Chuyện quốc hữu hóa Dinh "Vua Mèo" không
chỉ đáng quan tâm vì lối hành xử xảo trá của hệ thống công quyền Việt Nam. Đó là con
đường ngắn nhất để đẩy khu vực rừng núi phía Bắc – tiếp giáp với Trung Quốc đến
chỗ bất ổn. Khó có thể tìm ra cách nào nối giáo cho giặc khéo hơn.
*
* *
Mãi đến bữa nay, báo giới Việt Nam mới tiết lộ sự
kiện ông Vương Duy Bảo, người nối dõi "Vua Mèo" Vương Chính Đức,
đề nghị chính phủ Việt Nam hoàn trả dinh "Vua Mèo".
Dinh "Vua Mèo" hay Dinh họ Vương, hoặc
Nhà Vương tọa lạc ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Việc xây dựng
biệt dinh nằm trong khuôn viên có diện tích chừng 3.000 mét vuông này diễn ra
trong chín năm (1919-1928) với chi phí khoảng 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương,
nếu qui đổi theo giá trị đồng Việt Nam hiện nay thì phải vài trăm tỉ đồng.
Theo trình bày của ông Vương Chí Bảo thì Dinh
"Vua Mèo" được chính quyền Việt Nam lẳng lặng đưa vào danh sách
"di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia" năm 1993, đến năm 2002,
gia tộc của ông mới được thông báo về quyết định ấy, kèm yêu cầu tất cả các
thành viên trong gia tộc phải rời khỏi dinh để các cơ quan hữu trách
"trùng tu dinh thành bảo tàng". Gần đây, gia tộc "Vua Mèo"
phát giác, chính quyền tỉnh Hà Giang đã cấp cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện
Đồng Văn quyền sử dụng toàn bộ đất thuộc khuôn viên của Dinh "Vua Mèo”.
Khi trò chuyện với Ban Việt ngữ Đài VOA, một số
luật sư tại Việt Nam khẳng định, chưa rõ vô tình hay hữu ý, động tác "quốc
hữu hóa" Dinh "Vua Mèo" vi phạm nhiều qui định luật pháp hiện
hành (1). Bình phẩm về sự kiện vừa kể, giới bình dân gọi chuỗi động tác bất
thường, kỳ quặc đó là bất nhân, bất nghĩa, bất tín. Còn nếu đặt sự kiện bên
cạnh lịch sử, yếu tố địa chính trị, bối cảnh Việt Nam lúc này thì động tác "quốc
hữu hóa" Dinh "Vua Mèo" là bất trí, hủy diệt khối đại đoàn kết
tòan dân, nối giáo cho giặc.
*
* *
Mèo là một trong những tên mà người ta dùng để gọi
sắc tộc Hmong (H’mông). Tuy vẫn bị xem là thiểu số nhưng H'mong là sắc tộc
thiểu số đông đúc nhất. Người H'mong có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng. Ở châu
Á, người H'mong quần cư thành những cộng đồng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc,
Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện. Bên ngoài châu Á, người H'mong còn có những
cộng đồng lớn khác quần cư ở Pháp, Úc, Hoa Kỳ… Nghiên cứu của các chuyên gia
trong lĩnh vực khoa học xã hội ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam chỉ ra một trong
những đặc điểm đáng chú ý của người H'mong là bất kể cư trú ở đâu, các cộng
đồng H'mong vẫn duy trì quan hệ với nhau ở góc độ đồng bào và tất nhiên là luôn
dành cho nhau sự hỗ trợ nhất định.
Trong lịch sử, người H'mong đã từng có lãnh thổ
riêng, tồn tại như những vương quốc độc lập ở những vùng nay thuộc Trung Quốc,
Việt Nam, Lào (2). Tại Việt Nam, ở giai đoạn hậu kỳ của lịch sử cận đại,
"Vua Mèo" là người đứng đầu vương quốc bao gồm toàn bộ vùng rừng, núi
phía Bắc Việt Nam (Đông Bắc, cực Bắc, Tây Bắc), tùy tình hình mà hòa hay chiến
với cả triều đình nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp tại Đông
Dương, Trung Hoa Dân Quốc (3).
Nếu vương quốc H'mong ở khu vực biên giới phía Bắc
Việt Nam không đủ cả thế lẫn lực, chắc chắn, triều đình nhà Nguyễn chẳng sắc
phong "Vua Mèo" làm Bang Tá trấn ải, chính quyền bảo hộ của thực dân
Pháp tại Đông Dương cũng chẳng thèm ký hòa ước với "Vua Mèo". Cuối
Thế chiến thứ hai, sau khi phát xít Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ của thực dân
Pháp tại Đông Dương, "Vua Mèo" vừa đánh, vừa đàm rồi cuối cùng ký một
hòa ước với Nhật để rảnh tay chặn Tập đoàn quân Vân Nam của Trung Hoa Dân Quốc,
lấy danh nghĩa Đồng minh, tràn qua biên giới phía Bắc, vào Việt Nam "giải
giáp phát xít Nhật"… Đáng lưu ý nếu không có "Vua Mèo", có thể
khu vực Hà Giang đã bị Hán hóa từ thập niên 1930 (4).
Năm 1945, "Vua Mèo" ủng hộ chính phủ Việt
Minh 22 vạn đồng bạc trắng Đông Dương và chín ký vàng. Không phải tự nhiên mà
ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Dân chủ Công hòa, kết nghĩa huynh
đệ với Vương Chí Thành (con trai và lúc đó được xem là người sẽ kế vị "Vua
Mèo" Vương Chính Đức). Năm 1947, "Vua Mèo" Vương Chính Đức đề
nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử người tiếp quản Vương quốc. Năm
1956, ông Vương Chí Thành đề nghị giao vai trò Chủ tịch khu vực biên giới phía
Bắc cho người của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
So với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, rõ ràng chính
quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam may mắn hơn nhiều vì cộng đồng H'mong cư trú tại Việt Nam giàu
thiện ý hơn. Vương quốc H'mong ở Lào với những thủ lĩnh như Vàng Pao đã khuấy
động, gây bất ổn cho Lào trong nhiều thập niên.
Có một điểm cần lưu ý là dẫu rất kiên định với
chính sách "một Trung Quốc" nhưng cho đến giờ này, chính quyền Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn để cộng đồng H"mong tại Trung Quốc tham gia
điều hành sáu Khu Tự trị (ba ở Quý Châu, một ở Hồ Nam, một ở Hồ Bắc, một ở Vân
Nam), cùng với một vài sắc tộc thiểu số khác (Đồng, Bố Y, Thổ Gia, Choang),
chưa kể 23 huyện hoàn toàn do người H'mong tự trị. Không ít Khu Tự trị, Huyện
Tự trị của người H'mong cư trú tại Trung Quốc liền kề với nơi cư trú của cộng
đồng người H'mong tại Việt Nam.
*
* *
Cho đến giờ, chuyện giành quyền quản lý Dinh Vua
Mèo như một "di tích kiến trúc
nghệ thuật cấp quốc gia", giao quyền quản
lý – sử dụng đất vốn là khuôn viên của dinh cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện
Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chưa đem lại lợi ích nào cụ thể. Chỉ có thể đoan chắc
tất cả những hành động ấy đã gây bất bình sâu rộng không chỉ trong gia tộc họ
Vương – dòng dõi vua Mèo mà còn tạo ra những tác động nguy hại tới tâm tư, tình
cảm của cộng đồng người H'mong cư trú tại Việt Nam.
Mục "Dinh thự họ Vương" trên Wikipedia
phản ánh khá cặn kẽ những bất thường về chuỗi hành động bất nhân, bất nghĩa,
bất tín đó và chưa rõ những ai soạn nội dung mục từ này nhưng nó phản ánh tâm
trạng bất bình của những người biết chuyện, bất kể họ thuộc dân tộc nào (5).
Việc tước bỏ quyền sở hữu Dinh Vua Mèo chắc chắn không chỉ gây oán giận cho gia
tộc họ Vương vì bị cưỡng đoạt tài sản, ai dám bảo chuỗi hành động vừa kể không
gây tổn thương cho cộng đồng người H'mong cư trú tại Việt Nam khi biểu tượng
luôn khiến họ tự hào về lịch sử dân tộc của mình bị đổi chủ một cách bất lương,
thiếu tôn trọng họ?
Cuộc sống của dân chúng thuộc các sắc tộc thiểu số
ở khu vực Đông Bắc, cực Bắc, Tây Bắc Việt Nam vẫn dưới mức nghèo khổ. Các viên
chức đại diện hệ thống công quyền Việt Nam ở khu vực này thì càng ngày càng xa
hoa. Những gia tộc thuộc sắc tộc này, chia nhau trị dân các sắc tộc khác một
cách thô bạo như trường hợp gia tộc Triệu Đức Thanh-Triệu Tài Vinh (người sắc
tộc Dao) ở Hà Giang, cộng thêm với những nỗ lực bất trí như "quốc hữu hóa"
Dinh "Vua Mèo", chẳng lẽ chẳng ảnh hưởng chút nào đến nhân tâm ở "phên
giậu phía Bắc" của Việt Nam?
Đáng ngạc nhiên khi hệ thống công quyền Việt Nam sợ
người thiểu số ký thác niềm tin nơi Thiên Chúa giáo sẽ gây bất ổn chính trị nên
ngăn chặn, tìm đủ cách, kể cả áp dụng những phương thức hết sức thô bạo để
cưỡng bức dân chúng thuộc các sắc tộc thiểu số từ bỏ đức tin song lại chẳng âu
lo chút nào về nguy cơ họ bị kích động đòi tự trị, thành ra thản nhiên gieo rắc
mầm mống dẫn tới những tai họa thật sự cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Quốc hữu hóa
Dinh "Vua Mèo" là quá dại hay quá khéo? Dại như thế thì quá lạ, đáng
ngờ. ngược lại, còn cách nào khéo hơn để nối giáo cho giặc?
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét