Bài 7
Cố gắng tồn tại trong khó khăn
Đối với nhiều sử gia và học giả phương Tây, biến cố 1471
đánh dấu sự giải thể vương quốc Chiêm Thành, không một biên khảo lịch sử hay
niên giám triều đình Chiêm Thành nào được phổ biến từ sau ngày đó. Trong thực tế,
sinh hoạt triều chính của các dòng vương tôn Chiêm Thành vẫn tiếp tục, với một
qui mô tuy nhỏ hẹp nhưng không kém phần xúc tích. Tuy vậy tìm hiểu lịch sử người
Chăm trong giai đoạn này rất là khó khăn vì thiếu chứng liệu, người viết đã dựa
vào các nguồn sử liệu Việt Nam, đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác của nước
ngoài để phác họa lại giai đoạn thiếu sót này.
Nam Chiêm Thành trong thế
kỷ 16
Sau 1471, nhóm hoàng tộc
Chăm từ Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) chạy về Giao Nam (Bình Thuận) lánh nạn
và tranh chấp quyền bính với các dòng vương tôn địa phương tại Phan Rang
(Virapura). Nhóm người này tự nhận là truyền nhân đích tôn của vương triều cũ
(vương triều Vijaya) và kêu gọi dân chúng địa phương không thừa nhận dòng họ Bố
Trì Tri (Jayavarman Mafoungnan) vì chỉ là cấp thừa hành của các dòng tiên
vương. Tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt, các dòng vương tôn Nam Bắc Chiêm Thành
kết thành từng phe nhóm tranh chấp lẫn nhau. Với thời gian, dòng dõi vương tôn
Nam Bàn được dân chúng mến chuộng và tôn lên làm vua cai trị lãnh thổ Nam Chiêm
Thành. Yếu tố bộ tộc truyền thống Cau và Dừa phai dần trong ký ức tập thể dân
gian và kể từ thế kỷ 15 trở về sau huyền thoại này không còn được nhắc tới nữa.
Dân chúng Panduranga (Nam Chiêm Thành), quá mệt mỏi trước các cuộc chiến tranh
chống ngoại xâm và nội chiến, muốn quên đi quá khứ để chỉ chăm lo cuộc sống hằng
ngày.
Dòng họ Bố Trì Tri không
trị vì lâu. Năm 1478 Bố Trì Tri mất, em là Koulai lên thay nhưng năm 1505 bị ám
sát tại Champassak (Nam Lào), con là Chakou Poulo kế nghiệp và trị vì đến 1530
thì mất. Kể từ sau ngày đó con cháu dòng vương tôn Nam Bàn được hoàng triều và
dân chúng tôn lên làm vua. Con Trà Toại là hoàng thân Po Karutdrak được tôn lên
làm vua, kế nghiệp Chakou Poulo cai quản xứ Panduranga. Con Karutdrak, thái tử
Maresarak làm vua năm 1536. Po Kanarai lên ngôi năm 1541, hiệu Chế Bãi. Năm
1553 Chế Bãi mất, Po Ất (Po At) lên thay.
Trong thời Trịnh-Nguyễn
phân tranh, người Chăm phía Bắc vẫn thỉnh thoảng nổi lên quấy phá Thuận Hóa
(châu Ô và châu Rí). Nhân cớ này, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ
Thuận Hóa năm 1558, rồi bí mật xây dựng cho mình và con cháu cơ nghiệp riêng. Mỗi
lần các chúa Nguyễn bị các chúa Trịnh làm áp lực, vương quốc Chiêm Thành
lãnh nhận những hậu quả.
Năm 1560, Nguyễn Hoàng bị
Trịnh Kiểm buộc phải nộp hàng năm 400 cân bạc, 500 tấm lụa nếu muốn được yên.
Không sao tìm đủ phẩm vật dâng nộp, Nguyễn Hoàng cử người xuống Aryaru (Tuy
Hòa) thông báo cho vua Po Ất cung cấp số lượng phẩm vật nói trên, nhưng bị từ
chối. Liền tức thì, Nguyễn Hoàng xua quân tiến chiếm Phan Rang, quân Chăm rã
hàng, hàng ngàn người chạy theo Po Ất lên Tây Nguyên lánh nạn. Sau khi cướp phá
các đền đài và tịch thu hết tài sản của hoàng gia Chiêm, Nguyễn Hoàng rút quân
về nước nhưng để lại số binh sĩ trấn giữ Tuy Hòa. Năm 1579, lợi dụng sự yếu kém
của quân Chăm, một hoàng thân Khmer trấn thủ lãnh thổ đông-bắc Chân Lạp
(Mondolkiri và Rattanakiri) dẫn đại quân tiến vào Phan Rang giết Po Ất rồi tự
xưng vương, hiệu Po Klong Halau (Po Klău Haluv).
Nam Chiêm Thành trong thời
Nguyễn sơ
Sau khi làm chủ toàn bộ
lãnh thổ Panduranga, Po Klong Halau (1579-1603) mở rộng giao thương với phương
Tây, nhà vua tìm mua súng điểu thương và những khẩu đại pháo phòng thủ bờ biển
và kinh thành. Không bao lâu sau, vương quốc Panduranga trở nên hùng mạnh,
Po Klong Halau tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Đại Việt, chiếm Thành Hồ
(Tuy Hòa) trên sông Đà Rằng năm 1579 và thách đố các thế lực khác trong vùng,
nhất là Chân Lạp.
Trước sự đánh phá của
quân Chiêm phía nam và áp lực quân sự của chúa Trịnh phía bắc, Nguyễn Hoàng
không những bỏ qua việc mất Thành Hồ mà còn đề nghị thành lập một liên minh
quân sự với Chiêm Thành. Po Klong Harau cũng muốn được yên với Đại Việt để chống
trả những cuộc tiến quân của Chân Lạp nên đã chấp thuận. Năm 1594, nhà vua gởi
quân sang tiếp cứu tiểu vương Johore, đất Madjapahit (bán đảo nam Mã Lai, gần
Singapore), chống lại sự tấn công của quân Bồ Đào Nha.
Năm 1597, vua Khmer
Chetta I (tiếng Chăm là Cau Bana Tan, hiệu Paramaraja V) mang quân đánh Chiêm
Thành viện cớ Po Klong Harau làm phản không chịu sát nhập Panduranga vào lãnh
thổ Chân Lạp. Nhờ được trang bị những loại vũ khí mới, quân Chăm đánh bại quân
Khmer trong những trận đầu và còn tiến sâu vào nội địa Chân Lạp. Về sau, được
người Chăm tị nạn tại Chân Lạp ủng hộ, quân Khmer phản công trở lại và cuộc chiến
trở nên ngang ngửa. Khi quân Chăm rút lui về nước, quân Khmer do tướng Ukana
Tejo và hai tướng gốc Chăm, Po Rat và Laksmana chỉ huy, tiến vào Panduranga cướp
các khẩu trọng pháo do người Bồ Đào Nha cung cấp.
Liên minh giữa Đàng
Trong và Panduranga cũng không bền lâu. Năm 1603 khi Po Klong Halau qua đời,
con là Po Thikdhik lên thay, hiệu Po Nit. Po Nit không những không chịu thông sứ
với xứ Đàng Trong mà còn xây kho lương, tuyển mộ binh sĩ đánh phá phủ Hoài
Nhơn, đạo Quảng Nam. Nguyễn Hoàng liền thành lập dinh Phú Yên và đưa một số di
dân gan dạ vào lập các "lân" (làng biên giới) để canh tác và dò xét
tình hình.
Năm 1611, sau khi củng cố
xong thế lực ở phía bắc đèo Ngang, Nguyễn Hoàng sai một người Chăm không rõ
tên, gọi là Văn Phong (Văn Phong là tên một chức chủ sự) dẫn quân qua đèo Cù
Mông chiếm thành Phú Yên (Aryaru), tổ chức dinh điền và đưa dân từ các tỉnh Quảng
Nam đến Bình Định vào định cư, lập ra hai xã Đồng Xuân và Tuy Hòa. Quân Chăm tấn
công liên tục hai xã mới này, nhưng không thành công. Po Nit mất năm 1613, em
là Po Chai Păran kế nghiệp. Po Chai Păran dời đô từ Virapura (Phan Rang) về Bal
Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí) đề phòng chúa Nguyễn tấn công bất ngờ. Năm 1618
Po Chai Păran mất, con là Po Ehklang lên ngôi.
Năm 1622 nội bộ triều
chính Panduranga có loạn, một vương tôn đạo Bani tên Po Klong Menai (Po Klău
Manai) giết Po Ehklang rồi tự xưng vương, hiệu Po Mahtaha. Dưới thời Po Klong
Menai, xung đột với người da trắng và tôn giáo trở nên trầm trọng. Trong những
năm 1622-1630, thuyền buôn của các thương nhân Hòa Lan qua lại trên Biển Đông bị
quân "Mã Lai" (thực ra là người Chăm) cướp bóc và thương điếm của người
phương Tây tại Côn Sơn thường xuyên bị đập phá, những cơ sở truyền đạo của các
giáo sĩ phương Tây trên lãnh thổ Panduranga đều bị đốt. Những vị lãnh đạo các
tôn giáo Bà La Môn và Bani cũng nhân cơ hội xúi giục giáo dân chống phá lẫn
nhau trong những dịp lễ lạc. Đất nước trở nên loạn lạc, dân chúng sống trong cảnh
lầm than, tại mỗi nơi các lãnh chúa và tù trưởng địa phương tùy theo sức mạnh của
mình tổ chức đánh phá các nơi khác để cướp bóc lương thực.
Trước cảnh loạn lạc này,
năm 1627, một tù trưởng người Thượng gốc Churu tên Thốt được dân chúng
Chăm và người Thượng tôn lên làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn. Dẹp loạn xong,
tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua, hiệu Po Romé (Pô Rômê). Việc đầu
tiên của tân vương là buộc các lãnh tụ tôn giáo Bà La Môn và Bani (các thầy
Paseh và thầy Char) phải sinh hoạt chung với nhau, phân chia những ngày lễ lớn
như các lễ nghi về nông nghiệp (lễ dựng chòi, lễ mừng cây lúa, lễ cúng chúa lửa,
lễ cúng sân lúa, lễ cúng cơm mới...) cho hợp lý để các thầy tế lễ và giáo dân đạo
kia có thể tham dự. Po Romé (1627-1651) là một vị vua sáng suốt, biết tổ chức,
chăm lo đời sống dân chúng, đất nước sống trong thái hòa. Gần như tất cả các
vương quốc địa phương đều giao thương với Chiêm Thành: Xiêm La, Chân Lạp, Ai
Lao, Ấn Độ, Mã Lai và Đại Việt, kể cả với các quốc gia phương Tây. Nhiều đập nước
lớn dẫn thủy nhập điền (như đập Marên) được thành lập tại những nơi khô cằn và
triền núi để dân chúng canh tác. Nhà vua chọn Krong Laa (làng Palai Bachong, xã
Hòa Trinh, thị xã Phan Rang, trên quốc lộ 1, cách Sài Gòn 310 cây số) làm kinh
đô, cạnh sông Krong Binh (sông Viêu). Nơi này trước kia là kinh đô cũ
(Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây Kraik tượng trưng cho uy
quyền của vua.
Năm 1629, một chủ sự người
Chăm, gọi là Văn Phong, nổi lên đánh phá các làng di dân người Việt tại Phú
Yên. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh mang quân xuống đánh dẹp
và thành lập Trấn Biên Dinh, lấn sâu vào lãnh thổ Chiêm Thành tới chân núi Thạch
Bi (đèo Cả) để bảo vệ di dân. Sau thất bại này, Po Romé làm hòa và xin cưới con
gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa (em của Ngọc Liên và Ngọc Vạn,
đã gả cho vua Chân Lạp Chetta II năm 1620, và là chị của Ngọc Đỉnh), gọi là Po
Bia Út, tước hiệu hoàng hậu Akaran.
Cũng nên biết Po Romé có
rất nhiều vợ. Vợ thứ nhất tên Po Bia Suthi (hay Po Bia Suchi), con vua Po
Ehklang, không có con. Po Romé lên cao nguyên Đắc Lắc cưới người vợ thứ hai,
con một tù trưởng Rhadé, tên Po Bia Thanh Chan (hay Po Bia Suncan) và sinh hạ
được nhiều con. Sau cùng nhà vua xin cưới công chúa Ngọc Khoa, vợ thứ ba và
cũng là vợ út của Po Romé (không tài liệu nào nhắc đến con cái của bà Ngọc
Khoa). Tuy là sui gia với chúa Nguyễn, quân Chăm vẫn thỉnh thoảng tấn công quân
Việt tại Phú Yên. Năm 1651, trong một trận giáp chiến với quân Việt, Po Romé bị
tử thương. Dân chúng Chăm rất thương tiếc và xây cho ông một tháp lớn tại Phan
Rí để thờ, gọi là tháp Po Romé (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước).
Năm 1652, Po
Nraup, người con cùng mẹ khác cha với Po Romé, lên ngôi, hiệu Bà Thâm (còn gọi
là Bà Tấm hay Bà Bì). Bà Thâm là một người Chăm lai Thượng (Chăm Pal), cha là
người Chăm, mẹ là người Churu. Vừa lên ngôi Bà Thâm dẫn quân tấn công Trấn Biên
Dinh, chiếm lại thành Phú Yên. Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sai tướng Hùng Lộc (một
người gốc Chăm theo chúa Nguyễn) mang 3.000 binh sĩ vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả,
núi Thạch Bi), đánh bọc hậu, chiếm Aya Tră (Nha Trang), bắt được Bà Thâm. Để cầu
hòa, Bà Thâm dâng đất Kauthara và chấp nhận lấy xã Kamran (Cam Ranh) làm ranh
giới: phần đất phía nam sông Phan Rang thuộc vua Chiêm Thành, phần đất phía bắc
thuộc về chúa Nguyễn (lãnh thổ Kauthara) và đổi tên thành phủ Thái Ninh (gồm
Thái Khang và Diên Ninh), sau là phủ Diên Khánh (Khánh Hòa). Tướng Hùng Lộc được
phong làm thái thú. Nhiều đoàn người Chăm, lo sợ bị trả thù, vượt cao nguyên Đắc
Lắc sang Xiêm La lánh nạn, đông nhất là tại Ayuthya.
Lãnh thổ Panduranga như
vậy chỉ còn lại 4 địa phận: Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Parik (Phan
Rí) và Pajai (Phố Hài). Kinh đô dời về Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Vương
quốc Nam Chiêm Thành mất đi những hải cảng lớn, việc giao thương với các tàu
buôn phương Tây giảm dần và mất hẳn vào giữa thế kỷ 18, người Champa trở thành
một dân tộc lục địa, mất hẳn khả năng hàng hải và ngư nghiệp.
Năm 1653 Bà Thâm qua đời,
hoàng thân Po Prik Tirai Pakhuoh được chúa Nguyễn cho lên thay. Po Prik Tirai là con trai vương phi người Rhadé (Po Bia
Tanchan) của Po Romé. Năm 1657, Po Ja Tanưh, rể vua Po Prik, được chúa Nguyễn
phong vương (đề đốc đại tướng). Năm 1659, Po Saut (Bà Tranh) lên ngôi trị vì đến
năm 1692.
Cũng nên biết từ 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II tặng
Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên đất Đồng Nai làm quà cưới công chúa Ngọc Vạn,
nhưng vì bận đối phó với chú Trịnh nên chúa Nguyễn chưa thể đưa người vào khai
phá ngoài những lưu dân phiêu lưu và tội phạm bị đày xa xứ. Từ sau ngày đó,
vương quốc Nam Chiêm Thành nằm trong thế gọng kìm giữa hai thế lực, xứ Đàng
Trong và Chân Lạp. Quân Việt có băng qua lãnh thổ Panduranga năm 1630 giúp Chey
Chetta II nhưng rút về hết khi xong nhiệm vụ. Năm 1679 nhân có hai vị tướng nhà
Minh xin tị nạn, chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Đồng Nai. Phong trào di dân
Việt từ Diên Khánh vào Đồng Nai trong giai đoạn này còn rất hạn chế vì không thể
băng ngang lãnh thổ Chiêm Thành bằng đường bộ trong khi tàu thuyền thì quá hiếm
hoi và chỉ dành cho nhu cầu triều chính và quân sự.
Năm 1691, Bà Tranh (Po Saut) xua quân đánh Diên Ninh với hy
vọng chiếm lại Kauthara, rồi không chịu triều cống nữa. Năm 1692, Minh vương
Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính chiếm Panduranga, giết Bà Tranh và bắt theo
một số cận thần gồm Kế Bà Tử (Po Saktiray Depatih), Tả Trà Viên (Po Thutirai
Depatih), vương phi Bà Ân cùng rất nhiều binh sĩ đem về giam tại núi Ngọc Trản
(Thừa Thiên). Hoàng thân Po Chongchan (Po Choncăin) được đưa lên kế nghiệp và bị
buộc phải triều cống nhiều phẩm vật quí hiếm cùng vàng bạc cho chúa Nguyễn, lúc
đó ngân khố đang rất thiếu hụt. Không chịu nổi sự áp đặt này, năm 1692 Po
Chongchan bỏ vương triều, dẫn theo khoảng 5.000 gia đình tín đồ đạo Bani chạy
sang Chân Lạp tị nạn. Đây là đợt tị nạn thứ sáu (sau năm 986, 1285, 1318, 1471
và 1652) của người Chăm ra hải ngoại và là đợt tị nạn thứ hai sang Chân Lạp.
Đoàn người di tản đã để lại nhiều tài sản quí báu cho người Churu và người Kaho
cất giữ trên cao nguyên Đồng Nai thượng và Langbian. Tại Chân Lạp, nhóm người
này họp với nhóm "Mã Lai" (người Khmer gốc Chăm theo đạo Hồi) tạo
thành nhóm Chăm Java, theo đạo Hồi chính thống. Một số sau đó về định cư tại
Châu Đốc gọi là Chăm Islam (Chăm Islam khác với Chăm Bani, mặc dù cùng là đạo Hồi).
Từ 1692 đến 1695, người Chăm tại Panduranga không có vua.
Quân Việt liền tiến chiếm Panduranga đang bị bỏ trống và đặt
cho tên mới là trấn Thuận Thành. Những lãnh địa cũ của người Chăm cũng được đổi
tên và giao cho các tướng Việt nắm giữ: Nguyễn Trí Thắng cai quản Phố Hài, Nguyễn
Tấn Lễ địa phận Phan Rí, Chu Kiêm Thắng lãnh thổ Phan Rang.
Tháng 8-1693, trấn Thuận Thành đổi thành phủ Bình Thuận (trấn
là khu quân sự chưa ổn định, phủ là khu vực hành chánh đã ổn định). Dân chúng
Chăm không chấp nhận sự cai trị trực tiếp của người Việt đã nổi lên chống đối.
Để trấn an, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Kế Bà Tử, em vua Po Saut, làm khám
lý (tỉnh trưởng) phủ Bình Thuận, ba người con của Bà Ân làm đề đốc (quận trưởng)
thay mặt Minh vương cai trị và thâu thuế. Những tù binh Chăm bị giam tại Huế
cũng được trả về phủ Bình Thuận ; tất cả buộc phải ăn mặc như người Việt: quan
thì áo thụng, mũ cánh chuồn, đi hia ; binh lính thì mặc áo cộc, đội nón lá,
không được vấn váy (sà rông), tóc bới ra sau. Người Chăm tại phủ Bình Thuận được
hưởng qui chế giám hộ (tự trị về hành chánh, kinh tế và tôn giáo) đã tỏ ra bớt
chống đối nhưng sự căng thẳng vẫn tồn tại.
Năm 1696, nhân có nạn đói, một người Hoa tên A Ban và một
hoàng thân Chăm tên Ốc Nha Thát xúi giục dân chúng nổi loạn nhưng liền bị dập tắt.
Sau biến cố này, qui chế bảo hộ bị hủy bỏ, phần đất đông người Chăm cư ngụ nhất
tại phủ Bình Thuận đổi thành trấn Thuận Thành, Kế Bà Tử được phong làm
"phiên vương" (vua), một tước ngang với vua Chăm cũ, và được giao lại
ấn kiếm, yên mã. Kể từ cuối thế kỷ 17, người Chăm tuy mất độc lập nhưng vẫn còn
hưởng qui chế tự trị.
Trấn Thuận Thành thật ra chỉ còn là một vùng đất nhỏ tại
Phan Rang và Phan Rí, người Chăm gọi là Bal Prădară (Thuận Hải), gồm hai huyện
An Phước (phía nam Phan Rang) và Hòa Đa (phía nam Phan Rí). Cung đình vua Chăm
đặt tại Bal Canar (Tịnh Mỹ) về hình thức. Bên cạnh sự quản trị đó, phong trào
di dân lập ấp của người Việt vào trấn Thuận Thành ngày càng gia tăng. Những
làng Việt Nam, hơn 200 làng, tạo thành những khoảng da beo trong lãnh thổ
Prădară. Những người Chăm bất mãn bỏ lên cao nguyên sống lẫn lộn với người Thượng
(Churu, Kaho và Djarai) tại Djiring (Lâm Đồng), một số khác chạy sang Chân Lạp
hòa nhập với nhóm Chăm Java đã có từ trước. Sự thù ghét người Việt tại Chân Lạp
do những nhóm Chăm di cư gieo rắc bắt đầu manh nha trong lòng người Khmer.
Sự cộng cư giữa người Chăm và Việt rất là khó khăn, do bất
đồng văn hóa, tôn giáo, hành chánh và việc khai thác đất đai ngày càng gay gắt.
Năm 1712, một quan lại và khoảng 30 binh lính Kinh được tăng cường để phụ giúp
Kế Bà Tử về hành chánh. Sự hiện diện của những Kinh binh này làm người Chăm bất
mãn vì nhiều khu đất tốt lần lượt lọt vào tay nhóm người này. Từ đó người Chăm
sống co cụm lại trong hai huyện An Phước và Hòa Đa để duy trì bản thể và phong
tục tập quán riêng. Tại Phan Lý Chàm, người Kinh thành lập bốn thôn giữa các
làng Chăm: Xuân Quang (xóm Ổi), Xuân Hội (xóm Tầm), Tuân Giáo (xóm Rau Cá) và
Tuân Mục. Về sau những di dân này lập gia đình với thiếu nữ Chăm, gọi là người
Kinh Cựu (Cựu ở đây là người Chăm). Một số tù binh Việt Nam, bị bắt từ thế kỷ
18, chấp nhận ở lại Chiêm Thành lập gia đình với phụ nữ Chăm cũng được gọi là
người Kinh Cựu (Chăm Yuôn, tức người Chăm lai Việt).
Để duy trì tốt sự tuân phục của các dòng vương tôn Chăm,
các chúa Nguyễn lần lượt phong vương con cháu Kế Bà Tử và Tả Trà Viên. Kế Bà Tử
trị vì đến năm 1727. Năm 1728, Nguyễn Phúc Chu phong Po Jinah Depatih, cháu Kế
Bà Tử, làm vương trấn Thuận Thành. Năm 1731, Tả Trà Viên, con Po Saut, lên
thay. Năm 1732, Po Rattirai Depatih, cháu Kế Bà Tử, làm vương trấn Thuận Thành.
Con Rattirai, Po Tathun Demurai kế nghiệp năm 1763. Po Tithuntirai Rakhuoh
(Rakhvăh), con Tả Trà Viên, được chúa Nguyễn tấn phong năm 1765, nhưng đến năm
1768 mới chính thức chấp chánh.
Giữa hai gọng kìm
Trong thời gian từ 1771 đến 1799, Đại Việt có nội chiến.
Tây Sơn, nhà Lê và chúa Nguyễn đánh phá lẫn nhau.Tây Sơn là một làng ở phía tây
Bình Định, gần An Khê, nơi có nhiều người Chăm Hroi (Hời) và người Thượng sinh
sống. Phong trào Tây Sơn được rất đông người Chăm Hoi theo, về sau có thêm nhiều
bộ lạc người Thượng gia nhập. Năm 1773, phong trào Tây Sơn phát triển mạnh trên
cao nguyên Bình Định, một số người Chăm sống dưới quyền của nữ chúa Thị Hỏa
tham gia phong trào. Tại Quảng Ngãi, một lãnh tụ Chăm tên Lía (còn gọi là Doan)
theo Tây Sơn khởi nghĩa. Lực lượng thủy binh của Tây Sơn cũng có rất nhiều người
Chăm đồng bằng.
Từ 1776 đến 1798, người Chăm sống trong trấn Thuận Thành buộc
phải ngả theo một trong hai thế lực, hoặc Tây Sơn hoặc chúa Nguyễn. Quân Tây
Sơn chiếm giữ Thuận Thành năm 1776, chúa Nguyễn lấy lại năm 1779, Tây Sơn tái
chiếm năm 1791, Nguyễn Ánh chiếm lại năm 1793. Quân Tây Sơn trở lại Thuận Thành
năm 1794, Nguyễn đẩy lùi năm 1798. Sau những cuộc xung đột liên tục này, dân
chúng không còn biết nghe ai.
Từ 1781 đến 1783, trấn Thuận Thành tuy có vua (do Tây Sơn
đưa lên) nhưng không được chúa Nguyễn công nhận. Năm 1782, một vương tôn dòng Kế
Bà Tử tên Po Tithuntirai Deparan (tên Việt là Tá) xin theo Nguyễn Huệ. Năm
1783, Tá chiếm cao nguyên Đồng Nai thượng chống lại Nguyễn Ánh. Cũng trong năm
1783, một lãnh tụ Chăm Bà La Môn tên Po Tolripho từ Ấn Độ về lập chiến khu chống
lại người Việt nhưng bị Nguyễn Huệ đánh bại. Po Tolripho phải chạy lên Cheo Reo
(Phú Bổn) ẩn lánh trong các buôn làng người Thượng.
Năm 1790 Nguyễn Ánh chiếm lại trấn Thuận Thành, cháu Kế Bà
Tử là Môn Lai Phu Tử được phong làm chưởng cơ cai quản trấn Thuận Thành, sau đó
bị bãi chức vì tình nghi theo Nguyễn Huệ. Po Ladhun Paghuh, hay Thôn Ba Hú, được
phong làm chưởng cơ (tiểu vương) Thuận Thành. Tước Thuận Thành trấn phiên vương
bị bãi bỏ.
Để tưởng thưởng các trung thần, Nguyễn Ánh ban họ Nguyễn cho
những vương tôn Chăm trung thành. Môn Lai Phù Tử, cháu Kế Bà Tử, mang tên Nguyễn
Văn Chiêu ; Po Ladhun Paghuh thành Nguyễn Văn Hào ; Po Sănuncăn là Nguyễn Văn
Chấn... Năm 1793, Nguyễn Văn Hào (Po Ladhun Paghuh) được phong làm chánh trấn
Thuận Thành, Nguyễn Văn Chấn (Po Sănuncăn) làm phó trấn.
Năm 1794, quân Tây Sơn tiến vào Thuận Thành, Nguyễn Văn Hào
chạy vào Gia Định. Năm 1796, Po Thong Khang, một thủ lĩnh người Chăm Hồi giáo tại
Dã Giang, pháp danh Tăng Ma, theo Tây Sơn bị đánh bại tại Phô Châm. Tháng
10-1796, tù trưởng hai huyện Phô Châm và Đồng Phủ nổi lên đánh phá quân chúa
Nguyễn nhưng liền bị đánh dẹp. Năm 1798 Nguyễn Ánh làm chủ Thuận Thành và giao
cho Nguyễn Văn Hào cai trị. Năm 1799, Nguyễn Văn Hào mất, Nguyễn Ánh đưa Nguyễn
Văn Chấn lên thay.
Dưới thời Gia Long (1802-1820), qui chế tự trị của người
Chăm được duy trì trong chừng mực. Phong trào di dân và chính sách ban thưởng
ruộng đất cho các công thần tại trấn Thuận Thành đã đẩy những người không chấp
nhận sự cai trị của nhà Nguyễn vào chốn rừng sâu và đất cao. Dòng họ còn lại của
vị vua cuối cùng là Po Chongchan không được Gia Long nhìn nhận, tất cả bỏ sang
Chân Lạp tị nạn. Những vùng đất tốt quanh thành Đồ Bàn cũ trước kia, do người
Chăm Hroi cư ngụ và bị kết tội theo Nguyễn Huệ, đều bị tịch thu. Thành Đồ Bàn bị
đổi tên thành Bình Định, tức đã dẹp yên được loạn Tây Sơn.
Về hành chánh, Gia Long sát nhập trấn Thuận Thành (trước
kia trực thuộc thuộc phủ Bình Thuận) vào Gia Định thành và phong Nguyễn Văn Chấn
(Po Săununcăn) làm chính vương, dưới quyền quản trị trực tiếp của tổng trấn Lê
Văn Duyệt. Tước vương này tương đương với chức chưởng cơ của triều đình Huế và
được người Chăm nhìn nhận như là vua (patau). Năm 1807, Nguyễn Văn Vĩnh (Po
Klănthu) lên thay và được phong làm phó vương.
Lo sợ thế lực của Lê Văn Duyệt lấn át uy quyền của mình tại
miền Nam, năm 1822 Minh Mạng đặt phủ Bình Thuận trực thuộc Phú Xuân. Phó vương
Nguyễn Văn Vĩnh bị triệu về Huế giam lỏng vì tình nghi theo Lê Văn Duyệt. Phó tổng
trấn Gia Định thành kiêm trấn thủ phủ Bình Thuận, Trương Văn Chánh, cũng bị triệu
về kinh, một thân tín của Minh Mạng là Mai Gia Lương được đưa vào thay.
Năm 1823, khi chính vương Nguyễn Văn Chấn lâm bệnh qua đời,
Mai Gia Lương đưa một người Chăm thân tín tên Bait Lan lên thay nhưng không được
người Chăm công nhận. Minh Mạng buộc phải đưa Nguyễn Văn Vĩnh về làm vương để
giữ yên nhân tâm và ban cho ấn đồng "Quản Lý Thuận Thành Quan Phòng".
Với sự tín cẩn này, Nguyễn Văn Vĩnh áp dụng chính sách cai trị khe khắt của
Minh Mạng khiến dân chúng Chăm bất mãn và không nhìn nhận ông là truyền nhân
đích tôn của dòng Kế Bà Tử. Nhiều nhân sĩ Chăm vào Gia Định cầu cứu Lê Văn Duyệt
nhưng tả quân bất lực vì Minh Mạng đã tước hết quyền. Các nghi lễ của người
Chăm bị cấm cử hành ngoài trời và chốn đông người.
Năm 1829 Nguyễn Văn Vĩnh mất, không người kế vị. Lê Văn Duyệt
đề nghị Nguyễn Văn Nguyên (hoàng tử Po Dhar Kauk), con Nguyễn Văn Vĩnh, lên làm
phó vương Gia Định Thành kiêm trấn thủ trấn Thuận Thành, hiệu Po Kabait Thvac,
lên thay. Minh Mạng, ngược lại, chọn Nguyễn Văn Thừa (Po Phauk Tha), con Nguyễn
Văn Chấn, lên thay nhưng chỉ cho giữ chức tuần phủ (kham ma).
Nhiều phong trào chống đối nhà Nguyễn đã xảy ra nhưng đều bị
dep tan trong biển máu như cuộc nổi dậy của Tà La Văn (Ja Lidon), một người Thượng
ở Cam Tăng, Phan Thiết, năm 1823 ; của Nvait Kabait, một tướng người Thượng
trên Đồng Nai thượng, năm 1826 ; của Katip Sumat, một tu sĩ Hồi giáo toàn
nguyên, kêu gọi thánh chiến chống các đạo khác tại Ninh Thuận năm 1833 ; của Ja
Thakva (Điền Sư), tại Bình Thuận năm 1834.
Minh Mạng buộc người Chăm phải lấy một trong sáu họ Việt do
chính nhà vua ban: Nguyễn, Dụng, Lâm, Diệp, Hắc, Tôn. Về sau có thêm các họ:
Thiên, Quảng, Bá, Đàng, Thiết, Thổ, Dương v.v... Người Bani có các họ Inh
Khrit, Inh Gra, Yang Inh, Than Bra, Băng Tay Bajang, Popat v.v... Tên thánh của
người Chăm theo đạo Hồi tại Châu Đốc phải phiên âm ra tiếng Nôm thành một họ
như Hosen thành Châu Sanh, Mahli thành Mạch Ly v.v...
Trong hai năm 1854 và 1858, nhiều người Chăm Islam sống sót
sau những cuộc tàn sát của quân Khmer chạy qua Châu Đốc tị nạn, được Trương
Minh Giảng cho định cư cùng với những người Chăm có mặt từ trước ở vùng biên giới
dọc theo sông Hậu gần Châu Đốc (rạch Bình Gỉ) và Tây Ninh ; tất cả sinh sống bằng
nghề trồng rau quả, lúa nước và thương mại. Người Chăm miền Tây thành lập được
7 làng (Châu Giang, Katambong, Phum Soài, Lama, Kakôi, Ka Côki và Sàbâu), dân số
khoảng 5.000 người chia làm 9 đội đặt dưới sự cai quản của quan hiệp quản người
Kinh tại Châu Giang.
Từ 1954 đến nay
Dưới thời Pháp thuộc (1884-1954), người Chăm được xếp hạng
ngang với người Kinh nên không hưởng một qui chế đặc biệt nào. Họ được toàn quyền
sinh hoạt tôn giáo. Chỉ sau năm 1946, khi phong trào Việt Minh xâm nhập vào các
thôn làng Chăm, người Pháp mới chú tâm đào tạo thanh niên và phát triển những
vùng dân cư gốc Chăm. Hậu duệ cuối cùng của Po Chongchan là một hoàng hậu, từ
trần tại Huế năm 1927, không người thừa kế, chấm dứt dòng vương chính thức của
Nam Chiêm Thành.
Sau năm 1954, người Chăm chịu sự quản trị trực tiếp của chính
phủ Việt Nam Cộng Hòa. Địa phận Thuận Thành xưa kia được chia thành hai tỉnh
Ninh Thuận (thủ phủ là Phan Rang) và Bình Thuận (thủ phủ là Phan Thiết). Riêng
tỉnh Bình Thuận, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập thêm quận Phan Lý Chàm,
tách khỏi huyện Hòa Đa. Hai quận An Phước (Ninh Thuận) và Phan Lý Chàm (Bình
Thuận) do chính người Chăm tự quản lý lấy vì có số đông. Ông Thanh Giác làm quận
trưởng quận Phan Lý Chàm, sau là dân biểu quốc hội năm 1966 ; ông Quảng Đại
Minh làm quận trưởng quận An Phước. Về chính trị, hai nhân vật này đại diện cho
đẳng cấp lãnh đạo người Chăm trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tranh đấu ôn hòa
trong các định chế hợp pháp của chính quyền miền Nam để quyền sinh tồn và phát
triển của cộng đồng người Chăm được tôn trọng.
Tại những nơi đông dân cư Chăm sinh sống, vì lý do an ninh
kể từ sau 1965 vai trò lãnh đạo hành chánh địa phương do những sĩ quan quân đội
Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm. Những nhân vật quản trị cộng đồng người Chăm là những
sĩ quan quân đội gốc Kinh do vị tướng chỉ huy trưởng Vùng II Chiến Thuật chỉ định,
năm 1968 quyền này được giao lại cho những sĩ quan gốc Chăm. Cho đến năm 1975,
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đào tạo được nhiều sĩ quan cao cấp: 1 trung tá
và 7 thiếu tá.
Trong nội bộ cộng đồng người Chăm, những sĩ quan và cán bộ
hành chánh gốc Chăm hợp tác chặt chẽ với các lãnh tụ tôn giáo địa phương để quản
trị, đặc biệt là việc cắt đặt ngày giờ tế lễ giữa hai tôn giáo Bà La Môn và
Bani tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Những đòi hỏi của người Chăm tại Việt Nam ít
được chính quyền miền Nam nâng đỡ hay chú ý tới vì không bị coi là kém phát triển,
chính vì thế trong cuộc nổi dậy của phong trào FULRO năm 1964 có nhiều lãnh tụ
Chăm tham dự.
Sau tháng 4-1975, không những cộng đồng người Chăm cũng
không được chính quyền cộng sản nâng đõ hơn mặc dù nhận được nhiều hứa hẹn
trong chiến tranh mà còn bị nghi ngờ theo tàn quân FULRO chống lại nhà nước. Để
loại trừ ảnh hưởng của các lãnh tụ tôn giáo, tháng 12-1981, chính quyền cộng sản
ban hành chỉ thị số 121/BBT cải tạo phong tục, tập quán, mê tín, dị đoan của
người Chăm (đả kích một số nghi lễ gây lãng phí tiền bạc, của cải, thời gian,
không vệ sinh và duy trì các hình thức bóc lột bằng phẩm vật thông qua việc thực
hiện các lễ cúng). Chỉ thị này gây chấn động trong giới tu sĩ và giáo dân Chăm,
một phong trào chống đối rầm rộ nổi lên và chính quyền cộng sản đã nhượng bộ:
cuối năm 1982, người Chăm được phép sinh hoạt tín ngưỡng theo tập tục riêng.
Hiện nay tất cả những lễ nghi lớn của người Chăm tại Thuận
Hải đều do bà Nguyễn Thị Thềm chủ lễ. Thật ra bà Thềm - hiện cư ngụ tại làng Tịnh
Mỹ (tên cũ là Bal Chanar), thị xã Phan Lý Chàm - chỉ là con cháu của một vị tướng
(không rõ tên và cũng không biết thời nào), nhưng vì còn lưu giữ kiếm và áo mão
của tổ tiên nên được công nhận là truyền nhân của dòng quan lại (chứ không phải
vua) cuối cùng của trấn Thuận Thành. Tìm người kế thừa vai trò của bà Thềm
trong việc tế lễ hiện nay đang được đặt ra vì bà Thềm không có con, em trai của
bà là ông Dung Gạch không có vai trò trong chế độ mẫu hệ.
Về dân số, năm 1963 trên toàn quốc có 51.975 người Chăm,
trong đó 33.600 cư trú tại Ninh Thuận và Bình Thuận, 3.000 tại Bình Định, 915 tại
Bình Tuy, 1.760 tại Tây Ninh và 12.700 tại Châu Đốc. Năm 1970 toàn miền Nam có
khoảng 75.000 người Chăm, 2/3 sống tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 1989, dân
số Chăm tăng lên 99.000 người, hiện nay trên 110.000 người. Đa số sống bằng nghề
nông và tiểu thủ công nghiệp, chỉ một số rất ít cộng tác với chính quyền trong
các lãnh vực hành chánh, an ninh và giáo dụïc. Những đại biểu quốc hội và chức
sắc "dân cử" địa phương không có uy tín trong cộng đồng.
Từ năm 1975 đến nay, có hơn 22.000 người Chăm tị nạn tại khắp
nơi trên thế giới, trong số này hơn 4/5 là người Chăm tại Kampuchia (khoảng
2.000 người đã di tản ngay khi Phom Penh thất thủ), và được phân chia như sau:
Pháp có hơn 1.000 người (hơn 30 người Chăm đi từ Việt Nam), Đan Mạch: 250,
Canada: 400, Úc: 400, Hoa Kỳ khoảng 2.000, đông nhất là tại Malaysia: hơn
10.000. Những người Chăm di tản chỉ sinh hoạt riêng với nhau, không giao thiệp
với người Việt di tản. Người Kampuchia gốc Chăm thường tỏ ra quá khích trong việc
bài xích Việt Nam và vẫn tiếp tục xúi giục thành lập vương quốc Champa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét