Từ xa xưa, then đã trở thành sinh hoạt văn
hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt
Nam. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, loại hình nghệ thuật hát then chỉ
có ở 5 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Then là một
loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật,
múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Đồng bào
các dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng then vào những dịp trọng đại như hội
làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng, giải
trừ tà ma và chữa bệnh.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hầu như huyện
nào, nơi nào cũng có hát Then, nhưng vùng hát Then đậm đặc, được duy trì và bảo
tồn nguyên giá trị chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Nà Hang và Lâm Bình.
Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể
loại dân ca nghi lễ, phong tục từ lâu đời của dân tộc Tày. Then xuất phát từ chữ
“Thiên” - tức là Trời. Bởi vậy, điệu hát Then vẫn được người Tày tỉnh Tuyên
Quang coi là điệu hát thần tiên và thường được sử dụng trong các nghi lễ: Cầu
mùa, cầu yên, cấp sắc...
Nguồn gốc của hát Then hiện chưa có sự thống
nhất. Có người thì cho rằng Then xuất hiện từ thời nhà Mạc. Quân nhà Mạc thua
trận, Vua suy nghĩ quá nhiều sinh ốm. Các quần thần biết Vua ốm do tư tưởng chứ
không phải do bệnh tật nên cử đội nhạc hát cung đình tổ chức múa hát Then suốt
3 ngày 3 đêm, Vua thấy vui và khỏi bệnh. Từ đó ai ốm đều tìm những người biết
hát múa Then đến biểu diễn… còn theo người già kể lại và sách chép ra của người
đã quá cố, những người am hiểu về Then, như cố nghệ nhân Ma Thanh Cao, ở xã Tri
Phú, cố nghệ nhân Hà Phan, ở xã Tân An (Chiêm Hóa), ông Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã
Thanh Tương (Nà Hang), thì Then xuất hiện từ thời Phùng Hưng (thế kỷ thứ VIII)…
Dẫu chưa có sự thông nhất về nguồn gốc, nhưng trong nhiều thế kỷ qua, hát Then
là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.
Ngôn ngữ - lời then, mộc mạc, giàu hình ảnh,
gần gũi với cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong
phú, lối so sánh, ví von. Nội dung các khúc hát then đều toát lên tư tưởng nhân
văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên (mong muốn nhân an vật thịnh, cầu
cho mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt...), tình yêu đôi
lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi quê hương, đất nước...
giai điệu mượt mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, tạo cảm giác gần gũi,
thiêng liêng, sức truyền cảm mạnh.
Then có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm
thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ "ới la". Từ “ới la” có
nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu
trúc âm nhạc của Then Tuyên Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng
đầm ấm của con người xứ Tuyên.
Có thể thấy trong Then Tày nói chung và
Then Tày Tuyên Quang nói riêng, không chỉ có các thể thơ dân tộc, mà còn cả những
biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ... của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn
điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát
then không biết bao năm tháng. Vì thế mà Then là một kho tàng quý báu tàng trữ
những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha.
Từ những yếu tố nêu trên, có thể rút ra một
số đặc điểm về loại hình nghệ thuật dân gian then như sau:
Về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình
thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, then chứa đựng trong mình những tín ngưỡng,
tôn giáo nguyên thủy. Thông qua các nghi thức thực hiện then văn, then tướng (then
võ, then vũ) và nhiều hình thức khác, ông Dàng, bà Bụt sẽ là chiếc cầu nối giữa
thế giới thần tiên và nhân gian, nhằm bày tỏ lòng thành kinh, biết ơn tới các vị
thần đã phù hộ, che chở cho mình và gia đình, cộng đồng tránh khỏi những thiên
tai, dịch bệnh, đem lại một cuộc sống no đủ, hạnh phúc...
Mặt khác đây cũng là dịp để cả gia đình,
dòng họ ôn lại những điều tâm niệm chung về những phẩm chất truyền thống đã được
trau dồi như: sự đoàn kết, gắn bó trong gia đình, những quy ước chung của dòng
họ nhằm duy trì kỷ cương chung như: tôn trọng người già, tôn trọng truyền thống
văn hóa, lệ tục của dòng họ; đồng thời nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình
có ý thức và trách nhiệm về cội nguồn, với tổ tiên với gia đình, dòng họ và
chính bản thân mình.
Về mặt nghệ thuật dân gian, then được thể
hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và
hấp dẫn. Trong một cuộc hát then, âm nhạc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt
khi trình diễn. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu khác nhau, nhưng đều tuân
theo một bài bản và kết thúc có kết quả giống nhau. Người trình diễn hát then
theo hình thức diễn xướng tổng hợp vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung
câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...
Nội dung và ý nghĩa của các bài hát then thường là vạn lấy hồn lấy
vía siêu lạc ở các chốn về, hoặc săn bắt bắn lấy những con thú trên rừng về để
giải hạn, khao tổ tiên, khao mẫu sinh hay mẹ sinh (mẫu ban lộc sinh đẻ). Tiếng
hát then thần kỳ đến mức người đang ốm đau chỉ nghe thấy coi như khỏi bệnh.
Then có nhiều tác dụng như chữa bệnh, giải hạn, cầu tài cầu lộc, thể hiện một nền
văn hóa đa dạng của dân tộc.
Trong đời sống văn hóa cộng đồng, với đồng bào các dân tộc Nùng,
Tày, Thái, hát then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn
gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Theo quan niệm xưa, then có nghĩa
là thiên - trời, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con
người tới thánh thần. Vì vậy vào mỗi dịp trong năm cúng cầu an, giải hạn, cúng
tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ đều không thể vắng bóng những
giai điệu then.
Hiện nay hát then có nhiều biến đổi so với trước kia, ngoài các
làn điệu then cổ thường được trình diễn ở các buổi lễ tín ngưỡng với các nghi
thức nhất định đã xuất hiện nhiều làn điệu cải biên để thích ứng trong các hình
thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Như vậy hát then không chỉ là một loại
hình nghệ thuật dân gian quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái mà đã
trở thành quen thuộc đối với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn các tỉnh
vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Thực trạng bảo tồn, phát huy hát then trong đời sống xã hội
Được biết đến là một di sản văn hóa dân gian độc đáo, then được
lưu giữ và phát triển thành một không gian văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong
phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn. Vốn không chỉ đơn thuần là một
loại hình nghệ thuật diễn xướng, then còn là một hình thức tín ngưỡng lâu đời của
đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Chính vì then gắn với tín ngưỡng nên loại
hình nghệ thuật này đươc lưu giữ và truyền lại cho nhiều thế hệ kế tiếp. Tuy
nhiên, then đang đứng trước nguy cơ mại một trong xã hội do lớp nghệ nhân đã
quá già, thiếu những thế hệ kế cận, không gian diễn xướng cho loại hình nghệ
thuật này cũng đang mất dần trong cơn lốc đô thị hóa. Theo điều tra tại 3 tỉnh
Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, vấn đề bảo tồn, phát huy loại hình dân gian hát
then bước đầu đã đem lại thành quả nhất định, nhưng mức độ còn khiêm tốn, hiệu
quả còn nhiều hạn chế.
Cao Bằng là tỉnh có nghệ thuật hát then phát triển mạnh nhất trong
cả nước, mặc dù hát then - đàn tính phát triển khá mạnh trong cộng đồng người
Tày nhưng nhiều giá trị của các làn điệu then đã và đang bị mai một dần bởi sự
phát triển, lấn át của văn hóa hiện đại, thế hệ trẻ ít quan tâm đến then, vì vậy
vấn đề khôi phục và phát triển then đang gặp nhiều khó khăn (1). Đây là nhận định
của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học nêu lên tại hội thảo khoa học với chủ
đề Then Cao Bằng - cội nguồn và giá trị do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng
tổ chức. Tại hội thảo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các trường
đại học, viện nghiên cứu tiếp tục khẳng định làm sáng tỏ những giá trị to lớn của
then và đề ra những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển then.
Bắc Cạn cũng là một trong những nơi nghệ thuật trình diễn hát then
được bảo tồn và phát triển tương đối tốt. Trong hầu hết các chương trình văn
hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương, tiết mục hát then là một trong những tiết
mục không thể thiếu của đồng bào nơi đây. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn
còn một số nghệ nhân cao tuổi am hiểu về đàn tính - hát then đồng thời cũng là
những hạt nhân tham gia gìn giữ, truyền dạy then cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu
trong số đó là nghệ nhân Lưu Đình Bạo ở xã Dương Quang, thị xã Bắc Cạn là người
đang giữa một kho tàng then cổ và ông cho biết gia đình đã trải qua tám đời
theo nghề hát, những bài then phổ biến mà ông thường sử dụng chính là sản phẩm
được truyền lại từ các thế hệ đi trước.
Đặc biệt nghệ nhân Ma Văn Vịnh ở thôn Phiêng Giường, xã Yên Cư,
huyện Chợ Mới đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 100 bài then, trong đó có những
bài quý hiếm của lễ lẩu then (lễ cấp sắc của nhà then), then Đệ Cộ. Ông cũng là
người đã sưu tầm được 36 kiểu hát then và một số bài trong đó có thể hát theo
nhiều kiểu (2). Hiện nay Sở VHTTDL tỉnh Bắc Cạn cùng các cấp chính quyền địa
phương đã tổ chức mời các nghệ nhân đàn tính - hát then về hướng dẫn và truyền
dạy cho thế hệ trẻ. Đồng thời tiếp tục duy trì loại hình nghệ thuật này không
chỉ trên sân khấu mà còn trình diễn trong những ngày lễ tết, tổ chức cầu an, cầu
may, chúc thọ… Mặc dù đạt được những thành công nhất định, nhưng nghệ thuật
trình diễn dân gian đàn tính - hát then vẫn đang có nguy cơ mai một, thất truyền
do địa phương chưa có chính sách đãi ngộ nghệ nhân tài giỏi, am hiểu chuyên sâu
về lĩnh vực này, đặc biệt là thu hút thế hệ trẻ tham gia gìn giữ di sản văn hóa
then.
Tuyên Quang cũng được coi là một trong những địa phương tích cực
tìm ra các giải pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật Then. Chính vì vậy, phần lớn
các huyện trên địa bàn tỉnh (kể cả TP Tuyên Quang) đều có hát then. Những năm
qua, Sở VHTTDL đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp bảo tồn,
phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật then như: nghiên cứu, sưu tầm, biên
soạn, xuất bản các cuốn sách, đĩa nhạc về hát then Tày; tham mưu với UBND tỉnh
năm ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hát then cho hạt nhân văn nghệ cơ
sở; mời các nghệ nhân đến truyền dạy các làn điệu Then cổ; phối hợp với huyện,
xã có nghệ nhân tâm huyết với các làn điệu Then cổ để mở lớp truyền dạy cho thế
hệ trẻ tại địa phương (3).
Sở cũng đang xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, tôn
vinh các nghệ nhân là người có công, tâm huyết lưu giữ, truyền dạy các loại
hình văn hóa nghệ thuật đệ trình UBND tỉnh. Đồng thời, định hướng cho Đoàn Nghệ
thuật dân tộc nghiên cứu, sưu tầm chất liệu văn hóa dân gian các dân tộc, trong
đó có loại hình nghệ thuật múa, hát Then để xây dựng chương trình, tiết mục biểu
diễn phục vụ nhân dân. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn
giá trị di sản văn hóa dân tộc mình.
Mặc dù có nhiều hành động tích cực trong việc bảo tồn, phát huy
giá trị của then, nhưng loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này vẫn không
chánh khỏi mai một, thất truyền do đội ngũ nghệ nhân còn thuộc những điệu then
cổ giờ đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, còn những nghệ nhân có khả năng truyền dạy
hát then chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bên cạnh đó là sự lấn sân của các loại
hình âm nhạc giải trí nên thế hệ trẻ không mấy mặn mà thiết tha với âm nhạc
truyền thống.
Theo điều tra của Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang về loại hình nghệ thuật
then, thực tế hiện nay có nhiều làn điệu then cổ đã và đang bị biến đổi so với
trước kia, phần lớn nghệ nhân am hiểu về những làn điệu điệu then cổ còn lại rất
ít. Tỉnh có trên 40 hạt nhân văn nghệ là người dân tộc Tày làm nhiệm vụ truyền
dạy và duy trì hát Then ở cơ sở nhưng chỉ có một số người biết hát then cổ. Đây
là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh Tuyên Quang trong việc bảo tồn, phát
huy giá trị di sản văn hóa then.
Giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian hát then
Trải qua thời gian, làn điệu then đã trở thành món ăn tinh thần
không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng, đồng bào
các dân tộc vùng núi phía Bắc nói chung. Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song
hát then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở khác đang đứng trước nguy
cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của
nhà nước dành cho nghệ nhân mới chỉ dừng lại ở động viên, cổ vũ, chưa có kinh
phí thỏa đáng để hỗ trợ hoạt động truyền dạy loại hình nghệ thuật then cho thế
hệ trẻ, hoặc đào tạo người kế nghiệp. Thực trạng trên là những thách thức không
nhỏ đối với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa then trong xã hội
đương đại.
Để loại hình nghệ thuật dân gian này phát triển, trước hết phải nhờ
đến những người nghệ nhân đã gìn giữ, thổi hồn vào các làn điệu hát then, đồng
thời phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn Then trên cơ sở lưu giữ những giá trị
nguyên gốc. Bên cạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu then cổ, các cấp
chính quyền địa phương và ngành văn hóa cần đặc biệt quan tâm tới nghệ nhân
then, đây là những báu vật sống có khả năng truyền đạt cả giai điệu lẫn tình
yêu, niềm say mê then tới thế trẻ. Tại các vùng then, cần thành lập những lớp học
hát then, câu lạc bộ hát then, đội văn nghệ then sinh hoạt đều đặn hằng tuần, hằng
tháng.
Với đặc thù là loại hình diễn xướng dân gian truyền khẩu, người
nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo những người kế nghiệp,
do đó các cấp chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức hội nghị tôn vinh
các nghệ nhân văn hóa dân gian để động viên, cổ vũ những người có công đóng góp
tích cực cho cộng đồng. Có chính sách đãi ngộ cụ thể đối với các nghệ nhân, nghệ
sĩ; xây dựng chiến lược lâu dài để nghệ thuật trình diễn then có thể biểu diễn
phục vụ khán giả mà không phụ thuộc vào kinh tế.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, để bảo tồn những nét độc
đáo của then thì nhất thiết các nghệ nhân then phải được coi trọng trong không
gian nghệ thuật hát then - đàn tính. Bởi vì về bản chất các thày then đôi khi vừa
là thầy cúng kiêm nghệ sĩ dân gian. Đây là hai yếu tố tuy hai mà một, hòa quyện
với nhau tạo thành một hình ảnh chân thực về nghệ nhân then. Do đó muốn bảo tồn
then cổ trước hết cần phải tôn vinh những người giữ then như giữ lửa, đồng thời
có sự lựa chọn để hạn chế những sắc thái mê tín không còn phù hợp. Bên cạnh đó,
vấn đề tôn vinh gia đình, dòng họ có truyền thống hát then cũng cần phải được
coi trọng, bởi vì những nghệ nhân am hiểu về then sẽ là mắt xích không thể thiếu
trong việc chuyển tải những giá trị nghệ thuật then cổ cho thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, cần truyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân,
đặc biệt là các nghệ nhân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ
thuật then. Tiếp tục đầu tư kinh phí mở các lớp tập huấn cho những người có khả
năng về âm nhạc (đàn tính - hát then) làm hạt nhân cho các phong trào văn hóa
văn nghệ cơ sở. Để công tác truyền dạy hát then - đàn tính đạt hiệu quả, đòi hỏi
các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa thông tin cơ sở cần có chế độ
chính sách đãi ngộ các nghệ nhân xứng đáng. Bởi làm then vất vả và mang ý nghĩa
tâm linh nên không dễ tìm người kế thừa.
Hoàng Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét