Tục cưới xin dân tộc Cao Lan ở Lạng sơn (Vi Đức Hồi)

Chuẩn bị lễ vật đi đón dâu.
   
      Cưới xin  là một trong những bản sắc rất riêng của người Cao lan. Lần đầu tiên nhà trai đến nhà gái dạm hỏi, nhà trai cử một người không thuộc dòng tộc nhà trai mà là họ hàng bên ngoại, hoặc người làng xóm, láng giềng đến dạm hỏi cho. Người đi phải là người đàn bà, có chồng con, gia đình êm ấm. Người này đeo theo một con dao quắm, ý nghĩa là tìm người con gái đảm đang và gia đình nhà gái có người đủ tiêu chuẩn như vậy nên nhà trai cử đến dạm hỏi.

   Lần hai: Vẫn người đàn bà trên đến nhà gái xin lá số, khi đi mang theo 2 lá trầu và 2 quả cau, đặt lên bàn mụ, gia đình thắp hương lên bàn mụ rồi cho lá số đem về đưa đến thầy xem.
    Lần ba: Nếu lá số hai đưa trẻ không hợp nhau thì cũng người đàn bà này đến báo cho gia đình biết, không cần mang theo gì.
     Nếu lá số hợp thì ông chồng bà đi 2 lần trước đến ( ông trở thành ông mối ), khi đi mang theo 1 con gà và 1 chai rượu, nhà gái thịt con gà nhà trai mang đến, đặt bàn thờ tổ tiên, thắp hương kính báo tổ tiên biết,lá số hai đứa trẻ hợp nhau. Ông mối thống nhất với gia đình gái hẹn ngày cắt cổ gà ( khạ cáy). Từ đó ông mối trở thành cầu nối hai bên cho đến khi hoàn tất đám cưới, và cũng từ đó đôi trai gái coi ông mối như người sinh ra mình, và ngược lại ông mối coi hai đứa trẻ như con cái của mình, quan hệ này kéo dài suốt đời, khi ông, bà mối chết phải chịu tang và đóng góp, phúng lễ như một người con gái trong gia đình.
    Lần bốn: Cắt cổ gà, tiếng Cao lan (khạ cáy), lễ này nhà trai mang đến nhà gái 1 con lợn khoảng 30 đến 40 kg hơi, một đôi gà,1 sống , một mái, rượu 6 chai, một chiếc bánh dầy to để đăt bàn. Nhà trai cử người khiêng lợn, gánh lễ đến và ở lại thịt lợn, thịt gà, nấu cơm cho nhà gái. Lễ này nhà gái mời anh em, họ hàng thân thích đến ăn mừng.Trong trường hợp cưới ngay thì ông mối bàn bạc cùng gia đình nhà gái thống nhất ngày cưới, nếu chưa định cưới ngay thì không bàn đến và sẽ có một lần nữa ông mối đến bàn bạc để chuẩn bị cho lễ cưới.Tục thách cưới của người Cao lan gồm: thịt lợn móc hàm 120 kg; gà 9 con; cau 120 quả; lá trầu 120 lá; bánh dầỳ màu đỏ, loại nhỏ 24 đôi,  tượng trưng cho 24 tiết trời âm lịch (phân xuân, phân hạ, ...); bánh dầy to hai chiếc. Bánh dầy con sếp dưới, bánh dầy to đặt lên trên, tượng trưng cho bố và mẹ che trở cho các con. Ngoài ra còn có hai chai rượu để làm lễ đặt bàn.

Đi đầu đoàn đón dâu là ông cậu chú rể, có trách nhiệm dẫn đường, đi sau là một chàng trai phù rể (tạ pu) có trách nhiệm gánh lễ mà nhà gái đã thách cưới, và chíp mâu, em gái chú rể, là người theo sát cô dâu từ nhà gái đến khi rước dâu về nhà.

    Người cao lan có hai ông mối,(mối chính và mối phụ). Trước ngày cưới, ông mối phụ ( phu tàu) đến gia đình nhà trai đan lồng khiêng lợn, đan lồng gà, đan sọt đựng bánh dầy cùng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng khiêng lễ sang nhà gái từ chiều hôm trước để chuẩn bị cho hôm sau cưới. Những người khiêng đồ lễ nhà trai sau khi giao lễ cho nhà gái xong thì về nhà trai. Đoàn nhà trai đi cùng chú rể phải đến từ tối hôm trước ( cùng đồ lễ cưới), ngủ lại qua đêm để sáng hôm sau dự cưới, đoàn gồm có : hai ông mối (chính và phụ), rể chính và từ 1 đến 2 rể phụ,hai đưa em gái để hôm sau khiêng hòm và đồ cưới của cô dâu. Đoàn cô dâu sang nhà trai gồm một bà đưa, dâu chính và 2 dâu tùy và từ 1 đến hai em gái cô dâu đi theo, giúp cô dâu sửa khăn, nâng áo. Đoàn nhà gái ngủ cùng cô dâu một đêm hôm cưới, hôm sau kéo nhau về, nếu ở gần thì đoàn nhà gái không ngủ lại mà sau tan cưới về ngay.

Từng câu hát sình ca tha thiết như những lời thủ thỉ tâm tình bao trùm không khí vui tươi của đám cưới. Những lời ca mộc mạc mà say đắm trở thành lối hát giao duyên không thể thiếu của các thế hệ người Cao Lan.

    Sắc phục cô dâu: Cô dâu mặc áo dài đến gót,màu đen hoặc mầu nâu, hoặc kiểu áo nửa trên nâu, nửa dưới đen, dâu tùy mặc giống cô dâu chính, những người khác đi theo đoàn không nhất thiết phải quy định.Cô dâu khi ra cửa đi làm dâu nhất thiết phải đúng giờ theo thầy phán, nếu vào giờ quá sớm như trời trưa sáng,hoặc trước bữa tiệc cưới thì vẫn phải tổ chức ra cửa đúng giờ , ra khỏi nhà rồi lại quay lại ăn cơm rồi đi vào lúc thích hợp.Lúc cô dâu lễ tổ nhà chồng cũng phải đảm bảo đúng giờ.Sắc phục chú rể mặc quần áo mầu đen hoặc xanh đen, tuyệt đối không mặc màu trắng, rể tùy mặc như rể chính. Rể chính và rể tùy phải đội  nón lúc đi đường, vào nhà bỏ nón, đội mũ nồi hoặc đội khăn sếp.
    Sau ngày cưới, hôm sau chú rể , cô dâu lại mặt gia đình bên vợ , và tiếp theo là lại mặt ông mối chính và phụ. Từ đó cô dâu ở bên nhà chồng.

Vi Đức Hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét