Người H'mông có nhiều chi: H'mông Đơ (trắng), H'mông Lềnh
(vàng), H'mông Sy (Đỏ), H'mông Súa (Hoa), H'mông Đu (Đen). Một bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ H'mông gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân
váy xòe rộng. Áo có cổ lật ra phía sau gáy.
Thắt lưng buông hai dải dài phía
sau. Tấm vải che đằng trước váy. Vuông vải che ở phía mông. Khăn quấn đầu. Xà cạp
và tấm áo khoác ngoài không có tay, có cổ lật ra phía sau gáy. Tất cả các chi
trong dân tộc H'mông đều có kỹ thuật thêu khá tinh vi và có truyền thống giỏi
trong trang trí bằng hình chắp vải mầu, vẽ sáp ong trên vải để lấy họa tiết mầu
trắng trên nền mầu chàm. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền
vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau
khi hoàn thiện đồ án trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp,
hoàn chỉnh váy, áo... Đó là cách làm riêng của người H'mông, khác các dân tộc
anh em đã thể hiện trang trí ngay trên thành phẩm của mình. Trong sưu tập này
giới thiệu các đồ án trang trí trên các bộ phận hợp thành của y phục H'mông các
chi.Những ô trang trí những đường diềm hình chữ thập, chữ đinh, chữ công được chuyển biến một cách hết sức phong phú, đa dạng, tài tình, kết hợp với các ô hình quả trám hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc trong các thể bố cục khác nhau lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo cho đồ án trang trí hoa văn của người H'mông có vẻ linh hoạt, không những thể hiện trên thân váy vẽ bằng sáp ong, mà cả trên thể loại khác, cho thấy trang trí hoa văn H'mông có một phong cách riêng biệt đặc sắc, không hề lẫn lộn với các trang trí của dân tộc khác.
Ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng. Người H'mông còn thành thục trong việc bố cục đồ án văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S là những loại họa tiết có đường cong, đường xoáy dứt khoát thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo cho bố cục hài hòa, không đơn điệu - chỉ thấy xuất hiện trong trang trí y phục của người H'mông. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của nhiều cư dân, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí H'mông.
Chắp vải mầu của người H'mông rất dầy, nhiều lớp đè lên nhau, tạo thành các đường viền lé mầu bao quanh các hình, các đường nét, chứng tỏ một kỹ thuật thành thạo, có truyền thống riêng khác hẳn các dân tộc anh em. Mầu sắc ưa dùng trong thêu và chắp vải là đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây, lam. Ngay trên các đồ án hoa văn vẻ sáp ong nhuộm mầu chàm người ta cũng ưa ghép thêm hình vải mầu đỏ-trắng, xanh-trắng, rực sáng tươi vui. Đó cũng là điều khác biệt.
Kỹ thuật thêu của người H'mông có hai cách thêu lát và thêu
chéo mũi. Hai cách thêu này làm cho việc tạo nét mềm mại chủ động, phóng
khoáng, không bị gò bó trong kỹ thuật thêu luồn sợi, mầu, dựa theo thớ vải
ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm. Ngoài họa tiết hình hoa tám cạnh, biểu
thị sự chuyển động của mặt trời, trang trí H'mông không nhằm diễn đạt một nội
dung nào, nhưng mang được sắc thái rất riêng biệt có bản sắc thẩm mỹ của dân tộc
rất rõ nét.
Nhà ở của người Hmông được xây dựng tương đối thống nhất.
Nhà được xây dựng trên nền đất, gồm 3 gian 2 chái. Gian giữa đặt bàn thờ, hai
bên bố trí bếp và buồng ngủ. Buồng ngủ không được bố trí ngang hàng với bàn thờ.
Nhà giàu có được xây dựng kiên cố, cột gỗ kê trên đá tảng đẽo hình đèn lồng hay
như quả bí, mái lợp ngói, gác lát ván. Nhà của người nghèo xây dựng đơn giản, cột
ngoảm, vách nứa hay ván bổ, mái tranh. Nhà được mở từ 2 đến 3 cửa, cửa chính đối
diện với bàn thờ. Các chuồng trại chăn nuôi làm tách riêng ra một khu vực.
Hôn nhân của người Hmông thông qua mua bán và có phần tin vào tín ngưỡng. Trong lễ ăn hỏi, người Hmông tin rằng đôi trai gái có hợp nhau hay không là do lễ cúng "xem chân gà". Người con gái được định giá thông qua giá trị vật chất thịt, rượu, bạc trắng, thuốc phiện. Mỗi đám cưới thường nhà gái yêu cầu từ 60 đến 120 đồng bạc trắng, từ 60kg đến 120kg thịt lợn, từ 60kg đến 120kg rượu và một số thuốc phiện. Giá trị vật chất nhà gái yêu cầu càng nhiều đối với nhà trai thì người con gái đó càng hoàn hảo về tài sắc. Trong quan hệ hôn nhân con dì, con già, con cô, con cậu được phép lấy nhau. Điều đặc biệt là con trai cậu được phép lấy con gái cô, đó là một điều tốt đẹp trong gia đình (nước tốt không để chảy vào ruộng người) và (vì tôi đã để vật quí ở đây thì phải lấy lại nó). Người H'mông có phong tục em chồng được phép lấy chị dâu (nếu anh trai bị chết), ngược lại chị dâu có quyền lấy em chồng là để giữ gìn tài sản và có trách nhiệm nuôi dưỡng các cháu của anh trai. Nếu em chồng đã có vợ thì chị dâu chỉ được làm vợ lẽ. Trong trường hợp gia đình không có em chồng thì chị dâu được phép lấy em họ. Tục cướp vợ rất phổ biến: một nhóm thanh niên từ 3 đến 5 người, tổ chức họp nhau đón đường bắt cóc người con gái mang về nhà mình (dù người con gái đó có bằng lòng hay không bằng lòng). Trong thời điểm người con gái bị cướp mọi người trong họ hàng, gia đình, anh em không được phép tham gia giải cứu. Sau hai hôm cướp vợ, nhà trai cử người sang nộp phạt tiền danh dự cướp vợ và báo cho gia đình nhà gái biết sự việc. Sau đó, hai bên gia đình bàn bạc, ấn định ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ thành hôn cho đôi trai gái. Trong quan hệ hôn nhân giữa những người trong cùng một dòng họ bị cấm triệt để, không được phép lấy nhau. Những người không phải là anh em nhưng cùng mang tên dòng họ, hôn nhân diễn ra cũng rất dè dặt. Người H'mông tin rằng quan hệ hôn nhân với dòng họ khác thì làm ăn mới phát đạt, nòi giống mới phát triển tốt.
Trước kia, ma chay của người H'mông thường được tổ chức kéo
dài từ 5 đến 7 ngày, ngày nay giảm xuống còn từ 2 đến 3 ngày. Khi gia đình có
người chết, họ đi mời người (thầy mo) đến làm thủ tục cúng hát mở đường, sau đó
mới tiến hành khâm liệm (áo ngoài bằng lanh thì mới được đoàn tụ với tổ tiên).
Cách hành xử mỗi nơi mỗi khác: có nơi để người chết trên "cáng" treo
trước bàn thờ hoặc để trên ghế dài đặt ngang cửa ra vào. Có nơi người chết được
đặt vào quan tài nhưng không đậy nắp để dễ dàng xem mặt người chết. Trong lúc
hát mở đường đến đoạn sự tích gà dẫn đường cho người chết về với tổ tiên, người
ta mang một con gà đã chết để nguyên lông đặt trong âu bột ngô để phía dưới người
chết. Trong đám ma người H'mông dùng khèn và trống để thực hiện nghi lễ tiễn
đưa người chết về với tổ tiên được êm đẹp. Sau khi chôn cất xong, nếu là nam giới,
người ta cắm 9 cành lá, nữ giới cắm 7 cành để đánh lạc hồn người chết không
quay về làm hại những người thân trong gia đình. Lễ cúng đưa hồn người chết về
với tổ tiên sau khi chôn cất hoặc kéo dài một hay vài năm.
Thờ cúng tổ tiên, đó là thờ cúng ông bà, cha mẹ và những
người đồng tộc đã chết. Người ta tin rằng tổ tiên đã chết, che chở cho con cháu
đang sống làm những nghi lễ cầu xin cho các thành viên thị tộc hay gia đình và
tiến hành những nghi thức nhằm thờ phụng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên thường đặt ở
vị trí gian giữa, nhiều dòng họ Hmông không lập bàn thờ tổ tiên riêng. Nơi thờ
cúng tổ tiên chỉ là một miếng giấy hình chữ nhật kích thước 20- 30cm. Nơi đặt
bàn thờ là linh thiêng, chỉ có chủ gia đình mới được làm chủ lễ cúng mời tổ
tiên, chỉ có con trai mới được đến gần bàn thờ. Người Hmông chỉ cúng tổ tiên
vào dịp năm mới, lễ cơm mới hoặc khi cần cúng chữa bệnh… đối với hồn cụ, ông,
cha ở thế giới bên kia.
Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người Hmông còn tồn tại một hệ
thống ma nhà với những lễ thức cúng bái riêng biệt: "Xử Cả" là ma có
vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà người Hmông, gắn liền với sự giàu
có, nhất là tiền bạc. Nơi thờ "Xử Cả" ở tấm ván hậu gian giữa nhà. Chỗ
thờ được dán hai miếng giấy bản màu vàng và bạc cắm 3 hoặc 9 lông gà, bôi ít
máu gà. Mỗi năm cúng xử cả một lần vào đêm 30 tết, đồ cúng là một con gà trống
màu đỏ.
"Bùa Đáng" (ma lợn) được thờ ở cột chính trong
nhà, cột tượng trưng cho sự hưng thịnh và vận mệnh của gia đình. Ma lợn chỉ có
chủ gia đình mới được cúng, vật cúng là lợn nái đã đẻ một lứa. Trong đời một
người con trai phải làm lễ cúng cột chính 1 hoặc 2 lần, nhằm tưởng nhớ và làm
tròn đạo hiếu giữa người còn sống đối với người đã chết. Cúng ma cột chính,
theo quan niệm của người Hmông còn nhằm tạ ơn những người xưa kia đã giúp người
Hmông qua hoạn nạn, để tìm chữ viết đã mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét