THI CA DÂN TỘC KHƠME HỘI KÍN VỀ SEN HỒNG NỞ. * Biên Khảo Huỳnh Tâm.

Đời xửa đời xưa
Đất nước ta rộng lớn vô chừng,
Có chùa vàng, cá bạc nước Mê Kông,
Có rừng cây cao chạy dài xanh ngắt,
Ruộng đất ta rộng lớn thênh thang
Trời đo không bao giờ hết được,
Chim may mỏi cánh chết mất hàng đàn,
Ngựa chạy mau dù vạn khúc sông
Cũng chưa giáp nửa vòng ruộng đất.
Gạo trắng quê ta tìm đâu không có
Muối mặn quê ta ở khắp mọi miền,
Cá ngọt quê ta, hoa quả trên cành
Không có nơi nào giàu như vậy,
Không người đâu làm lụng giỏi hai tay,
Không người phương nào trồng bông dệt vải
Giỏi như cô gái Khơme
Mắt cô gái trong như nước dừa Xiêm,
Môi tròn trịa như miếng đường thốt nốt,
Trai Khơme mạnh như sóng ngoài khơi
Đủ sức bắt trời cao trói lại.
Tay con gái đêm đêm quay sợi,
Ngồi xa nghe như nước chảy qua cầu,
Sợi chỉ dài kéo mãi lên cao
Nối trời đất chung quanh trong một sải,
Đầu trên, cột cẳng ông trời kéo lại,
Đầu dưới, bắc thẳng một chiếc cầu dài,
Cho trai gái lên Niết Bàn xem hội,
Kéo chỉ thật nhiều dệt xà rông sặc sỡ
Cho người yêu đi lễ chùa xa,
Cho cha mẹ đi lễ chùa gần;
Bán lấy tiền mua trầu cho mẹ,
Mua thuốc lá cho cha,
Mua cho chồng đôi guốc,
Mua chiếc gương tròn bầu bĩnh xinh xinh
Đằng sau có hình cô Ba,
Đằng trước có hình mình,
Nhìn lại nhìn qua giống nhau như hệt...
Đó là chuyện đời xưa đòi xửa
Chớ còn bây giờ,
Chớ còn bây giờ,
Làng tôi nghèo từ xóm trên đầu dưới,
Làng tôi đói từ xóm dưới đầu trên,
Một trăm thứ thuế, một vạn khó nghèo
Do địa chủ giàu có trong xã,
Do Tây trắng ngoài ngõ ở xa
Qua đây hút máu dân ta hiền lành.
Ruộng dân nó lấy, lúa chùa nó giựt,
Không còn cơm cúng sãi,
Không còn cá dưới ao,
Không còn ra ngoài ngõ.
Bụi sả chúng nhổ, bụi gừng chúng bưng,
Măng tre chưa cao chúng đem dao chặt,
Chỉ chưa kéo chúng cũng lấy ngang;
Chim trên trời không bắt được con nào,
Cá dưới nước không còn một con câu được
Người trai trẻ không giữ trâu phát rẫy
Mà phải lên đồn cầm súng gác canh;
Con gái lớn không dám ra đường,
Tây gặp phải không tài nào chạy được.
Nó hành nó hạ trăm chiều khổ nhục
Khi tha về còn có chết mà thôi...
...
Tây trắng đến từ mùa sen năm trước
Đóng đồn cao trên xóm, treo cờ dài,
Qua mùa sen nở năm sau
Đồn Tây trắng bị dân đốt cháy,
Cuối làng tôi có một đám rừng,
Cây chi chít không ai đếm xuể,
Nơi đó có hai người dân Khơme
Được vào "Hội kín" từ lâu lắm,
Về đây xốc nách người nghèo đứng dậy,
Về đây phải nói, nói nhiều
Một lời nói mà ngàn người đứng thẳng
Hiên ngang như cây pô lớn sau chùa;
Về đây gọi dân Khơme mài lưỡi phảng
Chờ Tây vào thì toàn thể ra chùa
Bao vây chúng lại, chặt hai cái đầu;
Một cái vì chúng đốt chùa, giựt lúa,
Một cái vì chúng hiếp gái, bắn người.
Hai anh về đây đoàn kết mọi nhà.
Giữ gìn làng xóm, trâu bò ngoài ngõ,
Trong rừng cây có nhiều bầy ong mật
Ở đây nhiều người muốn làm con ong,
Cùng một tổ thì tha hồ mà sướng.
*   *   *
Nhưng yên ổn mới được một mùa mưa,
Tây trắng nói: đất của người Khơme
Địa chủ nói: lúa của người Khơme
Mêkhum[1] nói: ruộng của người Khơme
Bị người Việt dụ dỗ giựt hết,
Trống trên chùa, Tây đánh inh ỏi,
Tù và địa chủ thổi inh ỏi,
Cả sóc Khơme lội qua sông
Đánh người Việt lấy đất đai lại
Theo lời nói ngọt của Tây, địa chủ.
Nhưng Tây to tiếng thì Tây chết,
Địa chủ to tiếng thì địa chủ chết,
Vì người Khơme, người Việt là một.
Sông có nước, chim trời có tổ
Người Khơme có "Hội kín" dẫn đầu,
Nghe lời "Hội kín" là hay hơn cả.
Vả lại Phật không một chút vừa ý,
Sư sãi không một chút hằng lòng,
Người Khơme không đồng tình mảy may.
Chỉ tại Tây trắng mũi trâu ở xa tới,
Cùng địa chủ ở gần xúi giục;
Miệng chúng độc như rắn hổ lửa,
Bụng chúng ác như diều hâu bắt gà.
Bây giờ mọi người biết là tại bọn chúng;
Không có "Hội kín" còn giết nhau nữa,
Không có "Hội kín" chết hết Khơme lẫn Việt,
Người Khơme liệng phảng xuống sông,
Người Việt cho mượn xuồng bơi về.
Cho luôn thúng lúa, con gà mái,
Nhổ bụi ngải sau vườn gửi cho theo
Đem về mà dịt vết thương trên trán.
Người "Hội kín" của Khơme và Việt
Đi mỗi nhà nói chuyện Tây, địa chủ ác,
Xí xoá hiểm khích vì là một nhà,
Trai Việt sang sóc Khơme lấy vợ,
Gái Khơme sang làng Việt lấy chồng;
Người "Hội kín" bắc cầu cho hai làng qua lại.
Bây giờ là lúc mùa sen nở,
Ruộng lúa chín vàng, cò bay mỏi cánh;
Đầm sen có một đóa sen hồng
Nhưng quanh đó còn biết bao sen trắng nở.
Sen nở làm cho tươi mới người gái đẹp,
Làm cho trai khỏe như sóng ngoài khơi,
Đủ sức đánh tan loài Tây trắng,
Sen nở mãi bên những người "Hội kín";
Như sóng ngoài khơi ầm ầm chuyển động,
Nhân dân Khơme theo "Hội kín" đi lên,
Vì "Hội kín" thơm như đóa sen hồng
Nở trong lòng người dân Khơme,
Nở bên bờ sông này mãi mãi...
* Biên Khảo Huỳnh Tâm.

[1] Mê khum: xã trưởng, người cầm đầu một xã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét