Tục bắt vợ và cưới hỏi của dân tộc H'Mông (Giàng Sao)

Việt Nam là nơi hội tụ của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, những nét văn hóa riêng. Dân tộc H'Mông cũng vậy, họ có rất nhiều phong tục tập quán, nhiều nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Tập tục bắt vợ và cưới hỏi độc đáo là một trong những nét văn hóa mà người H'Mông đã gìn giữ từ rất lâu đời do cha ông để lại như một món quà tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của họ.

Cứ mỗi độ xuân về, khắp các bản làng gần xa được bao phủ bởi sự khoe sắc của hoa mận, hoa đào cũng là lúc các chàng trai, cô gái xúng xính trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu do chính bàn tay khéo léo của mình thêu nên, khi tiếng sáo, tiếng khèn ríu rắt gọi bạn ấy là lúc họ rủ nhau xuống núi đi chợ tình, hòa mình vào các lễ hội như: Ném pa pao, đánh lông gà, hội gầu tàu để tìm ý chung nhân, Bắt đầu cho một mùa cưới hỏi, xe đôi, kết lứa. Người H'Mông không tổ chức cưới xin quanh năm, họ chỉ có một mùa cưới nhất định đó là mùa xuân, bởi theo quan niệm của các cụ thì mùa xuân là mùa sinh sôi, nảy nở, mùa của sung túc, mùa của tình yêu.
Tình yêu của chàng trai, cô gái H'Mông trong sáng như hoa rừng nở trên đỉnh núi, như dòng suối chảy từ trong khe đá ra, kín đáo và tế nhị, nếu không khéo léo bạn sẽ không nhận ra họ là một đôi tình nhân, bởi tình yêu của họ không thể hiện bằng ngôn ngữ, hay cử chỉ thân mật mà họ trao nhau bằng ánh mắt yêu thương. Từ ánh mắt lúng liếng của cô gái, từ nụ cười bí hiểm của chàng trai, đã ngầm hiểu rằng họ sinh ra là để giành cho nhau. Tình yêu đôi lứa thì đẹp đến vậy, nhưng không phải chàng trai, cô gái Mông nào cũng đến được với nhau, có những đôi họ may mắn được gia đình chấp thuận, lại có đôi lứa vướng phải rào cản của bố mẹ và người thân, chủ yếu là bên gia đình nhà gái và tục bắt vợ có lẽ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất.
"Bắt vợ", nghe thì có vẻ dễ, nhưng không hề đơn giản, không phải cứ thích cô gái nào là bắt về thế là thành vợ, thành chồng, mà phải là hai người đã yêu nhau nhưng chàng trai vẫn phải nhờ anh em thân thiết đến nhà cô gái để hỏi vợ. Điều này mang một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cô gái, rằng không chỉ có chàng trai muốn cưới cô làm vợ mà cả anh em họ hàng bên đó thực sự muốn lấy cô về làm dâu, họ sẽ chịu mọi trách nhiệm về cuộc đời cô sau này. 
Cái cách mà người Mông hỏi vợ cũng thật lạ, phải đợi đến chợp tối chàng trai và những người được nhờ mới kéo đến nhà cô gái, họ đứng ở ngoài rình xem người con gái đó có hiền thục, chăm chỉ, nết na hay không? Những gì cô gái thể hiện đều ưng cái bụng thì sẽ báo động bằng một điệu sáo ngân nga, ríu rắt để cô gái biết rằng, có người muốn đến hỏi cô về làm vợ. Nếu đồng ý cô gái sẽ châm đèn dầu ngồi sát vách để thêu váy và trò chuyện cùng nhóm người của chàng trai, họ hứa hẹn sẽ yêu thương và mang cuộc sống sung túc cho nhau. Trong cuộc trò chuyện đó, cô gái sẽ tiết lộ những công việc mà mình sẽ làm vào hôm sau như: Đi lấy củi trên đồi, đi địu nước ở mõ hay đi lên nương rẫy cùng gia đình, ngầm thông báo hẹn nhóm người của chàng trai đến đón mình đi làm dâu. 
Như đã hẹn nhóm người của chàng trai sẽ nấp vào một đoạn đường nào đó mà cô gái sẽ đi qua, khi cô gái xuất hiện, cả nhóm người ào đến hai ba người kéo cô gái đi, khi ấy cô sẽ khóc thật to hay kêu gọi người thân đến cứu, mặc dù đã đồng ý, nhưng tiếng khóc ấy thể hiện mình là một cô gái đoan trang, chân chính, không hư hỏng. Khi gia đình cô gái chạy đến thì những người còn lại sẽ cản và xin gia đình đừng đuổi theo, thậm chí họ sẵn sàng hứng chịu đòn doi của bố mẹ trong lúc tức giận.
Tục bắt vợ này có hai ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Thứ nhất, khi bị gia đình ngăn cấm, đôi bạn trẻ thấy họ không thể sống thiếu nhau, họ sẽ áp dụng tục bắt vợ, khi đã bước qua ngưỡng cửa của nhà chồng thì cô gái không còn về bên nhà bố mẹ đẻ được nữa, bởi giờ cô đã là ma của nhà người ta. Vì vậy dù có muốn hay không, bắt buộc bố mẹ phải tổ chức hôn sự cho đôi bạn trẻ, điều đó thể hiện sự tự do trong hôn nhân. Thứ hai, giá trị của người phụ nữ Mông được nhân lên qua tục bắt vợ, nhằm trong cuộc sống những lúc “ canh không ngọt, cơm không lành” thì người đàn ông không có cớ để li hôn vì họ không tự về mà do bị bắt về, nên không ai có quyền trả họ về bên bố mẹ đẻ. 
Cô dâu về đến nhà trai, họ hàng anh em sẽ cắt tiết gà vừa để chúc mừng vừa để thông báo với tổ tiên về sự hiện diện của cô dâu mới, người Mông quan niệm, “ Tiết gà đổ là thành ma nhà mình rồi”, sau đó nhà trai tìm một ông mối sang nhà gái để thông báo cho bố mẹ biết, con gái của họ đã về đến nhà chồng. Làm ông mối cũng không dễ, phải là người khéo léo, hiểu biết phong tục tập quán thì mới thuyết phục được nhà gái chấp nhận. Nếu nhà gái ưng thuận thì bố mẹ sẽ uống chén rượu của ông mối, coi như đã chấp nhận người con trai làm rể nhà mình, còn không chấp nhận thì nhất quyết không uống chén rượu của ông mối, xong bằng tài khéo léo của mình ông mối sẽ thuyết phục làm sao cho bố mẹ chấp thuận mới thôi, thậm chí phải nhờ đến cả trưởng họ đến thuyết phục giúp.
Ba ngày sau nhà trai tổ chức sang nhà gái ăn hỏi, đoàn ăn hỏi gồm có hai ông mối, cô dâu chú dể và phù dâu, phù rể. Đến nhà gái ông mối ngỏ lời xin vào nhà, được chủ nhà cho phép mới được vào, vào đến nhà sau những câu chào hỏi xã giao, ông mối bắt đàu cầm chiếc ô đen ra cửa chính, chú rể và phù rể sẽ được ông mối hướng dẫn vái lạy tổ tiên, ông bà, xong ông mối bắt đầu rót rượu và bốc thuốc lào cho bố mẹ cô gái và anh em họ hàng. Đối với các dân tộc khác thì “ miếng trầu là trầu câu chuyện” nhưng với dân tộc Mông thì chén rượu và thuốc lào là vật để mở lời câu chuyện. Nhà gái cũng nhanh chóng thịt gà, thịt lợn để đáp lễ nhà trai, trong khi chờ đợi bữa cơm ấm cúng được dọn ra, hai ông mối nhà trai và hai ông mối nhà gái bắt đầu tiến hành các thủ tục, khâu quan trọng nhất trong lễ ăn hỏi là phải được sự đồng ý của cô gái, khi bố mẹ hỏi con gái họ có thực sự muốn lấy chàng trai làm chồng hay không? Hay do bị bắt buộc, cô gái e thẹn gật đầu là do tự nguyện thì bốn ông mối sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục ăn hỏi, còn khi cô gái nhất quyết không đồng ý thì hai ông mối nhà trai phải thuyết phục đến khi cô gái chấp nhận thì mới được tiến hành làm thủ tục ăn hỏi và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.
Người Mông thường chọn ngày chẵn để cưới xin, bởi theo họ ngày chẵn là ngày may mắn, như vợ chồng lúc nào cũng có đôi. Mọi thứ như cỗ, sính lễ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng vào ngày hôm trước, nhờ anh em họ hàng ai ai cũng nhiệt tình giúp đỡ. Ngày chính thức cô dâu diện bộ váy đẹp nhất do mẹ chồng tự tay thêu cho, người thân, xóm làng ai đến dự đám cưới đều mặc trang phục truyền thống rực rỡ như đi hội, đi chợ tình. 
Đám cưới, nhà trai chọn một đôi vợ chồng có con cái, sống hạnh phúc làm phù dâu, phù dể nhằm lấy may cho đôi vợ chồng trẻ, đợi anh em họ hàng có mặt đông đủ, kiểm tra đồ dùng, tư trang: Thịt lợn, thịt gà, sôi, tiền mặt, quan trọng nhất là rượu ngô và thuốc lào là hai thứ không thể thiếu trong đám cưới của người Mông, sau khi chủ nhà thắp hương, cúng tổ tiên xong ông mối cầm chiếc ô đen hướng dẫn chú rể và phù rể vái lạy tổ tiên, thông báo đưa dâu sang nhà gái làm thủ tục cưới xin.
Đoàn đi gần đến nhà gái thì nghỉ ăn trưa giữa đường, dù ở gần hay ở xa vẫn phải làm thủ tục này, đây cũng là một khâu quan trọng trong đám cưới, điều đó thể hiện một sự no đủ trong cuộc sống, đến cửa nhà gái hai ông mối bên nhà gái ra chào đón và nhận chiếc ô đen của đoàn treo lên cạnh bàn thờ của gia chủ, sau đó họ mời nhau uống rượu ngô, trao nhau nắm thuốc lào để hai bên bước vào làm các thủ tục, khách khứa thì ăn uống, chúc tụng cô dâu chú dể. Đây cũng là dịp tốt để các chàng trai cô gái khác tìm hiểu nhau, các cô gái trong làng cầm chén rượu ngô đựng trong ống nứa đi mời chào đoàn người từ nhà trai sang, họ vừa nâng chén rượu chúc nhau, vừa hát những làn điệu dân ca Mông tìm người thương, đi làm dâu…
Mọi thủ tục xong xuôi, người mẹ bắt đầu chuẩn bị gói ghém đồ cho con gái, cô dâu lui vào buồng kín thay bộ trang phục đẹp nhất do chính bàn tay mình thêu , người mẹ dặn dò con gái về cách làm dâu, gửi lời qua người phù dâu cho bố mẹ chồng dạy bảo những chỗ thiếu xót của con gái mình, các chị em gái, người thân chia tay bịn rịn, những làn nước mắt tiễn cô dâu lăn dài trên má khiến ai cũng sụt sùi, những giọt nước mắt của cô dâu thể hiện sự hiếu thảo, thương cha mẹ mang nặng, đẻ đau mà không phụng dưỡng được.
Khi ông mối nâng ô cho chú rể và phù rể vái lạy tổ tiên để đón dâu về nhà chồng, phù dâu dắt tay cô dâu từ trong buồng ra, đi thẳng cửa chính, không được ngoái đầu quay lại, các cụ quan niệm như vậy sẽ xua đuổi được mọi thứ không may, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Về đến nhà trai mẹ chồng phải chuẩn bị sẵn một con gà mái nấp ở cánh cửa, khi cô dâu bước qua cánh cửa sẽ dùng hai chân của con gà mái cào nhẹ lên sau áo cô dâu, nhằm gọi vía cho cô dâu mới, tránh ốm đau, bệnh tật sau này.
Ông mối trao cô dâu cho nhà trai, báo cáo mọi việc diễn ra trong thời gian đưa đoàn đi và những mong muốn tốt đẹp của bên nhà gái gửi gắm, đến lúc này mọi việc đã thành công tốt đẹp, họ bắt đầu nâng li chén rượu ngô thơm lừng chúc tụng đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, cỗ bàn dọn sẵn anh em họ hàng cụm li mừng dâu mới.
Cứ như vậy, mỗi mùa xuân đến lại mang hạnh phúc về tràn ngập khắp các bản làng gần xa, đôi lứa yêu nhau tìm được bến đỗ cho riêng mình, còn những chàng trai cô gái khác chưa tìm được ý chung nhân thì mong ngóng, chờ đợi đến mùa xuân năm sau.

Hang Kia, ngày 29/4/ 2016
Giàng Sao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét