Lễ Cấp Sắc của dân tộc Dao ở Tuyên Quang (Phạm Hương)

Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông dân tộc Dao. Lễ Cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, dân tộc Dao có 9 ngành gồm: Dao đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Giang, Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Quần Dài. Phong tục tập quán, nghi lễ của dân tộc Dao là yếu tố quan trọng phản ánh trình độ phát triển tộc người và tạo nên bản sắc văn hóa, đóng góp quan trọng vào kho tàng chung của bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.
Sự ra đời của một con người là một việc lớn, theo tục lệ xưa, thường sau khi sinh 3 ngày, đứa con được làm lễ cúng Mụ, đặt tên và khi đến tuổi thành đinh để trở thành một con người xã hội, họ phải trải qua một nghi thức rất phổ biến của dân tộc Dao, đó là Lễ Cấp sắc. Người thanh niên qua lễ Cấp sắc mới được nhận tín đồ Đạo giáo, được thánh thần công nhận, được cấp âm binh, tu luyện pháp thuật, khi sống làm ăn, sinh hoạt được may mắn; lúc chết mới được về với tổ tiên nơi Dương Châu, không phải sa xuống địa ngục.


Nghi lễ Cấp sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang rất phong phú, đa dạng và độc đáo, không gian hành lễ của mỗi ngành Dao cũng mang những nét đặc trưng riêng của mình. Lễ cấp sắc thường được tổ chức từ tháng mười năm trước đến tháng giêng năm sau. Tuổi quy định được cấp sắc thông thường từ 12 đến 16 tuổi, nhưng ở một số ngành cũng có sự khác biệt như ở người Dao Tiền, con trai được cấp sắc trong độ tuổi muộn hơn, từ 15 đến 18 tuổi. Người Dao Quần Trắng không làm lễ Cấp sắc cho con trai dưới 10 tuổi. Ngược lại người Dao Thanh Y lễ Cấp sắc có thể tiến hành từ lúc người con trai mới 8 tuổi. Những người khác dân tộc, nhưng đã làm con nuôi của người Dao thì cũng được cấp sắc.
Ngoài yếu tố tín ngưỡng lễ cấp sắc còn có ý nghĩa giáo dục. Lễ Cấp sắc vừa là công việc riêng của gia đình, vừa là sinh hoạt mang tính cộng đồng của dòng họ, bản làng, bởi vì xưa kia đại bộ phận trai tráng đều phải qua lễ Cấp sắc. Người thanh niên phải qua lễ Cấp sắc mới được coi là người đã trưởng thành, mới có thể dạy chữ, làm nghề thầy cúng. Người con trai nào không được cấp sắc thì dù chết già cũng không được về với tổ tiên và lúc sống không được cúng bái cha mẹ, không được công nhận là con cháu Bàn Vương.


Trong không gian của lễ Cấp sắc có các điều răn dạy được linh thiêng hóa và trở thành những giá trị đạo đức mà con người phải gìn giữ, phấn đấu. Các nội dung thể hiện trong đạo sắc đều hướng con người tới cái thiện. Đó là sự kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn cha mẹ, thủy chung với bạn bè, sống chân thành, không lừa lọc, phải có lòng dũng cảm, biết trọng nghĩa, khinh tài, ngay cả việc con người chấp hành luật lệ cũng được đề cập tới. Với truyền thống giáo dục mang tính tộc người, trong đó có một phần tham gia của tục lệ cấp sắc đã tạo nên sự đằm thắm, thận trọng, kín đáo của người Dao.
Bên cạnh những ý nghĩa đó, trong lễ Cấp sắc của đồng bào Dao ở Tuyên Quang còn chứa đựng những điệu múa, bài hát, trò diễn dân gian... đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Dao từ bao đời nay, là sản phẩm tinh thần quý báu cần được tôn trọng, giữ gìn và tiếp tục phát triển. Trong những năm gần đây, lễ Cấp sắc đã được khai thác thành các tiết mục thông qua hoạt động của các tổ, đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản và các xã, góp một phần rất quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể như các đội văn nghệ của đồng bào dân tộc Dao Đỏ ở thôn Khau Hán (Bình Phú - Chiêm Hóa), thôn Bản Lục (Đà Vị - Na Hang), đội văn nghệ của đồng bào Dao Tiền ở thôn Nà Coòng (Tri phú - Chiêm Hóa)... 
Phạm Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét