Cây mía được dựng hai bên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết của người Tày, Nùng ở Cao Bằng.
Mỗi khi Tết đến, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương ngũ
hành, các gia đình người Tày, Nùng thường tìm và chọn mua lấy hai cây mía thật to, thật thẳng để
dựng hai bên bàn thờ tổ tiên, mỗi bên một cây mía lùi, một bên cúng nam giới (cụ
ông), bên kia là nữ (cúng cụ bà).
Chợ mía Thông Huề
Năm nay, những gia đình
dân tộc Tày, xóm Pác Vầu, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) lại đón một cái Tết cổ truyền
no ấm. Để đón tổ tiên về trần gian ăn tết cùng con cháu, họ chọn mua hai cây
mía tím đẹp nhất, to nhất trong vườn nhà kính cẩn dựng ở hai bên
bàn thờ tổ tiên. Phong tục này đã được nhiều gia đình trong xã Quốc Toản gìn giữ từ đời này đến đời khác. Trong tâm thức của họ, bàn thờ tổ tiên ngày Tết chưa bao giờ thiếu đi hình ảnh vươn cao của hai cây
mía đặt hai bên bàn thờ. Người bán mía ở xóm Sộc Riêng, xã Thông Huề
(Trùng Khánh) cho biết: "Vào những phiên chợ cuối năm này, không ai hẹn ai mọi người đều đến chợ từ sáng sớm. Nhiều năm
nay, cứ đến ngày này là tôi bán mía lùi. Năm nào cũng bán hết hàng và được giá lắm. Vì nhà nào cũng cần
phải có mía để bày cạnh bàn thờ tổ tiên. Cây mía được bày trên bàn thờ cho đến
hết ngày mùng 5 Tết, người dân mới cất xuống.
Theo quan niệm của đồng bào
dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, cây mía là vật tượng trưng cho sự phát triển,
sinh sôi mạnh mẽ. Đồng thời là cây giúp con người giải khát nên được người dân
quan niệm như nguồn nước vô tận mang lại sự sống cho cây cối, mùa màng không bị
hạn hán. Vì vậy, đã từ lâu đồng bào Tày, Nùng đã chọn cây mía lùi cúng lên bàn
thờ vào những ngày Tết, mong được thần linh, tổ tiên phù hộ, ban phúc. Cây mía
còn được coi là "vật bất li thân" trong hành trình tổ tiên trở về trời
sau ba ngày Tết sum vầy cùng cháu con dưới hạ giới. Trong lễ "tiễn ông
vãi" (thường được tổ chức vào ngày mùng 3 Tết), con cháu sẽ chọn những sản
vật là thành quả lao động trong năm cũ dâng lên gia tiên. Lúc này mía trở thành
"đòn gánh" chuyên chở những sản vật ấy. Dọc đường đi không tránh khỏi
những tà ma, cô hồn tranh cướp những tài sản con cháu đã dâng tặng tổ tiên, cây
mía bây giờ là thứ vũ khí gần gũi nhất đánh đuổi tất cả. Có khi trên hành trình
đôi chỗ gặp những khúc sông vắng không cầu, không đò..., mía lại trở thành những
cây cầu để lộ trình của tổ tiên được thuận lợi.
Hàng mía được bày bán từ sáng sớm
Cây mía giống như một biểu tượng của sự giao hòa trời đất, kết nối hai thế giới âm dương. Tán lá tượng trưng
cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất, cho gốc cội gia đình. Những dóng mía
lúc này như những nấc thang nối liền đất trời, âm dương dẫn đón linh hồn tổ
tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy cùng cháu con trong những ngày đầu
tiên của năm mới. Khi chọn cây mía làm sản vật thờ cúng, cha ông ta đã gửi vào
đó những ước mong gắn liền với đặc trưng vốn có của nó. Mía vốn là sản phẩm
nông nghiệp mang lại vị ngọt cho cuộc sống. Bởi vậy, hướng đến đó chính là nguyện
cầu một năm mới với sự ngọt ngào, may mắn. Mía còn thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ,
sự rắn chắc. Thế nên nó còn gửi gắm ước nguyện được vươn cao đến sự thành công
và mong cầu sức khỏe... Đối với người Tày, Nùng tại Cao Bằng, mỗi sản vật được
chọn để dâng lên bàn thờ gia tiên đều hàm chứa trong đó những ý nghĩa. Không chỉ
là sản vật dâng cúng gia tiên, cây mía trong thờ cúng ngày Tết đã trở thành một
biểu tượng văn hóa tâm linh riêng biệt của dân tộc Tày, Nùng.
Cây mía luôn được để ngọn để bày bán
Tục cúng mía tổ tiên ngày Tết đã có từ rất lâu đời. Đây là nét đẹp truyền thống
của người dân tộc vùng núi về tinh thần đoàn kết và việc biết ơn tổ tiên cũng
như thiên nhiên, núi rừng. Cúng mía được người dân gắn với những ý nghĩa cao đẹp
kể từ khi nó được hình thành.
Chính vì vậy, cây mía không
đơn thuần chỉ là sản vật dâng cúng gia tiên mà đã trở thành một biểu tượng văn
hóa tâm linh. Biểu tượng đó đã được lưu giữ từ đời này sang đời khác giúp cho
ngày Tết thêm đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn Hóa Đông Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét