Không rầm rộ như các phiên “chợ tình” ở vùng cao Tây Bắc,
“chợ tình” ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) lại có nét độc đáo
riêng. Chợ họp duy nhất vào ngày 4.4 âm lịch hàng năm, gọi là ngày “mì seèng phẩy
hêy dảo” - tiếng Dao nghĩa là ngày “kiêng gió”.
Ngày này, ngoài trai thanh, gái lịch hẹn hò tìm hiểu thì
các cặp đôi dang dở cũng không hẹn mà lưu luyến tìm về…
Nhắc đến “chợ tình” – nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu
số vùng cao, chúng ta sẽ nhớ đến chợ tình Sa Pa (Lào Cai), “chợ tình” Khau Vai
(Hà Giang), “chợ tình” Mộc Châu (Sơn La) và còn rất nhiều phiên chợ tình chưa
được khám phá. Một trong những phiên “chợ tình” chưa được du khách khám phá nhiều
đó là "chợ tình" Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) tổ chức vào
ngày 4.4 âm lịch hàng năm.
Múa sạp trong phiên "chợ tình" ở xã đồng văn, huyện
Bình Liêu
Vào ngày này, chúng tôi không làm bất cứ công việc gì, bởi
nếu mình có làm thì cũng không được thuận buồm xuôi gió. Nếu cố tình làm sẽ bị
“thần gió” phá hết, mưa bão sẽ cuốn trôi, làm nhà nhà đổ, trồng cây thì cây
không phát triển được, trồng lúa lúa không trổ bông... Vào ngày này đàn ông,
đàn bà, con trai, con gái đều bình đẳng như nhau được tự do đi mua sắm, đi chơi
thoải mái, hát hò, uống rượu đến say mới về mà không bị ai chê cười và phê
phán”.
Theo
tìm hiểu của chúng tôi, “chợ tình” Đồng Văn hay còn gọi là ngày “kiêng gió” trước
đây chủ yếu chỉ có sự tham gia của người Dao và do người dân các bản tự quy định
và tổ chức với nhau. Nhằm duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc vốn có từ
lâu đời. Năm 2009, xã Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch và đứng ra tổ chức ngày
“kiêng gió” của người Dao với tên gọi “Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Đồng
Văn”. Kể từ đó không chỉ có đồng bào Dao mà các dân tộc trong và ngoài huyện có
thể đến tham dự và góp vui.
Cũng
như các “chợ tình” ở Khau Vai, Sa Pa..., “chợ tình” Đồng Văn là nơi để những
thiếu nữ đương xuân, những chàng trai tuấn tú gặp gỡ tìm hiểu lẫn nhau để rồi
bén duyên và nên vợ, nên chồng. Bên cạnh đó, "chợ tình" còn là nơi kết
nối những mối tình dang dở, là sợi chỉ đỏ dẫn lối cho những tình cảm tuổi trẻ đầy
tiếc nuối của những cặp đôi không thể đến với nhau có dịp gặp lại.
Câu
hát “sán cố” mang đậm nỗi niềm chất chứa khổ đau của cô gái người Dao mà chúng
tôi được nghe khi lần đầu đến với “chợ tình” nơi đây lại vang lên như trách móc
bạn tình: “Em tìm anh nhưng sao chẳng thấy, cái chân đã mỏi, mặt trời xuống núi
biết bao giờ mới tìm được anh. Anh đang ở đâu, hay anh đã có người khác? Lời hẹn
năm xưa anh còn nhớ không?”.
Qua
đôi ba chén rượu và vài câu hỏi xã giao, anh Chíu Chăn Tắc tâm sự: “Hôm nay,
ngoài việc xuống chợ để cùng bạn bè ngồi uống rượu, ca hát, mình còn mong muốn
gặp lại “người xưa” dù chúng mình không thành vợ, thành chồng. Mình muốn xem cuộc
sống của bên ấy như thế nào, có hạnh phúc không. Hôm nay, có đi gặp người đấy vợ
cũng không ghét vì đã là tục lệ rồi, vợ mình cũng vậy, nó cũng được thoải mái
đi chơi, uống rượu”.
Thiếu nữ Dao Thanh Phán
Hơi men nồng phảng phất khắp “chợ tình”, mọi người từ thanh
niên đến người cao tuổi, có cả đàn bà và thiếu nữ xuân thì, người Kinh, người
Tày, người Sán Chỉ và người Dao đều tề tựu đông đủ dọc khắp các quán rượu quanh
chợ và hai bên đường để cùng nhau uống rượu, tận hưởng cảm giác ngất ngây của
men rượu, men tình trước khi trở về với công việc tất bật của ngày hè.
Những
câu hát “Sán cố” nghêu ngao, những tiếng hò giao duyên, tiếng hát then lúc trầm,
lúc bổng bất chợt ngân lên, lẫn trong những lời nói thì thầm hàn huyên và tiếng
cười vang dội một góc chợ.
Đến
với “chợ tình” Đồng Văn vào ngày “kiêng gió”, bức tranh đậm màu sắc văn hóa dân
tộc còn được thể hiện qua chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ do đội văn nghệ
quần chúng các thôn bản trên địa bàn xã Đồng Văn thể hiện. Trong đó, đặc sắc là
những câu hát giao duyên, đối đáp qua làn điệu “Sán cố”, những bài hát tiếng
Dao được thể hiện theo nhạc mới như mời gọi bạn tình cất bước nhanh về gặp mặt,
tâm sự hòa vào đó là tiếng khèn bổng trầm qua tiết mục tấu kèn “piêng diệt”
truyền thống của đồng bào.
Ngoài
ra, du khách sẽ được tận mắt xem phụ nữ Dao thêu hoa văn trên vạt áo người Dao
Thanh Phán, và xem những màn trình diễn trang phục dân tộc, thi giã bánh (pẻng
xì), được khám phá lễ cấp sắc – một lễ hội truyền thống tái hiện nghi thức quan
trọng trong cuộc đời của người đàn ông Dao. Đặc biệt, tục rước dâu của người
Dao sẽ được tái hiện lại để người dân và du khách hiểu rõ hơn phong tục cưới
xin của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu (Quảng Ninh).
“Chợ
tình” xã Đồng Văn diễn ra từ sáng sớm đến tối mới tàn cuộc vui. Tan chợ, từng
dòng người lại nối tiếp nhau xuôi về bản với sự quyến luyến không muốn rời cùng
lời hẹn ước năm sau gặp lại nhau tại chợ tình trong ngày “kiêng gió”.
Có
thể nói rằng “chợ tình” xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là nơi hội tụ
tinh hoa văn hóa các dân tộc ở địa phương. Ngày hội “Mì seèng phẩy hêy dảo” còn
góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, quảng bá bức tranh của phiên chợ tạo nên những
nét chấm phá riêng của người Dao ở Bình Liêu. Đây cũng chính là món ăn tinh thần
góp phần tô thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Minh Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét