt trâu, bò, chuột bạch, dúi,
nhím và thịt gà. Thịt rửa sạch thái từng miếng nhỏ. Một ít gạo ngâm để ráo nước
giã thành bột bỏ vào thịt nhào cho đều, đập ít gừng và sả băm nhỏ bỏ vào, đổ một
ít nước cho xền xệt. Lá chuối hoặc lá dong hơ lửa cho mềm, dùng 2 lá bắc chéo
nhau, cho thịt vào, gói túm lại, cho vào chõ đun cách thủy đến khi chín là ăn
được. Món mọ còn xền xệt nước mới ngon. Gà mọ ngon nhất là gà mái đẻ.
Thịt ướp chua "nhứa xổm" chủ yếu làm bằng thịt
trâu, bò. Thịt rửa sạch thái lát mỏng. Da trâu, bò thui cháy cho vào ngâm nước,
cạo sạch thấy miếng da vàng óng là được, thái thành từng miếng nhỏ bỏ lẫn vào
thịt. Giềng giã nhỏ, gạo rang giã thành bột cho vào trộn đều, bỏ vào lọ sành đậy
kín, vài ba ngày thịt chua là dùng được. Muốn ăn thịt chua lấy lá gói, vùi vào
tro bếp nóng hoặc nấu lên cho xền xệt nước. Riêng da trâu, bò không cần nấu mà
ăn ngay được.
Món lạp làm bằng thịt trâu, bò, nai, hoẵng, lấy loại thịt
ngon nhất như thịt thăn, thịt đùi, thái lát mỏng, ngâm trong nước muối hoặc nước
lá ổi khoảng 15 phút vớt ra vắt kiệt nước, băm nhỏ, bóc tỏi đập dập băm nhỏ cho
vào. Rau răm, rau mùi và rau mùi tàu thái nhỏ trộn vào. Da trâu, bò, nai hoặc
hoẵng đốt xém ngâm nước, cạo sạch, thái lát mỏng bỏ vào trộn đều là ăn được.
Món thịt nướng có thể dùng tất cả các loại thịt. Thịt thái
thành từng miếng, ướp gia vị, dùng xiên, kẹp tre nướng; hoặc băm nhỏ thịt đập quả
trứng vào, bóp nhuyễn, dùng lá chuối hoặc lá dong cuộn tròn cho vào kẹp tre nướng,
ăn rất thơm ngon.
Các món thịt kho, xào và dồi, cách chế biến như cách chế biến
của người Kinh.
Cách chế biến món ăn từ cá
Cá, một món ăn truyền thống của người Thái đen cũng rất
phong phú như: cá nướng, cá kho, cá mọ, cá sấy khô, cá rán, canh cá, mắm cá, cá
ướp chua…
Có nhiều cách nướng cá khác nhau. Nướng kẹp cả con nếu cá
bé tầm 1 - 4 lạng, cá to trên 4 lạng dùng que nhỏ xiên qua mồm vào hết phần
thân rồi mới kẹp nướng để tránh gẫy, đứt khi nướng. Cá to từ 5 lạng đến 1kg thường
nướng "pỉnh tộp". Dùng dao mổ từ phía lưng, phanh ra, bỏ mật, làm sạch
lòng, gia vị gồm gừng, xả, tỏi đập dập băm nhỏ, cho một ít hạt tiêu rừng
"mak khén", gập đôi cá lại theo chiều ngang, đầu và đuôi áp vào nhau
cho vào kẹp tre nướng. Cá to 1 kg trở lên muốn ăn nướng chặt ra thành từng miếng
to cho vào kẹo tre nướng. Loại cá nhỏ dưới 1 lạng phải cho vào lá dong cuốn rồi
mới kẹp nướng.
Món cá mọ, thường là cá trê, làm sạch, cắt ra từng khúc,
dùng bột gạo hoà vào, gia vị có gừng, sả đập dập băm nhỏ cho vào, đổ ít nước
cho xền xệt bỏ vào lá dong hoặc lá chuối túm lên, cho vào trõ đun cách thủy như
mọ thịt.
Cá sấy khô "pa giảng", làm sạch cá cho ướp muối,
cá tầm 3 - 4 lạng sấy khô cả con. Cá to từ 5 lạng trở lên mổ phanh cá như
"pỉnh tộp", rồi dùng một chiếc phên đan thưa đặt cá lên rồi hong khô
trên bếp lửa, thỉnh thoảng đảo cá cho khô đều, hoặc dùng xiên xiên qua đuôi cá
đặt lên hong khô. Cá khô cho vào trõ đun cách thủy, cho chín hong khô rồi mới cất
đi để ăn dần. Khi ăn cho vào kẹp nướng lại cho thơm.
Cá ướp chua "pa xổm", làm sạch cá, cá nhỏ 2 - 3 lạng
ướp chua cả con. Từ 4 - 5 lạng trở lên mổ cắt khúc mới ướp.Gia vị gồm giềng giã
nhỏ, gạo rang giã thành bột trộn đều vào cá, ướp vài 3 ngày,cá chua là ăn được.
Muốn ăn lấy cá ra lá chuối hoặc lá dong, cuốn chặt, bỏ vào que kẹp nướng hoặc
buộc túm lại cho vùi vào tro nóng.
Mắm cá "mẳm pa" (mắm cá con gọi là mẳm pa lí), cá
rửa sạch, cho muối thật mặn, đảo đều, bỏ vào hũ sành đậy kín. Được hai tuần bỏ
ra, vắt kiệt nước, bỏ cá ra để riêng. Nước cá đun sôi để nguội, cho cá vào
trong hũ sành rồi đổ nước cá vào ngâm. Một tuần sau tiếp tục làm lần thứ hai.
Được một tuần, cho ớt chín, ít hay nhiều phụ thuộc vào lượng cá, luộc, băm nhỏ,
bỏ vào hũ cá mắm trộn thật đều, đổ cả nước luộc ớt vào, làm sao mắm cá có độ xền
xệt nước. Bóc tỏi thái lát nhỏ bỏ vào, đổ thêm ít rượu trắng cho mắm thơm ngon,
đậy kín hũ mắm lại độ hai tuần là dùng được. Mắm cá càng để lâu càng thơm ngon,
thường dùng để chấm măng tre, măng lay và măng loi, rau sống thập cẩm (rau
ngót, lá đu đủ non, sả, quả cà) ăn rất ngon.
Mắm cá to tầm 2 - 3 lạng, làm cả con, bỏ toàn bộ lòng cá, rửa
sạch, trộn muối thật mặn rồi xếp đều vào chum đậy kín. Cá to từ 4 - 5 lạng trở
lên cắt thành từng miếng to. Loại mắm cá to phải để hàng năm mới ăn, để được 2
- 3 năm ăn càng ngon.
Cá kho, cá rán cách chế biến như cách chế biến của người
Kinh.
Món ăn từ các loại côn trùng
Ở vùng núi rừng Sơn La có rất nhiều loại côn trùng dùng làm
thức ăn như: ếch, nhái, châu chấu, con muống, dế mèn, bươm bướm trắng, mối (tô
mau), sâu măng (tô mẹ, tô luổng), bọ xít, trứng kiến đỏ, sâu gỗ chuông (mánh
chuông), sâu báng (luổng páng), ve (chắc chắn), tằm, nhộng ong các loại. Mỗi loại
côn trùng có cách thức chế biến và hương vị khác nhau.
Món ăn từ các loại rau, quả, măng
Có loại rau, măng, quả tự trồng như: rau cải, su hào, bắp cải,
xà lách, rau bí, su su, mướp, mák hói, mướp đắng, bí đỏ, bí xanh, cà, rau muống,
rau ngót, rau mồng tơi, rau rền… rau quả thu hái trong rừng như: rau mì chính
(phắc han hát), rau bướm, rau ngồng (phắc cút), rau nhả hút, phắc phứm, rau má,
rau mợ, rau gai (phắc nam min) phắc hạ, rau sung, rau vả, quả cà dại (mák cạnh),
mák tảng, quả núc nắc, các loại tảo, rêu (táu, cáy).
Măng cũng có nhiều loại dùng làm thức ăn như: măng tre măng
đắng (no páu, nó pặt khôn, nó pặt ven), măng trúc, măng dê (nó bẻ) măng bó,
măng bói, măng lay, măng loi. Từ măng chế biến thành món măng chua (nó xổm) nó
pửng, măng khô ăn rất ngon.
Về đồ uống
Người Thái đen hay uống rượu trắng (lảu xiêu), rượu cần (lảu
xá). Rượu trắng làm bằng gạo, ngô, sắn và bột cây báng. Các loại nguyên liệu
nói trên đồ lên, đổ ra nong cho nguội, rắc men đảo đều, ủ 3-4 ngày để lên men,
có mùi thơm của rượu bốc lên, thấy men mọc đều thì chuyển vào chum sành lèn chặt,
đậy kín, một tháng sau đem cất thành rượu trắng để uống. Rượu cần, có 3 loại:
rượu cần có vị ngọt (lảu van), rượu cần có vị đắng (lảu khôm), rượu cần có vị
chua (lảu xổm). Tùy trường hợp họ sẽ dùng các loại khác nhau, thông dụng nhất
là loại có vị ngọt. Rượu cần thường làm bằng gạo nếp, đồ xôi, đổ ra nong để nguội,
lấy một lượng trấu nhất định đãi thật sạch, đổ trộn đều vào xôi, rắc men ủ 3 -
4 ngày, có mùi thơm của rượu thì chuyển vào chum sành lèn chặt, lấy tro nhào nước
trát kín miệng chum lại không cho men rượu bốc ra, khoảng 15-20 ngày là uống được.
Trước khi uống, vứt hết lớp tro ở miệng chum, đổ nước cho đầy, lấy cần trúc cắm
sâu xuống tận đáy chum để khoảng 15 phút là uống được. Rượu cần có thể uống nhiều
lần nước cho đến khi nhạt thì thôi.
Phong cách ăn uống của người Thái đen tương đối bình đẳng.
Các thế hệ khác nhau đều ngồi ăn chung mâm được, chỉ khác là vị trí ngồi phải
tuân thủ theo ngôi thứ. Trong cùng một gia đình, khi ăn cũng phải ngồi theo
ngôi thứ, ở phía bên trên của mâm cơm là ông bà, cha mẹ rồi mới đến con cái.
Khi tổ chức ăn đông người, họ rất chú trọng sắp xếp chỗ ngồi theo thứ bậc cho
thích hợp, ở phía bên trên mâm cơm ưu tiên số một là người đại diện bên ngoại,
tiếp đó là các bậc cao niên ngồi xen cài với những người bên ngoại (gọi là lúng
ta). Mâm đặt liền chạy dài theo chiều dọc của ngôi nhà sàn. Khi ngồi ăn sẽ hình
thành hai dãy dài đối diện nhau. Theo thông lệ, phía trên là phía vách nhà. Giữa
mâm phía trên là chỗ ngồi của người đại diện quan trọng nhất bên ngoại, từ đó
kéo ra phía sàn quản là chỗ ngồi của các bậc cao niên và người bên ngoại thuộc
nam giới. Từ giữa mâm ra phía sàn chán (sàn phụ) dành cho các bà ngồi và cũng xếp
theo thứ tự từ trong ra ngoài. Phía bên dưới của mâm dành cho những thứ bậc
không quan trọng đối với gia chủ, chủ yếu dành cho con cháu và chia ra phía sàn
quản là nam, phía sàn chán là nữ, không bao giờ nam và nữ ngồi xen kẽ nhau khi
ăn uống. Con cháu ngồi trong mâm cơm phải có trách nhiệm rót rượu, bổ sung thức
ăn và phục vụ các cụ cho thật chu đáo.
Khi đặt mâm cơm, nếu có người bên ngoại đến dự thì ở chính
giữa phía trên nhất thiết phải đặt đôi chén rượu và một đĩa thịt gà, có đủ hai
cái đùi, hai cái chân và cái đầu gà, chủ yếu mang tính tôn trọng bên ngoại và hầu
như không dùng để ăn, chỉ khi nào người quan trọng nhất bên ngoại gắp chia cho,
mọi người mới được ăn.
Khi uống rượu, mọi người chúc tụng nhau xong, dùng tay phải
cầm chén rượu lên, ngoảnh ra phía sau rót vài 3 giọt rượu xuống kẽ sàn gọi là
"phái lảu" rồi mới đưa lên uống. Làm như vậy, theo quan niệm của người
Thái đen, là để các hồn ma đi theo mình cùng được hưởng và cầu mong các hồn ma
phù hộ độ trì cho mình. Uống độ 5 - 6 chén rượu, chủ nhà làm chén rượu đôi để mời
bên ngoại, đến các bậc cao niên rồi mới đến con rể, con dâu. Còn đối với khách
đến thăm, gia chủ có đôi chén rượu mời là tỏ lòng tôn kính và hiếu khách, và do
vậy mọi người không được từ chối. Cuộc ăn uống cứ như vậy có thể kéo dài thâu
đêm suốt sáng cùng với vui chơi văn nghệ, múa xoè truyền thống của người Thái
đen.
L.V.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét