Khắp Thái "khặp pú tay" (Văn Hóa Tây Bắc)

Các cô gái Thái đang trao đổi về lời khặp với nhau trong lễ hội ném còn
Là loại hình trình diễn dân gian, không biết khắp ra đời từ khi nào chỉ biết từ khi người Thái đến định cư ở Tân Thành là những điệu khắp đã được cất lên.
Khắp là một hình thức sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi, thậm chí ngay cả những lúc đi làm người ta vẫn có thể khắp với nhau.
Khắp thực chất là hát, nói cách khác khắp là cách trình diễn thơ ca. 
Hiện nay có khá nhiều làn điệu khắp khác nhau, nhưng có thể chia thành hai loại chính là khắp bắc (hát sáng tác mới) và khắp lời truyền thống. Khắp lời truyền thống là lời khắp phổ biến nhất hiện nay. 
Từ xa xưa, tiếng khắp đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người thái, qua làn điệu khắp chúng ta không chỉ thưởng thức sự thi vị của ý thơ mà còn thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình đối với người mình yêu, người bạn, giãi bày những điều khó nói.
Khắp Thái là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, một bài thơ, một truyện thơ đồng thời cũng là một bài hát, lời khắp theo lối thơ tự do nên không bó buộc luật bằng trắc mà chỉ chú trọng các thanh trầm bổng cân đối nhịp nhàng, lời ngắn gọn, dễ nhớ, bởi ngôn ngữ khắp chính dựa trên câu chào, câu dặn thường dùng hàng ngày trong cộng đồng làng bản sắp xếp lại thành thơ. 
Khắp của đồng bào Thái có nhiều thể loại, tùy theo làn điệu mà có các loại như: khặp xư (ngâm thơ), khặp chôm hươn mơ (hát mừng nhà mới), khặp xường khưởi, ton pợ (hát tiễn dể, đón dâu), khặp chốm pì ai, pì noọng (hát mừng anh em), khặp chôm pỉ mơ (hát mừng năm mới); khặp bào xảo (hát giao duyên). Khắp tán bào xả (hát tán tỉnh), khắp chốm pợ (hát mừng dâu), Khắp pan lau pan khau (hát trên mâm cơm), Khắp Tó nhạc tó nhe (ghẹo đùa), Khắp tó pẹ tó xua (hát thi), Khắp ứ ư lúc (hát ru con), khắp Ồi, khắp lóng xắm, khắp Nhuôn ... và một điệu khắp mới hiện nay là khắp bắc. 
Khắp xư là làn điệu phổ thông nhất, "khắp xư" có nghĩa là hát thơ. Song nhạc điệu trong khắp xư đã có một vị trí cao hơn so với phần nhạc trong các thể ngâm thơ. "Khắp xư" gồm nhiều điệu khác nhau tuỳ theo nội dung của tác phẩm hay theo ngữ cảnh khi hát, có mấy điệu như sau:
- Khắp xư (hát kể chuyện thơ), dùng để chỉ một điệu chuyên dùng để hát lên một bài thơ, câu chuyện cổ của người Thái như: Khun Lú-Nàng Ủa (Chàng Lú nàng Ủa)...), Chàng mồ côi….
- Khắp xư toi căn (hát thơ đồng thanh), dùng cho các em nhỏ hay các cô gái tinh nghịch hát đồng thanh cùng nhau như một bài vè hay bài thơ nào đó. Làn điệu nó cũng giống như "khắp xư" nhưng giọng điệu mượt mà và âm vực rộng hơn.
- Sử Thuân là một trong những dòng khắp truyền miệng và cũng được chép thành sách theo chữ Thái, có bản chép bằng chữ quốc ngữ, cũng có bản được viết bằng chữ Hán Nôm đến nay vẫn còn số ít nghệ nhân biết khắp.


Khắp chốm hướn mờ (hát thơ lên nhà mới). Chủ nhà hát xin với tổ tiên, các đấng siêu nhiên để lên nhà, đại ý: nhà lành hay là dữ, nếu là dữ thì hãy lành ngay, nếu nhà lành thì ta sẽ lên ở, lên ở để sinh sôi nảy nở, để khoẻ mạnh sống lâu, các cụ ông cụ bà tổ tiên, các ngài thổ công thổ địa, hãy chấp thuận và phù hộ cho gia đình bình yên. Sau đó mới bước lên nhà.
Khắp chốm ai, chốm nọng là điệu hát ứng tác hay hát gọi. Nó được sử dụng trong các dịp vui gặp gỡ, khi giã gạo, trong vòng xoè tập thể, trong tiệc tùng, đôi khi còn dùng trong cả nghi lễ… Nhạc điệu của "Khắp chốm ai, chốm nóng" cũng gần giống "khắp xư", vui, trong sáng, nhưng có cấu trúc: mở đầu mỗi khổ hát có đoạn "ai đu" (đoạn mở đầu), tiếp sau là hát ngân nga từ 1 đến 3 câu và kết thúc mỗi khổ hát lại có đoạn "au hang" (đoạn nhạc đóng). Người hát hát hết một khổ, tập thể sẽ hát nhắc lại đoạn "au hang" để hưởng ứng gọi là "xương", sau đó người hát mới hát sang khổ tiếp theo.
Khắp pan lau pan khau (hát trên mâm cơm). Hát trong mâm cơm cũng có nhiều loại, mục này chỉ nói đến điệu hát đối đáp thông thường như: thăm hỏi, khen chủ hiếu khách… Một số nội dung khác cũng hát trên mâm cơm nhưng sẽ hát theo điệu khác như: "khắp báo xao", "khắp xống khươi ton pơ"…
"Khắp xung khươi" và "khắp ton pơ" (Hát tiễn rể - đón dâu) nội dung cũng na ná giống nhau. Khi “xung khươi”, gia đình nhà trai, sau những lời “khắp” chào hỏi sẽ “khắp” xin cho con đến làm rể, lời hát khiêm nhường và có thể kéo dài suốt ngày đêm. Mỗi bên thường tìm cho mình nghệ nhân tài giỏi đối đáp. Hai bên đối đáp nhau, tất cả mọi người trong mâm cơm đều tán thưởng và “xương” theo một cách thích thú và thán phục. Những người nghe hát không ai muốn về, chỉ thích ở lại để được nghe trọn vẹn cả cuộc đối đáp. 
Đặc biệt nhất của khắp thái chính là điệu khắp "bao xáo" khác với các làn điệu khác, khắp "bao xáo" là lối tỏ tình của chàng trai hoặc cô gái với người mình yêu. Được dùng trong các dịp gặp gỡ giao duyên, lễ hội, ngày tết, đám cá xa. Điệu khắp còn được xem như thay cho lời muốn nói, khi vui người ta cũng khắp, lúc buồn người ta cũng khắp, khi khắp người ta thường kết hợp với "pì khùi" sáo dọc giọng khắp trầm bổng cùng với điệu pì ngân nga tạo nên một thứ âm thanh vô cùng lạ, độc đáo đi vào lòng người. 
Khắp báo xáo (hát trai gái giao duyên) chỉ dành cho trai gái giao lưu, gặp gỡ, để tìm hiểu, giãi bày, tỏ tình, đôi khi để kể lại, than vãn với nhau khi gặp phải những khổ đau, oan trái, chia ly. Vì vậy “khắp báo” trở nên đa dạng, độc đáo và đặc sắc nhất, được giới trẻ yêu thích nhất.“Khắp bào xảo” cũng có nhiều làn điệu, tùy nội dung, hoàn cảnh, sự việc cần tâm sự, tỏ bày cùng bạn tình mà vận dụng.
"Khắp tán bào xảo" (hát tán tỉnh) có nội dung tương đối rộng xung quanh chuyện yêu đương trai gái. Trong cuộc "khắp" có thể bắt đầu bằng những câu thăm hỏi như: tên, tuổi, quê quán, đã có vợ hay người yêu chưa, đến đây bằng cách nào (đi ngựa hay xe, bằng thuyền bè hay đi bộ). Chủ nhà (thường là nữ) sẽ chủ động hỏi, để đối phương đáp lời. Tiếp đó là những lời tán tỉnh yêu đương, thường do các chàng trai chủ động: 
"Ta gieo hạt cải nơi đây liệu có nên trồng.
Gửi câu tán tỉnh liệu người thương có đáp?".
Hay: 
"Nhìn thấy cái áo muốn thử mặc.
Thấy chiếc khăn phơi trên sàn muốn cất.
Thấy người yêu dấu khao khát được đón về".

Rồi cả những ước mong mạnh dạn hơn: 
"Làm sao được gieo cải cùng vườn.
Làm sao được trồng dưa cùng luống.
Làm sao được cấy lúa chung nương.
Làm sao mới được làm rể thương bên nàng …".

"Khắp Tó nhạc tó nhe" (ghẹo đùa). Trong các cuộc vui, những người tham gia chưa hiểu rõ nhau hay chưa có đối tượng hợp ý để đối đáp sẽ cùng nhau hát về nhiều chủ đề cho vui. Có thể chủ sẽ nhún mình nói về sự tiếp đón của gia chủ thiếu chu đáo, mâm cơm chẳng có gì, ngược lại khách sẽ khen chủ đã quá hoàn hảo trong việc tiếp đãi. Có khi họ chỉ hát mời nhau uống rượu, từ chối rượu, khen hay chê rượu. Cũng có khi họ lại hát về một sự kiện nổi bật nào đó hay hát về chủ đề về ngày vui gặp gỡ…


"Khắp tó pẹ tó xua" (hát thi) nghĩa là hát đố nhau để xem ai thắng ai thua nhưng thực chất chẳng có bao giờ phân biệt được ai thắng ai thua bao giờ, vì trong cuộc hát đố ai cũng rất tế nhị, người hát giỏi hơn thường rất khiêm tốn, thể hiện ngay trong lời bài hát:
"Em sẽ đắp nước dâng cho chàng nhảy.
Ra những lời lắt léo để chàng đáp lời.
Nếu đáp được sẽ thành người muôn phương.
Không đáp được qua bảy đời vợ cũng bỏ.
Tán bảy cô xứ lạ cũng chẳng ai thương…".
Khắp à ơi lực nói: là điệu hát ru con. Đây cũng là làn điệu hát nhiều bài khác nhau nhưng khi hát phải đúng bài bản, không được thay đổi cả âm điệu và nhịp điệu. Khi hát người ta có thể co hoặc thả dây nôi cho dài hay ngắn để có nhịp hát nhanh hay chậm.
Khắp Ồi thường được những người trung tuổi, người già khắp chúc tụng nhau trong các dịp cầm vía, mừng nhà mới, đám cưới... Ví dụ như:
" Khoi cò cu hơ năm mướng ơi nồi pả thởi nớ,
Khoi cò cu hơ ná mướng uẩn, mướng náng nồi khâu..."
Dịch : "Tôi chúc cho sông mường chị nhiều cá,
Tôi chúc cho đồng ruộng mường chị mùa màng bội thu..."
Khắp “long săm” là làn điệu khắp của người thái ở vùng đầu nguồn sông Chu, sông Mã, điệu khắp này cho đến nay ít người còn lưu giữ, đang dần bị mai một.
Hiện nay, có thêm một làn điệu khắp mới đó là Khắp bắc, đây là làn điệu khắp trong các cuộc hát vui, cuộc biểu diễn, được gieo từ những bài thơ do các nhà thơ sáng tác mới để ca ngợi Đảng, ca ngợi đất nước, con người… cũng có khi người khắp tự sáng tác cho phù hợp vỡi ngữ cảnh. Trong các cuộc khắp đối đáp, khắp giao duyên, người khắp sẽ chọn những câu, đoạn trong “vốn kiến thức” của mình để khắp cho phù hợp. 
Khắp thái thường được mở đầu bằng câu" Yêu đu năm ne...lá nọong ới...!" ý của câu hát là: Thương yêu lắm em ơi...! Khắp thái từ lâu trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người thái, thể hiện ở khắp nơi, trên nương rẫy, ngoài đồng ruộng nhằm xua đi nỗi mệt mỏi của buổi lao động cũng có những câu hát động viên khuyến khích người lao động hăng say làm việc, cũng có những câu khắp chê bai kẻ lười biếng.
Trong không khí những ngày xuân rạo rực, ngày lễ chúng ta được lắng lòng theo những điệu khắp tha thiết, êm dịu, thanh thoát, trữ tình, những nhịp khua luống rộn ràng, hân hoan. Khắp Thái có sức sống vượt thời gian, năm tháng bởi đó chính là âm điệu của trái tim đồng bào Thái cất lên từ lao động sản xuất như phát rẫy, trỉa hạt, cày bừa, cấy hái, chăm bón ruộng đồng lúa nước đang vào vụ, đắp đập, be bờ, dựng nhà, xuôi bè, kết mảng, đan chài, kéo lưới, cời bếp lửa bắc niếng hông xôi, giã gạo, khua luống, dệt vải, hái bông, chăn tằm, chăn trâu, hái măng, leo cau, trèo cây lấy tổ ong mật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét