Đến với Hà Giang, du khách sẽ được trải nghiệm và khám phá
rất nhiều điều thú vị độc đáo của cuộc sống, phong tục, tập quán cũng như nét
văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc H'Mông.
Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc H'Mông Hà Giang
Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc
anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó, dân tộc H'Mông
là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống.
Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất
khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc
Việt Nam.
Ở Hà Giang, người H'Mông có khoảng gần 200.000 người với 2
nhóm chính là H'Mông trắng và H'Mông hoa. Người H'Mông ở đây nổi tiếng với truyền
thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ
công của đồng bào H'Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ,
rèn đúc... Trang phục truyền thống của phụ nữ H'Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục
bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp...
Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp
ở hai bên hông. Nhà của người H'Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn
thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong.
Người H'Mông ở Hà Giang có nhiều phong tục tập quán có giá
trị về văn hoá, giáo dục đạo đức lối sống đạo lý dân tộc. Các giá trị văn hoá
được thể hiện trong dân ca, dân vũ, trang phục, tập tục ma chay, cưới xin, nghi
lễ, nghi thức thờ cúng tổ tiên, thần linh, ở các lễ, hội của thôn bản…
Văn hoá truyền thống người H'Mông là một kho tàng hết sức
phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người H'Mông
có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa
(xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí,
sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp.
Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý
thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó
là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá.
Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân
lợn... màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông
được lưu giữ từ lâu đời.
Sẵn sàng cho Ngày hội Văn hóa dân tộc H'Mông
toàn quốc lần thứ II
Tiếp nối thành công của năm đầu, Ngày hội
Văn hóa dân tộc H'Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang năm 2016 được Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức từ ngày 18 - 20/11. Với chủ
đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H'Mông trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất
nước”, Ngày hội sẽ diễn ra tại thành phố Hà Giang và trên Công viên địa chất
toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn
nhằm quảng bá hình ảnh con người và cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông; giới
thiệu nét đẹp trong văn hóa truyền thống ở địa phương có người H'Mông sinh sống tới cộng đồng dân tộc anh em và khách du lịch
quốc tế. Đặc biệt, còn tô điểm cho vùng đất Hà Giang - tỉnh địa đầu biên giới cực
Bắc của Tổ quốc, nơi có cộng đồng người Mông tập trung sinh sống nhiều nhất.
Lễ hội có sự tham gia của 13 tỉnh có đồng bào dân tộc Mông
sinh sống, gồm: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn,
Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đắk Lắk. Trong
ngày hội sẽ có các nội dung chủ yếu diễn ra như: Hoạt động văn hóa, nghệ thuật
quần chúng; giải chạy bán Marathon tỉnh Hà Giang lần thứ nhất; trại sáng tác
điêu khắc trên Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; Festival
khèn Mông; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; thi hát dân ca dân tộc;
thi ẩm thực dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức
sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc
trưng, tái hiện cuộc sống sản xuất của người Mông như: cày trên nương đá, xếp
tường rào đá, chế biến ẩm thực... Bên cạnh đó còn có một số môn thể thao và trò
chơi dân gian truyền thống khác...
Tại Hà Giang - trái tim lễ hội, tỉnh có số đồng bào dân tộc
Mông đông nhất trong cả nước, với trên 260 nghìn người cũng đang nỗ lực hết sức
mình để Lễ hội diễn ra thành công nhất. Từ công tác chuẩn bị đến tuyên truyền đều
được gấp rút hoàn thành.
Đến với Ngày hội, đến với Hà Giang, không chỉ thấy được cảnh
sắc thiên nhiên tươi mới, mà chắc chắn du khách cũng không thể quên được tình
người miền cực Bắc vô cùng mến khách. Những nét đặc trưng nhất của đồng bào dân
tộc Mông sẽ được tái hiện toàn bộ trong ngày hội này. Sẽ tận mắt chứng kiến bà
con tỉ mẩn dệt từng sợi lanh, mỗi sợi lanh giống như một câu chuyện về cuộc đời,
về con người mà họ đều muốn kể cho con cháu. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự
sống mãnh liệt trên tửng mỏm đá của cộng đồng dân tộc H'Mông Hà Giang, họ sống
trên cao hun hút, giữa những vách đá tai mèo, họ phát nương, làm rẫy trồng ngô.
Từng bộ trang phục họ mặc cũng là cả một câu chuyện mà bạn muốn khám phá. Nó
không chỉ đơn thuần là chiếc váy H'Mông, nó là kết tinh tinh hoa của nhiều thế
hệ. Váy H'Mông, mùa hè mặc mát, mùa đông vẫn đủ độ dầy làm ấm. Thời tiết khắc
nghiệt làm cho con người buộc phải có những “đối sách” để kiên cường chống lại.
Ngoài ra, đến với Ngày hội này, bạn còn cảm nhận nếp sống
trong từng ngôi nhà trình tường, những ngôi nhà mái trệt quần tụ với nhau. Trực
tiếp tham gia buổi chợ phiên vùng cao, để thấy được cuộc sống của đồng bào ta
đang no ấm lên. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi thể hiện nhu
cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt. Sau đó, cùng uống chén rượu ngô thơm lừng, cô
gái H'Mông má đỏ hây hây hát véo von một ca khúc dân ca nào đó. Đó là ca khúc
tình yêu say đắm hay một bài ca trên nương ca ngợi quê hương giàu đẹp, hòa mình
vào tiếng khèn rộn ràng của các chàng trai đang yêu say đắm.
Đàm Minh Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét