Bản sắc văn hóa của người H'mông (Văn Hóa Việt)

Người H'mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở miền Bắc, góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam. Có câu "lửa cháy đến đâu người Mông theo đến đó" hay "người chạy theo nương" để nói về cuộc sống du canh nương rẫy của người H'mông. Sản phẩm nông nghiệp chính là ngô, lúa nương, khoai, mạch ba góc, ý dĩ, lạc, vừng, đậu và các loại rau... ở một vài nơi có ruộng bậc thang. Các loại quả táo, đào, mận, lê cũng rất nổi tiếng và người H'mông còn trồng cả các loại cây thuốc như tam thất, xuyên khung, đảm xâm… 

Người H'mông phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của họ. Các thợ thủ công H’mông phần lớn là thợ bán chuyên nghiệp, nhưng có thể làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, dao, cuốc, xẻng, nòng súng đạt trình độ kỹ thuật cao. Đặc biệt, nghề dệt vải lanh là một trong những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H'mông. 
- Trang phục của người phụ nữ H’mông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm dân tộc, gồm: váy, áo xẻ ngực có yếm lưng, tấm xiêm che trước bụng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp quấn hai bụng chân. Váy hình nón cụt, xếp nếp xòe rộng chữ thập trong các hình vuông, nhưng váy mang hình ống, khi mặc mới xếp nếp thắt lưng ngoài cạp; Áo mở chếch ngực về phía bên trái, cài một khuy, cánh tay, cổ áo, gấu áo đều thêu hoa văn…Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn. 
- Trang phục của đàn ông H'mông: quần dài, đũng chân què cạp lá tọa, áo ngắn ống rộng cổ đứng mổ bụng khuy cài, quần áo đều màu chàm. 
Người H'mông sống quần tụ trong từng bản có vài chục nóc nhà, họ thường thích sống khép kín, nhiều nơi còn xây tường đá ngang đầu quanh nhà ở. Nhà cửa là loại nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Phổ biến là nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Thông thường, quanh làng vẫn còn lại những ngôi nhà của người H’mông giàu có trước đây với trình tường xung quanh, cột gỗ thông kê trên đá tảng hình đèn lồng hay quả bí, mái lợp ngói âm dương có gác lát ván. 
- Các vùng người H’mông sinh sống thường có chợ phiên, vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi thể hiện nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt. Chợ giao lưu được tổ chức mỗi năm một lần là một nét văn hoá đặc sắc của người H'mông. Người H'mông quen dùng ngựa thồ hàng và cưỡi đi chợ, gùi có hai quai đeo vai. Con ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình người H'mông. 
- Người H'mông rất coi trọng dòng họ, với quan niệm: người cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ, cưu mang nhau. Mỗi dòng họ cư trú quây quần thành một cụm, tình cảm gắn bó sâu sắc, và có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung. Trưởng họ là người có uy tín, được dòng họ tôn trọng, tin nghe. 
- Hôn nhân gia đình của người H'mông theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau. Việc lựa chọn bạn đời được biểu hiện ở tục "cướp vợ" trước đây. Người thanh niên cùng bạn bè cướp người con gái yêu thích về ở nhà mình vài hôm, nếu cô gái đồng ý họ sẽ cưới nhau. Vợ chồng người H'mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ... 
Người H'mông cũng như nhiều dân tộc ít người khác tồn tại tín ngưỡng đa nguyên. Thờ cúng tổ tiên là thờ những người trong gia đình đã chết ba đời trở lại. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện ở tất cả gia đình những người con trai đã tách ra ở riêng chứ không chỉ riêng con trưởng. Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người H'mông còn tồn tại một tín ngưỡng "ma nhà" với những lễ thức cúng bái riêng biệt. 
Người H'mông có đời sống văn nghệ khá phong phú, đặc biệt là văn học truyền miệng có rất nhiều thể loại, như truyện thần thoại về anh hùng văn hóa tìm ra loại giống và dạy người H'mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc… Truyện cổ tích về các con vật chiếm khá nhiều, đặc biệt là truyện về loài hổ. 
- Người H'mông say đắm dân ca dân tộc mình, đó là Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống)… mà họ thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải, trong khi đi chợ, đi hội. 
- Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là hội Gầu Tào (đón năm mới), những bài hát dân ca này không chỉ thể hiện bằng lời mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ dân tộc như sáo, khèn, kèn lá, đàn môi... Sau một ngày lao động, thanh niên người H'mông dùng khèn, vừa thổi vừa múa, hay kèn lá, đàn môi để gửi gắm và thể hiện tiếng lòng mình với bạn tình, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương, đất nước. 
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người H'mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. 
- Dân tộc H'mông hay Mông, Na Miẻo còn có các tên gọi khác là Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng. 
- Nhóm địa phương: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán), Mông Xanh. 
- Tiếng nói thuộc ngôn ngữ hệ Mông - Dao. 

- Người H'mông ở Việt Nam có khoảng 1 triệu người, cư trú tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét