Mỗi độ Xuân về là các dân tộc thiểu số ở Hà Giang lại nô nức
tổ chức các lễ hội đậm đà hương vị cổ truyền của dân tộc như lễ hội Lồng Tồng,
lễ hội Gầu Tào, lễ hội cầu Trăng,... với mong muốn một năm mới gặp nhiều điều
may mắn, mùa màng bội thu,... Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu, khám phá và trải
nghiệm nét văn hóa đặc sắc của con người nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc các bạn
nhé!
Mỗi độ Xuân về là các dân tộc thiểu số ở Hà Giang lại nô nức
tổ chức các lễ hội đậm đà hương vị cổ truyền của dân tộc như lễ hội Lồng Tồng,
lễ hội Gầu Tào, lễ hội cầu Trăng,... với mong muốn một năm mới gặp nhiều điều
may mắn, mùa màng bội thu,... Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu, khám phá và trải
nghiệm nét văn hóa đặc sắc của con người nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc các bạn
nhé!
1. LỄ HỘI
LỒNG TỒNG
Đến với Hà Giang, quý khách có cơ hội tham gia Lễ hội Lồng
Tồng Của Dân Tộc Tày, lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức vào những ngày
đầu tháng giêng hàng năm của người dân địa phương để cầu trời cho mưa thuận gió
hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Chính vì vậy, ngay từ
sáng sớm bà con đồng bào dân tộc đã đến rất đông tham gia lễ hội. Lễ hội được
chia làm 2 phần đó là phần lễ và phần hội.
Phần lễ là các nghi thức cúng lễ của thầy cúng có uy tín,
được dân làng tin tưởng đọc các bài khấn và cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối…
Những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng.
Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ
đặc sắc như hát then, hát cọi của các chàng trai, cô gái đến từ các thôn trong
xã. Sau đó, nội dung tung còn được diễn ra nhộn nhịp trên mảnh ruộng lớn. Đây
là trung tâm của lễ hội. Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc
sỡ được tung lên trời hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn
trên đỉnh cây mai cao khoảng 25m dựng giữa mảnh ruộng. Đông đảo thanh niên trai
gái đua nhau so tài khéo léo. Ai ném quả còn lọt qua được vòng tròn sẽ là người
thắng cuộc và may mắn nhất trong năm. Vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là
mang lại một năm mới đủ đầy, no ấm và hạnh phúc cho tất cả người dân trong bản.
Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều trò chơi khác như: Thi cày ruộng, kéo co, đẩy gậy,
ném còn được đông đảo bà con tham gia, Tiết mục kéo co được đông đảo người dân
tham gia, Tiết mục đẩy gậy để chọn ra những người khỏe nhất, Thi cày ruộng là
nét văn hóa không thể thiếu trong lễ hội Lồng Tồng.
2. LỄ HỘI
GẦU TÀO
Gầu Tào là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người
Mông. Lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mồng Một đến ngày Rằm tháng
Giêng, nhằm mục đích cầu phúc hay cầu mệnh. Nếu hội tổ chức ba năm liền thì mỗi
năm tổ chức 3 ngày, còn hội làm gộp một năm sẽ tổ chức trong 9 ngày. Gầu Tào là
lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất và cũng nhiều nghi thức đặc sắc nhất
của người Mông.
Gầu Tào” theo tiếng Kinh có nghĩa là lễ cúng, trong đó, sẽ
tạ trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh,
con trai nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên, dòng họ; cầu phúc, cầu lộc, tạ
ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy
sàn... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát
giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu xuân...
Đây là sinh hoạt tín ngưỡng gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ có những nghi thức thể hiện bản sắc văn hoá của người Mông. Phần lễ bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật cúng thần như: thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, xôi, rượu… Ngoài ra, nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất trong lễ hội Gầu Tào chính là lễ dựng cây Nêu, bởi chính nghi lễ này báo hiệu cho mọi người biết gia chủ đang tổ chức lễ hội Gầu Tào. Tại địa điểm dựng Nêu cũng dựng hai cọc gỗ to, cao, bên trên buộc một xà ngang dùng để treo chùm ngô và thóc, tượng trưng cho việc cầu sự no ấm của gia chủ. Địa điểm tổ chức do thầy cúng lựa chọn, thường là ở ngọn đồi hay trên mô đất cao.
Đây là sinh hoạt tín ngưỡng gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ có những nghi thức thể hiện bản sắc văn hoá của người Mông. Phần lễ bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật cúng thần như: thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, xôi, rượu… Ngoài ra, nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất trong lễ hội Gầu Tào chính là lễ dựng cây Nêu, bởi chính nghi lễ này báo hiệu cho mọi người biết gia chủ đang tổ chức lễ hội Gầu Tào. Tại địa điểm dựng Nêu cũng dựng hai cọc gỗ to, cao, bên trên buộc một xà ngang dùng để treo chùm ngô và thóc, tượng trưng cho việc cầu sự no ấm của gia chủ. Địa điểm tổ chức do thầy cúng lựa chọn, thường là ở ngọn đồi hay trên mô đất cao.
Trong lễ hội Gầu Tào, phần lễ trang nghiêm thì phần hội thể
hiện rõ cái không khí náo nức của hội hè. Hội thường được tổ chức trên một khu
đất đồi tương đối bằng phẳng hay trên các triền đồi, có cảnh quan thiên nhiên
thuận lợi cho việc du xuân chơi núi của đồng bào. Phần hội là thời gian vui hơn
cả. Gia chủ sẽ hát những bài hát ca ngợi bản mường, chúc tụng mọi người nhân dịp
năm mới. Lẫn trong màu xanh của núi rừng là màu áo chàm của các chàng trai và sắc
màu rực rỡ của váy áo các cô gái. Họ thổi khèn, múa khèn, mời nhau chén rượu
ngô thịnh tình và cùng say trong tiếng khèn tha thiết, mời gọi không dứt... Đây
cũng là lúc những chàng trai, cô gái tổ chức những trò chơi truyền thống như:
đánh yến, leo cột lấy bầu rượu... tạo không khí vui tươi và nhộn nhịp của ngày
Tết vùng cao.
Cuộc vui kết thúc, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn tổ
tiên, trời đất, thần linh, xin phép hạ cây nêu, đốt giấy sớ, đem bầu rượu buộc
trên ngọn Nêu tưới khắp các hướng của đồi núi. Lễ hội Gầu Tào không chỉ là nơi
để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là nơi để người Mông thỏa mãn nhu cầu tinh
thần, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Lễ hội Gầu Tào là một
nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông ở Hà Giang nói riêng,
các tỉnh vùng cao du lịch Tây Bắc nói chung.
3. LỄ HỘI
CẦU TRĂNG
Đến với Hà Giang trong những ngày Rằm tháng Tám âm lịch, du
khách sẽ có dịp chứng kiến lễ hội cầu Trăng hết sức độc đáo của đồng bào Tày ở
thôn Bản Loan, xã Yên Định huyện Bắc Mê.
Được tổ chức vào đúng ngày Rằm tháng Tám (Tết Trung Thu), Lễ
hội cầu Trăng có hai phần lễ và hội. Phần lễ thường được tổ chức vào tối 14/8
âm lịch trên một bãi đất rộng với các nghi thức "cúng thổ công chúa bản"
tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào
đêm hôm sau.
Lễ vật gồm thịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc.
Sau khi thực hiện xong nghi lễ trình báo mẹ Trăng và 12 nàng tiên, già làng tiến
hành các nghi lễ cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt
tươi; mời mẹ Trăng và các nàng tiên về ban mùa màng và phước lành cho dân bản.
Đêm hôm sau, đúng vào ngày Rằm tháng Tám, khi mẹ Trăng lên
khỏi đỉnh núi và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở
sân. Lúc này thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân
cúng tế múa vòng quanh giàn cúng khi khai hội đón Trăng.
Sau khi đã làm lễ cầu mẹ Trăng và các nàng tiên ban cho các
cây, con giống tốt, gặp nhiều điều kiện thuận lợi trong gieo trồng, sản xuất
chăn nuôi, tất cả bà con trong bản quây quần uống rượu, múa hát quanh xung bàn
lễ. Trai gái đều mặc những trang phục đẹp nhất, nhất là các cô gái trở nên xinh
đẹp nổi bật với những trang sức bằng vòng tay, vòng cổ và xà tích bằng bạc. Họ
say sưa hát những làn điệu dân ca, tiếng hát cọi, hát yếu... chan chứa tình yêu
quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi.
Khi đến với lễ hội cầu Trăng, không chỉ được nghe hát những
làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, du khách còn được thưởng thức các món ẩm
thực truyền thống của bà con dân tộc Tày như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt
lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối
vừng.
Đêm hội cầu Trăng kết thúc khi mẹ Trăng lên giữa đỉnh đầu,
cả bản lưu luyến làm lễ tiễn mẹ Trăng về trời, sau đó họ lại tiếp tục ngân nga
trong câu hát then, hát cọi đầy sức lôi cuốn lòng người. Kết thúc buổi lễ, già
làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con trong bản một vụ
mùa gieo trồng thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm.
4. LỄ HỘI
CẤP SẮC
Trong các nghi lễ truyền thống của người Dao có một nghi lễ
đặc biệt được gọi là lễ Cấp sắc hay lễ Lập tịnh chỉ có ở nam giới, cho đến nay
vẫn được bảo tồn và duy trì. Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ
cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc, chưa được cấp đạo
sắc, chưa có tên âm. Người đã qua Cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng
thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy
cúng cúng bái.
Họ cũng quan niệm rằng có trải qua lễ Cấp sắc mới biết lễ
phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được
đoàn tụ với tổ tiên. Nếu gạt bỏ những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì lễ Cấp sắc
có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện,
không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng
kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị.
Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc
tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi.
Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền
thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già, trong khi đó ở người
Dao Áo Dài là 11-19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức Cấp sắc cho một đợt tối
đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ; người Dao Áo Dài mỗi
lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Gần đến ngày lễ, gia đình phải
cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi
nhau, ngủ chung... Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các
gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu,
y phục thầy cúng...
Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc: người Dao Đỏ và Dao Áo
Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn. Mỗi lễ cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm
các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Các thầy cúng trước khi hành lễ
đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp
đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người
Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ,
các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo
sách cấp sắc; người thụ lễ, có khi cả vợ anh ta cũng phải thực hiện nhiều động
tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Khác với nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền, người
Dao Áo Dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ
phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ,
rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong
lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm
Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ
lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì
nghi lễ mới kết thúc.
5. LỄ HỘI
CHỢ TÌNH KHÂU VAI
Tham Gia chuyến du lịch hà giang du khách sẽ được hòa mình
vào Lễ hội chợ tình Khâu vai mỗi năm một lần duy nhất vào dịp 27/3 (âm lịch) Du
khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất
trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn
du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng
trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy...
Hàng năm mỗi độ xuân về cao nguyên đá Đồng Văn đang ấm
dần trở lại bởi sắc hoa Đào, hoa Lê, hoa Mận... Mùa lộc biếc, bồi hồi trong mắt
người thương... mùa xuân cũng là mùa lễ hội của các dân tộc với sắc màu rực rỡ,
náo nhiệt đầy tính nhân văn. Trong các lễ hội tiêu biểu phải kể đến lễ hội “Chợ
tình Khâu vai” hết sức độc đáo, ấn tượng khó quên.
Từ thị trấn Mèo Vạc huyện Mèo Vạc du khách có thể đi bằng
xe gắn máy hoặc ô tô ngược qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù đến với Khâu Vai: Từ lâu đời
cái xóm nhỏ heo hút ở vùng cao núi đá huyện Mèo Vạc mang tên Khâu Vai đã trở
thành nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, của
cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau . Nơi đây còn được gọi bằng
cái tên thật đẹp “Chợ Phong lưu” một hiện tượng văn hoá đặc sắc hiếm có ở Việt
Nam và có lẽ cả trên thế giới.
6. LỄ HỘI
NHẢY LỬA
Lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm, khi thời tiết
đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Ðống lửa sẽ giúp mang lại
sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ
cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. Để bắt đầu một lễ hội
nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh, thời gian làm lễ kéo dài
1–2 giờ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu.
Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ
ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc “nhập đồng” cho người nhảy lửa. Sau
đó anh ta nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Mỗi
người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục làm lễ “nhập đồng”.
Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo
và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này
luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.
7. TẾT CỦA
NGƯỜI LÔ LÔ
Một mùa xuân nữa tràn về, những người Lô Lô đang cố hoàn
thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân mới.
Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người
Lô Lô mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống. Từ hôm 28 - 29 tháng Chạp, mọi
nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đưa rác rưởi trong nhà ra các ngã ba, ngã
tư đổ, với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài
lộc năm mới.
Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa
cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ
chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em
sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà,
con gái cúng bằng gà trống.
Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những
gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa,
cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để
các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di
chuyển đi nơi khác.
Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều
thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện
cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi
qua các nhà để xin lộc bằng cách "lấy trộm" vài thanh củi, mấy ngọn
rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ,
ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các
ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.
Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng
gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con
gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ
nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ
qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người
thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang
làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng.
Tết của người Lô Lô cũng là cuộc gặp gỡ những người trong
nhà. Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết
đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu:
"Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn", cho nên,
ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng
ông bà, cha mẹ.
8. MỘT SỐ LƯU Ý VỀ PHONG TỤC,
VĂN HÓA KHI ĐẾN HÀ GIANG
Hà Giang là địa phương tập trung rất nhiều dân tộc anh em
sinh sống, chiếm đa số có người H-Mông, Dao, Giáy... những người dân tộc nơi
đây có rất nhiều những tập tục, kiêng kỵ khác với người miền xuôi, để tránh hiểu
nhầm, mất lòng và những xung đột không đáng có, thì các Bạn cũng nên tham khảo
1 số những kinh nghiệm của blog Phượt như sau:
Các bản làng của người dân tộc là nơi mà khách du lịch rất
thích thú khi được thăm quan và người dân ở nơi đây cũng khá thân thiện, hiếu
khách, nhưng cũng có rất nhiều điều cần lưu ý khi thăm quan nơi đây:
- Nếu thấy trước cổng Bản, cửa nhà người H-Mông, người
Dao.. treo chùm lá cây xanh trên cột cao, hoặc cắm cọc dấu thì không nên vào,
vì đó là lúc mà người dân trong Bản thực hiện nghi lễ thờ cúng thần làng, xua
đuổi tà mà nên người ta rất kiêng kị việc có người lạ vào trong Bản.
- Đi lại trong bản không nên nói to, cười đùa gây mất trật
tự, xả rác bừa bãi , gặp các cháu nhỏ không nên ôm ấp, xoa đầu vì người dân nơi
đây quan niệm như vậy sẽ làm các cháu bị ốm.
- Trang phục mặc vào Bản cũng không nên mặc đồ toàn màu trắng
vì đó là màu của sự tang tóc.
- Không huýt sáo khi ở trong Bản, vì người dân nơi đây quan
niệm làm như vậy sẽ gọi ma quỷ về quấy nhiễu.
- Tại mỗi Bản làng dân tộc thì đều có những khu rừng
thiêng, những nơi thờ thần rừng, thần núi, thần sông đó có thể là những gốc cây
to hoặc những tảng đá lớn, khi tới đây các Bạn tuyệt đối không được xả rác bừa
bãi, nói chuyện cười đùa, hay có những hành động không đẹp mắt.
Nét mộc mạc của người H-Mông trên mảnh đất Hà Giang
Cách ứng xử khi trò chuyện, tiếp xúc trong nhà của người
dân tộc cũng rất quan trọng và nhiều điều kiêng kị các Bạn nên biết:
- Trước khi vào nhà của người dân phải xin phép chủ nhà trước,
không tự ý xâm phạm đồ dùng, tài sản của người dân.
- Trong nhà của người dân tộc có lẽ các thiêng liêng nhất
là “cột cái” của nhà, là chiếc cột cao và to nhất thường ở gian giữa của nhà,
là nơi thờ cúng, nơi ma nhà trú ngụ do đó tuyệt đối các Bạn không ngồi tựa
lưng, treo quần áo tại đây.
- Ăn uống, ngủ nghỉ các Bạn nên tuân thủ sự chỉ dẫn, sắp xếp
của chủ nhà, vì người dân tộc quan niệm rất rõ ràng về vai vế, chỗ ngồi, chỗ ngủ.
Thường chúng ta nên tránh ngồi đầu bàn, ngồi ở gian thờ cúng. Và không nên rót
rượu trước, gắp đồ ăn trước chủ nhà.
- Trong nhà bếp của người Dao không nên treo quần áo, không
đặt chân, làm xê dịch các hòn đá trong nhà bếp vì đây là nơi trú ngụ của thần lửa.
Không đút ngược cây tre, cây củi vào bếp vì quan niệm sợ con gái gia chủ sẽ đẻ
ngược.
- Khi nói chuyện không nên chỉ tay vào người đối diện, nếu
được mời rượu, nếu muốn khước từ thì phải nói thật khéo léo để chủ nhà hiểu và
thông cảm, không nên úp chén, úp bát xuống vì hành động đó chỉ có thầy phù thủy
mới được làm để xua đuổi tà ma.
Phiên chợ Sà Phìn - nét văn hóa người dân tộc trên Hà Giang
Hứa
Ban Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét