Trống H’gơr Trong Đời Sống Dân Tộc Ê Đê. * BK/Huỳnh Tâm.

Ở Tây Nguyên, nhạc cụ dân gian luôn gắn bó với cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa. Ðó không chỉ là những công cụ đuổi chim, thú rẫy mà còn là những nhạc cụ giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc, nhạc cụ gắn với nghi lễ, tín ngưỡng riêng. Và trống h’gơr là một loại nhạc cụ như thế.
Nghi lễ làm trống h’gơr
Chiếc trống cái h’gơr được làm từ cây gỗ tự nhiên và mặt trống được phủ bằng da trâu. Việc chế tác loại trống này phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu, phức tạp và phải tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt. Do vậy nghi lễ làm trống h’gơr được lưu truyền với nhiều nét độc đáo, mang nghi thức luật tục, cúng Giàng. Sau khi chọn một cây to, thẳng, không bị dị tật, gia đình phải tổ chức một lễ cúng lớn để cúng báo cáo ông, bà, xin phép các Giàng cho được đi rừng chặt cây, làm trống. 
Lễ vật là một con trâu đực dài trên 2 gang. Lễ cúng tiến hành trong 2 - 3 ngày, cả buôn tham gia, đặc biệt là nhóm thanh niên trai tráng. Sau lễ cúng tổ chức một đoàn đi vào rừng làm lễ xin cây. Họ mang theo chiêng, một ché rượu, một con heo nhỏ. Trong đoàn phải có 7 chàng trai cầm rìu. Vào rừng họ đến bên cây gỗ lớn đã chọn trước (thường là gỗ hương, cà te, cam xe…) có đường kính từ 90 -
120 cm. Sau lễ cúng, 7 chàng trai theo điệu chiêng cùng với tiếng tù và múa rìu xung quanh cây gỗ 7 vòng. Nghi thức này có ý nghĩa xua đuổi tà ma khỏi cây gỗ mà mình đã chọn. Kết thúc nghi thức, chàng trai tài giỏi nhất đứng từ xa phóng rìu cắm phập vào thân cây, sau đó cả đoàn người ra về.
Sáng hôm sau vào lại rừng, nếu lưỡi rìu bám chắc trên thân cây có nghĩa là Giàng đã cho thì sẽ tổ chức hạ cây, đẽo tang trống. Nếu bất cứ vì lý do gì làm lưỡi rìu rơi xuống đất tức Giàng không cho, phải bỏ cây đó và tổ chức làm lễ xin cây khác. Tang trống phải đẽo ngay tại rừng rồi mới đưa về nhà. Khi đưa tang trống về nhà phải làm lễ cúng Giàng với lễ vật là một con trâu cái. Sau lễ cúng từ 7 - 10 ngày, họ tổ chức đục tai trống, làm một lễ cúng nhỏ rồi tiến hành bịt da trâu cho trống.
 
Nét độc đáo trong chế tác.
Trống h’gơr là nhạc cụ gắn bó với đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Theo nghệ nhân Ama Pô (buôn Kô Sier, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) về cấu tạo, chế tác trống h’gơr, mặt trống được bịt bằng da trâu, mặt lớn bịt da trâu cái, mặt nhỏ bịt da trâu đực. Da trâu được thuộc một cách thủ công, bằng muối và lá cây, vỏ cây rừng giã ra lấy nước ngâm, ướp sơ sài. Cách bịt da trâu vào tang trống là dúng dây néo. Họ kê tang trống lên gỗ, xung quanh có đóng cọc. Tấm da trâu còn ướt được trùm lên tang trống, xung quanh dùi bộc dây mây hoặc dây bện từ da trâu níu tấm da trâu xuống các cọc gỗ. Các sợi dây này được xoắn lại dần suốt quá trình nhiều ngày. Trước mỗi lần xoắn dây, tấm da trâu lại được vuốt nước cho mềm. Tấm da trâu được bịt phủ xuống một nửa tang trống chỉ chừa ra một đoạn khoảng 2 - 3cm đúng vào vị trí đã được đục lỗ tạo móc sắt để treo trống khi di chuyển. Sau khi da trâu bịt mặt trống đã có độ căng đạt yêu cầu, người ta dùi lỗ quanh tang trống để đóng chốt tre thành một hàng hoặc hai hàng cách mặt trống khoảng 10cm. Khoảng cách này dùng để chèn các nêm tre làm căng lại mặt trống đã bị chùng.
Trên mặt cái của trống có dùi một lỗ nhỏ, được treo một dây ring rieo và một cặp cing kngan (chiêng tay – tương tự như chũm chọe nhỏ, có gai). Tang trống được làm từ một khúc thân cây lớn được khoét rỗng. Tang trống có hình trụ hơi khum, phần giữa hơi to, hai đầu hơi nhỏ lại. Có một đầu bao giờ cũng to hơn, khi bịt da sẽ thành mặt cái, mặt trống sẽ sử dụng chủ yếu khi diễn tấu. Mặt nhỏ sẽ là mặt đực. Khi mọi việc đã xong, trống được rước vào nhà bằng một lễ cúng lớn. Liền sau đó là lễ xỏ mũi. Người ta dùi một lỗ nhỏ ở mặt trống bịt da trâu cái, cách tang trống khoảng 10 - 15cm để treo ring rieo, cing kngan cho trống và tiến hành đặt tên cho trống bằng một tên của những người phụ nữ lớn tuổi, có uy tín của dòng họ đã qua đời. Kể từ đó người trong gia đình không gọi tên chung h’gơr nữa mà gọi tên riêng kèm theo từ aduôn (bà) như Aduôn H’Lan hoặc gọi tắt là Aduôn.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng trống không còn nhiều như trước đây, một phần do nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Đây cũng chính là thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của chiếc trống độc đáo này trong bối cảnh chung hiện nay của các dân tộc ở Tây Nguyên.
* BK/Huỳnh Tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét