Chàng Slaw - nghề
thủ công độc đáo của đồng bào Nùng (Lào Cai)
Đối với người Nùng, nghệ thuật đỉnh cao của
tranh cắt giấy được thể hiện chủ yếu ở đám hiếu, bởi qua đây nó phản ánh sự đa
tầng của thế giới tâm linh, tính lịch sử tộc người và tính thủy chung son sắt của
đạo nghĩa vợ chồng.
Không ai biết rõ nghệ thuật trang trí trên giấy của người
Nùng xuất hiện từ khi nào, nhưng trải qua thời gian, nó vẫn tồn tại trong đời sống
tâm linh của mọi gia đình và cộng đồng người Nùng ở Mường Khương.
Điều đặc biệt của nghề này là được làm vào thời điểm khi có
người qua đời và tổ chức tang lễ, lễ phúng viếng người quá cố. Chàng Slaw như một
món quà vật chất, một công trình nhà cửa, tiền tài, phương tiện do con cháu có
trách nhiệm phải làm cho cha mẹ, ông bà khi qua đời, thể hiện lòng hiếu thảo với
tổ tiên, cũng là một hình thức báo đáp công ơn, bày tỏ lòng tri ân đối với người
đã mất. Một bộ Chàng Slaw gồm: Cột tiền, nhà táng, cục vàng, cục bạc, bức trướng,
con ngựa cho người chết. Tuy nhiên, theo ông Lùng Văn Giang, một nghệ nhân
tranh cắt giấy (xã Thanh Bình, huyện Mường Khương): "Việc tiến hành làm
nhà táng (nhà lầu) cục vàng, cục bạc cho người quá cố không phải con cháu, gia
đình nào cũng làm hoành tráng được. Vì làm nhà táng hết sức cầu kỳ, tốn nhiều
thời gian, công sức và nguyên vật liệu như giấy, gỗ, giang, tre... Do vậy, chỉ
gia đình đông anh em và có điều kiện kinh tế mới có thể làm cho cha mẹ những cục
vàng, cục bạc và nhà lầu ba tầng, cây tiền bảy tầng".
Nhà táng và cây tiền thường do một nhóm nghệ nhân điêu luyện
trong nghề đảm nhiệm, để có thể làm nhanh cho kịp tang lễ. Thường trong nhóm
nghệ nhân có từ 5 - 7 người. Một người đứng đầu chịu trách nhiệm kỹ thuật thao
tác tổng thể mọi công đoạn, quy trình của tranh cắt giấy, những người còn lại
tùy theo sở trường chuyên sâu được phân công làm việc khác như gấp giấy, đan cốt
đục hoa văn... Ngoài những nghệ nhân chính, có khi phải cần sự hỗ trợ của cả chục
người khác để làm các việc phụ liên quan, mới có thể hoàn tất trong thời gian
ngắn nhất phục vụ đám tang.
Tranh cắt giấy được làm chủ yếu theo hai cách, một là đục
trực tiếp trên khổ giấy, hai là đục tranh theo các khuôn mẫu có trước. Các họa
tiết hoa văn liên tục với nhau theo nhiều hình dáng, thường đục cả tập giấy dày
nhiều lớp nên lưỡi đục phải sắc, thao tác khéo léo, tinh tế, tránh rách hỏng, sẽ
bỏ phí cả tập. Tùy thuộc vào từng loại hoa văn mà nghệ nhân sử dụng từng loại
công cụ dao kéo cật nứa, dùi, đục, búa... cho thuận tiện và phù hợp để tạo ra
các hoa văn sắc nét, tinh tế.
Nghệ thuật sử dụng màu sắc trên tranh cắt giấy của người
Nùng tại Lào Cai có những đặc điểm riêng biệt, từ kỹ thuật pha chế và nhuộm màu
cho tới việc phối màu tạo nên bức tranh tổng thể sinh động, hài hòa. Sau khi đục,
cắt chạm trổ là đến cài xen các bức chạm trổ tranh giấy màu để trang trí: dỡ từng
lớp tranh ra khỏi tập giấy, dán bồi lên một lớp giấy màu khác đối lập với màu
tranh để tạo màu sắc hài hòa giữa gam nóng - lạnh mà không bị lòe loẹt. Những
mô típ hoa văn trang trí trên nhà táng giấy đã khắc họa những ý niệm của con
người về thế giới cõi âm mà họ tưởng tượng ra. Hoa văn trang trí theo từng cung
bậc của các tầng nhà táng là biểu tượng cho vạn vật gắn bó gần gũi trên phương
diện đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Nùng như chim chóc, muông thú rừng,
trâu, bò, lợn, gà, con cá, con cua, nhà cửa, công cụ lao động sản xuất như cày
bừa, cuốc xẻng... thể hiện thế giới quan mang đặc trưng thẩm mỹ của người Nùng.
Với người Nùng, tranh cắt giấy không chỉ thể hiện sự tôn trọng,
thủy chung son sắt đối với người đã mất mà còn toát lên lòng thành kính tri ân
đối với tổ tiên xa xưa của người Nùng đã vượt qua khó khăn hoạn nạn trên con đường
di cư đến vùng đất mới. Thông qua ý nghĩa này có thể nói tộc người Nùng ở Mường
Khương (Lào Cai) xưa và nay luôn tôn trọng trước sau những giá trị sống mà thần
thánh, trời đất, thiên nhiên ban tặng cho họ.
Hương Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét