Gầu tào là lễ hội quan trọng của người Hmông. Lễ hội mở ra
nhằm một trong hai mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh.
Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một
bề, sẽ làm lễ nhờ thày cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con –
Đó là hội cầu phúc.
Một gia chủ khác bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm
chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội
Gầu tào – Đó là hội cầu mệnh.
Thời
gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội
tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ
chức 9 ngày.
Ngay từ cuối tháng chạp, khi được thầy
cúng bói xin mở hội, gia đình mở hội cầu phúc phải nhờ anh trai, chị dâu (những
người có con cả trai, cả gái) chặt cây mai cao to, không cụt ngọn, ngọn dài có
lá về dựng nêu. Riêng gia chủ cầu mệnh, mong mọi người trong gia đình đều được
khỏe mạnh xin đuổi hết bệnh tật ốm đau, làm ăn tấn tới thì phải cử hai thanh
niên khỏe mạnh trong dòng họ chặt cây mai về dựng nêu. Lễ dựng nêu được tổ chức
từ ngày 26 đến ngày 29 tết. Địa điểm trồng cây nêu (cũng là địa điểm mở hội) một
quả đồi gần đường đi, tương đối bằng phẳng, đánh bớt gốc cây, dọn sạch các bụi
cây lúp xúp. Cây nêu được chôn ngay trên đỉnh đồi. Nếu lễ hội được chia làm ba
năm (tổ chức suốt ba năm liền) thì mỗi năm chỉ dựng một cây nêu bằng cây mai.
Nhưng nếu lễ hội chỉ tổ chức gộp một lần thì phải chôn dựng ba cây nêu theo
hình tam giác cân ở giữa đỉnh đồi. Trên gần ngọn nêu treo 3 miếng vải lanh màu
đen, trắng, đỏ khác nhau. Ở Pha Long (Mường Khương) chỉ treo một miếng vải đỏ
và dải vải đen. Ở Sa Pa lại chỉ treo một dải vải đỏ. Phía dưới sợi vải, treo lủng
lẳng bầu rượu ngon và một dây tiền giấy bằng giấy bản. Khi dựng xong cây nêu,
gia chủ còn làm lễ cúng ở ngay chân cột nêu mời tổ tiên các thần phù hộ cho có
con, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bằng an kế tục việc làm ăn, làm mặc theo
dòng họ. Khi cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa biết rằng tết năm nay
sẽ mở hội Gầu tào. Mọi người nô nức chuẩn bị dự hội.
Ở Sa Pa, sáng ngày mồng một tết làm lễ mở hội. ở Mường
Khương mở hội vào ngày mồng 3 tết. Sau phần cúng khai hội của thầy cúng, mọi
người cùng tham gia các cuộc thi trò chơi.
Sáng sớm ngày khai hội, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp
bãi đã dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng
nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay. Những dây ống hát được chăng lên khắp
triền đồi. Nơi bắn nỏ, bắn cung, sân múa khèn, đường đua ngựa cũng được qui định
và bài trí đơn giản. Mỗi sân bãi đều đã cắt cử người quán xử (chủ sự). Gia chủ
là người có quyền tối cao thống lĩnh toàn hội. Bên cạnh gia chủ, sẽ có hai đến
ba trung niên hay ông già thạo đường ăn nói thay mặt gia chủ giải quyết mọi sự.
Nếu gia chủ là người ít nói năng, chậm chạp thì có thể nhờ và ủy quyền cho một
người thay mặt mình. Ngoài ra cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có
hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã dần sàng) cùng với xừ
quan. Tại đây khi làm những thủ tục lễ bái, hầu hết là dùng những từ hoa mỹ
(pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ (lù txà) khoa
trương. Ngày nay rất ít người biết hết những câu, từ, bài sử dụng trong hội.
Khách ngoài họ, khách đường xa đến, người thì ống gạo, người
thì thồ ngô, người thì hũ rượu, người xách đôi gà, ai mang đến đều phải vào làm
lễ cầu chúc cho mọi người yên vui khang đường, tiếp nữa là cầu chúc cho mùa
màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, đầy sân. Chủ nhà nói lời cảm tạ và biết ơn ghi
sâu lòng hiếu thảo hào phóng của khách.
Phần hội sôi nổi với rất nhiều trò chơi như : Thi bắn cung
nỏ, đánh quay, đu quay, nhảy ngựa, đánh yến, đánh cầu, múa khèn, hát gầu plềnh,
hát tình ca… mỗi trò tổ chức theo từng khu riêng, khách gần khách xa, người
già, người trẻ ai thích chơi trò gì thì làm đến sân ấy. Đám hội nào cũng nườm
nượp.
Đêm đến, khách xa, người cao tuổi được mời
về nhà gia chủ. Tại bãi hội, những đống lửa được đốt lên, mọi người tiếp tục cuộc
vui. Ngày đầu tiên, sau khi làm lễ khai hội, nếu nhà thày mo ở gần thì mọi người
kéo vào nhà thày làm lễ nhảy (đha thàng). Đám nhảy đồng thời cũng sẽ tiếp diễn
cho đến hết hội. Những năm không có hội, mọi người vẫn kéo đến nhà thày mo cùng
nhảy đồng (nhảy tập thể tốp nam hoặc tốp nữ).
Hết thời hạn hội, gia chủ làm lễ kết thúc, cây nêu được hạ
xuống. Thày mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn.
Sau mỗi đoạn khấn vái, thày lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Gia chủ cầm
bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thày mo, cũng hẩy rượu ra khắp nơi. Mảnh
vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời. Trường hợp nếu là
hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông
con và họ hàng rước nêu về gia chủ gác ở đằng sau nhà hoặc làm giát giường mong
sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo.
Hoàng Minh Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét