"Khâu xìa plềnh" trong dân tộc H'Mông miền Tây Bắc (Huỳnh Tâm)

Một lễ hội đặc trưng nhất của dân tộc H'Mông.

Vào năn 1978. Tôi may mắn có dịp tham dự lễ hội "Gầu tào", được uống rượu ngô, ngắm toàn cảnh lễ hội của dân tộc H'Mông, đặc biệt trực tiếp nghe những thanh niên, thiếu nữ hát bản tình ca "Khâu xìa plềnh" thì mới thấy trong lòng mọi người thể hiện tình yêu trong sáng của đôi lứa… toát ra những lắng đọng tinh hoa của miền Tây Bắc, làm cho tôi gần gũi chan hoà với tình người, thổi vào sức sống cái yêu con người rất đời thường.
Tình ca H'Mông có đến hơn trăm bài, với nhiều giai điệu, nhịp điệu và nội dung khác nhau, nhưng đã là tình ca thì tính xuyên suốt vẫn trữ tình huyền bí và nhiều giai thoại. Trữ tình không chỉ ở tình yêu trai gái mà còn đối với đất nước quê hương, đối với những trọng hệ tình yêu giữa con người v.v... đề cao tình yêu lứa đôi, vẫn là chuyện muôn đời không thể kết thúc bởi nó gói ghém trong vài miêu tả của đôi lứa và trao đổi với nhau bằng hứa hẹn qua tiếng hát tự tình, với phụ họa tiếng khèn H'mông, khèn lá, tiếng đàn môi và tiếng sáo…của những bài tình ca:
"Cú nhịa cò" (Yêu anh mất rồi)
"Hâu tù pau sua" (Trong giấc mơ)
"Do cò" (Nhớ anh)
Với những lời thề thủy chung được thổ lộ bên con suối trong xanh nằm giữa cánh rừng hay những ngày xuân tràn đầy ánh nắng, chim ca. Trong bài "Yêu anh mất rồi" với câu hát có thể tạm dịch:
"... Làm sao nói, làm sao anh về gặp em
Chiếm cả lòng em, làm xao động lòng em
Càng gần anh không muốn rời...".

Có lẽ, trên thế gian này nơi đâu cũng có những câu chuyện tình yêu, yêu nhưng không hẳn được yêu, cũng không hẳn sẽ nên vợ nên chồng với những mối tình sót xa, tiếc nuối. Người H'Mông cũng có bài hát "Chi pâu xi dùa" tức là "Không lấy được nhau" hay bài "Cú nhi nhỉa mùa ca thia" tức là "Tôi không yêu cô nữa" chính những bài ca này có giai điệu thầm kín, tiếc thương hoặc chân thật đến nghiệt ngã, nghe rồi bâng khuâng:
"Vì anh đi xa, em phải lấy chồng
Người chồng em không còn nữa
Đời em cực khổ vô cùng
Còn đâu ngày xưa..." .


Từ thuở ấy dân tộc H'Mông cho tôi một ký ức không phai và tôi có những suy nghĩ: Đất nước ta tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Nước ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức của ta lại vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất: cộng đồng người Kinh. Lịch sử Việt Nam phải được xét lại và được coi như lịch sử của các sắc dân đã hợp lại để tạo thành đất nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét