Gia Lai -
Hàng năm, cứ đến dịp Tết đến xuân về, người đồng bào Jrai ở tỉnh Gia Lai lại
lên rừng hái lá cây về nấu rượu cần - một đặc sản mang hương vị núi
rừng Tây Nguyên từ nghìn đời nay.
Bà
Nay H' Lơm (50 tuổi, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) cho hay, rượu cần được người
dân xem là nước thiêng của Yàng (Trời), không thể thiếu trong không gian văn
hóa của dân tộc bản địa. Việc nấu rượu cần rất kỳ công, qua nhiều giai đoạn và
được chuẩn bị bởi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đôn hậu, chịu khó.
Cuối tháng 12, phụ nữ ở làng
mang gùi trên lưng đi bộ vào rừng từ mờ sáng để kiếm tìm các loại lá, rễ cây
như: Hiam, pơnoc, oach, hang, jũ... Chỉ có người bản địa mới nhìn thấy,
phân biệt được các loại lá, rễ đặc biệt này. Sau khi mang về nhà phơi khô, rửa
sạch, các loại rễ sẽ được xay nhiễm, trộn đều với than lửa, ớt, củ riềng, củ
gừng, muối để tạo thành men rượu cần đặc trưng.
“Mỗi mùa thu hoạch gạo, bắp bà
con phơi khô trên giàn bếp, sau đó đưa xuống trộn đều với men rượu để ngâm ủ.
Phía trên nắp bình rượu cần có dùng lá chuối, lá rừng đậy lại, sau thời gian
hơn một tháng sẽ thành rượu, ngâm lâu hơn thì rượu cần càng nồng và thơm” - bà
Nay H’Lơm chia sẻ.
Người đồng bào Jrai làm rượu
cần quanh năm nhưng làm nhiều nhất là vào thời điểm cuối năm, khi có nhiều ngày
trọng đại như lễ cúng lúa mới, lễ cúng giọt nước, lễ hội đâm trâu…Bên chén rượu
cần ngày xuân, dân làng chúc nhau sức khỏe, năm mới mưa thuận gió hòa và mùa
màng bội thu.
Già làng Nay Hriu (huyện Phú
Thiện) cho hay: “Rượu cần là nét văn hóa bản địa, mang tính cộng đồng, vì thế
khi mở rượu cần, người ta không uống một mình mà nhiều người thân trong gia
đình, hàng xóm, trưởng bản cùng quây quần uống bên nhau giữa nhà. Uống rượu cần cũng không nhất thiết phải phân biệt nam
nữ, tuổi tác, địa vị. Mọi người hòa đồng cùng nhau để thưởng thức đủ mùi vị
cay, ngọt, đắng… trong hơi men núi rừng”.
Rượu cần thực thụ của người Tây Nguyên phải do chính bàn tay người dân bản địa làm ra, với công thức được họ nắm giữ từ lâu đời. Việc tìm lá, rễ cây đặc biệt khó nên rượu cần làm ra không nhiều, chỉ đủ phục vụ hội hè, đình đám ở buôn làng. Nhiều sản phẩm rượu cần Tây Nguyên hiện nay được bày bán ở ngoài thị trường nhưng rất khó chứng minh được chất lượng sản phẩm và hương vị như rượu chính thống của người đồng bào làm ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét