H'mông Đơ hoặc H'mông
Đâu (H'mông trắng).
Người
H’mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở miền Bắc Việt Nam. Cùng với 53 dân tộc anh em, người
H’mông luôn luôn là một phần thống nhất dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền
văn hoá các dân tộc Việt Nam.
1. Quá trình di cư của người H'mông vào Việt
Nam
Người H'mông ở Việt Nam hiện nay đều
có nguồn gốc từ phương Bắc. Theo các truyền thuyết của Trung Quốc thì người H'mông
xuất hiện sớm nhất ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang. Cách đây 5000
năm đã có liên minh bộ lạc do tù trưởng Suy Vưu làm thủ lĩnh. Suy Vưu tức là
Vua của Cửu Lê. Cũng trong thời kỳ này có liên minh bộ lạc khác do Hiên Viên đứng
đầu, nổi lên ở thượng nguồn sông Hoàng Hà. Hai liên minh bộ lạc này luôn xung đột
với nhau, cuối cùng Cửu Lê bị bại trận, Hiên Viên xưng Hoàng đế (vào khoảng
2.700 năm TCN). Ở thời kỳ của vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (theo truyền thuyết) lại xuất
hiện liên minh mới là “Tam Miêu”, "Hữu Miêu" hoặc "Miêu Dân"
và khá hùng mạnh. Họ đã đứng lên chiến đấu rất kiên cường chống lại các thế lực
nhà nước do các Vua đứng đầu. Trong các thế kỷ 16 đến 11 T.Cn, phần lớn người
dân "Tam Miêu" cùng các tộc người khác ở miền trung lưu Trường Giang
được gọi là "Kinh Sở", có thời kỳ còn gọi là "Nam Man", đời
sống kinh tế khá phát đạt, có một bộ phận được gọi là "Kinh man" rất
cường thịnh. Đến các triều Ân, Chu, nhà nước Trung Quốc vẫn coi Kinh Man là thù
địch. Từ đó trở đi, sự đối địch giữa Nam Man và Bắc Địch ngày một gia tăng, làm
cho tình hình Trung Quốc không lúc nào được yên ổn.Như vậy từ Cử Lê đến Tam
Miêu, Nam Man, Kinh Sở đều có mối liên hệ về nguồn gốc với nhau. Có thể coi đó
là tổ tiên của người H'mông hiện nay. Lúc đầu người H'mông cư trú ở phía bắc
sông Hoàng Hà, giai đoạn phát triển nhất của họ là Tam Miêu, về sau do sự phát
triển và mở rộng lãnh thổ của người Hán, họ lui dần xuống phía nam của con sông
này. Sau nhiều cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt giữa người Hán với người H'mông,
người H'mông luôn thua trận và phải rút về lưu vực sông Dương Tử, rồi vượt qua
con sông này đi về phía Nam và Tây Nam, khu vực giáp giới với 5 tỉnh của Trung
Quốc hiện nay là Hồ Nam (Tương), Quý Châu (Kiềm), Tứ Xuyên (Xuyên), Hồ Bắc (Ngạc)
và Quảng Tây (Quế), lấy Nguyên Giang làm trung tâm.
Theo các nhà dân tộc học Việt Nam
thì phần lớn những người H’mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều di cư trực tiếp
từ Quý Châu, Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) sang. Riêng một số nhóm ở Thanh
Hoá, Nghệ An di cư đến Việt Nam qua Lào. Người H’mông đến Việt Nam bằng các con
đường khác nhau và chia thành nhiều đợt, trong đó có 3 đợt chính:
- Đợt thứ nhất, khoảng 100 hộ, thuộc
các họ Lù, Giàng từ Quý Châu đến khu vực các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà
Giang, thời gian vào quãng cuối đời Minh, đầu đời Thanh của lịch sử Trung Quốc,
tương đương với những năm có phong trào của người Miêu ở Quý Châu chống lại
chính sách “cải tổ quy lưu” và bị thất bại, cách đây trên 300 năm. Từ đây, họ bắt
đầu tiếp tục di cư vào sâu hơn đến các tỉnh thuộc Đông Bắc Việt Nam
- Đợt thứ hai, khoảng trên 100 hộ,
trong đó có những hộ thuộc họ Vàng, họ Lý cũng vào khu vực Đồng Văn. Còn một
nhóm khác số người ít hơn, thuộc các họ Vàng, Lù, Chấu, Sùng, Hoàng, Vừ vào khu
vực Si Ma Cai, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Sau đó có khoảng 30 hộ gồm các họ Vừ, Sùng
chuyển sang phía Tây Bắc Việt Nam. Thời gian của đợt di chuyển này cách đây
trên 200 năm. Một số hộ người H’mông này sau đó tiếp tục di cư rải rác đến các
tỉnh của Tây Bắc Việt Nam
- Đợt thứ ba, số người Hmông di cư
vào Việt Nam đông nhất, gồm khoảng trên 10 ngàn người. Phần lớn họ từ Quý Châu,
có một số từ Quảng Tây và Vân Nam sang, chủ yếu vào các tỉnh Hà Giang, Lào Cai,
Yên Bái… Thời gian của đợt di cư này tương đương với thời kỳ của phong trào
“Thái Bình Thiên Quốc”, trong đó có người Miêu tham gia, chống lại nhà Mãn
Thanh từ năm 1840 đến 1868. Về sau, họ tiếp tục di cư đến các huyện của các tỉnh
thuộc Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.
Về sau hàng năm vẫn có người H’mông
di cư lẻ tẻ sang Việt Nam. Các con đường di chuyển của đồng bào là vào Đồng Văn
rồi xuống Tuyên Quang. Riêng các nhóm H’mông cư trú ở hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ
An và các huyện giáp biên giới Lào của Sơn La như Mai Sơn, Mộc Châu, Sốp Cộp,
Sông Mã cũng từ Lào và các tỉnh miền núi miền Bắc vào trên dưới 100 năm trở lại
đây.
Từ sau ngày đất nước ta thực hiện
công cuộc đổi mới (1986), tình hình di chuyển của người H’mông luôn gia tăng,
theo hai hướng Bắc – Nam và Đông – Tây. Vì vậy, số địa phương có người H’mông
sinh sống ngày càng tăng lên đáng kể.
2. Vài nét về dân số người H’mông ở Việt
Nam
Trước năm 1960, dù có một số tài liệu
được công bố về dân tộc H’mông, vẫn chưa có một công trình nào xác định được
chính xác dân tộc H’mông ở Việt Nam có bao nhiêu người. Chỉ đến ngày 1 -
3 - 1960, với cuộc Tổng điều tra dân số toàn miền Bắc, người ta mới biết
được người H’mông có 105.521 người. Đến cuộc tổng điều tra dân số toàn miền Bắc
lần thứ hai ngày 1 - 4 - 1974, người Hmông có 348.722 người.
Như vậy, sau 14 năm dân số người
H’mông tăng thêm 243.201 người. Tại cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ
nhất (1 - 10 - 1979), dân số H’mông là 411.074 người. Ở cuộc Tổng điều
tra dân số toàn quốc lần thứ hai (1 - 4 - 1989), dân số H’mông là
558.053 người, vậy là sau khoảng 10 năm, dân số H’mông tăng thêm 146.979 người,
bình quân hàng năm trong giai đoạn này tăng 3.2%. Đến cuộc Tổng điều tra dân số
và nhà ở Việt Nam lần thứ ba (1 - 4 - 1999), dân số H’mông là 787.604
người, sau 10 năm tăng thêm 229.551 người, bình quân tăng hằng năm là 3.4%. So
với các dân tộc ở Việt Nam, tốc độ tăng dân số bình quân của người H’mông thuộc
loại cao.
Người H’mông không những có tỉ lệ
phát triển dân số cao mà còn có tốc độ di chuyển dân cư khá lớn. Nếu như năm
1960 họ chỉ có mặt ở 398 xã, năm 1979 có mặt ở 677 xã, thì năm 1989 họ đã có mặt
ở 802 xã và năm 1999 có mặt ở trên 1.000 xã. Chỉ tính ở cuộc Tổng điều tra dân
số và nhà ở năm 1999, họ đã có mặt ở tất cả các vùng trong cả nước, đông nhất
là khu vực Đông Bắc 445.782 người (56.60%), tiếp đến là Tây Bắc 289.000 người
(36.69%), Bắc Trung Bộ 39.373 người (4.99%), Tây Nguyên 12.392 người (1.57%), đồng
bằng Sông Hồng 533 người, Đông Nam Bộ 431 người và đồng bằng sông Cửu Long 53
người.
H'mông là một dân tộc có dân số
tương đối đông (trên 9 triệu người), cư trú ở nhiều nước khác nhau trên thế giới,
trong đó đông nhất là ở Trung Quốc (khoảng 7,5 triệu người). Ở Việt Nam, người H'mông
có trên 80 vạn, ở Lào–khoảng 25 vạn, ở Thái Lan–15 vạn… Trong vài ba thập niên
gần đây, người H'mông còn có mặt ở một số nước ngoài châu Á như: Pháp, Mỹ,
Canada, Ốtxtrây lia …
Ở nước
ta, người H'mông nằm trong nhóm các dân tộc nói ngôn ngữ H'mông–Dao (gồm ba dân
tộc: H'mông, Dao và Pà Thẻn). Trước năm 1979, họ được gọi là người Mèo. Ở Trung
Quốc, người H'mông được gọi là người Miêu. Ở Lào gọi là người Mẹo. Hiện nay,
ngoài Trung Quốc, còn ở hầu hết các nước trên thế giới, họ đều được gọi là H'mông.
Gần
đây có người cho rằng, nên gọi dân tộc này là Mông, thay cho H'mông, nhưng cũng
có những ý kiến khác không tán thành và cho rằng bản thân trong chữ viết của họ,
người H'mông viết tên dân tộc mình là Hmôngz; lại có ý kiến cho rằng Mông là một
tục từ không được đẹp và ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn của dân tộc này. Một
số nhà khoa học nước ngoài có lưu ý, nếu viết là Mông thì có thể nhầm với dân tộc
Mông ở Mông Cổ và Trung Quốc… Vì vậy, theo chúng tôi viết tên dân tộc này là H'mông,
đó là cách viết chính xác nhất. Hiện nay ở nước ta có các nhóm H'mông như sau:
1. H'mông
Đơ hoặc H'mông Đâu (H'mông trắng).
2. H'mông
Đu (H'mông Đen).
3. H'mông
Si (H'mông Đỏ).
4.
H’mông Dua (H'mông Xanh).
5. H'mông
Lềnh (H'mông Hoa).
6. H'mông
Xúa (H'mông Lai).
7.
Ná Mẻo (H'mông Nước).
Riêng
nhóm Ná Mẻo, cho đến nay cũng có các ý kiến khác nhau, vì sống tách biệt với cộng
đồng H'mông nói chung và sống kề cận với các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái, Việt-Mường
nên hiện có những đặc điểm riêng, có thể là một nhóm dân tộc H'mông hoặc là một
nhóm của dân tộc khác, cần được nghiên cứu tiếp.
Tộc
người H’Mông sinh sống chủ yếu ở Sa Pa là người H’Mông Đen do quần áo của họ
toàn màu đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen ở nơi khác,
vì thế thường được gọi là người H’Mông Sa Pa. Người đàn ông thường mặc quần màu
đen hoặc xanh đen (màu chàm) giống nhau, áo cánh ngắn tay bên ngoài khoác áo không
tay kiểu như áo gilê có vạt dài quá mông. Trên đầu đội một cái mũ bé tí, tròn,
nông, ôm lấy đỉnh đầu trông như cái mũ của Giáo hoàng, có chiếc đen tuyền, có
chiếc còn viền một vòng thêu thổ cẩm. Mũ của đám con trai còn được khâu thêm
vào các dải vải màu hoặc các đồng tiền lủng lẳng. Người phụ nữ cũng mặc đồ đen,
trên đầu cũng đội một chiếc khăn đen, vành thẳng đứng như một cuộn giấy cao vượt
đỉnh đầu. Bên ngoài là một chiếc áo khoác không có tay, vạt dài gần tới gối như
của đàn ông. Chiếc áo khoác này được lăn ép bằng sáp ong vì thế có màu đen ánh
bạc. Để giữ gìn, nhiều khi người ta mặc lộn mặt trái có màu trắng ra ngoài. Đặc
biệt nhất là phụ nữ H’Mông Sa Pa lại mặc quần ngắn ngang đầu gối chứ không mặc
váy. Họ cuốn xà cạp quanh bắp chân rất khéo bằng một băng vải hẹp.
H'mông Đơ hoặc H'mông
Đâu (H'mông trắng).
H'mông Đu (H'mông
Đen).
H'mông Si (H'mông Đỏ).
H’mông Dua (H'mông
Xanh).
H'mông Lềnh (H'mông
Hoa).
H'mông Xúa (H'mông
Lai).
Ná
Mẻo (H'mông Nước).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét