Đám tang người Nùng Lạng sơn (Vi Đức Hồi)

Khi có người chết, Gia đình cử người đến báo thầy và xin thầy đến để làm ma. Người đi đón thầy mang 3 nén hương, ba tờ giấy vàng (tiền vàng) đưa cho thầy, thầy thắp lên bàn thờ thánh của thầy, đốt tiền vàng báo cho thánh biết có sự kiện (nói địa điểm, làng, xã, huyện, tỉnh người mất) và xin thánh cho đi làm và huy động binh lính của thánh cùng đi. Gồm hai thầy chính và hai người giúp việc đi theo.Khi đi qua làng nào thì báo cáo thổ công làng đó (vào thổ kỳ thắp hương) xin phép cho binh lính đi qua , nếu gặp đình, chùa thì thắp hương báo cáo và xin chi viện quân để cùng đi làm. Đến làng nơi người chết, đến báo cáo thổ công và xin phép thổ công được làm.

Đến nhà, các con trai người mất ra quỳ trước cổng đón thầy, thầy lấy sợi chỉ bằng giấy bản (chuẩn bị sẵn), lăn tròn thành sợi dây buộc vào tóc người con trai, Nghĩa là những người con này có tội, để xẩy ra cha, mẹ chết nên trói vào, không được làm gì, chờ thầy xét xử. Sợi chỉ bằng giấy này tự nó rơi rụng, nhưng ý nghĩa là trói buộc cho đến khi cởi tang (thót háo), mới hết tội.
Nghi lễ này không cần mời thiên (ngọc hoàng), không mời địa (thần đất), ông thầy có toàn quyền thực hiên. 
Việc đầu tiên thầy đến là lập bàn thánh, đại bản doanh các thánh và binh lính mà thầy mang theo. Lập xong thầy viết một số công văn, văn bản cần thiết xong rồi làm. Đầu tiên là nghi thức đi lấy ngước tắm rửa cho người mất, mở thanh la,con gái hoặc cháu gái, người đi trước, người đi sau cầm hai sợi vải xô, trên có chiếc chậu đồng và chiếc khăn, khom lưng đi ra chỗ có nước để lấy,các con cháu kéo theo, một thầy đi cùng làm thủ tục. Lấy nước về con chau đi vòng quanh người mất một vòng rồi  đặt chậu ngước gần người mất, rồi lần lượt con cháu rửa mặt (làm động tác tượng trưng) cho người mất.Thầy đọc họ tên từng người con, cháu đến rửa mặt cho đến hết con, cháu mới thôi. Sau đó đến thủ tục vào áo quan (nhập quan), tiếng Nùng gọi là (khảu shang).Trước khi vào áo quan, con dâu, cháu dâu mỗi người có miếng vải dài khoảng rộng 1m, dài 2m lần lượt đắp lên người mất, gọi là chăn, đắp cho người. Một trong những thủ tục quan trọng nhất,là đưa người chết vào áo quan xong,thầy làm thủ tục niêm phong áo quan lại,không cho quỷ dữ, bất cứ ai được động đến.
Nghi lễ phát khăn tang, con trai, cháu trai mặc quần áo tang đội mũ bện rơm làm bằng cây tre, hoặc nứa, cuốn vải xô hoặc giấy bản, chống gậy cuốn bằng giấy bản trắng. Con gái, con dâu mặc quần áo xô, và độị khăn trắng; các cháu triết khăn tang là được. Lần  lượt con, cháu đến bàn thờ đặt dưới chân người chết, rót rượu mời người quá cố uồng, (tức mời cơm). Thủ tục con, cháu đi vòng quanh người chết thể hiện con, cháu kéo đến thăm, viếng.
Con gái có cây tiền (co sèn), mang đến cúng tỏ lòng tạ ơn cha, mẹ, người có điều kiện thì mổ lợn, mời thầy riêng đến làm lễ, người không có điều kiện thì có con gà, miếng thịt và nhờ thầy nhà cúng giúp. Các cháu có quả núi và nhờ thầy nhà làm. Riêng bên ngoại người mất (Pằng lăng), tức là bác, hoặc cậu người mất phải có con ngựa (Tu mạ) mang đến cúng,lúc chuẩn bị ra đồng, đem đốt, ý là để người mất cưỡi ngựa ra đi, con ngựa này là con ngựa dẫn đường về âm (tu mạ sải lò).Thông gia mang đến cây lạc (giống cây tiền) nhưng ngắn và nhỏ hơn để cúng, tiếng Nùng gọi là (co lạc).
Lăn đường, người Nùng gọi là (Tèm lát): Lúc ra ma,các con trai nằm ngửa dưới đất, nối tiếp nhau tạo thành hàng dài để người khiêng quan tài qua trên, xong rồi làm tiếp đến ba lần mới xong.
Nghi lễ tối quan trọng là lễ hạ huyệt, thầy có bài cắt âm- dương, từ nay con, cháu không nằm mơ thấy người quá cố, người quá cố không bao giờ trở lại làm phiền con cháu. khoanh khu vực mộ, không có con gì dám động đến .
Xong việc, gia đình đặt con gà, thủ lợn lên bàn thánh của thầy, thầy mời các binh lính đến để khao quân vì đã hoàn thành công việc, đây là công đoạn cuối cùng của đám ma. Khi về gia đình cử người gánh đồ lễ đến nhà thầy để đặt bàn thánh của nhà thầy, đồ lễ tùy theo gia đình hảo tâm, thường là nửa con lợn, gà, hoa quả ...để tạ ơn thầy. Sáng hôm sau thầy đến (thầy chính) để mở mả (khay mò), con cháu làm nhà cho mộ. Tủ tục này chỉ một con gà.Từ đó con, cháu đội khăn tang cho đến khi làm lễ cởi tang (thót háo).

Vi Đức Hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét