Sắc xuân trong trang phục các dân tộc (Bảo Bình)

Cao Bằng, mảnh đất biên cương - nơi hội tụ của 26 thành phần dân tộc, trong đó, có 8 dân tộc chính. Mỗi dân tộc đều có những trang phục truyền thống mang bản sắc riêng, thể hiện nghệ thuật tạo hình, trang trí độc đáo, tinh tế, là sản phẩm của trí tuệ, thị hiếu thẩm mỹ, “ngôn ngữ” biểu đạt cho giá trị di sản văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng biệt của mỗi dân tộc.

TRANG PHỤC DÂN TỘC TÀY
Người Tày và Nùng là hai dân tộc đông nhất ở tỉnh ta. Do sống ở vùng đồng, thuận lợi trong đi lại, lao động nên trang phục của dân tộc Tày, Nùng cũng mềm mại, thướt tha, tôn lên sự duyên dáng, đằm thắm của người phụ nữ. Đặc biệt, trang phục của người phụ nữ Tày từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp bình dị và độc đáo của dân tộc Tày ở khắp các miền đất.
Bộ áo của phụ nữ Tày ở gồm áo cánh, áo dài 5 thân, quần váy (chân váy). Áo cánh là loại bốn thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm, trắng hay màu xanh sậm tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ. Trên thân áo có trang trí những đường thổ cẩm nhỏ dọc theo đường cúc áo trước ngực hoặc ở khe xẻ tà hai bên và đầu cổ tay tạo cho tấm áo thêm rực rỡ. Áo dài 5 thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn ống tay và thân hẹp có eo. Người Tày khi đi chơi hội, lễ, Tết thường mặc lót bên trong “slửa khao” (áo trắng) để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu chàm. Trước đây, áo dài của phụ nữ Tày thường được may bằng vải nhuộm chàm nhưng nay nhiều người may bằng vải nhung mềm mại, ấm và bóng đẹp hơn. Ở giữa eo, người ta thiết kế thắt lưng bằng vải màu xanh tươi tạo sự cân đối, tôn lên dáng vóc cơ thể người phụ nữ. Phụ nữ Tày tóc vấn ngang đầu, ngoài chùm khăn vuông màu chàm gấp chéo giống kiểu “mỏ quạ” người Kinh. Ngoài quần áo, khăn đội đầu, người Tày còn dùng nón đan bằng tre lợp lá có mái bằng và đi giày vải. 
Trang sức phụ nữ Tày đơn giản nhưng có đủ các loại, như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Có nơi, người dân còn đeo túi vải, túi đựng trầu bên hông. Quan trọng nhất là vòng bằng bạc trắng to được đeo ở cổ, vòng rộng xuống 1/4 ngực làm cho cơ thể cân đối và màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền chàm. Trang phục truyền thống đã in sâu vào trong lối sống của người phụ nữ Tày. Dù cuộc sống hiện đại nhưng người phụ nữ trong mỗi bản Tày từ khi sinh ra, trở thành thiếu nữ cho đến khi cao tuổi đều may cho mình một bộ trang phục cổ truyền.
TRANG PHỤC DÂN TỘC NÙNG

Trang phục dân tộc Nùng.

Trang phục người Nùng có đường nét gần giống với trang phục người Tày nhưng có điểm phong phú hơn. Sắc thái chủ đạo vẫn là vải chàm. Loại vải này tự đôi bàn tay khéo léo của những phục nữ dân tộc Nùng bật bông, dệt vải làm nên, sau đó, lấy vỏ của một loại cây rừng giã nát và ngâm vào nước vôi trong để cho ra màu chàm nhuộm vải. Áo của phụ nữ Nùng có ống tay rộng, cổ tay, cổ áo trang trí bằng những mảnh vải nhiều màu sáng nhưng màu chính vẫn là màu chàm, khuy áo là một hàng cúc bằng nút vải bên nách phải, đoạn cổ tay và lá sen đắp một miếng vải và bốn túi áo không có nắp. Trang phục nam giới có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc… Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm chàm, cạp to, ống rộng, dài tới mắt cá chân gọi là quần chân què có trang trí dưới gấu. Trang phục Nùng không nổi bật về màu sắc và phong cách tạo hình, giữa các nhóm Nùng có biểu hiện trang phục khác nhau ở cách đội khăn và các loại khăn trang trí đội đầu. Kết hợp với bộ quần áo chàm, người Nùng dùng đồ trang sức bằng bạc trắng. Nếu như phụ nữ Nùng thích đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích gắn với dây thắt lưng thì nam giới lại thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn bạc.
TRANG PHỤC DÂN TỘC DAO
Dân tộc Dao sống ở Cao Bằng gồm Dao tiền và Dao đỏ, phân bố chủ yếu ở các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Trang phục phụ nữ Dao đỏ rất lộng lẫy, nổi bật trên nền màu chàm đen cơ bản là các gam màu tương phản, sáng chói như màu đỏ lửa, vàng tươi, trắng tuyết... Áo dài của người Dao đỏ may kiểu xẻ ngực, không có khuy, gấu áo dài chấm đầu gối, tay áo rộng, có trang trí đường viền, hai bên áo có hai chuỗi bông gù (nom làng gẩu), mỗi bên có 8 bông màu đỏ sặc sỡ. Trên thân áo có trang trí mô típ hoa văn rực rỡ với màu chàm đen là màu nền cơ bản có gắn hoặc thêu các mảnh vải đỏ sặc sỡ. Áo dài thường được mặc với chiếc yếm màu sáng nhạt. Ấn tượng trong trang phục phụ nữ Dao đỏ là chiếc khăn quấn đầu (cà pha) dài 8 sải, quấn quanh đầu trông như vành nón. Phần dây thắt lưng (xi lơ chin) được thêu khá công phu với nhiều hoa văn cầu kỳ, họa tiết ôm gọn vòng quanh eo bụng, rủ xuống đằng sau ngang tà áo. Quần hầu tảo ống rộng trang trí các ô vuông xanh hoặc đỏ, nâu, trắng.
Khác với phụ nữ Dao đỏ, phụ nữ Dao tiền mặc váy. Trang phục Dao tiền có 2 màu tương phản là đen - trắng. Áo của phụ nữ Dao tiền có nẹp ngực nhỏ, nhiều hoa văn, phía sau gáy đeo 7 - 9 đồng tiền, khuy áo được làm bằng bạc tròn hoặc bán nguyệt có móc. Váy là mảnh vải gồm nhiều bức, khi mặc khép lại nhờ dây rút. Phụ nữ Dao tiền cắt tóc ngắn, đội khăn trắng là mảnh vải dài khoảng 1,2 m, hai đầu có thêu chiếc ấn của Bàn Vương, khăn này dùng trong sinh hoạt thường ngày. Khi đi chơi, họ có chiếc khăn màu trắng thêu hoa văn họa tiết và hình hoa lá. Các họa tiết trên trang phục của phụ nữ Dao được thêu không theo mẫu vẽ sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ và thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên. Kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao rất độc đáo. Người ta dùng bút vẽ là que tre vót cẩn thận, chấm vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Vải sau khi trải qua các công đoạn vẽ sáp ong, nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu xanh lơ với đường nét thanh thoát, đẹp mắt.
TRANG PHỤC DÂN TỘC MÔNG
Ở Cao Bằng, người Mông chiếm khoảng 10% dân số gồm các nhóm: Mông hoa, Mông trắng. Nếu phụ nữ Dao chủ đạo trong trang phục là chiếc áo dài thì với người Mông lại lấy chiếc váy làm chủ đạo. Quần áo người Mông dùng bằng vải lanh tự dệt. Phụ nữ Mông mặc váy xoè rộng, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau và xà cạp quấn chân. Áo có cổ phía trước hình chữ V, hai bên được nẹp thêm vải màu tùy thích, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa. Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo. Đồng thời, họ gắn hạt cườm, kim tuyến lên áo càng làm tăng thêm lung linh cho trang phục. Váy của phụ nữ Mông là váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy may những sợi chỉ to với nhiều màu xanh, đỏ, trắng, vàng của các chỉ tơ tằm tạo cho trang phục có họa tiết rực rỡ, tạo cảm giác trầm ấm. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở giữa váy, đây là phần cầu kỳ nhất của bộ váy... Trang phục của phụ nữ Mông không thể thiếu thắt lưng, đó là một miếng vải rộng khoảng 6 - 7 cm và dài 2 m, đoạn giữa được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng làm tôn lên vẻ đẹp dáng vóc của người phụ nữ. Trong trang phục phụ nữ Mông còn có xà cạp quấn chân. Đồng bào Mông quan niệm, đeo tấm vải che trước váy và quấn xà cạp là thể hiện ý tứ và kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, tạo nên một sắc thái riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác. Trong những phiên chợ dập dìu người qua lại, những chiếc váy sặc sỡ của người Mông nổi bật trong đám đông thực sự điểm tô cho những phiên chợ vùng cao.
TRANG PHỤC DÂN TỘC SÁN CHỈ

Trang phục phụ nữ Sán Chỉ.

Trang phục sử dụng trong sản xuất hằng ngày của dân tộc Sán Chỉ tương đối đơn giản, thoải mái với màu đen chủ đạo. Trang phục của nam giới khá giống trang phục của dân tộc Tày. Đối với trang phục của người phụ nữ đeo thêm chiếc dây thay cho thắt lưng. Dây này được ghép từ những bông hoa nhỏ, màu trắng, bằng bạc hoặc một số kim loại tạo điểm nhấn. Để tiện cho lao động, họ thường gấp một bên tà áo đằng sau lên. Nếu bộ trang phục của người phụ nữ Sán Chỉ hằng ngày đơn giản bao nhiêu thì trang phục mặc trong ngày chợ, lễ, Tết, đám cưới cầu kỳ, sặc sỡ bấy nhiêu. Ngày vui hay trọng đại người phụ nữ nẹp tóc, cài 3 cái châm, đội mảnh vải trắng có thêu hoa văn đen khéo léo mà theo tiếng Sán Chỉ còn gọi là chỉ pây, sau đó, đeo 9 mảnh vải dài, đủ màu sắc nghĩa là Lìm. Trang sức chủ yếu là vòng bạc. Đằng trước ngực áo đeo thêm “củng quy”, 3 cái châm, 9 mảnh vải đều là những con số mà theo quan niệm của đồng bào Sán Chỉ rất ý nghĩa và linh thiêng, điều đó khó có thể lý giải được bởi từ xa xưa tổ tiên của đồng bào Sán chỉ đã coi hai con số ấy đem lại may mắn, hay sự trường tồn vĩnh cửu của một vị thần linh nào đó. Tuy nhiên, để làm được bộ trang phục hoàn chỉnh phải trải qua nhiều bước. Từ trồng bông, dệt vải tới khâu vá. Chưa kể đến những phụ kiện đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tinh tế. Có một điều khá đặc biệt đó là trang phục của dân tộc Sán Chỉ chưa được bán và trở thành hàng hóa như trang phục của các dân tộc khác.
TRANG PHỤC DÂN TỘC LÔ LÔ
Ở Cao Bằng chỉ có nhóm Lô Lô đen sinh sống. Đối với người Lô Lô, cuộc sống của những cư dân sống trên miền núi cao được thể hiện trong bộ trang phục đậm đà sắc núi. Phụ nữ Lô Lô đen vận áo màu chàm đen, chiếc áo phúng có cổ hình vuông đủ để chui đầu, áo ngắn hở bụng. Nổi bật nhất ở phần lưng dưới cổ áo có một mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Hai ống tay hẹp, dài ghép bằng nhiều vòng vải khác màu thường là xanh, đỏ, vàng, tím (thường là chín vòng màu khác nhau). Nơi thân áo cận kề với gấu áo được thêu hoa văn hình chim tạo thành những mảng màu đa sắc hình chữ nhật chạy quanh eo lưng vòng bụng vừa tỏ ra kín đáo vừa tỏ ra gợi cảm, nữ tính nổi trội. Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần ống rộng nên rất thuận tiện cho việc đi lại, lên xuống, phía ngoài quần được choàng một tấm vải từ phía sau ra đằng trước mặt và cuộn chặt trước bụng. Quấn xà cạp ống màu đen ở hai bắp chân và đầu đội khăn bằng vải chàm đen, hai đầu khăn cũng buông dài những tua chỉ nhiều màu. Chạy dài theo hai mép khăn đều thêu những đường chỉ màu sặc sỡ. Chị em phụ nữ Lô Lô rất thích đeo nhiều vòng tay, vòng cổ…, tạo sự duyên dáng, tinh tế, nhất là trong những dịp lễ hội, Tết cổ truyền, giao lưu sinh hoạt cộng đồng. Trang sức bạc không chỉ mang yếu tố thẩm mỹ cho đẹp mà còn là của hồi môn cho con gái khi đi lấy chồng, đồng thời, mang yếu tố tâm linh là khi đeo đồ trang sức bằng bạc có thể trừ được tà ma, giữ vía cho con người và phòng được gió độc.
Trang phục của nam giới Lô Lô đen gần giống với trang phục của các dân tộc Tày, Nùng. Áo thân dài đến trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải, quần rộng ống thích nghi với tập quán sản xuất ở núi non và săn bắt hái lượm. Nam giới thường chít khăn trên đầu, dắt mối khăn phía sau gáy, trên khăn không trang trí, mặc quần chân què, cạp lá toạ. Đeo thêm 1 vòng tay bằng bạc.
Mỗi dân tộc ở Cao Bằng dù có nhiều đặc trưng khác nhau nhưng vẫn có những điểm chung không tách rời. Trang phục được tạo nên bằng nguyên liệu chính là sợi bông, tơ tằm, lanh và nhuộn chàm hoàn toàn thủ công chủ yếu từ đôi bàn tay khéo léo của người phục nữ. Mỗi cách tạo hình trang trí, phối màu đều cho thấy sự tinh tế trong thẩm mỹ, qua đó hiện lên một đời sống tâm hồn của cả dân tộc hòa quyện, ý thức bảo vệ, gắn bó chan hòa với cảnh sắc thiên nhiên thông qua hình ảnh cỏ cây, muông thú, gia súc… Ngày nay, trước nhiều biến đổi của giao lưu, hội nhập nhưng trang phục truyền thống các dân tộc vẫn hiện diện bền bỉ và tỏa sáng như thể tâm hồn và cốt cách con người dân tộc.    

Trang phục thiếu nữ dân tộc Mông.

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày.


Bảo Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét