Tết của người Mông ở Mèo Vạc, Hà Giang (Lan Anh)

Các cô gái, chàng trai trong những bộ trang phục rự rỡ đón Tết

Tết của người Mông ở xã Cán Chu Phìn của  huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đến sớm hơn Tết nguyên đán khoảng 1 tháng. Người Mông đón Tết từ ngày 26/11 âm lịch và kéo dài trong 10 ngày. Thời gian này, người Mông không đi nương mà cùng nhau vui văn nghệ hát, múa, ném còn, hát đối giao duyên. Trong không khí rộn rã của tiếng khèn, tiếng chiêng, từng đoàn người, từ các cụ già đến các em nhỏ xúng xính trong những bộ áo, váy mới đi chơi Tết.

Những ngày cuối năm, ở xã Cán Chu Phìn, các gia đình người Mông tất bật chuẩn bị đón Tết của dân tộc mình. Cả năm làm ăn vất vả, vật lộn mưu sinh, Tết đến, người Mông dành hẳn 10 ngày để nghỉ ngơi.  Gia đình phải chuẩn bị từ 10 ngày trước. Từ ngày 20 tháng 11 âm lịch phải chuẩn bị rau cho bò, lợn, củi đun. Còn trước Tết một tuần thì đi chợ mua quà, quần áo mới. vì ngày Tết cả trẻ con và thanh niên trai gái khi đi chơi đều mặc quần áo mới của dân tộc mình".

Không khí Tết rộn ràng nhất là ở chợ phiên cuối tuần. Chợ phiên vốn đã đông  nhưng đến với phiên chợ giáp Tết thì kẻ mua, người bán đổ về dường như không còn chỗ chen chân. Tất cả các quầy hàng đều chật kín người. Các món hàng được người Mông mua nhiều như quần áo, thịt lợn, mắm, muối, đường, vàng hương. Họ quan niệm cả năm có tiết kiệm thì Tết đến cũng phải sắm sửa đầy đủ mọi thứ dù là ít để làm lễ cúng mời tổ tiên. Tết thì trong gia đình mỗi người phải có quần áo mới. Vì vậy chờ đến phiên chợ giáp Tết, các bà, các mẹ mới tranh thủ sắm quần áo cho các thành viên trong gia đình. Số lượng hàng bán trong phiên giáp Tết thường phải gấp đôi phiên chợ thường. Trung bình một người mua 1 đến 2 bộ để mặc ngày Tết. Bà con mặc đẹp và rực rỡ, và luôn sắm cái mới. Dịp Tết mua nhiều hơn ngày thường vì lúc đó mới dành tiền để đi mua. Họ phải thử đi thử lại vừa và đẹp mới mua. Mẫu thay đổi, cứ có vải gì mới thì mang ra bán" - anh Tú nói.
Những mặt hàng cần thiết để dùng trong 10 ngày Tết đã được mang về nhà, lúc này mỗi gia đình tập trung dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ. Đồ dùng trong nhà được lau chùi, sắp xếp ngăn nắp. Theo phong tục của dân tộc Mông, không chỉ có con người được nghỉ Tết mà các đồ vật phục vụ lao động, sinh hoạt cũng được nghỉ bằng cách được niêm phong. Đồ dùng như cày cuốc, dao, xẻng cũng được nghỉ vì nó đã giúp mình làm việc trong một năm rồi nên Tết cũng được nghỉ. Tôn trọng đồ đã lao động chung tay với con người,tất cả những thứ liên quan tới con người vào tối 30 đều được dán giấy. Cả xe máy cũng dán, những đồ cùng mình đi lao động trong một năm qua. 
Tết của người Mông, có ba món không thể thiếu là thịt, rượu và bánh ngô. Đêm 30 Tết, nhà nào cũng làm lễ cúng tổ tiên bằng một con lợn, một con gà trống còn sống để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, ai cũng đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Sáng sớm mùng 1 Tết, việc làm đầu tiên của người Mông là ra chuồng bò, lợn, gà gọi linh hồn của chúng về ăn Tết cùng với gia đình. Thức ăn cho các con vật trong nhà đều được làm mới như râu cho bò thì sáng ra mới thái, cám cho lợn thì cũng vừa nấu xong. Năm cũ qua đi năm mới đã về, trân trọng kính mời linh hồn của những con bò, trâu, gà, lợn mà đang đi lạc ở đâu đó xa xôi thì về ăn bữa cơm mới, bữa thức ăn mới đầu tiên thì phải  thái mới từ sáng chứ không thái từ hôm tước. con lợn thì ăn cám nấu mới, con gà về chuồng ăn chung thức ăn mới của ngày Tết
Người Mông rất hiếu khách. Họ quan niệm ngày Tết mà có nhiều anh em, bạn bè đến cùng ăn Tết và chúc nhau những điều tốt đẹp là năm đó gia chủ làm ăn sẽ có thêm nhiều tài lộc. Tết cũng là dịp để các chàng trai, cô gái người Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu và cũng từ đây nhiều đôi đã nên vợ thành chồng. 

Lan Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét