Bài 2
Thời kỳ xác định bản thể
Vương quốc Chiêm Thành (Champa) cổ cho đến nay vẫn còn là một
bí ẩn đối với người Việt Nam. Vương quốc này ở đâu, xuất hiện từ thời nào, phát
triển ra sao và tại sao biến mất? Không sử sách Việt Nam nào nhắc đến. Đọc lại
sử xưa, những nhân vật lịch sử Chiêm Thành, với những tên phiên âm Hán hóa, thường
được nhắc tới một cách mơ hồ, đôi khi với những lời lẽ xúc phạm, từ đó sinh ra
hiểu lầm rồi hiểu sai dẫn đến tâm lý phân biệt đối xử hay khinh thường, không
thông cảm lẫn nhau.
Đây là thiếu sót lớn trong quan hệ giữa người Việt và người
Việt với nhau. Tình trạng này cần sớm chấm dứt vì cộng đồng người Chăm ngày nay
là thành tố bất khả phân của dân tộc Việt Nam. Quá khứ của người Chăm cũng là
quá khứ chung của người Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử vương quốc Chiêm Thành xưa,
chính vì thế, không những là một bắt buộc lịch sử mà còn là một biểu lộ tình cảm
để hàn gắn những tai họa mà cộng đồng người Việt Nam nói chung đã gây ra cho những
dân tộc anh em trước khi cùng nhau bắt tay xây dựng lại một đất nước
chung.
Quan niệm về đất đai, lãnh thổ và tổ chức chính trị
Trước khi đi sâu vào phần tìm hiểu lịch sử vương quốc Chiêm
Thành xưa, tưởng cũng nên duyệt lại một số quan niệm về đất đai và lãnh thổ của
người Kinh và người Chăm. Có nắm vững yếu tố này, chúng ta sẽ dễ dàng theo dõi
những chuyển biến lịch sử tiếp theo và kết quả tất yếu của nó. Khuyết điểm của
những nhà viết sử hay nghiên cứu dân tộc học là thường dựa trên những quan điểm
văn hóa và tình cảm của mình để phê phán các dân tộc khác, hiểu lầm và ngộ nhận
là không tránh khỏi.
Đất đai và lãnh thổ tuy là những giá trị cụ thể nhưng quan
điểm của người Kinh và người Chăm rất khác nhau. Đối với người Kinh, đất đai và
lãnh thổ vừa là một giá trị vật chất vừa là một biểu tượng tình cảm, trong khi
đối với người Chăm đó là một giá trị tâm linh và là một biểu tượng thần quyền.
Qua những đợt di dân liên tục từ hơn một ngàn năm qua, lãnh
thổ của người Kinh không ngừng mở rộng theo thời gian và cộng đồng người Kinh
ngày nay đã có mặt tại khắp nơi trên thế giới. Người Kinh tuy rất quí đất đai
nhưng đó chỉ là một tài sản cần phải bảo vệ, một kỷ niệm cần phải giữ gìn. Rất
ít ai chịu giam mình nơi chôn nhau cắt rốn nếu điều kiện sinh sống nơi đó khó
khăn. Nơi nào có thể an cư lạc nghiệp được, nơi đó trở thành quê hương, nơi nào
sinh sống khó khăn thì bỏ đi tìm nơi khác. Và khi ra đi, người Kinh mang theo cả
bàn thờ tổ tiên, gia phả và tín ngưỡng đi theo, do đó không có vấn đề mất gốc
hay mất cội nguồn.
Suy cho cùng, người Kinh vừa là một dân tộc du mục vừa là một
dân tộc phù sa, bởi vì, một mặt, lịch sử dân tộc Kinh là một lịch sử di dân thường
trực và cuộc di dân này đến nay chưa chấm dứt, mặt khác, người Kinh chỉ gắn bó
với những vùng đất thấp, đất đồng bằng cạnh những dòng sông hay trục lộ giao
thông, ít ai chịu gắn bó đời mình với rừng núi hay biển cả bao la.
Trên phạm vi lớn hơn là lãnh thổ. Lãnh thổ bao gồm cả đất
đai, bầu trời và vùng nước, có lằn ranh nhất định và thuộc chủ quyền một quốc
gia. Đối với người Kinh, lãnh thổ là một phạm trù ảo, không cụ thể, cha chung
không ai tiếc. Lãnh thổ rộng hẹp ra sao là vấn đề trách nhiệm của những người
lãnh đạo quốc gia, không ảnh hưởng gì đến đời sống thường ngày của người dân.
Người Chăm thì ngược lại, đất đai là một vật thể thiêng
liêng không thể sang nhượng và chối bỏ. Từ ngàn xưa cha ông đã ở đây thì con
cháu đời sau phải ở đó, không ai tự quyền rời bỏ quê cha đất tổ định cư nơi
khác. Rời bỏ quê cha đất tổ là từ bỏ dòng tộc, từ bỏ thần linh. Chính vì thế,
trong suốt dòng lịch sử đương đầu với người Kinh, cộng đồng người Chăm chấp nhận
mọi hy sinh và gian khổ để giữ đất và bám đất, cho dù quê hương không còn hay bị
tước mất. Tất cả những lễ lạc trong triều chính và ngoài dân gian đều nhằm vinh
danh các vị thần cai quản đất đai, vì đất là nguồn sống và cũng là nơi ngự trị
của các vị thần bảo vệ đất, che chở gia đình và đồng tộc. Nếu vì một lý do nào
đó ngoài ý muốn một người Chăm phải rời bỏ quê hương đi nơi khác lập nghiệp,
sinh hoạt tâm linh của người đó luôn gắn liền với nơi sinh quán cũ, vì không ai
được quyền mang bàn thờ tổ tiên và thần linh đi theo, con người lệ thuộc thần
linh chứ không ngược lại. Hơn nữa nếu phải ly hương, người đó cũng không thể đi
ra ngoài lãnh thổ đã được thần linh che chỡ, nghĩa là chỉ giới hạn trong vùng đất
của đồng tộc mà thôi. Đó là lý do giải thích tại sao tại người Chăm không di cư
ra khỏi địa bàn cư trú của họ và tại nhiều nơi, nhất là ở Bình Thuận, người
Chăm định cư tại một làng cách xa nơi sinh quán cũ cả trăm cây số nhưng vẫn muốn
lệ thuộc về hành chánh và nghi lễ tại làng cũ. Đạo Hồi khi du nhập vào đây cũng
phải thích nghi với tâm lý tôn thờ thần linh của người Chăm để được chấp nhận
và đã biến cải thành đạo Bani. Tất cả chỉ vì người phụ trách lễ nghi và sổ bạ
hành chánh địa phương là các thầy Paseh, Tapah (nếu là giáo dân đạo Bà La Môn)
và các thầy Char, Po Adhya, Po Bac (nếu là giáo dân đạo Bani). Đây là một khó
khăn về quản trị hành chánh mà các chính quyền người Kinh không hiểu nổi và muốn
xóa bỏ, nhiều tranh chấp đáng tiếc đã xảy ra.
Nhiều người sẽ hỏi dân số vương quốc Chiêm Thành xưa bây giờ
ở đâu? Không lẽ đã bị tiêu diệt hết sao? Con số 100.000 người Chăm tại Bình Thuận
và Châu Đốc có phản ánh đúng sự thật không?
Câu trả lời là không và dân chúng gốc Chăm vẫn còn nguyên vẹn.
Người Chăm đồng bằng không đi đâu cả, họ đã ở lại trên lãnh thổ cũ tại miền
Trung và với thời gian đã trở thành công dân Việt Nam một cách trọn vẹn. Có thể
nói không một người Việt Nam nào sinh sống từ lâu đời tại miền Trung nào mà không
mang ít nhiều dòng máu Champa trong người. Điều này cũng rất dễ khám phá, ít nhất
là về hình dáng: da ngăm đen, vai ngang, mặt vuông, tóc dợn sóng, vòm mắt sâu,
mắt bầu dục hai mí, mũi cao, môi dầy, miệng kín. Cũng không phải vô tình mà
cách phát âm của người miền Trung khác hẳn phần còn lại của đất nước, với nhiều
âm sắc thấp của người Champa. Đó là chưa kể những danh từ có nguồn gốc Champa.
Cũng không phải tình cờ mà các điệu múa hát của người Chăm trở thành những điệu
múa hát trong cung đình và ngoài dân gian thời Nguyễn. Nêu ra một vài trường hợp
cụ thể trên chỉ để chứng minh một điều: dân cư vương quốc Champa cũ đã hội nhập
hoàn toàn vào xã hội Việt Nam. Nhắc lại quá khứ của người Chăm cũng là nhắc lại
quá khứ của cộng đồng người Việt tại miền Trung nói chung.
Về chính trị, vương quốc Champa được tổ chức theo định chế
liên bang. Trước khi bị xóa tên, vương quốc Chiêm Thành là một kết hợp của nhiều
tiểu vương quốc, từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến mũi Kê Gà (Bình Thuận). Mỗi tiểu
vương cai trị một lãnh thổ riêng, với một dân số nhất định, sinh hoạt độc lập với
các tiểu vương khác và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Một cách không
chính xác, vương quốc Chiêm Thành cũ (Campapura) có ít nhất năm tiểu vương quốc:
Indrapura (Bình Trị Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Nghĩa Bình),
Kauthara (Phú Khánh) và Panduranga (Bình Thuận). Có thể thêm tiểu vương quốc
Aryaru (Phú Yên) là sáu, nhưng sự hiện diện của tiểu vương quốc này trong lịch
sử Chiêm Thành không rõ ràng.
Trong mỗi tiểu vương quốc cũng có sự phân chia quyền hành
giữa các lãnh chúa địa phương. Chính sách địa phương tản quyền này đã được triều
đình Việt Nam công nhận năm 1471, khi thành Đồ Bàn, kinh đô vương quốc Chiêm
Thành, vừa bị đánh chiếm: đất Quảng Nam được chia thành nhiều lãnh địa khác nhau
và giao cho những lãnh chúa Champa địa phương cai quản. Vương quyền trung ương
Chiêm Thành chỉ giữ vai trò thần quyền, gìn giữ sự thống nhất và sự vẹn toàn
lãnh thổ mà thôi, những sinh hoạt khác đều do các tiểu vương quốc địa phương đảm
nhiệm. Khi có nhu cầu hay gặp nguy biến, triều đình trung ương nhân danh thần
linh bảo vệ vương quốc kêu gọi các tiểu vương địa phương đóng góp nhân tài, vật
lực xây dựng đền đài, chuẩn bị chinh chiến hay triều cống các thế lực lớn mạnh
hơn. Vị thần bao vệ vương quốc Chiêm Thành được biết đến nhiều nhất là nữ thần
Yan Po Nagar (Bà Mẹ Đất Nước hay Thiên Y Thánh Mẫu), đền thờ đặt tại Xóm Bóng,
Nha Trang.
Về biên giới, lằn ranh phân chia giữa các tiểu vương quốc
và vương quốc Chiêm Thành cũ với các thế lực chính trị đương thời là một biên
giới thần quyền, không ai được quyền vượt qua và cũng không ai có quyền xâm phạm.
Vương triều Chiêm Thành không có tham vọng đất đai, họ chỉ tập trung phát triển
và bảo vệ những đất đai thuộc quyền sở hữu mà thôi. Những chuyển biến lịch sử
sau đây chứng minh điều đó.
Tượng Lâm: địa bàn xác định bản thể
Rất khó xác định mốc thời gian để biết vương quốc cổ Chiêm
Thành đã được hình thành từ hồi nào. Phần lớn những nhà khảo cổ và sử học đều đồng
ý là vương quốc này xuất hiện vào đầu công nguyên, tức là thời gian người Chăm
bắt đầu có chữ viết, chữ Phạn cổ. Nói như vậy không có nghĩa là trước đó người
Chăm không có lãnh thổ, không có tổ chức chính quyền và không có lịch sử riêng.
Bản thể Chiêm Thành có trước danh xưng. Tổ chức chính quyền của họ có thể đã
thành hình cùng lúc với sự xuất hiện của các Lạc hầu, Lạc tướng trên địa bàn
lưu vực sông Hồng và sông Mã của nước Văn Lang, thời Hùng Vương.
Những tài liệu có dấu vết thời gian rõ ràng (sử liệu cổ
Trung Hoa và các bia ký) ghi nhận vương quốc cổ Chiêm Thành chính thức xuất hiện
vào khoảng thế kỷ thứ 2, năm 192 khi quốc gia Lâm Ấp ra đời. Thật ra vương quốc
này trước đó có rất nhiều tên: Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm. Sau này được đồng hóa với
các tên Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc, Chiêm Thành (Campapura), Phan Rang
(Panduranga), cuối cùng là trấn Thuận Thành (Pradara). Những tên gốc Phạn vừa kể
đều do người Trung Hoa hay người Việt đặt ra, dựa theo cách phát âm của người địa
phương mà gọi.
Về nước Hồ Tôn Tinh, sách Lĩnh Nam Chích Quái viết: "Xưa
kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm [có thể là Phù Nam]. Vị vua của vương quốc này có
tên là Tràng Minh, hiệu Quỷ Vương [Dasanana] có mười đầu. Phía bắc vương
quốc này có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh [quốc gia của người khỉ] do vua Dasaratha cai trị.
Hoàng tử Chung Tư [Rama], người kế vị vua Dasaratha,
có một người vợ là công chúa Bạch Tinh [Sita]. Công chúa Bạch Tinh có một sắc
đẹp tuyệt trần không giống người phàm. Quỷ Vương, mê hồn trước sắc đẹp của Bạch
Tinh, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh cướp công chúa về nước. Hoàng tử
Chung Tư, quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh xe núi băng biển tiến vào
vương quốc Diệu Nghiêm, giết Quỷ Vương, đưa công chúa Bạch Tinh về".
Theo nhận xét của học giả Huber (La Légende du Ramayana
en Annam, Etudes indochinoises), Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Champa cổ.
Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó đều có sự tích giống
nhau, tại Indonésia trong các đền thờ Bà La Môn lớn đều khắc chuyện thần thoại
này trên tường đá. Chuyện Quỷ Vương có mười đầu chỉ là cách mô tả thô thiển
ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ và Phù Nam thường có hình con rắn
hổ mang [naja] mười đầu.
Về đất Tượng Lâm, các sử liệu Trung Hoa xác quyết đó là phần
đất ở vùng cực nam quận Nhật Nam xưa kia, trực thuộc quyền quan trị hành chánh
của Giao Châu thời Bắc thuộc, ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình
Định (có tài liệu ghi đến cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ phương Tây
cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến
đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị
và Thừa Thiên, gọi chung là Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên. Một số học giả
người Chăm xác nhận lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm: Indrapura (Bình Trị Thiên), Amavarati
(Quảng Nam) và Vijaya (Nghĩa Bình), sau này gọi chung là Bắc Chiêm Thành.
Như vậy, về văn hóa, Tượng Lâm là nơi tập cư của nhiều nhóm
người xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau, một sự pha trộn văn hóa tự
nhiên giữa các giống người vào thời hoang sơ. Đầu tiên là sự pha trộn văn hóa
giữa các nhóm Indonésien di cư (văn hóa Indus) và cổ Mã Lai (văn hóa Sa Huỳnh),
kế là với nhóm Việt tộc sơ sử (văn hóa Đông Sơn), sau có thêm người Hán (văn
hóa Khổng Mạnh) từ phương bắc di cư xuống và người Môn Khmer (văn hóa Óc Eo-Phù
Nam) từ tây-nam đi lên. Cuối cùng là những nhóm Malayo-Polynésien (văn hóa Mã
Lai - Đa Đảo hay Nam Đảo) từ biển cả tràn vào hồi đầu công nguyên. Nhóm sau
cùng, hùng mạnh hơn, đã thu phục hay đồng hóa những nhóm có trước, để chỉ còn yếu
tố Nam Đảo độc tôn, và thiết đặt quyền cai trị lâu dài (thế kỷ 1 trước và sau
công nguyên). Một số cư dân bản địa, không chấp nhận hay không chịu nổi sự cai
trị của nhóm di dân mới tới, đã di tản lên vùng rừng núi sinh sống và trở thành
những nhóm sắc tộc thiểu số ngày nay, nhưng không vì vậy mà quan hệ giữa đồng bằng
và miền núi bị cắt đứt, dân cư hai vùng đã nương tựa nhau để tồn tại trong suốt
thời gian qua.
Sang thế kỷ thứ 2, một số thương nhân Ấn Độ đến vùng đất
này buôn bán và luôn tiện phổ biến nền văn minh và văn hóa mà họ thừa hưởng cho
thành phần cầm quyền địa phương và một số cơ chế tổ chức quốc giả đã được thành
hình từ miền Nam lên miền Bắc. Một tấm bia đá tìm được ở làng Võ Cảnh (Nha
Trang) cho biết vị vương cai trị vùng đất phía nam vào thế kỷ thứ 2 tên là Sri
Mara, không có phần kế tiếp. Nhiều học giả cho rằng vị vương đó là Khu Liên,
người thành lập vương quốc Lâm Ấp ở phía bắc, là sai. Sri Mara chỉ là một tiểu
vương Champa ở phía nam (Kauthara), trong khi Khu Liên là một tiểu vương khác ở
phía bắc (Indrapura).
Do nằm cạnh lãnh thổ với Trung Quốc, sự hình thành vương quốc
Champa phía bắc được biết đến nhiều nhất bởi các nguồn sử liệu Trung Hoa để lại
và cũng nhờ đó người ta biết thêm quan hệ giữa người Việt (các Lạc hầu và Lạc
tướng) và người Chăm trong thời Bắc thuộc đã rất gắn bó.
Cũng nên biết đất Giao Châu, tức nước Văn Lang cũ là thuộc
địa của nhà Đông Hán (-202 đến + 220) từ năm 111 trước công nguyên. Sau khi diệt
xong nhà Triệu (Triệu Đà), Hán Vũ Đế chia đất Âu Lạc (Văn Lang cũ) ra làm
ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Theo Tiền
Hán thư, quận Giao Chỉ có 92.440 hộ gồm 746.237 dân, quận Cửu Chân có
35.743 hộ gồm 166.013 dân và quận Nhật Nam có 15.460 hộ gồm 69.485 dân. Quận Nhật
Nam có năm huyện: Tây Quyển (Hà Tĩnh), Ty Cảnh hay Ty Ảnh (Quảng Bình), Châu
Ngô (Quảng Trị), Lô Dung (Thừa Thiên) và Tượng Lâm (từ Quảng Nam trở xuống).
Không chấp nhận sự cai trị của người Hán, một số dân cư
(các nhóm Lạc hầu, Lạc tướng) từ các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đã hoặc
trốn lên các vùng rừng núi phía tây ẩn náu, hoặc chạy xuống các vùng cực nam
(huyện Tượng Lâm) hợp lực với những nhóm dân cư bản địa chống lại quân
Hán. Huyện Tượng Lâm trở thành địa bàn tranh chấp quyền lực giữa quan
quân nhà Hán với các nhóm cư dân bản địa trong suốt thời kỳ Bắc thuộc.
Trương Tôn, thái thú quận Cửu Chân (25-56 trước công
nguyên), mô tả dân chúng huyện Tượng Lâm là "những giống người còn man
di, chỉ biết bắt cá và săn thú rừng, không biết cày cấy. Bọn người này rất bất
trị, thường hay nổi lên chống lại thiên triều, đốt nhà, giết người, cướp của, rồi
rút vào rừng sâu mỗi khi quân tiếp viện đến".
Tại Giao Chỉ, năm 42, một Lạc tướng tên Thi Sách nổi lên chống
lại sự cai trị hà khắc của quân Hán nhưng thất bại, ông bị quân đô hộ giết chết.
Vợ là Trưng Trắc, cùng em là Trưng Nhị, tiếp nối cuộc kháng chiến chống lại nhà
Hán. Hai Bà chiêu mộ nghĩa binh gốc Nam Đảo phía nam và Lạc Việt phía bắc, đánh
đuổi quân đô hộ ra khỏi xứ sở. Binh lực của Hai Bà chiếm 65 thành trì trong các
quận Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ. Hán vương (Quang Vũ Đế) phải cử Phục Ba tướng
quân Mã Viện mang đại quân sang đánh dẹp và chiếm lại những phần đất đã mất. Để
xác nhận uy quyền của nhà Hán, Mã Viện cho dựng cột đồng khắc sáu chữ: "Trụ
đồng chiết, Giao Chỉ diệt" [Trụ đồng ngã xuống, Giao Chỉ không còn].
Thông điệp này thật ra là một lời nhắn nhũ đám quan quân địa phương: muốn giữ
yên đất Giao Chỉ phải ngăn chặn phiến quân từ phía nam tràn lên, nếu không đất
Giao Chỉ sẽ mất. Quan quân địa phương ở đây phải hiểu là quan quân nhà Hán và
quan quân Lạc Việt hợp tác với nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ (gọi chung là người
Kinh, tức người định cư trên đồng bằng).
Lệnh của Phục Ba tướng quân Mã Viện có lẽ đã được đông đảo
dân chúng địa phương nghe theo nên, theo truyền thuyết, khi đi ngang trụ đồng mỗi
người phải ném một cục đá vào chân trụ đồng để nó luôn được đứng vững. Sự kiện
này giải thích sự qua lại ở khu vực biên giới phía nam quận Giao Chỉ của các
thương nhân phía bắc rất là tấp nập. Lâu dần trụ đồng bị lấp, ngày nay không
còn dấu vết do đó không biết ở đâu. Cũng có thể Mã Viện, sau khi diệt xong hai
Bà Trưng, đã thi hành một chính sách cai trị mềm dẽo hơn để lấy lòng dân chúng
địa phương, vì không có sử sách nào nhắc đến những cuộc bạo động của người Giao
Chỉ chống lại thiên triều trong suốt hơn 50 năm sau đó.
Trụ đồng này là mốc ranh giới đầu tiên giữa nhà Hán và dân
cư gốc Nam Đảo. Sự kiện này chứng minh các nhóm dân cư gốc Kinh theo nhà Hán
sinh sống trên phần đất phía nam quận Nhật Nam rất sợ những cuộc tiến công của
người Nam Đảo phía dưới. Về địa điểm của trụ đồng, sử cổ Trung Hoa (Hậu Hán
Thư và Thuy Kinh chú) ghi chép rằng nó nằm ở phần lãnh thổ cực nam của nhà
Hán (quận Nhật Nam) ở huyện Cửu Phong (còn gọi là Cự Phong, tỉnh Quảng Trị ngày
nay). Những nguồn sử khác (Tấn thư, Nam
Tề thư và Lương thư) cũng xác
nhận trụ đồng được dựng lên ở phía nam huyện Tượng Lâm (phía bắc Thừa Thiên).
Có sách (Tân Đường thư) ghi trụ đồng được dựng lên ở phía nam Quảng
Châu.
Dấu ngoặc về hai Bà Trưng
Nguồn gốc của hai Bà Trưng cũng cần được nghiên cứu lại, vì
trong thời kỳ này đất Giao Chỉ chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Sau gần hai thế
kỷ bị đô hộ (từ –111 đến +42) chế độ mẫu hệ của người Lạc Việt bị chế độ phụ hệ
do người Hán mang tới lấn át, mất dần ảnh hưởng rồi biến mất trong xã hội thượng
lưu và giới quí tộc. Người phụ nữ bản địa tuy mất đi vai trò lãnh đạo xã hội,
nhường chỗ cho phái nam, nhưng uy quyền của họ vẫn được tôn trọng trong giới
dân gian (gia tộc và gia đình).
Trong thời Bắc thuộc, nhà Đông Hán muốn xóa bỏ nền văn hóa
Đông Sơn của các nhóm Lạc Việt để chỉ còn văn hóa Trung Hoa, các quan cai trị
đã thay thế chế độ mẫu hệ bằng chế độ phụ hệ, khuyên khích định cư, cải đổi lối
ăn mặc và canh tác nông nghiệp. Chế độ mẫu hệ của các dòng Lạc hầu, Lạc tướng bị
xóa bỏ dần theo từng chính sách cai trị của các quan thái thú từ Bắc triều gởi
xuống. Có lẽ phần lớn các nhóm Lạc Việt sinh sống trên lưu vực sông Hồng chấp
nhận sự cai trị của người Hán, chỉ một số ít còn lại từ chối sự hội nhập này đã
rút lên miền núi sinh sống và trở thành những nhóm người Mường ngày nay (gia đình
hai Bà Trưng có lẽ là một trong những nhóm này), hay chạy xuống phía nam kết hợp
với các nhóm Nam Đảo, vẫn còn mang nặng yếu tố mẫu hệ.
Sử sách Trung Hoa nói rằng hai Bà Trưng, thuộc dòng
"man di", là chị em sinh đôi, quê tại xã Cổ Lai, huyện Châu Diên, quận
Phong Châu (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên ngày nay). Trưng Trắc lấy
chồng là Thi Sách, người huyện Châu Diên (Vĩnh Yên) và định cư tại quê chồng. Sử
sách Việt Nam cho rằng hai Bà thuộc dòng Lạc hầu, Lạc tướng (văn hóa Đông Sơn),
quê ở huyện Mê Linh (ngoại thành Hà Nội), từ Ba Vì đến Tam Đảo, đất bản bộ cũ của
các vua Hùng, sinh sống bằng nghề nuôi tằm, do đó mới có tên Trứng Chắc (kén dầy)
và Trứng Nhị (kén mỏng), sau này đọc trại thành Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Thi Sách là một quan lại bản địa thuộc dòng Lạc tướng, hợp
tác với quan quân nhà Hán cai trị Châu Diên. Sau khi cưới Trưng Trắc, có thể đã
bị ảnh hưởng bởi ý chí độc lập của gia tộc bên vợ, đã chống lại sự cai trị của
quan quân nhà Hán. Trong giai đoạn này, có lẽ yếu tố mẫu hệ còn mạnh nên Thi
Sách đã không được sự hưởng ứng mạnh mẽ của dân chúng địa phương nên thất bại.
Khi Thi Sách bị sát hại, Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị nổi lên chống lại
quân Hán thì không những đã được dân chúng Giao Chỉ ủng hộ mà cả dân chúng phía
nam (Cửu Chân, Nhật Nam, đặc biệt là huyện Tượng Lâm) hưởng ứng và tôn lên làm
lãnh tụ. Yếu tố mẫu hệ nổi bật trong đạo quân kháng chiến, trong năm tộc lớn thời
đó hai Bà đã kén chọn được 62 vị tướng, trong đó hơn phân nửa (32 người) là phụ
nữ như Thánh Thiên công chúa, Man Thiện, Diệu Tiên, bà Lê Chân, Bát Nàn, Hoàng
Thiều Hoa, Đào Kỳ, Xuân Nương, Liễu Giáp, Việt Huy, Ả Di, Ả Lã, Ả Tắc, Nàng Đê,
v.v... và 21 tì tướng, trong đó gần phân nửa là phụ nữ.
Cũng nên biết chữ "ả, nương, nàng, đào, liễu" là
những từ Hán để chỉ người phái nữ. Yếu tố Phật giáo cũng nổi bật trong cách đặt
tên người: Man Thiện, Diệu Tiên, Bát Nàn là những pháp danh Phật giáo. Yếu tố
vương quyền cũng bắt đầu xuất hiện với những tước vị như người Hán: công chúa
Thánh Thiên được phong binh hàm Bình Tây đại nguyên soái, bà Lê Chân giữ chức
Tiên Phong nữ tướng quân... Nhưng sự kiện nổi bật nhất là đạo binh của hai Bà
Trưng đã biết dùng voi xung trận, một loại quân dụng hoàn toàn xa lạ với người
Hán. Đây là bằng chứng cho thấy sự hợp tác giữa các nhóm dân cư sông Hồng và
dân cư phía bắc miền Trung rất là mật thiết, vì thuần phục voi là nghề của những
người miền núi phía tây-nam Bắc phần.
Những cuộc nổi dậy của người Chăm ở Tượng Lâm
Sau biến cố hai bà Trưng, có lẽ chính sách cai trị của quan
quân Đông Hán đã cởi mở hơn nên đất Giao Chỉ trở nên yên bình trong hơn năm thế
kỷ. Ngược lại, tình hình chính trị phía nam, huyện Tượng Lâm, luôn giao động.
Mùa hè năm 100, hơn 2.000 dân Tượng Lâm nổi lên phá đồn, đốt
thành, giết một số quan quân cai trị. Chính quyền đô hộ phải huy động quân của
các quận huyện khác đến dẹp, giết được chủ tướng, cuộc nổi loạn mới tạm yên. Từ
đó chính quyền nhà Hán không dám ức hiếp một cách thô bạo dân cư tại đây nhưng
đặt vùng đất này dưới quyền cai trị trực tiếp, do một binh trưởng sứ cầm
đầu, phòng hờ những cuộc nổi loạn sau này. Để lấy lòng dân cư địa phương, quan
quân nhà Hán tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, miễn thuế hai năm...
Mục đích của chính sách cai trị trực tiếp này là thu thuế
và nhận phẩm vật triều cống (vàng, bạc, sừng tê giác, ngà voi, móng chim ưng,
hương liệu, vai lụa...) càng nhiều càng tốt. Thuế và phẩm vật triều cống do những
lãnh chúa địa phương (thuần phục nhà Hán) thay mặt thiên triều quyên góp trong
dân chúng. Như vậy nhà Hán vừa có thu nhập vừa không hao tốn ngân quỹ, lại duy
trì được ảnh hưởng trên vùng đất đó, bù lại lãnh chúa địa phương được thiên triều
sắc phong và được bảo vệ khi bị tấn công.
Theo sử liệu cổ của Trung Hoa (Hậu Hán thư, Lưu Long
truyện, Mã Viện truyện) ghi lại thì người huyện Tượng Lâm luôn chống đối lại
chính sách cai trị của nhà Hán và thường tranh chấp lẫn nhau về quyền cai trị tại
vùng đất này. Tượng Lâm ở quá xa chính quốc nên sự cai trị trực tiếp của những
quan đô hộ và binh lực thiên triều làm hao tốn công quỹ mà lợi ích chính trị và
kinh tế chưa chắc đã cao, do đó đã rất lơ là.
Năm 136, khoảng 1.000 dân Tượng Lâm nổi lên chống lại sự
cai trị của nhà Hán và đánh chiếm huyện Tượng Lâm, họ đã đốt thành và giết trưởng
lại (huyện trưởng). Năm sau thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phải điều hơn 10.000
binh sĩ từ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân xuống đàn áp nhưng thất bại. Thay vì
đi dẹp loạn, đoàn quân này lại phối hợp với dân quân Tượng Lâm chống lại và chiếm
đóng một số thành quách khác trong quận, quan quân Đông Hán phải rút lui khỏi
huyện Tượng Lâm.
Năm 138, Giả Xương, một quan thị ngự sử nhà Hán đi sứ phía
nam, đã cùng với các quan thái thú trong quận Nhật Nam gom quân đi dẹp những cuộc
nổi loạn ở huyện Tượng Lâm. Nhưng sau gần một năm cố gắng, tất cả đều thất bại,
không những thế họ còn bị dân quân địa phương bao vây hơn cả năm trời. Từ đó
nhà Hán mất tin tưởng ở đám quan quân địa phương và chỉ tin dùng quan quân từ
Trung Hoa đưa xuống. Năm sau Hán Thuận Đế sai tướng Cổ Xương huy động 40.000
quân ở các châu Kinh, Dương, Duyên, Dự (Trung Hoa) xuống đàn áp cuộc nổi dậy. Cổ
Xương bị quân nổi loạn đánh bại, Hán vương sai một tướng khác tên Lý Cố mang viện
binh tiếp trợ nhưng Lý Cố viện bảy lý do để hoãn binh. Cuộc tiến quân bị khựng
lại và tình hình tạm yên trở lại.
Những kế sách của Lý Cố là: ly gián nội bộ những người nổi
loạn bằng cách mua chuộc những lãnh chúa địa phương nhằm làm suy yếu tiềm lực của
dân quân Tượng Lâm ; tránh can thiệp bằng quân sự vào những tranh chấp cục bộ của
người địa phương ; chỉ để lại một quan lại người địa phương thay mặt thiên triều
cai trị ; vấn đề lãnh đạo địa phương để cho người địa phương chọn lấy, người thắng
cuộc được thiên triều tấn phong ; quan cai trị địa phương phải là một lãnh chúa
thần phục thiên triều ; tước Vương Hầu (dành cho người nhà Hán) và Liệt Thổ
(dành cho người địa phương).
Để thực hiện mưu kế của Lý Cố, Hán vương phong Trương
Kiều làm thứ sử Giao Chỉ và Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân ; cả hai có nhiệm
vụ thu thuế và nhận phẩm vật từ những quan lại được nhà Hán tấn phong. Trương
Kiều đã thu phục được hàng chục ngàn thường dân Nhật Nam và Tượng Lâm qui thuận
Hán triều.
Năm 144, dân chúng quận Nhật Nam và huyện Tượng Lâm lại nổi
lên chống lại ách cai trị của nhà Hán, nhưng bị thứ sử Hạ Phương đánh bại. Năm
157, một người tên Chu Đạt cùng với dân chúng Cửu Chân nổi lên giết huyện lệnh ở
Cự Phong và thái thú Nghê Thức chiếm quyền lãnh đạo. Sự kết hợp tự nhiên giữa
dân chúng hai quận Cửu Chân và Nhật Nam gây nhiều bối rối cho các quan quân cai
trị. Dưới sự chỉ huy của đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng, quân Hán phản công
quyết liệt, giết hơn 2.000 dân Cửu Chân, phe nổi loạn phải chạy xuống phía nam
chiếm quận Nhật Nam và chống trả lại. Trong ba năm liền, từ 157 dến 160, lực lượng
nghĩa quân huyện Tượng Lâm, khoảng 20.000 người, tiến lên đánh quân Hán và chiếm
nhiều huyện khác của Nhật Nam. Vài năm sau, năm 178, Lương Long cầm đầu cuộc khởi
nghĩa chống lại quân Hán, chiếm được nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và
từ Cửu Chân đến Nhật Nam ; năm 181 Hán vương cử Lã Đại mang đại quân sang đánh
dẹp tình hình mới tạm yên.
Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), nhân nội tình Trung Hoa loạn
lạc, dân chúng Tượng Lâm, phối hợp với dân cư hai quận Cửu Chân và Nhật Nam, nổi
lên đánh đuổi quân Hán và đạt thắng lợi sau cùng. Năm 192, tiểu vương quốc
Champa đầu tiên phía bắc chính thức ra đời, dưới tên Lâm Ấp. Tiểu vương quốc
này là đầu tàu mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh ở phía bắc và
là phong trào thống nhất vương quốc Chiêm Thành ở phía nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét