“Chợ tình” ở Bình Liêu Tỉnh Quảng Ninh (Đàm Minh Phiếu)

Từ mờ sáng, các thiếu nữ Dao đã rủ nhau xuống Chợ tình...

Không phải chỉ ở Khâu Vai (Hà Giang) hay Sa Pa (Lào Cai) v.v.. mới có “chợ tình” mà ngay tại Bình Liêu, nét văn hoá mang bản sắc đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi này vẫn đang hiện hữu...
Hàng năm, cứ đến ngày mùng bốn tháng tư âm lịch, bà con dân tộc Dao (xã Đồng Văn) lại nô nức đi “chợ tình” trong ngày “kiêng gió”...

Truyền thuyết về ngày “kiêng gió”
Trong truyền thống văn hoá của người Dao ở huyện Bình Liêu, “Kiêng gió” đã trở thành một phong tục tập quán lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Cứ đến dịp đầu tháng tư âm lịch, các cô gái, chàng trai người Dao ở đây lại rủ nhau “Mì sèng phẩy hêy dảo” (tiếng Dao nghĩa là: Đi chơi chợ mùng bốn tháng tư). Ngày này gọi là ngày “Kiêng gió”. Người Dao quan niệm rằng, vào ngày mùng bốn tháng tư thì không nên làm bất cứ công việc gì, bởi có làm cũng không được thuận buồm xuôi gió, nếu làm nhà ắt nhà đổ, trồng cây thì cây không phát triển được... Cho nên, vào ngày này tốt nhất là hãy gác lại mọi công việc để đi chơi chợ, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: Ca hát, thổi kèn, ném còn, đẩy gậy, kéo co và… uống rượu thoải mái! Trong các hoạt động vui chơi ấy, các đôi bạn trẻ có dịp gặp nhau, tìm hiểu nhau trước khi đi tới hôn nhân. Và cũng như các “chợ tình” ở Khau Vai, Sa Pa v.v.. “chợ tình” Đồng Văn không chỉ là nơi các bạn trẻ gặp gỡ để tâm sự, tìm bạn tình mà còn là không gian để những người yêu nhau không đến được với nhau có cơ hội gặp lại người xưa; đến với “chợ tình”, mọi sự ghen tuông thường tình không còn hiện hữu, nó “theo gió” bay lên đỉnh núi Cao Ba Lanh ngút ngàn... “-Chẳng ai biết ngày “kiêng gió” có từ bao giờ” - Ông Dường Cắm Dìu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, nói - “Từ ngày tôi còn bé đã thấy có tục lệ này rồi. Trước là do bà con trong bản “tự biên tự diễn”, nhưng đến năm 2009, xã Đồng Văn quyết định đứng ra tổ chức. Từ đó không chỉ có đồng bào Dao mà các dân tộc khác trong và ngoài huyện cũng đến tham dự, làm nên một sắc màu văn hoá đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc…”…

“Hôm nay tao được say...”
Nằm dưới thung lũng Đồng Văn, tựa lưng vào đỉnh núi Cao Ba Lanh quanh năm mây phủ, “chợ tình” Đồng Văn hiện ra thật đẹp. Từ xa nhìn xuống, chợ được bao phủ bởi màu xanh của những cây hồi, cây quế, màu trắng của những bông hoa trẩu v.v.. và hoà vào đó là màu đỏ rực rỡ của xiêm áo các cô gái Dao...

Xa xa trên các sườn núi, thấp thoáng bóng dáng của những chàng trai, cô gái với trang phục dân tộc; tiếng í ới gọi nhau, tiếng khèn gọi bạn tình, tiếng xe máy chạy trên những dốc đá vôi v.v.. như phá tan đi bầu không khí yên tĩnh của núi rừng vùng cao.

6 giờ sáng, từng đoàn xe tải chở hàng nối đuôi nhau tiến vào chợ để bày hàng. Không khí rất náo nhiệt. Bác Tùng, một thương lái ở Tiên Yên, kể: “Năm nào cứ đến ngày mùng bốn tháng tư là tôi lại lên Đồng Văn. Chợ những hôm như thế đông lắm, bà con từ các nơi đổ về rất đông, không chỉ có người Dao mà người Tày, người Kinh, người Sán Chỉ và người Hoa v.v.. cũng đến”.
 
Hôm nay tao thoả sức... say!”

9 giờ sáng, người đi chợ mỗi lúc một đông. Trời nắng nóng, các hàng quần áo thưa người dần, thay vào đó, họ rủ nhau vào các quán bia, quán giải khát để tránh nắng. Từng két bia được bưng ra, hết két này đến két khác. Loại bia bán chạy nhất phải kể đến là bia “Hai woan” của Trung Quốc, tiếp đến là bia hơi. Họ uống một cách thoải mái, uống như chưa bao giờ được uống. Người Dao quan niệm rằng vào ngày “kiêng gió”, con trai cũng như con gái được tự do làm những điều mình thích. Họ được gặp lại người xưa, gặp lại bạn bè và đặc biệt là được tự do… say, bất kể nam giới hay phụ nữ. Dạo một vòng quanh chợ, đâu đâu cũng có hình bóng của các cô gái, các chị, các mẹ đang ngà ngà say. Trong hơi men, chị Chíu Thị Tuyến, ở bản Nà Choòng, xã Hoành Mô, tâm sự: “Hôm nay cả tao lẫn chồng đều được say. Bình thường chỉ chồng tao say, nhưng hôm nay là ngày của mình nên thoải mái uống, không ai được nói ai. Uống đến khi nào cái bụng không chịu được, cái chân không đi được mới thôi…”. Dọc các nẻo đường quanh chợ, thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài người say, khi say họ thường ca hát. Họ hát những điệu hát giao duyên để bày tỏ tấm lòng mình. Câu hát giao duyên vọng lại giữa núi rừng Cao Ba Lanh như trách móc, hờn dỗi bạn tình: “Em tìm anh nhưng sao chẳng thấy, cái chân đã mỏi, mặt trời xuống núi biết bao giờ mới tìm được anh. Anh đang ở đâu, hay anh đã có người khác? Lời hẹn năm xưa anh còn nhớ không?”...

Đàm Minh Phiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét