Dân Tộc Thu Lao. * Biên Khảo Huỳnh Tâm.

1. Tên gọi:
Người Thu Lao thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái. Trong nội bộ dân tộc họ thường giao tiếp bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, khi giao tiếp với các thành phần dân tộc khác họ dùng tiếng Quan Hỏa. Ngoài tên gọi Thu Lao đã trở thành tên gọi chính thức, họ còn có tên tự gọi là "Đày".
2. Dân Cư & Nguồn Gốc Lịch Sử.
Người Thu Lao ở Mường Khương, theo điều tra dân số năm 1999 có khoảng gần 1.000 nhân khẩu. Năm 1974 toàn huyện mới chỉ có 335 nhân khẩu thì cho đến nay số nhân khẩu người Thu lao đã tăng gấp 3 lần, người Thu Lao cư trú trong huyện Mường Khương chủ yếu ở 3 xã, đó là xã Tả Gia Khâu, xã Mường Khương và xã Thanh Bình. Trong đó xã Tả Gia Khâu có người Thu Lao tập trung cư trú đông hơn cả với gần 600 nhân khẩu ở các thôn La Hờ I, La Hờ II và thôn Thải Giàng Sán; xã Thanh Bình có người Thu Lao cư trú ở các thôn Xín Chéng có 234 nhân khẩu và xã Mường Khương có khoảng hơn 100 nhân khẩu.
Người Thu Lao có nguồn gốc từ Vân Nam Trung Quốc.
Họ xuôi theo thượng nguồn Sông Hồng và Sông Chảy di cư sang Việt Nam cách đây hơn 8 - 9 đời, khoảng hơn 100 năm. Lúc đó bên Trung Quốc xảy ra chiến tranh loạn lạc, người Thu Lao phải di cư đi tìm nơi an toàn thoát khỏi cảnh chiến tranh chết chóc, do vậy họ đã di cư dần sang đến Việt Nam cư trú cho đến ngày nay. Nơi đầu tiên người Thu Lao sang Việt Nam cư trú là xã Tả Gia Khâu, sau đó do thiếu nguồn nước và đất canh tác nương rẫy vì cuộc sống mưu sinh, năm 1976 một số hộ người Thu Lao di chuyển dần sang địa phận xã Sín Chéng huyện Si Ma Cai và xã Mường Khương, Thanh Bình huyện Mường Khương và định cư cho đến ngày nay.
 
3. Đặc Điểm Địa Hình Cư Trú.
Người Thu Lao luôn coi trọng nơi cư trú, với họ việc lựa chọn địa điểm cư trú là hết sức quan trọng,  nó liên quan đến sự tồn vong của con người, nếu chọn được địa điểm cư trú hợp lý thì cuộc sống sẽ ấm êm đầy đủ còn ngược lại chọn được mảnh đất cư trú không phù hợp sẽ dẫn đến việc thiếu đói mất ổn định. Người Thu Lao từ xa xưa thường dựa vào thiên nhiên như rừng và nguồn nước để cư trú do vậy họ luôn chọn những địa điểm vùng thấp ven theo các khu rừng già có nguồn nước ở các nơi thung lũng hoặc ven chân đồi, yếu tố nguồn nước luôn được đặt lên hàng đầu trong các tiêu chí khi lựa chọn đất để dựng làng bản.
4. Đời Sống Kinh Tế.
Cũng giống như nhiều dân tộc khác đang cư trú và sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, người Thu Lao cũng có một cuộc sống khá khép kín so với thế giới bên ngoài. Kinh tế tự cung tự cấp từ nguồn lương thực thực phẩm đến các loại nhu yếu phẩm như quần áo vải vóc phục vụ cho cuộc sống của họ, nền kinh tế trụ vững trên thế chân kiềng giống như người Hmông đó là trồng trọt, chăn nuôi và hái lượm. Ngoài việc làm ruộng nương trồng ngô lúa, khoai sắn và chăn nuôi lợn gà, trâu bò vừa để lấy sức kéo trong sản suất vừa làm nguồn thực phẩm cho con người thì người Thu Lao còn đi săn bắn hái lượm các sản vật của rừng để phục vụ cho cuộc sống sinh tồn của mình. Do vậy mà trong năm người Thu Lao luôn có sự phân chia thời gian cho các hoạt động khác nhau nếu như vào thời điểm mùa vụ họ sẽ tập trung làm mùa vụ gieo trồng cấy hái và thu hoạch... còn khi đã làm mùa vụ xong họ lại vào rừng khai thác củi đun, săn bắn tìm nguồn thực phẩm cho gia đình mình.
5. Tôn Giáo Tín Ngưỡng.
Người Thu Lao quan niệm, bên cạnh cuộc sống thực tại (thể giới dương) còn có một cuộc sống khác, một thế giới luôn tồn tại song hành với thế giới trần tục mà con người đang sống, đó là cuộc sống thuộc thế giới âm. Thế giới âm là thế giới của những người đã chết, ở nơi đó họ vẫn làm việc và sinh hoạt như bình thường không khác gì so với thế giới thực tại con người đang sinh sống.
Tổ tiên, tiếng Thu Lao gọi là “chí Thấu”. Theo quan niệm của họ thì tổ tiên là những người đã quá cố tính từ ba đời như: đời bố mẹ, đời ông bà và đời cụ. Đối với người Thu Lao thì tổ tiên luôn được coi là chỗ dựa về mặt tâm linh. Việc thờ cúng tổ tiên hàng năm có ý nghĩa là tưởng nhớ tới tổ tiên đã có ơn sinh thành, nuôi dưỡng và cũng là người có công khai phá vùng đất để lại cho con cháu. Bên cạnh đó cũng là cầu mong tổ tiên phù hộ cho mọi người trong nhà được khỏe mạnh, chăn nuôi và làm ăn gặp nhiều may mắn...
Trong tín ngưỡng của người Thu Lao không có ngày giỗ tổ tiên. Hàng năm vào ngày 2/2 và 2/6 âm lịch tất cả các gia đình đều không đi làm nương, nghỉ ở nhà chuẩn bị lễ vật để tổ chức dâng cúng cho tổ tiên. Lễ vật dâng cúng gồm có: 1 con gà, cơm, rượu, giấy bản, hương,… Ông chủ nhà là người đảm nhiệm việc cúng. Sau khi cúng mời tổ tiên về hưởng lễ vật để phù hộ cho gia đình được bình an xong, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm rượu để hưởng lộc.
Nghi lễ thờ cúng tổ tiên là nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Thu Lao. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên được tổ chức trong phạm vi gia đình nhưng cũng mang tính cộng đồng sâu sắc vì tất cả các gia đình đều tiến hành làm lễ cúng tổ tiên trong một ngày.
6. Phong Tục Tập Quán.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thu Lao rất coi trọng việc sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống và để đem lại phúc đức cho gia đình. Do vậy ngày từ khi người phụ nữ có thai nghén, gia đình đã phải coi trọng chăm sóc bảo vệ để cho người mang thai được khoẻ mạnh, đảm bảo cho đứa bé khi ra đời sẽ khoẻ khoắn bụ bẫm.
Khi người phụ nữ mang thai đến tháng thứ bảy, bố đứa trẻ phải sắm một con gà làm lễ cầu may cho sức khoẻ của người mẹ đang mang thai và thai nhi được khoẻ mạnh phát triển bình thường, đến ngày sinh sẽ được mẹ tròn con vuông. Từ sau khi làm lễ cúng cầu an này người phụ nữ không phải đi làm nương và những công việc nặng nhọc nữa, họ phải chú ý kiêng kỵ như sau:
Người Thu Lao thường cho rằng lúc mang thai thì vía của người đàn bà yếu hơn vía của những người khác nên dễ ảnh hưởng đến thai nhi, không được đi qua rừng cấm, đi qua nghĩa địa tránh gặp ma rừng; không được đến gần chuồng gà, chuồng lợn vì đó là nơi dễ lây nhiễm bệnh tật và tự nhiên cơ thể mất sữa…
Chín tháng mười ngày mang nặng, người phụ nữ đến lúc chuẩn bị đón đứa con chào đời. Khi trở dạ người sản phụ ở buồng ngủ, phụ nữ Thu Lao có tập quán đẻ ngồi, không có sự trợ giúp của bà đỡ mà hầu hết họ tự đẻ, tự đỡ đứa con chào đời,
Khi đứa trẻ chào đời, người bà hoặc mẹ tự tay cắt rốn cho con bằng thanh nứa, lấy dây chỉ buộc lại. Nhau thai được người chồng bỏ vào ống nứa đem đi chôn ở một nơi xa và kín, lúc chôn không để ai nhìn thấy. Cuống rốn của con rụng được mẹ gói kỹ vào tờ giấy đặt cạnh đèn dầu (không để cháy) với hàm ý mong muốn con mình sau này khoẻ mạnh, thông minh, sáng dạ như cây đèn. Sau 3 ngày gói đó được dắt lên mái nhà, con gái hay con trai đều làm như nhau không phân biệt.
Hài nhi được bà tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá chè tươi hoặc lá rau má đắng đun nóng, để nguội vừa tắm. Người mẹ cho con bú ngay sữa đầu mà không coi sữa đó là hôi hay không tốt cho đứa trẻ, chỉ có trường hợp mẹ thiếu sữa thì con nhỏ phải cho ăn kèm nước cơm, nước cháo loãng hay nước chè. Dù sản phụ ít sữa, không đủ cho con bú nhưng người Thu Lao không có thói quen cho con đi bú sữa, không xin sữa của người khác vì sợ con bị lây bệnh của người ta.
Sau khi sinh nở, cơ thể của người mẹ còn rất yếu do đó phải được ăn nhiều chất, tẩm bổ để cơ thể nhanh hồi phục, lại sức để chăm sóc con thơ. Loại thức ăn tốt nhất cho bà mẹ sau khi sinh là trứng, thịt gà, thịt lợn và thịt chó, người Thu Lao cho rằng thịt chó ăn vào rất bổ vì nó nóng và lợi sữa. Hai loại rau tốt nhất là rau muống và rau ngót, đu đủ mát cơ thể dễ hấp thu và lợi sữa. Các loại thịt trâu, bò, vịt, các loại gạo cẩm, xôi tím kiêng không được ăn.
Mỗi khi gia đình có trẻ nhỏ người Thu Lao thường dùng lá tươi xanh buộc kèm với một cái địu cũ để cắm lên trước cửa nhà ngụ ý thông báo gia đình có con nhỏ, ngăn khách lạ vào nhà. Người Thu Lao tối kỵ nhất là người vía không tốt, có con ma đi theo cắn con của người khác vào nhà mình. Vì vậy khách lạ vô tình hay cố ý vào nhà có trẻ nhỏ, nếu gia đình có chuyện không hay xảy ra thì người khách phải chịu mọi phí tổn cho việc làm lễ giải hạn.
Sau khi sinh nở đến ngày thứ ba gia đình sẽ làm lễ đặt tên cho đứa trẻ, đứa trẻ sẽ mang tên họ của người bố đẻ của mình. Việc đặt tên của người Thu Lao cũng có những quy định rất chặt chẽ, tên đệm của đứa trẻ sẽ lấy theo tên đệm của từng đời chứ không lấy tên đệm một cách tự do, tên chính của đứa trẻ phải không trùng với tên của ông bà tổ tiên kể cả những người đang sống và những người đã khuất, tuỳ theo dồng họ đó thờ bao nhiêu đời thì ứng với  từng đời đó. Người Thu Lao thờ tổ tiên lại theo phong tục của dòng họ chứ không có một quy định chung của tộc người, có họ chỉ thờ 3 đời, có họ thờ 5 đời nhưng cũng có dòng họ thờ tới 9 đời đến 12 đời.
Ví dụ:
Họ Quàng lưu truyền 12 đời:
Đời thứ 1. Quàng Khái...;
Đời thứ 2 là Quàng Phủ....;
Đời thứ 3 là Quàng Sư...;
Đời thứ 4 là Quàng Sín...;
Đời thứ 5 là Quàng Thèn....;
Đời thứ 6 là Quàng Di....;
Đời thứ 7 là Quàng Vảng....;
Đời thứ 8 là Quàng Si.....;
Đời thứ 9 là Quàng Sử....;
Đời thứ 10 là Quảng Chín....;
Đời thứ 11 là Quàng Sẻo.....;
Đời thứ 12 là Quàng Diu.....
 
Ngày làm lễ đặt tên cho đứa trẻ gia đình phải làm một mâm cơm để cúng bái tổ tiên, báo cho tổ tiên biết về sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình để tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ được khoẻ mạnh hay ăn chóng lớn, tránh được bệnh tật rủi ro.
Người Thu Lao ở Lào Cai có tục chọn bố nuôi cho đứa trẻ, khi mà đứa trẻ trong gia đình hay bị ốm đau, lười ăn hay khóc, gia đình sẽ phải tìm bố nuôi (bù bầng) cho đứa trẻ, đây là cách tốt nhất để gửi đứa trẻ, họ cho rằng đứa trẻ hay khóc như vậy là do nó không hợp với dòng họ của bố đẻ hoặc không hợp với tổ tiên nên tổ tiên không ngăn cản được ma xấu về quấy rầy đứa trẻ nên nó mới hay bị ốm và lười ăn, thường quấy khóc.
Đối với người Thu Lao thì đám cưới là một việc hết sức quan trọng trong đời sống của cộng đồng. Cưới xin là một việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi con người do vậy mà việc lấy vợ lấy chồng của thanh niên nam nữ người Thu Lao được chú trọng trong từng bước, từ tìm hiểu cho đến đám cưới rất cẩn trọng như; dặm hỏi, lễ ăn hỏi và lễ cưới.
Lễ dặm hỏi là bước đầu tiên khởi đầu cho chuyện hôn sự của con trai và con gái hai bên gia đình, khi chàng trai và cô gái đã tìm hiểu và thuận lòng nên vợ nên chồng với nhau thì nhà trai sẽ nhờ người làm mối lái (Pù dơ) sang nhà gái thưa chuyện với bố mẹ cô gái, họ chọn người làm mối lái thường là người đàn ông có uy tín trong cộng đồng, biết ăn nói thành thạo và có một gia đình hạnh phúc. Ông mối nhận lời sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết như chọn ngày lành tháng tốt và xem tuổi để sang nhà gái thực hiện sứ mệnh mà nhà trai nhờ cậy. Lần đi dặm hỏi tiếng Thu Lao gọi là đi chạy vạy, đi chạy vạy phải tiến hành 3 lần mới được nhà gái đồng ý, theo quan niệm của người Thu Lao thì việc bắt ông mối của nhà trai chạy vạy ba lần để nâng cao phẩm giá cho con gái nhà mình. Các lần đi chạy vạy đều phải nhờ ông mối, chọn ngày tốt để đi. Hai lần đầu tiên đi dặm hỏi với ý nghĩa thủ tục, đến lần thứ ba mới được chấp nhận. Lần này ông mối và hai bên cùng thống nhất ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ ăn hỏi.
Sau lễ dặm hỏi thành công thì việc tổ chức lễ ăn hỏi được chuẩn bị để tiến hành một cách chu đáo. Trong lễ ăn hỏi nhà trai phải nhờ hai ông mối và chuẩn bị lễ vật gồm 3 con gà, 3 lít rượu để sang gia đình nhà gái ăn hỏi. Đoàn đi ăn hỏi chỉ có 2 người, đó là ông mối và chàng trai đi phụ, bên nhà gái sẽ mời anh em họ hàng đến để chứng kiến lễ ăn hỏi. Nhà gái nhận lễ vật của nhà trai và làm mâm cơm cúng báo cho tổ tiên rồi cùng với ông mối ăn cơm vui vẻ, vừa ăn vừa bàn tính chuyện hôn sự cho đôi trẻ. Trong lúc này nhà gái sẽ đưa ra lễ vật thách cưới với nhà trai để ông mối về thông báo với bên nhà trai. Lễ vật thường phải có: 4 khuy áo (lắc triết); 4 vòng tay (khuân); 4 cái nhẫn bạc (sẻ mừ); 3 đồng bạc trắng; 80 kg thịt lợn hơi; 80 lít rượu; 1 con trâu đang tập cày. Ông mối sẽ ghi nhận những lễ vật thách cưới mà nhà gái yêu cầu về thông báo với bên nhà trai.
Lễ cưới thường diễn ra trong 3 ngày, ngày thứ nhất nhà trai tổ chức ăn uống linh đình để chuẩn bị cho đoàn đi đón dâu. Đoàn đi đón dâu gồm có ông mối, chú rể, ông bác hoặc chú của chú rể đi đại diện, cùng với và 3 người thanh niên đi giúp gánh lễ vật, những người này còn là những người hát giỏi các bài hát đối giao duyên để đi hát đối với bên nhà gái. Lễ vật mang đi đón dâu ngoài những thứ như nhà gái yêu cầu thì nhà trai con phải chuẩn bị 22 chiếc bánh dầy mang theo. Khi đoàn đón dâu do ông mối dẫn đầu đến nhà gái, phía nhà gái sẽ vào hết trong nhà và đóng cửa nhà lại không cho vào với lí do không có chìa khoá mở cửa để nhà trai phải làm lí, lấy những chiếc bánh dầy đem theo đưa vào tượng trưng cho chìa khoá để nhà gái mở cửa. Khi nhà gái mở cửa ông mối đưa đoàn vào đặt lễ vật và thưa chuyện với người đại diện bên nhà gái, bên nhà gái cho người ra nhận lễ vật xin dâu của nhà trai. Sau khi nhận đầy đủ lễ vật hai bên cùng nhau ngồi vào mâm uống rượu vui vẻ, trong bữa rượu này ông mối và người bác của chú rể sẽ trình bày việc xin đón dâu và thời gian xuất hành từ bên nhà gái đưa dâu về nhà trai cho kịp vào bái tổ tiên nhà trai, nhà gái đồng ý và đêm đó hai họ cùng nhau uống rượu và hát đối đáp vui vẻ thâu đêm.
Sáng ngày hôm sau, đến giờ đã định nhà trai xin rước dâu về, cô dâu đội một cái khăn đỏ, chú rể đưa cho cô dâu một cái ô rồi cả đoàn từ biệt nhà gái xuất hành về nhà trai. Khi về đến cổng nhà trai thì bố mẹ chàng trai lánh ra ngoài để kiêng cho sau này không xảy ra mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng và nàng dâu. Ông chủ trì nhà trai đưa cô dâu và chú rể vào đứng trước bàn thồ tổ tiên khấn báo với tổ tiên. Cô dâu chú rể làm lễ ra mắt tổ tiên, vái tổ tiên xong cả hai cùng chạy vào trong buồng cô dâu, nếu ai chạy nhanh hơn vào trước thì sau này sẽ là người chủ gia đình, có trách nhiệm quản lý gia đình và các công to việc lớn của gia đình. Sau đó gia đình nhà trai tổ chức uống rượu rất vui vẻ mừng nàng dâu mới.
Sau ngày cưới khoảng 3 – 4 ngày, vợ chồng mới cưới sẽ mang lễ vật về bên ngoại để làm lễ lại mặt tạ ơn tổ tiên và gia đình bố mẹ vợ, nhà bố mẹ vợ sẽ làm cơm cúng báo tổ tiên và mời anh em họ hàng đến ăn cơm uống rượu mừng cho đôi vợ chồng trẻ, ngày hôm sau thì hai vợ chồng lại xin phép bố mẹ vợ đi về nhà trai.
7. Tết, Lễ, Hội.
Người Thu Lao tổ chức ăn tết năm mới vào ngày thứ hai của năm mới đó là ngày 2/1 âm lịch, tức là tổ chức ăn tết khi năm mới đã đến để tiễn một năm cũ đã qua và đón một năm mới với mong muốn có nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Để chuẩn bị đón năm mới, vào ngày cuối cùng của năm cũ tức là ngày 29 – 30 tháng 12 âm lịch, chủ nhà phải tiến hành dọn dẹp bàn thờ tổ tiên cho sạch sẽ để sang năm mới có nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp sẽ đến và nhổ bớt chân hương đem đốt. Buổi sáng ngày 2/1 tết, gia chủ sẽ chuẩn bị cơm rượu để dâng mời tổ tiên về ăn tết để phù hộ cho con cháu một năm mới với nhiều may mắn, chăn nuôi được nhiều lợn gà, trồng trọt thu được nhiều thóc, ngô… Sau khi cúng xong, họ dọn cơm rượu xuống, cả gia đình cùng ăn uống vui vẻ với mong muốn năm mới sẽ đem đến cho họ nhiều điều tốt đẹp.
Ngoài tết nguyên đán ra thì đồng bào còn tổ chức ăn tết rằm tháng giêng, tết Thanh minh, tết cơm mới….
Tầm quan trọng của rừng đối với đời sống của người Thu Lao:
Với dân tộc Thu Lao thì rừng là nguồn sống cung cấp nguồn thực phẩm qua hái lượm, săn bắn, là nơi cung cấp nước cho cuộc sống và gỗ để làm nhà. Là sự che chở của thần rừng cho cuộc sống của con người và vật nuôi… Chính vì những tầm quan trọng của rừng như vậy nên dù có cư trú bất cứ nơi nào, người Thu Lao vẫn chọn nơi có khu rừng già, có nhiều cây to, nằm ở vị trí thuận lợi có thể bảo vệ được cho con người tránh được những cơn bão, lũ và khu rừng đó được chọn làm khu rừng cúng. Rừng có tác dụng giữ ẩm cho đất, là nơi tạo nên các mạch nước cho các con suối, những dòng thác nước để cho dân bản sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trong trồng trọt. Người Thu Lao ở Lào Cai có ba loại rừng, đó là rừng cấm “đẩng chu sảng”, rừng chung “đẩng chu pủ” và rừng tổ tiên“đẩng tả chủng”, mỗi loại rừng lại có những đặc điểm khác nhau.
Quan niệm của người Thu Lao về lễ cúng rừng:
Lễ cúng rừng cấm bang được người Thu Lao gọi là Sảng Chẩu đửng may (Tế Chủ rừng cây). Đây là nghi lễ mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp lúa nước trong môi trường rừng núi. Mỗi thôn của người Thu Lao đều có một cánh rừng già gọi là đửng chu sảng, được bảo vệ chặt chẽ theo luật tục. Không ai được vào đó săn bắt, hái rau, nhặt nấm, lấy củi hay khai thác gỗ. Nếu vi phạm sẽ bị phat vạ, thậm chí sẽ bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Khu rừng này được coi là rừng thiêng, là nơi trú ngụ của thần rừng – vị thần bảo hộ cho cộng đồng. Nếu bị xúc phạm, thần rừng có thể nổi giận mà gây họa cho con người hay gia súc. Thực ra, từ Chu sảng vốn là từ gốc Hán, có nghĩa là long thượng – rồng ở trên. Tục thờ long thụ (cây rồng) – cây cổ thụ mọc trên một khoảng đất trong mỗi cánh rừng thiêng của thôn là một hiện tượng phổ biến của nhiều dân tộc.
Đối với rừng cúng, người Thu Lao đề ra những quy định bất thành văn do những bậc cao niên bàn bạc đề ra như: không được lấy củi, không được chặt cây hay bẻ một cành cây tươi, không được làm bẩn khu rừng cúng như nhổ nước dãi, phóng uế trong phạm vi của khu rừng cấm, không được chăn thả gia súc, phụ nữ có chửa, hoặc mới sinh con không được vào.
Trong một năm, lễ cúng rừng được tổ chức hai lần, vào ngày 30/2 và 30/6 âm lịch, đây là là hai thời điểm trước khi gieo trồng và sau khi gieo trồng xong. Nơi để tiến hành lễ cúng tại một gốc to của khu rừng. Đến ngày diễn ra lễ cúng rừng, ông trưởng bản và một số người cao tuổi đứng ra chủ tập trung mọi người để đóng góp tiền để mua lễ vật và mời hai thầy cúng đến làm lễ. Mỗi gia đình sẽ cử một người đàn ông đại diện cho gia đình tham gia. Lễ vật chuẩn bị để dâng cúng gồm có: 1 con lợn đực khoảng 30kg, 1 con gà mái 2kg, cơm, rượu, hương…
 
Diễn trình nghi lễ.
Trước khi đi, thầy mo chính thắp hương lên ban thờ ma cúng, thông báo việc mình đi làm cúng rừng hôm nay và xin ma cúng đi theo phù hộ, hướng dẫn mình làm sao cho đúng. Xong xuôi, các thầy mo lên rừng cấm. Lúc này, bãi cúng đã được dọn dẹp quang đãng, sạch sẽ. Một cái bếp được kê bởi những hòn đá ở gần các cây thần đã được sửa sang ngay ngắn sao cho khi đun nấu nồi không bị đổ vì nếu đồ lễ bị dính bẩn thì thần linh sẽ trách phạt. Vật liệu để dựng đàn lễ đã được tập kết ở từng gốc cây được chọn để làm đàn lễ hàng năm. Thầy mo chính sẽ dựng đàn lễ ở cây bố, thầy mo phụ dựng đàn lễ ở cây mẹ. Cách dựng đàn lễ tại mỗi gốc cây (cây bố và cây mẹ) đều được làm giống nhau. Để làm đàn lễ, người ta dùng các cành gỗ nhỏ trong rừng cấm có đường kính 2 – 3 cm. Mỗi đàn lễ đều có 4 cột dựng ở 4 góc. Mỗi cột cao 1 m. Các đỉnh cột được nối với nhau bởi 4 thanh tre thành 4 cạnh mặt sàn. Mặt sàn có tiết diện 60 x 80 cm, cũng được dát bằng những thanh gỗ nhỏ rồi rải lá chuối ở trên. Cạnh phía trong đàn lễ (giáp với thân cây, người ta dựng cây hương và cắm 2 thanh dọc cao vượt khỏi mặt đàn lễ để chăng cờ. Cờ bằng vải màu được cắt thành hình tam giác nhọn, cạnh đáy dài 3 cm; hai cạnh còn lại dài 5 cm.
 
Trên đàn cúng tại cây bố được bầy như sau:
Chính giữa cạnh trong cùng – giáp với thân cây, người ta gài một đoạn thân tre nhỏ làm ống hương. Hàng thứ hai, người ta đặt 5 cái chén sẽ được dùng để rót rượu khi cúng. Hàng thứ ba là chỗ để người ta đặt 5 bát cơm thẳng hàng với 5 cái chén, cạnh vị trí của mỗi bát cơm, người ta đặt sẵn một đôi đũa. Cạnh ngoài cùng là nơi bày gà và lợn. Khi bày đồ cúng chín con gà được đặt ở bên trái (nhìn từ ngoài vào), đầu gà quay về phía thân cây. Bên phải người ta đặt thịt lợn gồm có thủ lợn ngậm đuôi quay về phía thân cây, xung quanh là tổng hợp các thứ của con lợn (gồm thịt nạc, thịt mỡ, tim, gan, lòng phèo...) mỗi thứ một ít. Ở giữa gà và lợn người ta đặt một số đồ lễ khác gồm có: 1 bát nước lã, 5 xiên thịt nướng (sẽ được bày khi cúng đồ chín), 1 nhúm muối trắng, 5 hình ngựa được cắt bằng giấy bản (giấy rơm, thường được người Thu Lao sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng để cắt hình nhân, tiền âm).Đàn cúng tại cây mẹ cũng được bày biện như đàn cúng tại cây bố, chỉ khác là ở chỗ bầy thịt lợn, người ta sẽ bày vào đó một trong hai miếng nửa thân trước của con lợn.
Bày lễ xong, các thầy mo bắt đầu tiến hành cúng. Thầy mo chính cúng ở cây bố, thầy mo phụ cúng ở cây mẹ. Cả hai thầy mo đều cúng cùng một thời điểm. Khi cúng, các thầy mo không nói to mà chỉ lẩm nhẩm trong miệng. Mở đầu, các thầy mo châm ba nén hương vào ống hương rồi khấn gọi tên vị thần được thờ cúng ở rừng cấm như sau:
Chủ quản thôn.
Chủ quản nước.
Chủ râu trắng.
Chủ quản thôn.
Vua quản nước.
Chủ râu trắng.
(Trỳ ở) năm mươi gốc gianh.
(Trỳ ở) năm mươi lá gianh.
 
Sau đó, mỗi thầy mo lần lượt rót vài rọt rượu vào từng cái chén ở đàn lễ của mình rồi khấn mời thần linh:
Bày bàn mời thần ăn.
Bày ghế mời thần ngồi.
Một trăm ngày ngày này tốt.
Ngày này đã chọn.
Cho năm ngựa đi mời.
Ba nén hương người Hán đi mời.
Năm sấp giấy (tiền âm) của thầy cúng đi mời.
Ở tận phương Tây, phương Nam.
Đi mời đến tận phương Tây, phương Nam.
Ở tận phương Đông, phương Bắc.
Đi mời đến tận phương Đông, phương Bắc.
Ở đến miền trung tâm.
Đi mời đến miền trung tâm.
Ở qua chín tầng mây.
Đi mời tận chín tầng mây.
Ở qua chín ngọn núi.
Đi mời tận chín ngọn núi.
Ở qua chín ngọn đồi.
Đi mời tận chín ngọn đồi.
Ở dưới bầu trời sao.
Đi mời tận dưới bầu trời sao.
Ở tận dưới ngôi sao.
Đi mời tận dưới ngôi sao.
Ở cùng với tiếng sấm.
Đi mời tận tới tiếng sấm.
Ở cùng với tia sét.
Đi mời tận tới tia sét.
Ở tận chỗ mặt trời, mặt trăng.
Đi mời tận chỗ mặt trời, mặt trăng.
Ở đến miền mặt cao.
Đi mời đến miền mặt cao.
Ở chỗ nào đang ở.
Đi mời đến chỗ đang ở.
Hôm nay là ngày tốt.
Tháng này là tháng lành.
Ngày này đã được chọn.
Bày ghế mời thần ngồi.
Bày bàn mời thần ăn.
Đi mời về ngồi mặt bàn.
Bày nghế mời thần ngồi.
Bày bàn mời thần ăn.
Uống rượu không uống không.
Uống rượu không uống rỗi.
Bảo vệ người La Hừ cho tốt, cho lành.
 
Sau khi khấn xong bài khấn cúng đồ sống, các thầy mo ra hiệu cho đám người phụ giúp mang lợn gà đi mổ, làm chín. Trong lúc các thầy mo nghỉ ngơi, những người có trách nhiệm làm công tác hậu cần sẽ mổ lợn, thịt gà. Xong xuôi, các thầy mo sẽ bầy lễ lên đàn cúng. Bày đồ lễ xong, thầy mo đọc tiếp bài cúng với nội dung lặp lại như đoạn cúng đồ sống. Khấn xong, thầy mo bước lên đàn lễ lấy rượu vẩy ra xung quanh gốc cây và đàn lễ rồi cầm đũa chỉ vào từng món lễ vật trên đàn lễ. Chỉ đến đồ lễ nào, thầy mo sẽ xướng to tên lễ vật đó. Đồng bào quan niệm rằng, phải làm như thế thì thần rừng mới nhận được lễ vật.
- Tục ăn ước và cấm bản sau lễ cúng bản.
Khi hương cháy hết, các thầy mo hạ lễ đưa cho đám người phục vụ đi trần lại, chặt miếng nhỏ. Đám người khác thì trải lá chuối thành từng dãy dài. Thức ăn chặt/thái miếng xong sẽ được bày vào đó. Mọi người ngồi quây quần xung quanh. Trước bữa ăn, thầy mo chính xem bói xương gà (đầu gà và chân gà). Sau đó, hai thầy mo nâng chén lên ngang mặt, miệng lầm rầm khấn xin thần rừng cho phép mọi người thụ lộc của thần rồi cả hai thầy mo cùng uống cạn 2 chén. Sau đó, mọi người cùng nhau nâng chén chúc mừng buổi lễ thành công.
Sau vài chén rượu, thầy mo chính (người trông nom rừng cấm) sẽ nhắc nhở mọi người những quy ước của thôn về việc bảo vệ rừng thiêng như cấm chặt cây, cấm chăn thả gia súc, gia cầm, cấm lấy củi khô trong rừng cầm. Người/nhà nào vi phạm sẽ bị phạt một con gà, một lít rượu. Đồng thời, thầy mo chính cũng nhắc nhở mọi thành viên trong thôn tuân thủ những quy định của tổ tiên trong ba ngày cấm bang như sau:
Mọi người trong thôn không được ai đi làm bất kể việc gì, không được vác dao, vác cuốc ra đồng, không được lấy củi trong rừng, kiêng không chặt cây bẻ cành ở trong rừng. Hết ba ngày kiêng kỵ đó mọi người lại quay lại các công việc thường ngày. Nếu người nào vi phạm những quy định đó làm cho năm đó trong làng xảy ra dịch bệnh hay mất mùa, gặp những điều không may mắn, thì chính bản thân người đó cũng bị thần rừng trách phạt, ốm đau chữa không khỏi, nếu ốm nặng có thể bị chết, phải mời thầy cúng về giải tội, và đồng thời người đó cũng bị dân làng bắt nộp phạt. Người bị tội chỉ phải chuẩn bị một cái lễ làm lại lý cúng thần rừng gồm có một con lợn từ 10 kg trở lên, một con gà, rượu hương, mời thầy cúng vào rừng cấm, đặt lễ vật nơi gốc cây cúng thần rừng, thầy cúng sẽ cúng mời thần rừng về chứng kiến, giải tội cho người vi phạm điều cấm kỵ.
Nhắc nhở xong, hai ông thầy mo lại nâng chén mời mọi người cùng cạn. Không khí bữa ăn cộng cảm vui vẻ. Mọi người vừa ăn uống vừa chúc tụng nhau những điều tốt đẹp trong lao động, cuộc sống, sức khoẻ… Giữa tiệc hội, thầy mo dõng dạc thông báo những điều hay, điềm gở của thôn thông qua đầu gà, chân gà để phòng tránh, cầu chúc cho toàn thôn yên vui, nhà nhà bội thu.
Cuối bữa rượu, thầy mo chính buộc 2, đến 4  chân gà đi đến từng chỗ ngồi của bốn người do người dân cử ra, đưa chân gà  cho bốn người 耀 ó, người được chọn thường là đàn ông trung tuổi, khoẻ mạnh, hiểu biết về lễ nghi phong tục của làng, gia đình của bốn người này phải không có tang, không có trâu bò, lợn gà chết…  Khi nhận chân gà bốn người này có trách nhiệm chuẩn bị tất cả đồ lễ cúng cho năm sau. Tàn cuộc rượu, mọi người ra về nhưng không ai quên dành một phần thức ăn về cho gia đình cùng vui hưởng lộc của thần rừng. Lộc của mỗi người đều có ít thịt gà, ít thịt lợn, ít nội tạng lợn. Sau đó, nhà nào cũng làm các loại bánh trái như bánh khúc, bánh dày, bánh chưng chay (nhân đỗ + muối, không có thịt), mổ gà cúng Tổ tiên. Và cũng từ ngày đó người ta chơi trong ba ngày. Trước kia, trong ba ngày này, các thôn bản người Thu Lao đều thực hiện cấm bản (nội bất xuất, ngoại bất nhập). Trong ba ngày này, nam nữ thanh niên, trẻ em trai gái đều diện những bộ quần áo mới lộng lẫy tham dự các trò chơi truyền thống như ném còn, đu quay, đánh quay, đánh én…
Lễ hội cúng rừng cấm bang ngoài ý nghĩa cầu mong cho sự bình yên, sung túc của các gia đình trong thôn còn có tác dụng góp phần gìn giữ môi trường sinh thái, khuyến khích công tác bảo vệ rừng.
Đây là một nghi lễ liên quan đến nông nghiệp của người Thu Lao. Vào tháng chín âm lịch. Khi lúa đã chín, công việc thu hoạch được hoàn tất, các gia đình tổ chức cúng cơm mới. Trước khi cúng cơm mới vào ngày mồng chín tháng chín âm lịch, người Thu Lao đem một lúa mới đem giã lấy gạo làm cơm cúng. Lễ vật phải chuẩn bị trong ngày đó gồm có: Một con gà (hoặc thịt lợn), cơm (cơm được nấu bằng gạo mới), rượu, hương, giấy bản...
Lễ vật được chuẩn bị và bày trên mâm cúng trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và bát hương “thu tỉ” rồi khấn với nội dung đại ý: “Hôm nay ngày mồng chín tháng chín, gia đình con cháu đã thu hoạch xong vụ lúa mới, nên làm cơm rượu, thịt mời tổ tiên ba đời về nhận và hưởng cơm gạo mới rồi phù hộ cho gia đình con cháu làm ăn khấm khá, gieo trồng thu được nhiều lúa ngô...”. Khấn xong, chủ nhà cầm chai rượu rót lần lượt vào các chén rồi lấy giấy bản để đốt cho tổ tiên nhận. Với lễ cúng cơm mới này là một nghi lễ rất quan trọng đối với đời sống của người Thu Lao, có ý nghĩa cầu mùa và đáp ứng về mặt tâm linh sâu sắc.
8. Văn Học Dân Gian.
Người Thu Lao có kho tàng văn học dân gian phong phú đa dạng. Về truyện cổ dân gian đã sưu tầm được 25 câu truyện với nhiều nội dung kể về những nhân vật có trong cuộc sống đời thường như anh chàng mồ côi, những kẻ nghèo khó…. Đặc biệt là câu truyện kể về nguồn gốc của phong tục làm quan tài cho người chết, sự tích hàm trâu, sự tích bảy sắc cầu vồng…. Câu truyện mang nội dung răn đe, giáo dục lối sống của con người, sống sao cho trọn đạo hiếu với cha mẹ, giữ tình đoàn kết anh em trong dòng tộc, nếu ai vi phạm tất sẽ bị trời trừng phạt như câu chuyện: chia tài sản, người bác tham lam…
Về thơ ca dân gian:
Chúng tôi đã sưu tầm được 35 bài hát dân ca với nhiều nội dung phong phú nhưng đáng kể nhất vẫn là các bài hát giao duyên nam nữ. Cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác, người Thu Lao có kho tàng dân ca phong phú, mỗi dịp có khách đến làng trai gái tụ tập tại gia đình mà người khách nghỉ lại tổ chức hát hò thâu đêm. Đầu tiên là hát bài xin phép già làng, bài thứ hai là xin phép chủ nhà, bài thứ ba là cầu hát - mời khách hát nhằm khiêu khích thúc giục nếu khách còn ngại ngần chưa hát.
Khi còn những người khách khác chưa hát thì thanh niên trong làng sẽ  hát tiếp bài “kháo sui” để mời hát. Cô gái sẽ hát đáp lại bài cầu hát thứ ba sau đấy thì sẽ hát giao duyên. Chỉ có một người hát với một người chứ không có người đứng ra làm chủ cầm càng. Những người không có bạn cùng hát thì sẽ hát đối đáp với những người khác.
Trong đám cưới cũng có hát đối đáp, hát giao duyên. Chủ nhà trai sẽ nhờ những người biết để hát đối lại những người đưa dâu do nhà gái nhờ. Tuỳ tầm tuổi mà chọn người hát cùng nhau. Nhưng nhà trai phải nhờ một vài người xuất sắc hát giỏi để hát xin đón dâu. Và phải là người giỏi ứng phó trong mọi hoàn cảnh đều hát đối đáp lại được với bên gái thì nhà gái mới đồng ý cho đón dâu. Khi uống rượu dân tộc Thu Lao cũng giống như các dân tộc khác có bài hát mời rượu. Có bài hát chúc phúc cho cô dâu chú rể sống hạnh phúc trăm năm. Bài hát cảm ơn bố mẹ nuôi con khôn lớn trưởng thành, lập gia đình mới cho con. Có bài hát cảm ơn họ hàng, người thân đến chia vui với gia đình đôi trẻ. Đại diện gia đình bê khay rượu mời khách uống và ý tứ nhờ họ hàng giúp đôi trẻ ít vốn làm ăn. Khách uống rượu sẽ hát một bài rồi để tiền vào khay với ý nghĩa là mừng đôi trẻ. Đại diện chủ nhà sẽ hát đối lại có tình có lý với khách. Có trường hợp chủ nhà gặp khách cao thủ hát hay không hát đối lại được phải uống rượu phạt và ngại không dám nhận tiền mừng của khách.
9. Tri Thức Dân Dian
Tri thức dân gian trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên thể hiện qua các hình thức canh tác (bao gồm các công cụ làm nương, ruộng nước phù hợp với điều kiện tự nhiên hơn nữa còn bảo vệ được nguồn tài nguyên đó không khai thác triệt để hay làm thay đổi bản chất của tài nguyên đất và nước), khai thác các sản vật từ rừng có chọn lọc. Tất cả các hình thức khai thác sản vật đều phải tuân theo hương ước của thôn đã đặt ra, cũng như việc chấp hành đúng các quy định về nộp phạt khi vi phạm. Ý thức bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng còn phản ánh đậm nét trong lễ hội cúng rừng của người Thu Lao. Đây là lễ hội duy nhất của cộng đồng người Thu Lao cho nên nó mang đậm yếu tố linh thiêng cũng như tính cố kết cộng đồng.
  Chăm sóc sức khoẻ về mặt tâm lý và tinh thần luôn là yếu tố quan trọng và được người Thu Lao đặt lên hàng đầu. Trong quá trình sưu tầm và tìm hiểu về văn hoá dân gian Thu Lao đã chứng mình điều trên bằng việc ghi chép được hơn 30 bài cúng các loại ma theo quan niệm của họ. Từ ma ở ngoài nhà đến ma trong nhà như bà mụ, ma cửa…. Bên cạnh đó thì việc chữa bệnh bằng các vị thuốc nam do chính các thầy thuốc trong thôn bản chữa trị cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân.
Với các vị thuốc nam các loại cây thuốc thường được lấy trong các khu rừng già, rừng cấm hay được hái ngay xung quanh nhà, cũng có một số cây thuốc quý được người dân mang về trồng trong vườn nhà mình. Hệ thống thực vật hiện tại không còn phong phú đa dạng, chủ yếu là rừng trồng, rừng tái sinh do vậy việc hái cây thuốc cũng gặp rất nhiều khó khăn phải đi tìm, có khi phải hái trong rừng cấm vì  đi lấy cây thuốc nên thường là không bị cấm. Như vậy địa bàn sống của họ là nguồn cung cấp nguồn nguyên liệu chính các loại thuốc quan trọng và hiệu quả. Họ có thể tự lấy cây thuốc tự chữa bệnh nhanh chóng và công hiệu. Đối với họ các vị thuốc nam là những loại thuốc quan trọng chữa hầu hết các loại bệnh mà họ gặp phải. Đã sưu tầm được hơn 30 bài thuốc dân gian dùng phổ biến trong cộng động chữa các bệnh thường gặp của người như: gãy chân, rắn cắn, đau dạ dày, lở loét, trẻ em ốm…. Người Thu Lao còn chú trọng đến việc chăm sóc sức khoẻ cho các con vật nuôi trong gia đình nên cũng có nhiều bài thuốc chữa trị các loại bệnh cho trâu, ngựa…
10. Ẩm Thực.
Người Thu Lao có rất nhiều các món ăn được chế biến từ lương thực, thực phẩm cũng như từ nguyên liệu thực vật. Đã sưu tầm được 12 món ăn chế biến từ nguyên liệu thực vật như: đậu phụ, giá đỗ xào, hoa chuối xào, dưa muối, các món chế biến từ măng…. Trong đám cưới của người Thu Lao mâm cỗ bao giờ cũng phải bày đủ 8 món. Đã sưu tầm được 30 món ăn chế biến từ các nguồn thực phẩm như: thịt, cá, trứng… trong đó có các món ăn rất đặc trưng đó là: canh gà nấu gừng, các món ăn từ các nhuyễn thể như: ong, mối…
Các món ăn rất đa dạng có món ăn trong ngày thường và các món ăn mang tính chất nghi lễ như món ăn trong đám cưới, tang ma và lễ hội. Cũng giống như nhiều dân tộc khác đồ uống chủ yếu của người Thu Lao trong các ngày lễ tết hội là rượu, đồ hút có thuốc lào. Rượu chủ yếu là rượu ngô và rượu sắn, ngày nay có thêm rượu gạo.
 
Người Thu Lao ở Lào Cai, tuy là một dân tộc ít người, phạm vi cư trú lại nhỏ hẹp, đan xen với các dân tộc khác nhưng kho tàng văn hoá dân gian của họ không vì thế mà thiếu sự đa dạng phong phú, ngược lại trong quá trình cư trú và phát triển người Thu lao đã tạo dựng được những nét bản sắc văn hoá riêng biệt rất độc đáo làm nổi bật lên cái riêng của dân tộc mình. Cho đến nay, người Thu Lao vẫn được biết đến với một dân tộc độc lập ít bị ảnh hưởng hay mai một những phong tục tập quán, bản sắc văn hoá tộc người, trong tất cả các tập tục, nghi lễ như cưới xin, ma chay, dựng nhà mới… hay trong lễ tết hội như tết nguyên đán, tết cơm mới, lễ cúng rừng, cúng giải hạn… hầu như vẫn còn giữ được những nét văn hóa cổ truyền.
Tuy nhiên trong xu thế phát triển nền kinh tế thị trường thâm nhập vào tất các các ngõ ngách làng bản, thôn xóm đang chịu sự tác động của nền kinh tế hàng hoá một cách mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ mai một rất lớn cần có những cuộc nghiên cứu để nắm bắt được thực trạng văn hoá của người Thu Lao có có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Thu Lao. Đặc biệt là những tri thức dân gian trong việc  bảo vệ rừng, nguồn nước của người Thu Lao; tri thức về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng; tri thức của các nghề thủ công truyền thống.... cần sớm được bảo tồn và phát huy trở thành tài sản quý của tộc người.
* Biên Khảo Huỳnh Tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét