Nhà và nội thất của dân tộc H’Mông (Văn Hóa Việt)

54 dân tộc anh em, người H'Mông luôn là một phần của sự thống nhất dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Nét văn hóa của người H'Mông rất đặc trưng, trong đó nét văn hóa tâm linh trong các ngôi nhà của người dân H'Mông cũng là một điều đặc biệt.
Người H'Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt cư trú tại Sapa là đông nhất.

Đôi khi người ta thắc mắc về những ngôi nhà này dù to hay nhỏ đều được trình tường theo một khuôn mẫu nhất định. Vậy tại sao các ngôi nhà lại được dựng như vậy thì chúng ta cùng đi tìm hiểu đôi nét về phong tục và tâm linh trong ngôi nhà chôn cột của người H'Mông.
Với môi trường sống trên các triền núi cao, khí hậu lạnh, khắc nghiệt…thì ngôi nhà trình tường bằng đất, lợp ngói hay tranh của người H'Mông có ưu điểm mát mẻ về mùa hè, giữ ấm về mùa đông, và chống thú dữ.

Người H'Mông coi cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà, thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng cho nên cây cột phải là cây rừng không bị sâu thối cụt ngọn.
Cây cột này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người H'Mông. Địa hình cư trú của người dân tộc H'mông, Việt Nam đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc của dân tộc này. Nhà của người H'mông dù to hay nhỏ đều theo một khuôn mẫu, nhà ba gian và hai cửa, một cửa chính, một cửa phụ và phải có hai cửa sổ trở lên.
Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Hai gian trái đặt cối xay ngô, giã gạo.
Nhà của người H'Mông bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Ngô lúa khi mang từ nương về bao giờ cũng được cất lên gác, ngoài ra, sàn gác còn có thể làm nơi ngủ khi nhà đông khách. Khói bếp sẽ làm khô và giữ cho không bị sâu mọt. Phong tục người H'Mông không cho con gái, đàn bà được ngủ trên gác. Khi đàn ông trong nhà đi vắng thì con dâu không được phép lên gác. Nhà của người H'Mông không bao giờ làm dính sát vào nhau, cho dù là anh em ruột thịt.


Khi chọn đất làm nhà, người H'Mông lấy 3 hạt gạo hoặc ngô đặt xuống khu đất đã chọn rồi đặt bát hoặc chậu gỗ lên trên, sau đó thắp 3 nén hương khấn thần đất, đốt 3 tờ giấy bản xin thổ công thổ địa cho gia chủ làm nhà. Sáng hôm sau hoặc sau 3 tháng, chủ nhà quay lại xem số hạt ngô đặt dưới đất, nếu thấy vẫn còn nguyên thì coi như đất ở nơi đó tốt, làm nhà được. Còn ngược lại, nếu như số gạo bị sâu, kiến ăn hết nghĩa là đất ở đó xấu không làm nhà được phải tìm địa điểm khác.
Sau khi chọn được đất tốt người ta tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Công việc trình tường được làm khá công phu. Trong quá trình trình tường, người lạ không được đến, nhất là phụ nữ. Khi trình tường người ta đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Đất dùng để trình tường được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác, cứ như thế khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi ngôi nhà hoàn thành.
Trình tường xong, người H'Mông vào rừng chọn cây cột cái đem thẳng từ rừng về, không đặt xuống đất mà đưa lên nóc ngay. Họ coi cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà thể hiện sự ngay thẳng cứng cáp vững vàng của chủ nhà, nên cây cột phải là cây rừng không bị sâu hay cụt ngọn. Cây cột này có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.
Cửa chính nhà của người H'Mông cũng phải tìm gỗ tốt để làm, nếu là tre nứa thì phải là thân trúc hoặc mai già. Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Người H'Mông không sử dụng bản lề, then chốt bằng sắt mà hoàn toàn bằng gỗ, bởi người H'Mông coi cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người, trong khi đó bản lề sắt thép là những vật cứng được ví như dao kiếm. Ngoài cửa chính, nhà của người H'Mông còn có cửa phụ, là lối để đưa đồ dùng cho người chết vào nhà lúc tang ma. Chỉ khi đưa ra nghĩa địa mới đi qua cửa chính.
Nhà người H'Mông thường được xếp đá xung quanh làm hàng rào che chắn, hàng rào đá xếp xung quanh một nhà hoặc 2,3 nhà có quan hệ anh em nội tộc với nhau, làm thành một khu riêng biệt. Người H'Mông cũng làm nhà dựa lưng vào núi, kiêng làm nhà quay lưng ra khe, vực sâu. Bản của người H'Mông có từ vài ba nóc nhà trở lên, có bản chỉ có một dòng họ, nhưng không nhiều, còn lại đa số là một bản có nhiều dòng họ sống cùng nhau. Trải qua bao đời, sinh sống bên những sườn núi cao, những ngôi nhà trình tường của người H'Mông vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, theo phong tục tập quán của một dân tộc.
Làm nhà được coi là một việc hệ trọng trong đời người H'Mông, do vậy ngày về nhà mới là ngày đại sự của gia chủ. Ngày hôm ấy, người ta tổ chức ăn uống vui vẻ, chúc nhau mọi sự tốt lành.

Cùng với việc làm nhà mới là làm chuồng gia súc. Chuồng gia súc được làm chếch với cửa chính, tuỳ thuộc vào hướng gió. Để làm chuồng gia súc, người ta cũng phải xem tuổi gia chủ, tính ngày tháng rồi mới làm. Người H'Mông rất yêu quý gia súc, có khi còn làm chuồng gia súc tốt hơn làm nhà ở. Khi làm chuồng gia súc người H'Mông đều thắp hương cúng ma chuồng, ma trại phù hộ cho gia súc hay ăn chóng lớn, dễ nuôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét